Những cuốn sách sưởi ấm trái tim phụ nữ

NDO - Bán chạy nhất, giành các giải thưởng, được yêu thích nhất…, nhưng đó chưa phải là điểm chung lớn nhất của “Bánh mì cô đơn”, “Hoa vẫn nở mỗi ngày”, hay “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát. Điểm chung lớn nhất của những cuốn sách này là ca ngợi vẻ đẹp mạnh mẽ của những người phụ nữ bình thường nhất, khi họ đứng lên sau những mất mát, đau khổ, bị lừa dối, xa lánh… và cuối cùng hạnh phúc cũng đến với họ.
0:00 / 0:00
0:00
Những cuốn sách sưởi ấm trái tim phụ nữ

Nhân vật chính của 3 cuốn sách này, tất nhiên, đều là những phụ nữ. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, ở những thời đại khác nhau, nhưng đều là những con người hết sức bình thường, có thể gặp đâu đó trong cuộc sống.

“Bánh mì cô đơn” kể về Wyn Morrison, một cô “búp bê” từ nhỏ đã sống trong tình yêu của mẹ, người cố gắng hết sức để bù đắp lại sự thiếu vắng của người cha trong gia đình cô. Cuộc đời cô tưởng chừng như một giấc mơ khi cô gặp được chàng trai mà mọi cô gái đều thèm muốn: giàu có, điển trai, ga lăng, và bước vào cuộc sống chỉ biết đến tiệc tùng, làm đẹp và làm bạn cùng mọi nhãn hiệu thời trang xa xỉ, cốt chỉ để làm sang cho chồng. Đùng một cái, Wyn bị chồng “tống” ra khỏi nhà theo đúng nghĩa của từ này, với lý do suy nghĩ lại về tình cảm giữa hai vợ chồng. Và cô cứ thế bị cuốn trôi đi bởi những con sóng của sự bấn loạn, hoảng hốt và không thể xác định được mình ở đâu, mình muốn gì, tại sao mọi chuyện lại xảy ra.

"Bánh mì cô đơn" là cuốn tiểu thuyết đầu tay đầy chất thơ, duyên dáng lôi cuốn người đọc và sâu sắc lắng lại những ý vị tinh tế.

Booklist

Những lúc lang thang để tìm lại mình ở thành phố nơi cô bạn thân cho cô tá túc, Wyn bắt gặp một tiệm bánh mì nhỏ trên phố. Mùi thơm của bánh mì đã đánh thức toàn bộ các giác quan của cô, và không chỉ vậy, nó đánh thức cả con người, cá tính, niềm đam mê và tình yêu cuộc sống vốn không bao giờ tàn lụi trong cô. Tiệm bánh nhỏ ấy đã thay đổi cuộc đời cô với những “phép màu” kỳ diệu, đến từ những người thợ làm bánh bình dị, và từ cả anh chàng ở quầy bar trên phố gần đó nữa…

Bánh mì tồn tại gần như là một triết lý sống trong cuốn sách. Ban đầu, Wyn, một người thích làm bánh, nhưng vì cú sốc cho nên đã bỏ bê và không quan tâm đến bánh nữa, giống như cách cô nhào bột rồi cất lại vào tủ lạnh, như cách cô buông rơi cuộc sống của mình. Rồi cứ thế, lặng lẽ nhưng mạnh mẽ và chắc chắn, bánh mì chiếm ngày càng nhiều chỗ trong suy nghĩ và cuộc sống của Wyn, giống như cách mà con người của cô trở lại với cô. Bắt đầu là một nơi ở mới, căn phòng thuê rất tạm bợ nhưng đã thành một tổ ấm nhỏ xinh dưới bàn tay cô, rồi tới những món đồ làm bánh lần lượt trở lại trong gian bếp, và cuối cùng là cuốn sổ công thức cũ của bà. Đó cũng là cách cô xây dựng cuộc sống mới của mình, với một công việc, ban đầu là rất nhỏ, rất phụ, nhưng sau này trở thành một sự nghiệp của riêng cô. Cũng giống như những thay đổi trong tình yêu của Wyn: không còn là cô búp bê xinh đẹp dùng để trang trí nữa, mà là tìm thấy mình trong trái tim của người đàn ông ấy.

Với “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát”, nhân vật chính Kya lại là người hết sức “không bình thường” trong con mắt những người chung quanh. Gia đình cô sinh sống ở một mảnh đất hẻo lánh trong khu đầm lầy giáp biển. Và dưới những trận say xỉn, đòn roi của cha, mẹ cô, rồi lần lượt các anh chị cô đều bỏ nhà ra đi, để lại cô gái nhỏ sống một mình giữa rừng, ở cái tuổi lên 6.

Đẹp đẽ và đau đớn... Quyển sách xoay quanh một vụ giết người bí ẩn, sự trưởng thành và cũng là lời tụng ca thiên nhiên... Tác giả Owen khám phá vùng ngập nước hoang sơ và vắng vẻ của bờ Bắc Carolina qua đôi mắt của một đứa trẻ bị bỏ rơi. Và trong sự cô độc đó, cô bé đã mở ra cho chúng ta những kỳ quan bí mật và những hiểm nguy của thế giới riêng tư thuộc về em..."

