Những điều đáng quan tâm về hoạt động làm Kế hoạch nhỏ

NDĐT- Được con đi học về báo phải nộp kế hoạch nhỏ là ít nhất 2 kg giấy vụn, thu luôn trong hôm sau, chị Hằng Nga (quận Tây Hồ, Hà Nội) không hề bối rối, mở điện thoại gọi ngay cho “mối quen”: “Chị đem vào cho em 6 kg giấy báo, chia hai túi”.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Nhà chị Nga có hai con, một đang học lớp 2, một học lớp 6. Chị cho biết, đều đặn mỗi năm học hai lần, chị phải làm kế hoạch nhỏ cho con với định mức cháu bé ít nhất 2 kg giấy vụn, cháu lớn 3 kg. Thường mỗi đợt, nhà trường đều phát động chóng vánh trong 2, 3 hôm rồi yêu cầu nộp luôn và thông báo tới phụ huynh qua tin nhắn.

Hồi đầu, chị Nga vô cùng lúng túng, con thì sợ cô giáo phê bình nên cứ giục mẹ, trong khi mẹ cuống cuồng đi nhặt nhạnh khắp nhà cũng không lấy đâu ra đủ số lượng cho kịp thời hạn. Sau chị được các nhà khác “cùng hoàn cảnh” mách nước, chị xin điện thoại của bác thu mua đồng nát, cứ khi cần gọi mua lại là có liền

Nhiều gia đình khác, phụ huynh cũng phải lo kiếm giấy vụn cho con mỗi khi nhà trường ra thông báo nộp kế hoạch nhỏ.

“Đây phải gọi là cha mẹ làm kế hoạch nhỏ mới đúng” – chị Nga cười.

Phong trào kế hoạch nhỏ hiện vẫn đang được thực hiện tại hầu hết các trường trong thành phố. Đều đặn, mỗi năm học hai lần, các nhà trường phát động phong trào kế hoạch nhỏ, “định mức” thông thường là với học sinh các trường tiểu học mỗi em nộp ít nhất 2 kg giấy vụn, học sinh lớp lớn hơn, bậc THCS thì từ 3 kg. “Phong trào” thường được thông báo tới phụ huynh với thời gian hoàn thành chỉ trong 2, 3 ngày.

Một thông báo thu kế hoạch nhỏ qua tin nhắn tới phụ huynh

Với phong trào này, học sinh chỉ có thể nộp giấy báo, sách vở cũ, giấy vụn… dù nhà nào bí quá, không kiếm đủ giấy thì cũng không thể thay thế bằng khoản tiền tương ứng, tiền thường được dùng cho phong trào khác, như nuôi heo đất, ủng hộ bạn nghèo…

Có em trước khi mang tới trường, còn bắt bố mẹ phải cân lên sao cho đủ, bởi thiếu là sẽ bị phê bình. Có em muốn cô khen nên giục bố mẹ gom đủ cả chục cân giấy, tới trường xách không nổi, bố mẹ phải khiêng hộ lên tận lớp.

Dường như phòng trào kế hoạch nhỏ trong các nhà trường không còn mang ý nghĩa tốt đẹp như vốn có là giáo dục học sinh ý thức tiết kiệm, biết thu gom rác thải tái chế, rèn ý thức bảo vệ môi trường…mà hoạt động này đã trở thành một việc làm hình thức gọi là cho có phong trào, mang đúng nghĩa thu và nộp, và vì được tính vào thi đua nên việc các trường giao cho phụ huynh chỉ tiêu đã gây ra sự phiền phức, thậm chí phản cảm.

Còn đối với học sinh, điều duy nhất các em nghĩ tới khi làm kế hoạch nhỏ là sợ cô mắng, sợ không đủ số lượng, chứ còn việc có tự tay chuẩn bị hay không thì không quan trọng, hay hỏi các em giấy mang tới trường được dùng vào việc gì thì các em cũng không biết.

Kết quả của mỗi đợt làm kế hoạch nhỏ, có trường công khai số lượng, có trường không. Một số trường mỗi đợt thu xong thì có đưa ra thông tin một cách chung chung về số tiền thu được từ hàng tấn giấy loại như: Nguồn kinh phí này sẽ được trích lại để hoạt động tại liên đội để xây dựng các công trình, làm việc ý nghĩa; hay được sử dụng để mua các suất quà tặng các bạn học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt …

Do vậy, số lượng hay các khoản thu được từ kế hoạch nhỏ được dùng vào việc gì, do ai quản lý, thu chi như thế nào…thông thường phụ huynh và bản thân chủ thể tham gia đóng góp là các học sinh hầu như không được biết, để xảy ra hiện tượng mỗi kỳ làm kế hoạch nhỏ, phụ huynh vừa đi thu mua giấy vụn, vừa chép miệng với nhau: “kế hoạch nhỏ của học sinh, kế hoạch to của cô giáo”.

Dù thế nào, việc một phong trào phát động kêu gọi sự tự nguyện tự giác của học sinh mà lại áp đặt số lượng, rồi vì thành tích thi đua mà nhà trường, cô giáo chỉ lo vận động cho đủ chỉ tiêu, không còn chú trọng khía cạnh giáo dục ý nghĩa của hoạt động, thể hiện qua việc chẳng quan tâm học sinh có thực sự làm hay không, miễn có là xong, thì phong trào đó nên được xem lại về cách thức tổ chức, thậm chí đặt ra vấn đề có còn phù hợp để tiếp tục duy trì nữa hay không?

Có thể bạn quan tâm