Giới thiệu sự đánh giá trân trọng các nhà khoa học Việt Nam
Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ngày 29-8, tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (xã Bắc Phong, Cao Phong, Hòa Bình), Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức khai trương phòng trưng bày về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam, với chủ đề Khoa học: Sáng tạo và Cống hiến. Trưng bày được sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Dự lễ khai trương có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo; Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội và đông đảo các nhà khoa học, người thân của các nhà khoa học được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh.
Trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam” giới thiệu 14 công trình khoa học được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh - là giải thưởng cao quý nhất, thể hiện sự đánh giá trân trọng của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trao tặng cho những công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về khoa học, kỹ thuật, văn học và nghệ thuật.
Với các thủ pháp bảo tàng, thông qua 164 tài liệu, hiện vật và những câu chuyện, công chúng có thể hiểu thêm những tấm gương sáng tạo, những đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học, hiểu thêm lý tưởng thôi thúc họ cống hiến và đạt được thành công trong điều kiện khó khăn gian khổ của cuộc đấu tranh chung của cả dân tộc.
Những người làm nên kỳ tích
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt, trong hành trang của bác sĩ Đặng Văn Ngữ từ Nhật trở về nước, ông cẩn trọng nâng niu các giống nấm kháng sinh để làm penicillin và streptomycin. Với tất cả sự nỗ lực, bác sĩ Đặng Văn Ngữ và những cộng sự đã bào chế thành công những ống kháng sinh đầu tiên. Sau đó ông tiếp tục tổ chức sản xuất “nước lọc Penicillin” góp phần cứu chữa hàng vạn thương binh.
Năm 1962, cộng đồng y học thế giới ngạc nhiên đến sửng sốt khi bác sĩ Tôn Thất Tùng sáng tạo phương pháp cắt gan “khô”. Ông đã cắt gan sau khi thắt tất cả các mạch máu và ống mật, không gây chảy máu trong khi mổ. “Phương pháp cắt gan Tôn Thất Tùng” đã trở thành kinh điển, được ứng dụng phổ biến trên thế giới.
Các phát hiện của bác sĩ Đặng Văn Chung về bệnh goutte, tim to, hạ đường huyết do u tụy, những tiêu chuẩn hẹp van hai lá có chỉ định mổ tách van, sử dụng chất chiết từ lá trúc đào để điều trị bệnh suy tim… đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Các công trình của ông trở thành tài liệu “gối đầu giường” của các sinh viên, y bác sĩ theo chuyên ngành nội khoa.
Bác sĩ Vũ Công Hòe miệt mài nghiên cứu những đặc điểm bệnh tật và tử vong để có những tài liệu kinh điển cho chuyên ngành giải phẫu bệnh, là cơ sở khoa học để hoạch định chiến lược và chính sách y tế. Thành tựu về “cân đo các phủ tạng bình thường và bệnh lý qua khám nghiệm tử thi” có giá trị như những hằng số hình thái, sinh lý của người Việt Nam.
Ở lĩnh vực lý thuyết toán, năm 1964, nhà toán học trẻ Hoàng Tụy đã giải được bài toán “quy hoạch lõm”. Thuật ngữ “vận trù học” khi đó còn xa lạ ở Việt Nam và ông đã đưa từ này vào kho từ vựng tiếng Việt. Thế giới có thêm một thuật ngữ khoa học mới: “nhát cắt Tụy”. GS Hoàng Tụy đã tạo ra cách tiếp cận có hệ thống và các bước tính toán cụ thể để giải bài toán “quy hoạch lõm”, góp phần phát triển, hoàn thiện lý thuyết tối ưu toàn cục.
Trong điều kiện thiếu thốn ở nơi sơ tán tại núi rừng Việt Bắc, nhà cơ học Nguyễn Văn Đạo vẫn miệt mài nghiên cứu về kích động tham số trong các hệ phi tuyến. Công trình “Dao động phi tuyến của các hệ động lực” là kết quả lao động kiên trì của ông từ năm 1960 đến 2000 chứa đựng hàng loạt ý tưởng mới có giá trị khoa học cao, cống hiến lớn cho sự phát triển của cơ học và toán ứng dụng, đặc biệt trong lĩnh vực lý thuyết dao động, đặt nền móng cho sự hình thành một trường phái nghiên cứu về dao động phi tuyến ở Việt Nam.