The New York Times Book review

Kya được mô tả giống như một Tarzan nữ, nhưng vẫn nói được tiếng người, giữ được cách sinh hoạt của con người và không biết đu dây trên những ngọn cây. Tất cả mọi người trong thị trấn đều nhìn nhận Kya như một kẻ không thuộc về thế giới của họ, một con bé hoang dã không bình thường của đầm lầy. Chỉ có 3 người, vợ chồng ông bà “Jumpin” bán xăng và tạp hóa bên cầu tàu, và Tate, cậu trai nhỏ có trái tim dịu dàng và yêu thích mọi sự sống trong đầm lầy là yêu thương và thấu hiểu cô. Cuốn truyện không cần phải có một lời nào mô tả sự mạnh mẽ của Kya, bởi vì chỉ riêng cuộc sống một mình của cô gái nhỏ 6 tuổi trong căn nhà giữa đầm lầy đã đủ nói lên tất cả. Kya lớn lên không hề có người lớn bên cạnh, chỉ có sự chăm sóc kín đáo và lặng lẽ của ông bà “Jumpin”. Lớn lên như một cái cây hoang dại, cô gái đầm lầy cũng va vấp, gặp phải những chuyện không như ý, khiến cô càng tránh xa cộng đồng. Chuyện gì đến cuối cùng cũng phải đến, cô rơi vào lưới tình của anh chàng đẹp trai, bảnh bao và giàu có nhất thị trấn, và một sự cố kinh khủng xảy ra với cô.

Sức mạnh của cô gái sống trên đầm lầy không chỉ nằm ở cuộc đào thoát ngoạn mục khỏi cả kẻ quấy rối lẫn biến cố lớn trong đời, mà còn nằm ở cách cô cảm nhận cuộc sống, thiên nhiên quanh mình. Những loài động vật, thực vật hoang dã trong đầm lầy, ngoài biển, thậm chí cả những chiếc vỏ sò, lông vũ… đều mang những vẻ đẹp tuyệt vời, mà qua bàn tay cô cùng năng khiếu bẩm sinh được truyền lại từ người mẹ, đã trở thành những điều thú vị, làm kinh ngạc cả những người khó tính nhất. Một cô gái hoang dã trở thành một tác giả, với sự hiểu biết về cuộc sống đầm lầy tương đương với một nhà nghiên cứu. Đó là phần thưởng lớn nhất mà sự mạnh mẽ đem lại cho cô, cũng như hạnh phúc mà cô xứng đáng được hưởng. Câu chuyện với thiên nhiên hoang dã tuyệt đẹp và sức mạnh phi thường của một phụ nữ sống trong khung cảnh thiên nhiên ấy, đã trở thành tác phẩm đứng đầu bảng xếp hạng sách bán chạy nhất của tờ New York Times với hơn 6 triệu bản trên toàn thế giới chỉ sau hơn 1 năm ra mắt.

Cũng là một phụ nữ bị bỏ rơi từ nhỏ, Violette Toussaint của “Hoa vẫn nở mỗi ngày” mang cái tên lãng mạn không phải vì tình yêu với màu tím, mà vì khi được sinh ra, cô tím ngắt, không còn chút màu hồng nào của sự sống. Cuộc đời cô là một chuỗi bất hạnh với người mẹ bỏ đi từ lúc mới sinh ra cô, người chồng vô dụng, cô con gái nhỏ ra đi trong một tai nạn thảm khốc, và cuối cùng người chồng cũng lại biến khỏi đời cô trong nỗi đau ám ảnh về sự mất mát. Bản thân cô làm nghề quản trang, một công việc hiếm ai nghĩ sẽ lựa chọn trong đời.

Một tiểu thuyết đầy cảm xúc, một cuốn sách đưa ta đi từ tiếng cười đến những giọt nước mắt với các nhân vật hài hước và cuốn hút.

Ban giám khảo giải thưởng Prix Des Maisons De La Presse

Những năm tháng làm nghề quản trang, làm bạn với thế giới của người chết, của sự im lặng đã cho Violette thấy nhiều điều trong cuộc sống. Giữa mớ hỗn độn của mất mát đau thương, tuyệt vọng, bất hạnh…, cũng vẫn có những hy vọng dù là nhỏ nhoi. Vẫn có sự ấm áp yêu thương từ trái tim, xoa dịu những thương tổn, mất mát. Violette đã thắp lên niềm hy vọng trong mình, niềm vui và tình yêu mãnh liệt vào cuộc sống.

Cô thợ bánh mì, cô gái trên đầm lầy, người nữ quản trang… những nhân vật có thể gặp bất kỳ đâu đó trong cuộc sống, không chỉ còn ở trong trang sách, mà còn có thực ngoài đời, với những câu chuyện sống động. Hạnh phúc không phải là món quà mà cuộc sống dành cho họ, mà là món quà, là phần thưởng của chính họ cho những nỗ lực của chính mình.