Những mô hình mới cho cây lúa ở An Giang

NDO -

NDĐT - Tại An Giang, dẫu chưa có những mô hình thực sự xuất sắc nhưng với sự liên kết triển khai hàng chục năm qua và kinh nghiệm phát triển thì mô hình liên kết cánh đồng lớn nâng cao thành chuỗi giá trị lúa gạo bền vững của Tập đoàn Lộc Trời, liên kết sản xuất lúa Nhật của Công ty TNHH Angimex Kitoku và vùng chuyên canh nếp Phú Tân là những cách làm hay đáng nhân rộng.

Đưa kỹ sư trẻ xuống ruộng với nông dân là cách làm hay mà Tập đoàn Lộc Trời hướng đến trong nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo.
Đưa kỹ sư trẻ xuống ruộng với nông dân là cách làm hay mà Tập đoàn Lộc Trời hướng đến trong nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo.

Trong bối cảnh cây lúa ĐBSCL đứng trước quá nhiều những thách thức, chúng ta buộc phải xem lại những mô hình phát triển nào thực sự bền vững cho cây lúa để giữ vững thế mạnh chủ lực. Đây là điều trăn trở của chính những nhà khoa học, nhà hoạch định chiến lược và chính bà con nông dân.

Với mô hình liên kết trồng lúa Nhật, từ năm 2000, Công ty TNHH Angimex Kitoku triển khai thực hiện hợp đồng tiêu thụ lúa Nhật với nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang. Tuy nhiên, việc liên kết lỏng lẻo thời gian đầu chưa thể thu hút nông dân tham gia tăng cường tính liên kết. Đến năm 2009, khi Hội Nông dân tỉnh An Giang chịu trách nhiệm chính trong xây dựng mô hình sản xuất lúa Nhật ở An Giang với hai đề án hợp tác sản xuất lúa Nhật giữa Hội nông dân cùng với Công ty thì diện tích tăng lên 800 ha/năm. Và từ đó đến nay, bình quân mỗi năm diện tích sản xuất lúa Nhật ở An Giang có từ 1.500 - 2.000 ha.

Việc ký kết này còn có sự gắn kết chặt chẽ hơn khi thành lập tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật, qua đó, ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn giữa nông dân và Công ty, bảo đảm nông dân lợi nhuận tăng cao trên 30% theo quyết định của Chính phủ.

Nông dân Nguyễn Văn Bình, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, An Giang cho biết, gia đình ông sản xuất 5 ha lúa hàng hóa, năm nào cũng vậy vào vụ thu hoạch là giá lúa hay sụt giảm, cộng với thương lái thu mua ép giá nên lãi rất thấp, thậm chí vụ không có lời. Nắm bắt được thông tin Công ty TNHH Angimex Kitoku triển khai thực hiện hợp đồng tiêu thụ lúa Nhật với nông dân trên địa bàn, ông đã đến tìm hiểu và thấy có lợi nên mạnh dạn đăng ký tham gia. Nhận thấy mô hình này hiệu quả hơn so với sản xuất lúa hàng hóa, từ vụ thứ hai ông Bình đã thuê thêm 15 ha đất để sản xuất lúa Nhật.

Trước đây, mô hình trồng lúa Nhật của Công ty TNHH Angimex Kitoku trực tiếp ký kết với nông dân, tuy nhiên chưa thu hút được nông dân tham gia nhiều. Vậy nên, để nâng cao hiệu quả kinh tế và chất lượng cho nguồn giống của mô hình, Hội Nông dân An Giang đã thành lập Ban Điều hành xây dựng mô hình liên kết hợp tác sản xuất lúa Nhật tại 5 huyện, thành phố với 27 xã thuộc phạm vi đề án. Tổng số hộ tham gia mô hình theo từng vùng đúng quy hoạch của tỉnh. Ban đầu, với mức duy trì từ 25 - 30 tổ hợp tác sản xuất liên xã với diện tích dao động khoảng 4.000 ha, trong đó khoảng 150 ha diện tích giống cung ứng cho chính mô hình. Đến nay, An Giang đã có 40 tổ hợp tác với hơn 1.400 thành viên, tổng diện tích canh tác lên tới 3.900 ha.

