Ngổn ngang những dự án “rùa bò”
Giữa tháng 9-2017, chúng tôi đến khảo sát KCN Mai Trung tại xã An Tây, thị xã Bến Cát do Doanh nghiệp tư nhân Ðầu tư xây dựng - Dịch vụ Mai Trung (DN Mai Trung) làm chủ đầu tư. Ðược phê duyệt quy hoạch chi tiết từ tháng 11-2004 và khởi công vào tháng 6-2005, sau hơn 12 năm xây dựng, tất cả các hạng mục theo quy hoạch đều chưa thực hiện hoàn chỉnh, như: đường giao thông chính, vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, nhà máy xử lý nước thải, cây xanh tập trung… Bên trong KCN, ngoài ba nhà máy của các nhà đầu tư, chỉ thấy toàn trồng khoai mì. Bao bọc những đám khoai mì là ống cống chất chồng chạy dài trên khắp các tuyến đường đang xuống cấp.
KCN Mai Trung có quy mô 50,55 ha, chủ đầu tư đã đền bù được 33,33 ha; còn lại diện tích đất chưa bồi thường hơn 17 ha, trong đó có 8,74 ha đất công do UBND xã An Tây quản lý. Năm 2007, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản chấp thuận cho DN Mai Trung hoán đổi khu đất khác tương ứng với diện tích đất công trong KCN cho UBND xã An Tây. Tuy nhiên, trong khi chưa thống nhất về đất công, chủ đầu tư cũng chưa tìm đất để hoán đổi cho xã, thế nhưng DN Mai Trung đã lấy đất công cho các nhà đầu tư thuê lại. Ðến nay, trên diện tích đất 21,88 ha giao cho ba doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Mai Trung có 5,87 ha là đất công của Nhà nước mà doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ hoán đổi đất cho xã An Tây.
Tại Bình Dương, “giao nhầm” đối tác dẫn đến tình trạng triển khai chậm nhiều nhất là ở các dự án bất động sản. Cụ thể như dự án Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ tại thành phố Thủ Dầu Một do Tổng công ty Ðầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2007. Dự án có quy mô qua hai giai đoạn với diện tích phê duyệt ban đầu hơn 373 ha, giải tỏa 1.314 hộ dân. Theo chủ đầu tư, hiện đã thu hồi mặt bằng của 973 hộ với diện tích 305,2 ha, trong đó có 34,4 ha đất công. Dự án này được kỳ vọng sẽ tạo diện mạo đô thị, góp phần đưa thị xã Thủ Dầu Một xứng tầm lên thành phố. Dù chủ đầu tư khu đô thị cũng đầu tư một số hạng mục về đường sá, hệ thống thoát nước…; thế nhưng quan sát tại thực tế, các hạng mục cũng đang dần xuống cấp.
Sau khi thu hồi đất, chủ đầu tư đã lập hồ sơ xin giao đất UBND tỉnh Bình Dương đã ra 11 quyết định giao 304,9 ha; trong đó giai đoạn 1 là 123,3 ha và giai đoạn 2 là 181,6 ha. Căn cứ quyết định thuê đất, Cục Thuế tỉnh Bình Dương ra chín thông báo thu tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ với số tiền 413,445 tỷ đồng; đến nay, chủ đầu tư mới nộp 35,94 tỷ đồng, tương ứng với khoảng 23 ha đất ở được giao. Theo chủ đầu tư, hoạt động kinh doanh của dự án gặp rất nhiều khó khăn, HUD mới triển khai kinh doanh nền thuộc khu 53 ha trên tổng diện tích đã nộp tiền sử dụng đất là 23 ha. Thế nhưng, từ tháng 6-2011 đến nay không kinh doanh được sản phẩm nào, cũng không thu hồi được nợ của khách hàng.
Một dự án khác là Khu dân cư Hòa Lân tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An do Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Phú làm chủ đầu tư, được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết vào tháng 12-2002 với diện tích ban đầu 23,18 ha. Tháng 2-2007, Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định phê duyệt điều chỉnh và mở rộng khu dân cư lên 55,85 ha. Chủ đầu tư triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng được 52 ha và đầu tư hạ tầng kỹ thuật đạt 20%. UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 52 ha đã đền bù giải tỏa này. Vậy nhưng hơn 10 năm qua, tại đây vẫn là bãi đất trống. Vào năm 2009, khi HÐND tỉnh Bình Dương lên tiếng về sự chậm trễ, chủ đầu tư dự án đã gửi văn bản với nội dung nêu: “Công ty đã có đối tác xin đầu tư vào Khu dân cư Hòa Lân với diện tích khoảng 14 ha để xây dựng đại siêu thị lớn nhất Ðông - Nam Á”. Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ đầu tư im hơi lặng tiếng, bỏ mặc khu dân cư cỏ mọc um tùm trong sự ngỡ ngàng của... các ngành chức năng.
