Những ký ức còn mãi

Một cuộc tọa đàm về nhà thơ Đỗ Nam Cao do Hội Nhà văn Thành phố và Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Các đại biểu, những người bạn, đồng đội cũ và đông đảo người yêu thơ Đỗ Nam Cao đã có dịp ôn lại những kỷ niệm và thưởng thức những bài thơ hay của ông. Dù đã rời cõi tạm 12 năm, nhưng những ký ức về nhà thơ Đỗ Nam Cao vẫn còn in đậm trong tâm trí mọi người.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi diễn ngâm bài thơ “Gửi quần đảo Trường Sa” của nhà thơ Đỗ Nam Cao.
Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi diễn ngâm bài thơ “Gửi quần đảo Trường Sa” của nhà thơ Đỗ Nam Cao.

Hội trường diễn ra tọa đàm “Nhà thơ Đỗ Nam Cao - Ký ức còn mãi” hôm ấy không còn một chỗ trống. Nhiều nhà thơ, nhà báo yêu quý ông đã lặn lội từ khắp các tỉnh, thành phố về tham dự chương trình. Trong khoảng thời gian hơn hai giờ, mọi người đã nói về nhà thơ Đỗ Nam Cao như một người bạn, người đồng đội, một người thơ vô cùng đặc biệt.

Nhà thơ Đỗ Nam Cao sinh ngày 8/6/1948 tại làng Mỹ Lâm, xã Liên Hòa, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1970. Sau khi tham dự lớp viết văn khóa IV, Đỗ Nam Cao cùng nhiều văn nghệ sĩ tình nguyện vượt Trường Sơn vào chiến trường miền nam. Bước chân ông đã đặt đến những địa danh ác liệt nhất của vùng đất Nam Bộ, viết về cuộc chiến đấu của quân và dân ta cho đến ngày miền nam hoàn toàn giải phóng. Các trang viết của Đỗ Nam Cao bỏng rát không khí chiến trường, thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước và những suy ngẫm sâu sắc về thời cuộc. Trong các bài thơ tình của ông, tình yêu đôi lứa, nỗi nhớ day dứt niềm khát khao cháy bỏng... thường gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước.

Đến tham dự chương trình về người đồng đội của mình năm xưa, ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội xúc động cho biết, với ông, những kỷ niệm với Đỗ Nam Cao luôn là những ký ức còn mãi.

“Tôi và Đỗ Nam Cao biết nhau từ khi bước chân vào học khóa IV Trường viết văn Nguyễn Du. Lớp bồi dưỡng cấp tốc viết văn, viết báo để cung cấp, bổ sung cho chiến trường miền nam. Trong chúng tôi, người vừa tốt nghiệp đại học, người còn chưa tốt nghiệp, nhưng khi biết được lựa chọn ra chiến trường, hết thảy mọi người đều háo hức viết đơn tình nguyện. Tuổi trẻ ai nấy đều hăm hở, như những người lính hăm hở nạp đạn vào súng chờ giặc tới” - ông Phạm Quang Nghị kể lại.

Với ông, Đỗ Nam Cao là một thanh niên tươi trẻ, đẹp trai, hồn nhiên và vô cùng trong sáng; một anh lính giải phóng có mái tóc bồng bềnh và nụ cười rất duyên. Đỗ Nam Cao là người khá ít nói, nhưng chăm làm thơ, nghĩ về thơ. “Nhắc lại đôi ba kỷ niệm, chỉ mấy dòng thôi, nhưng đó là những tháng năm tột cùng gian nan, vất vả và cũng tột cùng đẹp đẽ của tuổi thanh xuân. Riêng với Đỗ Nam Cao đó còn là những tháng năm anh ấp ủ, gom góp được rất nhiều chất liệu quý báu của cuộc sống để sau đó anh đã viết nên những vần thơ đẹp như những viên ngọc quý” - ông Phạm Quang Nghị chia sẻ thêm.