GS Viện sĩ Nguyễn Đình Tứ khiến giới vật lý quốc tế ngưỡng mộ bằng cụm công trình “Nghiên cứu tương tác của các hạt cơ bản và hạt nhân ở năng lượng cao và phát hiện phản hạt hyperon sigma âm”. Dày công thực nghiệm, ông đã phát hiện “phản hạt hyperon sigma âm”, qua đó đóng góp lớn vào việc xây dựng phổ các hạt cơ bản, minh chứng cho việc sử dụng hiệu quả các máy gia tốc năng lượng cao trong nghiên cứu vật lý cơ bản.
GS Đỗ Tất Lợi là tác giả bộ sách đồ sộ “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, công bố tính năng, công hiệu của những loại dược liệu, những vị thuốc dân tộc trong tập hợp 750 loài cây và vị thuốc thuộc 164 họ, 77 vị thuốc động vật, 20 vị thuốc khoáng vật. Chỉ với công trình này, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô đã đặc cách xét học vị Tiến sĩ khoa học cho dược sĩ Đỗ Tất Lợi mà không cần làm luận án với nhận xét xác đáng: “Trong rất nhiều bộ sách viết về cây thuốc nhiệt đới, chưa có bộ sách nào có thể sánh với bộ sách của Đỗ Tất Lợi về mức độ chính xác, tỉ mỉ, khoa học”.
Công trình “Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam”, của nhà lâm nghiệp học GS Thái Văn Trừng dựa trên quan điểm sinh thái phát sinh để phân loại kiểu rừng nhiệt đới phức tạp ở Việt Nam, phát minh lý thuyết về quy luật phát sinh quần thể thực vật rừng nhiệt đới; xây dựng mô hình phục hồi các hệ sinh thái rừng bị chất độc hóa học phá hủy.
GS Đào Văn Tiến là thầy của nhiều thế hệ nhà sinh vật học, động vật học Việt Nam. Thành tựu nghiên cứu trong 25 năm của ông đã góp phần tìm hiểu nguồn tài nguyên động vật hoang dã, sinh thái, sinh học, tập tính các loài động vật. GS Đào Văn Tiến là người đầu tiên nêu ra các từ khoá tra cứu phân loại các nhóm động vật (ếch nhái, thằn lằn, rắn, rùa, cá sấu và chuột) để sử dụng ở Việt Nam.
Công trình “Điều tra - Phân loại - Lập bản đồ đất Việt Nam” được thực hiện trong suốt 40 năm (1956 - 1996), với sự tham gia của GS.TS Lê Duy Thước và nhiều nhà khoa học khác, có ý nghĩa quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là cụm công trình “Bản đồ địa chất Việt Nam tỉ lệ 1/500.000” và “Bản đồ khoáng sản Việt Nam tỉ lệ 1/500.000” của các kỹ sư Trần Đức Lương, Nguyễn Xuân Bao, Trần Phú Thành, TS Lê Văn Trảo và cộng sự đã thuyết minh lịch sử hình thành và phát triển địa chất của vỏ trái đất trên lãnh thổ nước ta thêm sinh động và đầy đủ.
Giữa thập niên 90 của thế kỷ 20, GS, TS Trương Đình Dụ là người đứng đầu nhóm nghiên cứu về Cụm công trình “Ngăn sông đập trụ đỡ và đập sà lan”. Ông đã tạo ra bước đột phá về công nghệ xây dựng cho các công trình ngăn sông: giảm 40% chi phí xây dựng, không cần thay đổi dòng chảy, ít ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống nhân dân trong vùng. Từ năm 1996 đến nay, công nghệ này đã được ứng dụng xây dựng hàng trăm công trình trên cả nước.
Cuốn sách “Trần Bảng - Đạo diễn chèo” tổng kết hơn 60 năm GS Trần Bảng say mê, tâm huyết trong nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo về nghệ thuật chèo. Cuốn sách là cẩm nang cho nhiều thế hệ nghệ sĩ chèo, giúp diễn viên hiểu thêm về kỹ thuật diễn chèo, người nghiên cứu rõ hơn về quá trình tạo dựng một tác phẩm chèo, đạo diễn có định hướng chuẩn để xây dựng những vở chèo.
Trưng bày tập hợp 14 công trình khoa học được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đã phác hoạ một phần bức tranh khoa học Việt Nam. Say mê sáng tạo và cống hiến là điểm chung dễ nhận thấy của các nhà khoa học.