Hệ lụy từ những dự án
Tại KCN Mai Trung, dự án triển khai ì ạch nhưng “rối lại thêm rối” khi giám đốc doanh nghiệp này qua đời vì bị bệnh. Tháng 9-2012, UBND tỉnh Bình Dương có thông báo cho rằng, chủ đầu tư đã chết, doanh nghiệp không còn đủ năng lực để thực hiện dự án và giao Ban quản lý các KCN tỉnh Bình Dương làm việc để có hướng giải quyết cụ thể, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định. Tiếp đó, ngày 28-1-2016, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 173/TTg-KTN về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Trong văn bản này, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đưa KCN Mai Trung ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020. Trao đổi với chúng tôi vào ngày 12-9 vừa qua về hướng giải quyết KCN Mai Trung, Phó Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Bình Dương Nguyễn Thành Nhân cho biết: Nhiều lần liên lạc gọi đến giải quyết nhưng doanh nghiệp này không có người đến. Ngày 8-8, doanh nghiệp mới có văn bản nhờ Ban quản lý các KCN tìm kiếm đối tác có nhu cầu nhận chuyển giao thực hiện dự án!
Việc chiếm dụng đất công của doanh nghiệp này vẫn chưa tìm ra phương án giải quyết. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Bí thư Ðảng ủy xã An Tây Nguyễn Anh Dũng cho biết: Doanh nghiệp lấy đất công cho thuê đẩy địa phương vào thế bí, bởi lẽ quá trình phát triển đã gia tăng dân số cơ học nhanh chóng toàn xã hiện có 25 nghìn dân nhưng phần đất công bị doanh nghiệp chiếm khá lớn, cho nên không có đất để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh. Không có đất để xây dựng trường, học sinh cấp THCS phải xuống các xã kế cận như Phú An, Thanh Tuyền để học. Với tình hình phát triển như hiện nay, dự kiến năm 2020 dân số xã An Tây sẽ lên đến 50 nghìn dân, việc xây dựng trường lớp cũng như nhiều công trình phục vụ dân sinh là vấn đề cấp bách.
Ðối với Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ, tháng 9-2014, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản chấp thuận chủ trương thu hẹp quy mô dự án giai đoạn 1 và tạm ngừng triển khai giai đoạn 2 của chủ đầu tư. Mới đây, ngày 8-8-2017, chủ đầu tư có Công văn 1858/CV-HUD gửi UBND tỉnh Bình Dương đề nghị tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư, các quyết định giao đất cho HUD và giới thiệu nhà đầu tư mới tiếp nhận thực hiện dự án giai đoạn 2 và một phần giai đoạn 1 của Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ. Ngày 15-8-2017, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản về việc này và giao Sở Xây dựng Bình Dương xem xét để lấy ý kiến các ngành về năng lực của chủ đầu tư mới mà HUD giới thiệu. Như vậy, sau 10 năm triển khai chậm chạp, Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ có khả năng… chuyển sang chủ đầu tư mới!
Tại dự án Khu dân cư Hòa Lân, Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, do khó khăn về tài chính và nợ ngân hàng với số tiền vay lớn bằng việc thế chấp quyền sử dụng đất, ngày 1-7-2017, một doanh nghiệp đã mua lại tài sản bán đấu giá để tiếp tục thực hiện dự án này. Ngày 16-8-2017, UBND tỉnh Bình Dương có Văn bản số 3524/UBND-KTN về việc xem xét, tham mưu chuyển đổi chủ đầu tư Khu dân cư Hòa Lân. Hiện nay, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đang xem xét, yêu cầu doanh nghiệp mua lại dự án lập phương án đầu tư cụ thể và lấy ý kiến các ngành về năng lực của chủ đầu tư mới để tham mưu UBND tỉnh quyết định. Từ việc mua lại này cho thấy, lâu nay chủ đầu tư dự án Khu dân cư Hòa Lân chẳng triển khai gì mà đem đất dự án “cắm” vào ngân hàng sau khi được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất!
Với kỳ vọng các dự án sẽ góp phần tạo lực phát triển, mặc dù được tỉnh Bình Dương tạo nhiều thuận lợi nhưng các chủ đầu tư đã có nhiều sai phạm, chây ỳ trong thực hiện. Nguyên nhân là do thiếu năng lực, một phần do phương án đầu tư thiếu khả thi, một phần cũng có do tư duy “ăn xổi ở thì” đã dẫn đến các dự án ì ạch, mà hệ lụy là người dân vùng dự án và chính quyền địa phương phải gánh hậu quả. Trong thời gian qua, UBND tỉnh Bình Dương thu hồi nhiều dự án chậm triển khai, nhưng các dự án này chưa ảnh hưởng và gây hậu quả gì nghiêm trọng. Còn đối với những dự án triển khai ì ạch như nêu trên, việc giải quyết hậu quả là điều không hề đơn giản. Ðiều này đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển đô thị, gây lãng phí quỹ đất và tạo nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới đời sống xã hội. Ðể giải quyết rốt ráo vấn đề này, rất cần sự xử lý kiên quyết của tỉnh Bình Dương, cần rút kinh nghiệm trong vấn đề chấp thuận chủ trương quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và giao đất thực hiện dự án cho doanh nghiệp; cần kiểm tra doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án, kể cả kiểm tra về năng lực tài chính của chủ đầu tư để bảo đảm việc khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai. Ðồng thời, quá trình giám sát các dự án, cần có biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, xử lý vi phạm quy hoạch chi tiết của chủ đầu tư nhằm tránh hệ lụy đáng tiếc.