Theo ông Châu Văn Ly, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang đánh giá, thông qua các cấp Hội Nông dân liên kết giữa Công ty và người nông dân rất tốt, mô hình này đang rất hiệu quả, khi giá cả ổn định, được Công ty thu mua đúng theo hợp đồng nên nông dân đăng ký tham gia ngày một nhiều hơn. Ngay cuối tháng ba vừa qua, Bộ Trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường sau khi tham quan nhà máy chế biến của Công ty và quy trình liên kết cũng đã đánh giá đây là một trong những mô hình liên kết bền vững.

Hay mô hình chuỗi giá trị hạt gạo của Tập đoàn Lộc Trời nối gót và phát triển mạnh mẽ hơn sau khi triển khai thành công cánh đồng lớn. Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời nói về mô hình này cho biết, chương trình sản xuất lúa gạo bền vững, gọi tắt là SRP (Diễn đàn Lúa gạo bền vững Quốc tế). SRP chính là bộ tiêu chuẩn có các chỉ số đo lường cụ thể, nhấn mạnh đến các yếu tố kinh tế - xã hội, môi trường, với tầm nhìn phát triển bền vững, trong đó chú trọng kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, giảm thiểu khí thải nhà kính. Khi thực hiện tiêu chuẩn SRP sẽ giúp hoạt động sản xuất lúa gạo có được ba lợi ích quan trọng: Nông dân thực hành hiệu quả hơn, tiếp cận được chuỗi cung ứng minh bạch, việc sản xuất sạch giúp bảo đảm các yếu tố về y tế và môi trường. Nhà sản xuất kiểm soát được chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm thiểu rủi ro, gia tăng mức độ thu hồi sản phẩm. Nâng cao thương hiệu, tăng cường lòng tin của khách hàng, nâng cao quyền thương lượng đối với nhà bán lẻ và sẽ bán được sản phẩm với giá cao hơn.

Thực hiện mô hình chuỗi lúa gạo khép kín, Tập đoàn Lộc Trời đã liên kết 25.000 nông hộ, tổ chức lại sản xuất, cung cấp giống, hỗ trợ vật tư nông nghiệp cho nông dân và xây dựng thành những Cánh Đồng Lớn với quy mô 60.000 ha/năm. Hiện đơn vị có hệ thống năm nhà máy chế biến với công nghệ tiên tiến, cung cấp ra nhiều sản phẩm gạo cho thị trường nội địa và quốc tế với chất lượng cao và truy xuất được nguồn gốc.

Đánh giá về mô hình trên, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh diễn biến thời tiết bất lợi với biến đổi khí hậu và thị trường thế giới có những biến động thì cây lúa Việt Nam đã có hướng mở mới đang diễn ra chính từ vựa lúa An Giang với chuỗi giá trị của sản xuất lúa gạo bền vững với mô hình liên kết cánh kết cánh đồng lớn, HTX nông nghiệp kiểu mới của Tập đoàn Lộc Trời đưa hạt lúa vào quy trình sản xuất khép kín. Đó là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, giá trị cao. Đây là khâu yếu của nông nghiệp chúng ta hiện nay.

Bên cạnh đó, mô hình cách đồng lớn của Tập đoàn cũng tạo nên một chuyển biến mới trong sản xuất lúa gạo tập trung, quy mô lớn; Hình thành chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo bền vững. Đặc biệt, những năm qua, đơn vị đã hình thành các trung tâm chế biến công suất hàng trăm nghìn ha, thực hiện bao tiêu sản phẩm lúa gạo cho người nông dân; tạo ra chuỗi giá trị từ giống đến hạt gạo xuất khẩu được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt theo hướng hữu cơ, sạch và giá trị cao.

Những mô hình mới cho cây lúa ở An Giang ảnh 1

Giá trị hạt gạo gia tăng giúp nông dân bám với ruộng đồng.