Những “cột mốc sống” nơi biên cương Tổ quốc

NDO - Ở giữa đại ngàn Trường Sơn, hàng chục năm nay, các thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Bình đã đồng hành, chung tay cùng bộ đội biên phòng gìn giữ từng tấc đất, từng cột mốc biên cương. Họ như những “cột mốc sống” được trao truyền, tiếp nối để bảo vệ bình yên miền biên viễn Tổ quốc. Đến xã biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) lần này, chúng tôi đã gặp được họ với những câu chuyện xúc động như thế.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn công tác của Đồn Biên phòng Làng Mô và xã Trường Sơn trong một chuyến tuần tra, kiểm tra mốc quốc giới. (Ảnh chụp từ phía biên giới nước bạn Lào)
Đoàn công tác của Đồn Biên phòng Làng Mô và xã Trường Sơn trong một chuyến tuần tra, kiểm tra mốc quốc giới. (Ảnh chụp từ phía biên giới nước bạn Lào)

Chuyện của già Phúc

Sáng sớm hôm ấy, khi con gà rừng le te gáy bên kia bờ suối, già Trần Văn Phúc ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn đã trở dậy chuẩn bị ấm nước lá để uống buổi sớm. Với già, sử dụng các thứ lá thuốc trên rừng đã trở thành thói quen, thành sở thích từ hàng chục năm nay.

Có thể nhờ vậy mà ở tuổi 85, trông già vẫn dẻo dai, trí nhớ còn rất tốt, chỉ đôi chân mỗi khi trái gió trở trời là nặng hơn đôi chút.

Mời khách uống nước. Trong đôi mắt già Phúc ánh lên niềm vui khi thông báo với chúng tôi rằng, chiều nay gia đình người con gái ở ngay phía sau nhà của già làm mấy mâm cơm mời dân bản đến mừng cho con trai ngày mai lên đường nhập ngũ.

Những “cột mốc sống” nơi biên cương Tổ quốc ảnh 1

Ở tuổi 85, già làng Trần Văn Phúc vẫn còn khỏe khoắn, minh mẫn.

Già gật gù: “Vậy là lớp cháu lại tòng quân, kế tiếp truyền thống gia đình và bà con Bru-Vân Kiều gìn giữ biên cương Tổ quốc”, già mừng lắm lắm!”. Được gợi chuyện, dường như những kỷ niệm thời thanh xuân của già Trần Văn Phúc như ùa về, ông sôi nổi hơn trong câu chuyện bằng chất giọng trầm ấm và vang, còn đôi bàn tay vân vê, minh họa trên mặt bàn.

Hàng chục năm trước, do chưa có cột mốc giới, cộc dấu trên biên giới nên cứ hình dung con suối, dãy núi cao là biên giới, bên này của nước mình, bên kia nước bạn Lào mà thôi.

Già làng Trần Văn Phúc

Ấy là năm 1973, sau một thời gian du canh, du cư, già làng Trần Văn Phúc đưa gia đình cùng với 6 hộ dân về khai hoang, lập bản, hình thành nên bản Khe Cát bây giờ. Ông tham gia cùng đội dân quân xã phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Đặc biệt, năm 1975, khi đất nước hòa bình độc lập, khi đó ông làm trưởng ban và tham gia nhiều chuyến đi tuần tra biên giới với các chiến sĩ bộ đội biên phòng.

“Được các anh bộ đội biên phòng gọi thì mình lên đường chứ lúc nớ, chưa có đường lên biên giới, cột mốc quốc giới, rừng thì nhiều thú dữ, đường đi xuyên giữa rừng già và vách đá cheo leo, nguy hiểm. Do chưa có cột mốc giới, cộc dấu trên biên giới nên cứ hình dung con suối, dãy núi cao là biên giới, bên này của nước mình, bên kia nước bạn Lào mà thôi”, già Phúc nhớ lại.

Theo ông Trần Văn Phúc, hầu hết các chuyến tuần tra biên giới giữa rừng già Trường Sơn những năm 80, 90 đều gian khổ và rình rập nhiều rủi ro do thú dữ và bệnh sốt rét. Mỗi chuyến đi như vậy mất nhiều ngày, trên vai các chiến sĩ biên phòng và dân quân như ông mang nặng gạo muối và tăng võng.

