Với nhà văn Lê Phương Liên, kỷ niệm Trung thu mà bà nhớ mãi suốt đời là lần được gặp Bác Hồ tới vui Trung thu cùng thiếu nhi ở Cung Thiếu nhi Hà Nội. “Khi hòa bình lập lại, Bác về Hà Nội, dịp Tết Trung thu nào Bác Hồ cũng đi gặp thiếu nhi. Bác đã đến Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội-Ấu Trĩ viên-Cung Thiếu nhi hiện nay để dự Tết Trung thu với thiếu nhi Hà Nội. Tôi được biết đến Tết Trung thu đầu tiên trong cuộc đời chính là ở Cung Thiếu nhi Hà Nội, đúng vào ngày Bác Hồ đến dự” – nhà văn nhớ lại.Tết Trung Thu đầu tiên vào mùa thu năm 1945 đã được tổ chức long trọng ở Hồ Gươm, trung tâm thủ đô Hà Nội, có lễ hội rước đèn vòng quanh hồ, rất vui. Bà kể, khi đó, học trò toàn tự làm lấy các loại đèn để chơi, dưới sự hướng dẫn của các cô giáo. Trung thu năm 1961, năm có Anh hùng Yuri Gagarin bay vào vũ trụ, thiếu nhi đã làm đèn tên lửa dẫn đầu đoàn rước. Ngày đó, mọi thứ đồ chơi đều trở nên vô cùng hấp dẫn trong mắt trẻ thơ.
Phố Hàng Mã, địa chỉ quen thuộc mỗi dịp Trung thu của người dân Hà Nội. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Trong trí nhớ của nhà văn, mâm cỗ đẹp nhất là mâm cỗ được bày bên cạnh bể bơi của Cung Thiếu nhi. “Hồi đó, Cung Thiếu nhi vẫn còn một bể bơi lớn ở phía sau. Mâm cỗ Trung thu được bày trên bể bơi, bởi vì theo tục lệ xưa, ngắm trăng qua mặt nước là cách ngắm trăng đẹp nhất. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh mâm cỗ ấy”.
Hiệu bánh Tùng Hiên với hình cô tiên gẩy đàn. (Ảnh trong bộ sưu tập của nhà sử học Dương Trung Quốc) |
Còn đối với nhà sử học Dương Trung Quốc, gia đình ông sinh sống ở phố Hàng Đường-trung tâm của các hoạt động vào mùa Trung thu trong phố cổ, cho nên vào mỗi kỳ rằm tháng Tám, âm thanh quen thuộc nhất mà ông nhớ mãi, không phải tiếng trống ếch múa lân, mà là tiếng đập của những chiếc khuôn gỗ lên mặt bàn của những gia đình làm bánh. Nơi ông ở, có rất nhiều cửa hàng bánh, mỗi hàng lại có một kiểu quảng cáo bánh Trung thu rất riêng, độc đáo, thu hút ngay lập tức sự chú ý của người đi đường: Tùng Hiên có hình cô tiên gẩy đàn, Tràng An có hình Tarzan leo cây…
Các em nhỏ trước mâm cỗ Trung thu ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. (Ảnh: Bảo tàng cung cấp) |
Đối với nhà báo Vũ Tuyết Nhung, một chuyên gia ẩm thực, Trung thu trong ký ức của chị liên quan nhiều đến các món ăn và đồ bày cỗ. Cũng giống như nhà văn Lê Phương Liên, ấn tượng mạnh mẽ của nhà báo Vũ Tuyết Nhung là những lần đón Trung thu với mâm cỗ ở Cung Thiếu nhi: “Ấn tượng của tôi với các bạn nhỏ cùng trang lứa thời ấy thì không mâm cỗ trung thu nào vĩ đại và rực rỡ hơn mâm cỗ trung thu ở Ấu trĩ viên (Cung Thiếu nhi Hà Nội ngày nay), và cũng không đám rước đèn trông trăng nào đẹp hơn đám rước đèn xung quanh mâm cỗ trung thu Ấu trĩ viên. Tiếng trống vang vang, tiếng chân bước rộn rã, ánh đèn lung linh. Từng đoàn thiếu niên chủ yếu là con em các gia đình cán bộ mặc đồng phục xanh trắng, trên tay cầm đèn hoa, nét mặt vui tươi, vừa đi vòng tròn quanh mâm cỗ khổng lồ vừa hát vang những bài ca trung thu rộn ràng” – chị kể.
Bạn trẻ Hà Nội chụp ảnh cùng đèn ông sao ở phố Hàng Mã. (ẢNh: THÀNH ĐẠT) |
Còn ở nhà chị, mâm cỗ bầy ngay trên ban công tầng hai hướng ra phía sông Hồng, người lớn ngồi chờ trẻ con đi rước đèn về phá cỗ. Trong ký ức của chị, đêm phá cỗ là đêm đầm ấm nhất và tràn ngập niềm vui với cả gia đình.
Với nhà thơ Bảo Ngọc, ký ức về những mùa Trung thu của thế hệ 7x chưa bao giờ phai mờ. Sinh ra và lớn lên ở Khoái Châu, Hưng Yên, ấn tượng về Trung thu của chị là mâm cỗ trông trăng với những thức quà trong vườn nhà của mỗi gia đình trong xóm. Đèn ông sao được các cụ già ngả vài “tay tre” ra chẻ, vuốt và uốn khung, sau đó dán giấy màu.
“Thời ấy chúng tôi cũng không có đèn kéo quân, hay những chiếc đèn nhiều màu hấp dẫn như bây giờ. Nhưng chỉ cần nghe tiếng mấy chiếc trống con thì thùng khua lên rộn ràng ngõ xóm, đứa nào cũng háo hức tay cầm chiếc đèn nhỏ, mang theo xâu hạt bưởi đã phơi khô đi “dự hội”. Mâm cỗ trông trăng ở sân đình thuở ấy hay được bày trên chiếc mẹt to với mía, hồng, bưởi, na, thị… thậm chí có cả bánh đa, bánh rán. Mấy chiếc bánh nướng và bánh dẻo phải chia rất nhỏ mới đủ cho mỗi đứa được một miếng bé bằng ngón chân cái. Được tranh nhau phá cỗ, đứa trẻ nào cũng thích nhưng có lẽ những chiếc đèn phát sáng khi tí tách cháy bật ra những chùm sáng đẹp như chùm sao băng từ trên trời bay xuống mặt đất thường là phần mà chúng tôi mê nhất” – nhà thơ Bảo Ngọc nhớ lại.
Một ấn tượng nữa của nhà thơ Bảo Ngọc về Trung thu của tuổi thơ mình là những trò chơi ngoài sân đình sau khi phá cỗ xong như đuổi bắt, trốn tìm, dung dăng dung dẻ, đánh trận giả... Mệt rồi thì thi giải câu đố, kể chuyện, đến khi trăng lên cao, sương xuống mới ra về.
Trung thu trong ký ức là mùa Trung thu đẹp nhất. Trăng của tuổi thơ là trăng sáng nhất. Chính những mùa Trung thu đó đã theo mỗi người đi suốt cả cuộc đời, và truyền lại cho những thế hệ sau cảm xúc, tình yêu về Tết Trung thu, về những mùa trăng tháng Tám.