Diễn biến vụ việc
Ngày 24/4/2015, Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Nai kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại xưởng sản xuất của Công ty Thuận Phong, khu phố 7, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa. Lực lượng chức năng phát hiện các công nhân đang sang chiết phân bón dạng nước vào các chai đã thành phẩm dán nhãn hiệu Vitol có nguồn gốc, xuất xứ từ Hoa Kỳ, nghi vấn sản xuất hàng giả.
Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính, đến ngày 25/4/2015, chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai. Riêng 29 mẫu của 25 loại phân bón sản xuất dạng nước thu giữ tại Công ty Thuận Phong, Văn phòng 389 quốc gia giao Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai xác minh, nếu có dấu hiệu tội phạm thì chuyển đến cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở kết quả điều tra, ngày 23/2/2016, liên ngành tư pháp Trung ương và tỉnh Đồng Nai tổ chức họp, đánh giá vụ việc và thống nhất kết luận: Những sai phạm của Công ty Thuận Phong chỉ ở mức độ xử lý hành chính, chuyển vụ việc đến Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai xử lý.
Ngày 15/4/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự sản xuất, buôn bán hàng giả; sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón tại Công ty Thuận Phong. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai có thông báo thống nhất với quyết định trên.
Sau đó, ngày 16/5/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Thuận Phong trong hoạt động sản xuất phân bón với số tiền hơn 509 triệu đồng với 7 hành vi vi phạm.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ đạo xử lý vi phạm của Công ty Thuận Phong theo đúng quy định của pháp luật. Ngày 31/5/2017, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai để tiếp tục điều tra giải quyết triệt để vụ việc.
Đến ngày 12/6/2017, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án.
Căn cứ kết quả điều tra và kết luận giám định tư pháp đủ căn cứ để xác định kết luận 7 loại nhãn hiệu do Công ty Thuận Phong nhập khẩu, sang chiết, dán nhãn, đóng chai không giả về chất lượng, không giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của Công ty Bio Hama Netic; không giả mạo tên, địa chỉ thương nhân, nguồn gốc, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa, không phải là buôn bán hàng cấm.
Kết quả điều tra xác minh làm rõ và kết quả giám định tư pháp của các bộ ngành liên quan đối với 29 loại phân bón do Công ty Thuận Phong sản xuất trong nước đủ căn cứ để kết luận Công ty Thuận Phong không sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón.
Trên cơ sở kết quả điều tra làm rõ và ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và sự thống nhất quan điểm của cơ quan tố tụng tỉnh Đồng Nai, ngày 24/8/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Nhà xưởng, sản phẩm Công ty Thuận Phong bị hư hỏng do chờ kết luận của cơ quan chức năng. |
Doanh nghiệp 7 năm lay lắt chờ kết luận
Tại buổi họp báo, phóng viên Báo Nhân Dân và một số cơ quan báo chí đặt nhiều câu hỏi vì sao vụ việc kéo dài hơn 7 năm và gây thiệt hại như thế nào cho doanh nghiệp. Qua vụ việc, bài học nào được rút ra đối với các cơ quan chức năng.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quang trả lời câu hỏi của phóng viên. |
Trả lời câu hỏi về việc tại sao vụ việc kéo dài nhiều năm những không được giải quyết dứt điểm, Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, để vụ việc được điều tra một cách thận trọng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và các cơ quan tư pháp của tỉnh đã trưng cầu giám định các mẫu phân bón được thu giữ tại Công ty Thuận Phong. Tuy nhiên, việc phản hồi của các cơ quan giám định, chủ yếu là các bộ, ngành Trung ương kéo dài.
Về thiệt hại, ông Khiếu Mạnh Tường, Tổng Giám đốc Công ty Thuận Phong cho biết, doanh nghiệp gửi đơn cầu cứu các cơ quan chức năng từ tỉnh đến Trung ương để giải trình bản chất hoạt động sản xuất, kinh doanh, không sản xuất hàng giả. Tuy nhiên, do tính chất vụ việc liên quan đến nhiều ngành nên kéo dài, khiến doanh nghiệp thiệt hại vô cùng lớn: “Hơn 7 năm qua, doanh nghiệp rất khó khăn, bên bờ vực phá sản, nợ nần chồng chất. Nhiều cổ đông đã phải cầm cố sổ đỏ vay tiền ngân hàng để duy trì hoạt động cầm chừng, lay lắt chờ kết luận của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, tổn thất lớn nhất của chúng tôi là uy tín, danh dự. Đây là tổn thất vô cùng đau đớn và gần như không thể khắc phục được”, ông Tường nói.
Ông Khiếu Mạnh Tường cho biết, sự việc kéo dài hơn 7 năm khiến doanh nghiệp bên bờ vực phá sản. |
Ông Khiếu Mạnh Tường cũng gửi lời cảm ơn cơ quan chức năng giải quyết khách quan vụ việc và tổ chức buổi họp báo hôm nay để chuyển tải thông tin chính thức đến công luận về việc Công ty Thuận Phong không có động cơ, mục đích sản xuất phân bón giả.