Tuần tra biên giới cùng bộ đội biên phòng với ông như là nhiệm vụ, là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim và niềm tin vì sự bình yên của bản làng, của Tổ quốc. Ông kể, chuyến đi gần nhất ông và các chiến sĩ biên phòng phải ở lại bản Dốc Mây một đêm mới đủ sức lên đường cho ngày hôm sau.

Dốc Mây như một trạm dừng chân trong mỗi chuyến tuần tra biên giới của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng làng Mô. Sau này, có các chiến sĩ dân quân trẻ, nhiệt huyết cùng tham gia tuần tra, cột mốc chủ quyền với bộ đội biên phòng và già Phúc cũng đã mỏi gối, chồn chân nên ông được nghỉ ngơi.

Tuy vậy, kinh nghiệm đi rừng và những kiến thức, sự am hiểu về núi rừng Trường Sơn của già Trần Văn Phúc đã giúp ích cho nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô và dân bản Trường Sơn trong những chuyến xuyên rừng kiểm tra biên giới, cột mốc chủ quyền.

Dừng câu chuyện về thời trai trẻ, già Phúc kéo chúng tôi ra sau phía nhà. Hóa ra, ở đó có nhiều ngôi nhà sàn quây quần và ở giữa là không gian với nhiều cây cối xanh mát.

Những “cột mốc sống” nơi biên cương Tổ quốc ảnh 2

Bên bậu cầu thang, già mời chúng tôi ghé thăm nhà gia đình người con gái. Họ đang tất bật chuẩn bị cho con trai là Hồ Văn Nghin chuẩn bị lên đường nhập ngũ. Ở tuổi 18, trông chàng trai người Bru-Vân Kiều khá chững chạc và khá háo hức khi chỉ còn 2 ngày nữa là lên đường tòng quân.

Ngồi bên ông ngoại, Hồ Văn Nghin chăm chú lắng nghe những lời dạy dỗ, dặn dò của già Phúc và đại diện chỉ huy Đồn Biên phòng Làng Mô cho chặng đường quân ngũ sắp tới. Nghin hứa với ông, với các cán bộ biên phòng sẽ nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của người lính quân hàm xanh để bảo vệ bình yên biên cương đất nước.

Già Trần Văn Phúc nói thêm rằng, Hồ Văn Nghin là người cháu thứ 3 của ông trở thành Bộ đội Cụ Hồ, tiếp nối truyền thống quê hương góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mốc giới biên cương trong lòng dân bản

Hoàng Văn Tơn và Hoàng Văn Viêng, ở bản Cây Cà, xã Trường Sơn vốn sinh ra và lớn lên ở bản, cuộc sống gắn chặt với nghề rừng nên những chuyến đi rừng dài ngày đối với các anh là bình thường.

Nhưng nếu đi rừng cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô để tuần tra, bảo vệ cột mốc biên cương thường mang đến những cảm xúc rạo rực, khó tả.

Anh Hoàng Văn Tơn chia sẻ: “Mỗi chuyến tuần tra biên giới, tự tay lau sạch cột mốc biên cương, tôi cảm thấy rất tự hào. Sau những chuyến đi, tôi thường kể với anh em, bạn bè những câu chuyện thực tế bản thân đã trải nghiệm để họ hiểu về ý nghĩa, niềm thiêng liêng trong việc bảo vệ mốc quốc giới. Có người nghe kể, sau đó cũng tình nguyện tham gia tuần tra biên giới cùng bộ đội biên phòng để góp phần bảo vệ biên cương Tổ quốc”.

Những “cột mốc sống” nơi biên cương Tổ quốc ảnh 3

Bộ đội Biên phòng Quảng Bình trong một chuyến tuần tra biên giới.

Còn Hoàng Văn Viêng kể rằng, khi nghe Ban Chỉ huy xã đội thông báo sẽ cùng với bộ đội biên phòng tuần tra cột mốc, tôi thấy rất tự hào. Những chuyến tuần tra biên giới giúp tôi thấu hiểu sự vất vả, hy sinh của chiến sĩ biên phòng, hiểu rõ hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân đang sinh sống nơi miền biên cương để đóng góp công sức, chung tay bảo vệ Tổ quốc”.

Đồng chí Hồ Văn Giàu, Phó Chỉ huy trưởng Ban Quân sự xã Trường Sơn cho biết, nhận thấy được trách nhiệm của mình, nhiều người ở Trường Sơn thường xuyên tham gia tuần tra bảo vệ cột mốc biên giới với bộ đội biên phòng.

