Những miền quê đáng sống

Về Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên hay Nghĩa Minh, tỉnh Nam Định mới thấy được những đổi thay nhanh chóng tại những vùng quê của những quyết định "chưa có tiền lệ". Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thay đổi nhanh chóng đời sống bà con, diện mạo các làng quê khang trang, hiện đại với những giá trị văn hóa riêng biệt...
0:00 / 0:00
0:00
Xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nam Định.
Xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nam Định.

Giai đoạn 2021-2022, nhiều địa phương trong cả nước đã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu với những đột phá trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đưa đời sống vật chất, tinh thần của người dân lên mức cao hơn.

Diện mạo mới

Đi trên các ngả đường liên xóm rộng rãi, sạch đẹp, rẽ vào nhiều nương chè là đường bê-tông với những căn biệt thự xinh xắn của người dân, chúng tôi bắt gặp nhiều đoàn du khách tham quan nương chè với sự tò mò, thích thú. Hẳn ít ai trong số họ biết rằng, để có được một Tân Cương xinh đẹp hôm nay, người Tân Cương đã phải tự đấu tranh với chính mình để đi đến quyết định hiến đất, đóng góp vật chất, ngày công… nhựa hóa đường trục xã, cứng hóa đường trục xóm, liên xóm rộng 5m cho ô-tô đi lại thuận lợi.

Không chỉ hiến đất, ngày công và tiền của để đầu tư cho giao thông, hệ thống kênh mương nội đồng cũng được cứng hóa. Đồng thời, tất cả 12 xóm đều có điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao. Toàn xã không còn nhà dột nát, chỉ còn duy nhất một hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội. Nhờ cơ sở vật chất được bảo đảm, tạo đà cho sản xuất phát triển, thu nhập bình quân tính theo đầu người tại Tân Cương đã đạt gần 50 triệu đồng/người/năm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Cương Phạm Tiến Sỹ vui mừng cho chúng tôi biết: "Trở thành xã nông thôn mới nâng cao, người dân đã chủ động tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, đổi mới sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa... Với khí thế này, cấp ủy, chính quyền địa phương phấn đấu trong vài năm tới đưa Tân Cương trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu".

Về với xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), người dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu nhờ vào sự đồng lòng và nguồn nội lực của chính mình. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Minh, Trịnh Văn Bạ cho biết, qua thực hiện dồn điền, đổi thửa, Nghĩa Minh quyết định quy hoạch 65ha để thu hút đầu tư vào công nghiệp, được huyện, tỉnh ủng hộ về chủ trương, lãnh đạo xã đi khắp nơi tìm "kênh" đưa các doanh nghiệp về địa phương.

Đến nay, Nghĩa Minh đã hình thành khu công nghiệp, thu hút 17 doanh nghiệp, tạo việc làm ổn định cho khoảng hơn 13 nghìn lao động, góp phần nâng cao mức thu nhập của người dân từ hơn 10 triệu đồng/người/năm (trước năm 2010), lên 75,8 triệu đồng/người/năm (năm 2022), phấn đấu đến năm 2025 đạt 110 triệu đồng/ người/ năm.

Khi công nghiệp phát triển, kéo theo các hoạt động thương mại, dịch vụ, Nghĩa Minh lại dành hơn 2ha để quy hoạch khu dân cư tập trung, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Đây là nguồn lực quan trọng để Nghĩa Minh nâng cao các tiêu chí về cơ sở vật chất cho nông thôn mới, cũng như từng bước xây dựng mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu về đô thị hóa nông thôn. Chỉ sau khoảng 10 năm, Nghĩa Minh đã "lột xác" từ một xã có xuất phát điểm thấp nhất huyện thành xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (năm 2019), với hạ tầng giao thông đứng đầu toàn tỉnh.

Những vùng quê đáng sống

Trên hành trình về với những miền quê đáng sống, chứng kiến những đổi thay tích cực của nông thôn Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi cũng cảm nhận rõ hơn quyết tâm không "mặc đồng phục" cho các làng quê. Giai đoạn vừa qua, rất nhiều địa phương đã hoàn thành trước thời hạn nhờ huy động được các nguồn lực ngoài ngân sách từ doanh nghiệp và sự tham gia của người dân.

Hình ảnh nông thôn mới dựa trên các giá trị truyền thống địa phương, tính đặc thù mỗi vùng, miền nhằm đa dạng về ý tưởng quy hoạch, kiến trúc cảnh quan nông thôn, từng bước được hình thành và tạo nên những khác biệt giữa các miền quê đáng sống đang dần hiện hữu. Đó là thành quả từ quyết tâm dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo và người dân.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Minh Trịnh Văn Bạ, tiềm năng phát triển của xã còn rất lớn khi các công trình như cầu Đống Cao hay đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình được hoàn thiện sẽ là cơ hội để Nghĩa Minh đẩy mạnh phát triển kinh tế, tiếp tục thu hút đầu tư vào công nghiệp, thương mại, dịch vụ, phấn đấu đến năm 2025, sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm từ 6% đến 8%; công nghiệp chiếm từ 45% đến 47%, còn lại là thương mại, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế.

Quyết tâm làm giàu trên chính đồng đất quê hương đã tạo ra những xung lực mới để những người dân của Nghĩa Hưng hay Tân Cương nói không với "ly nông, ly hương" trụ lại và khoác lên tấm áo mới cho quê hương của mình. Bằng những cơ chế riêng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn tỉnh Thái Nguyên, Nam Định đã về đích nông thôn mới.

Theo Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên Trần Nho Hưởng, đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 79,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 63 xóm là nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân toàn tỉnh đạt 17,87 tiêu chí/xã. Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025 xây dựng 10% số xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là những hạt nhân, mô hình để lan tỏa, nhân rộng ra toàn tỉnh.

Còn với tỉnh Nam Định, địa phương được Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó huyện Hải Hậu được công nhận là huyện nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu có từ 300 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên…

Đây đều là những mục tiêu nằm trong tầm tay của các địa phương bởi phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu không chỉ đã và đang đi đúng hướng mà còn nhận được sự đồng thuận của người dân.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo, các địa phương cần chú ý đan xen giữa công trình và mảng xanh, tạo ra những không gian sinh hoạt cho cộng đồng, sự giao lưu, kết nối của cư dân nông thôn và mở ra cách tiếp cận với khu vực đô thị. Mong rằng, các địa phương sẽ có nhiều sáng kiến để sau khi kết thúc Chương trình có thể tự hào giới thiệu cho cả nước, thậm chí là cả thế giới, hình ảnh "di sản nông thôn" của địa phương mình.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất gấp 1,5 lần so với năm 2020.