Đến từ Quảng Ngãi, nhà thơ Thanh Thảo cho rằng, thơ Đỗ Nam Cao là thơ “thứ thiệt”, mà thơ “thứ thiệt” thì “không bao giờ sợ thiệt đâu”. “Đó là một giọng thơ khẽ khàng, dịu nhẹ, mà đôi khi cứa vào lòng ta đau nhói” - nhà thơ Thanh Thảo cảm nhận. Đỗ Nam Cao là nhà thơ không bao giờ xa được làng quê, dù ông đã từng ở rừng thời chiến tranh, rồi từng ở phố bao nhiêu năm sau hòa bình. Nhưng chính làng quê mang lại món quà lớn nhất cho Đỗ Nam Cao, đó là thơ ông.

Nhiều năm sau hòa bình, trải qua không ít thăng trầm, đột nhiên thơ Đỗ Nam Cao hay hẳn lên, lạ hẳn lên, mà cũng thân quen hẳn lên. Cái thân quen ấy, có được là nhờ thơ ông “chuyển hộ khẩu” về nhà quê, thân ở phố mà hồn ở quê, nên thơ hay đến kỳ lạ. “Nhiều bài thơ của Đỗ Nam Cao, tôi đọc mà muốn khóc. Thơ ấy dành cho những người thất lạc, những người lang thang cơ nhỡ, những người mà kim la bàn xúc cảm của mình luôn chỉ về phương quê nhà” - nhà thơ Thanh Thảo xúc động. Bài “Mùa thu”, một trong những bài thơ cuối cùng của Đỗ Nam Cao, cho thấy những linh cảm nhoi nhói của ông về ngày vĩnh biệt trần gian mà ông yêu thương và đau khổ: “Trong mắt tôi nhìn lá vàng chạy trốn/Những khúc ngoặt hết bất ngờ/Sững người không phải thu/Đã có nhiều cái mới hiện ra/Và mùa thu teo lại/Linh cảm xa mãi mãi…”.

Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, thơ Đỗ Nam Cao đậm chất lính. Ông giảm thiểu những vần điệu quanh co mà tung thẳng ý tứ vào chủ thể phản ánh, bằng những ngôn từ gãy gọn: “Chúng tôi đi chẳng nói nên lời/ Nếu phút này quân thù xộc tới/ Những trụ đá tổ ong sẽ biến thành bệ súng/ Vụt lao đi trong luồng lửa sáng ngời”.

Khi bước ra khỏi cuộc chiến tranh, ông vẫn lặng lẽ làm thơ nhưng ít công bố trên các phương tiện truyền thông. Ông giấu thơ trong một góc khuất đời ông để tự chiêm nghiệm, để tự dằn vặt. Hòa bình đâu hẳn đã thanh bình mọi bề. Thơ Đỗ Nam Cao vì thế cô đặc lại, dồn nén lại, thỉnh thoảng bật ra như tiếng thét vừa phẫn nộ vừa bao dung. Nhà văn Bích Ngân chia sẻ, bằng trái tim quả cảm của một cựu binh, nhà thơ Đỗ Nam Cao khôn nguôi nghĩ về sự bảo toàn cương thổ quốc gia và việc giữ gìn biển đảo.

Bài thơ “Gửi quần đảo Trường Sa” viết năm 1987 chứng minh khí chất thi ca quyết liệt của ông: “Trường Sa ư với ngày thường xa thật/Đảo ở đâu tôi có hỏi đâu mà/Điều khốn nạn là chỉ khi máu đổ/Đảo mới gần, mới thật đảo của ta/Các anh chết làm gì có mộ/Làm gì có đất cho máu tụ thành hồn/Máu tan loãng thân thể chìm mất dạng/Chỉ còn đảo và cờ Tổ quốc giữa trùng dương”.

Hành trình sáng tạo của nhà thơ Đỗ Nam Cao là một con đường đam mê và hồn nhiên. Ông đam mê với cái đẹp bất tận và ông hồn nhiên trước toan tính được thua. Hơn 10 năm đã trôi qua, những người yêu quý nhà thơ Đỗ Nam Cao vẫn còn nhắc đến ông. Tác phẩm của Đỗ Nam Cao chắc chắn sẽ thay mặt ông để tiếp tục cuộc chuyện trò cùng bao tâm hồn đồng cảm với thơ, với đời.