Trong đó có những người mỗi quý đi 2-3 chuyến lên mốc giới mà trong đó mỗi chuyến đi mất 3-4 ngày đường. Người được coi đi tuần tra mốc giới giỏi nhất là ông Hồ Ban ở bản Dốc Mây.

Bản Dốc Mây được xem là nơi xa xôi nhất ở xã Trường Sơn khi nằm giáp biên giới 2 nước Việt Nam-Lào và biệt lập với thế giới bên ngoài. Để đến được với bản Dốc Mây, từ trung tâm xã Trường Sơn phải đi bộ hơn 20km đường rừng với nhiều đoạn đường dốc lởm chởm đá tai mèo, cao vút, rất nguy hiểm.


“Lên biên giới, đứng nghiêm trang giơ tay chào cột mốc, mình thấy tự hào lắm"!

Ông Hồ Bang, bản Dốc Mây, xã Trường Sơn

Đây là nơi sinh sống của 22 hộ là dân tộc Bru-Vân Kiều và đều là hộ nghèo. Bản không có đường, không điện. Thấu hiểu những khó khăn của đồng bào nên cấp ủy, chính quyền xã Trường Sơn và Đồn Biên phòng Làng Mô luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho bà con.

Khó khăn là vậy nhưng bà con luôn sẵn sàng giúp đỡ bộ đội biên phòng trong công tác bảo vệ biên giới. Ông Hồ Bang là một người như vậy.

Những “cột mốc sống” nơi biên cương Tổ quốc ảnh 4

Ông Hồ Bang (bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng chí Nguyễn Văn Nhì trong một chuyến kiểm tra mốc quốc giới 552.

Hàng chục năm nay, ông tình nguyện trông coi cột mốc quốc giới số 552. Cột mốc này nằm cách bản Dốc Mây hơn 5 tiếng đồng hồ đi bộ. Vậy nhưng, ngoài những lần cùng bộ đội biên phòng thực hiện các chuyến tuần tra, thì định kỳ vài ba tuần, ông Bang lại một mình xuyên rừng lên thăm mốc quốc giới số 552.

“Lên đó, đứng nghiêm trang giơ tay chào cột mốc, mình thấy tự hào lắm! Nếu cây cối mọc che cột mốc, mình chặt bỏ cho cho quang sáng. Quanh mốc giới không có nước, mỗi lần đến kiểm tra mình phải chặt cây chuối, lấy bẹ chuối để lau chung quanh cột mốc. Nếu cột mốc bị bong tróc, mình sẽ báo ngay cho các chú bộ đội biên phòng biết”, ông Hồ Bang chia sẻ.

Từng được ông Hồ Bang dẫn đường trong những chuyến lên kiểm tra cột mốc quốc giới, Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn Nguyễn Văn Nhì cho biết, ông Hồ Bang là người có uy tín ở bản Dốc Mây. Hàng chục năm qua, ông tình nguyện trông coi mốc quốc giới số 552 và hướng dẫn, hỗ trợ bộ đội biên phòng, dân quân xã trong những chuyến tuần tra mốc giới.

Nhờ ông Bang tuyên truyền mà nhiều bà con ở Dốc Mây trở thành những người đi đầu trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Không chỉ tham gia tuần tra đường biên, mốc quốc giới, trong những lần đi rừng lấy mật ong, tìm lá thuốc… người dân xã Trường Sơn còn kết hợp kiểm tra, phát quang mốc quốc giới và cung cấp các thông tin liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cho bộ đội biên phòng.

Những “cột mốc sống” nơi biên cương Tổ quốc ảnh 5

Đội công tác của Đồn Biên phòng Làng Mô và xã Trường Sơn cùng lực lượng bảo vệ biên giới của Lào chào cột mốc quốc giới.

Trung tá Nguyễn Trung Dũng, Chính trị viên, Đồn Biên phòng Làng Mô, cho biết, Đồn quản lý 16 mốc quốc giới và chiều dài 43km đường biên. Đường tuần tra mốc quốc giới vô cùng khó khăn bởi rừng sâu, núi cao nhưng trong một quý đơn vị phải tuần tra hết toàn bộ mốc quốc giới theo phân công.

Dù nhiệm vụ khó khăn, gian khổ song với sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, sự ủng hộ, đồng hành thầm lặng của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Trường Sơn, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc, bình yên vùng biên cương của Tổ quốc.