Theo thống kê, chỉ trong hai tháng đầu năm 2023, Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain ghi nhận hơn 2 triệu lượt khách đi cáp treo lên đỉnh núi “hot” nhất khu vực Nam bộ này. Còn như vào trình duyệt Coccoc.com và gõ cụm từ “Du lịch Tây Ninh”, chỉ trong ít giây, người dùng có đến 90.704 lượt kết quả “tất tần tật” về các địa điểm vui chơi, tâm linh, ăn uống, du ngoạn ở Tây Ninh. Những con số nêu trên nói lên điều gì?
Núi Bà Ðen là địa điểm du lịch tâm linh thu hút hàng triệu du khách mỗi năm hành hương để viếng chùa Bà đã tồn tại gần 300 năm gắn với huyền thoại về Linh Sơn Thánh Mẫu. Quần thể tâm linh kỳ vĩ với tượng Phật Bà Tây Bổ Ðà Sơn bằng đồng uy nghiêm sừng sững giữa mây trời và khu triển lãm Phật giáo quy mô lần đầu tiên có tại Việt Nam. Thêm nữa, Hội Thánh Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ Tòa Thánh Tây Ninh là nơi du khách có đạo hay không theo tôn giáo cũng thường xuyên đến Tây Ninh để phụng cúng cũng như chiêm ngưỡng kiến trúc tuyệt đẹp của tòa thánh.
Tây Ninh đã và đang tổ chức chu đáo rất nhiều lễ hội văn hóa, tâm linh mang bản sắc độc đáo, thu hút hàng trăm nghìn du khách như Hội Xuân núi Bà Ðen với chủ đề “Hương sắc Tây Ninh” được tổ chức trong tháng Giêng âm lịch; Triển lãm mừng Ðại lễ vía Ðức Chí Tôn (đạo Cao Ðài) với các mô hình triển lãm mộc mạc nhưng hàm chứa những ý tưởng cao đẹp; Phiên chợ lá Tây Ninh nổi tiếng khắp vùng Ðông Nam Bộ với sự độc đáo khi sử dụng lá cây thay cho tiền mặt. Tại chợ lá, các quầy hàng được xếp san sát nhau, bày bán đặc sản dân dã như chè đậu, cốm, xôi, sữa đậu nành, chè, khoai luộc, bắp, bánh ít...
Các mặt hàng tại chợ không được định giá, đến đây người mua chỉ cần đưa lá cho người bán là sẽ mua được quà. Phiên chợ này muốn nhắn nhủ rằng tiền bạc chỉ là phương tiện, vật chất phù du như lá, vì thế cần giữ được tấm lòng thiện lương, không thể vì tiền mà đánh mất chính mình. Mới nhất, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Lễ hội “Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh lần I năm 2023” nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội sẽ diễn ra hằng năm dự kiến nhằm thu hút hàng triệu người theo đạo Phật và Cao Ðài.
Trong kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh tập trung triển khai phát triển sản phẩm du lịch gắn với lễ hội và tín ngưỡng như Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, Hội yến Diêu Trì cung, Lễ hội Kỳ yên đình Gia Lộc, Hội xuân Núi Bà Ðen, Lễ hội Quan lớn Trà Vong...
Ngoài ra, Tây Ninh còn phát huy các lễ hội, hội nghề các ngành hàng bánh tráng phơi sương, muối tôm, bánh canh... để làm đa dạng sản phẩm du lịch ngoài các tour đang có như tham quan sông Vàm Cỏ Ðông, Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát... Thêm một địa chỉ không thể thiếu với du khách là Di tích quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền nam.
Thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung ương Cục đã lãnh đạo nhân dân cách mạng miền nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh trường kỳ, cùng quân dân cả nước tiến đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ðồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đánh giá cao kết quả trong việc tổ chức các lễ hội Xuân Quý Mão năm 2023 với nhiều kết quả ấn tượng; được tổ chức trang trọng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc sắc riêng, nâng cao phục vụ các sản phẩm về du lịch, được đa số khách du lịch phản hồi tích cực. Lượng khách du lịch đến địa phương từ đầu năm 2023 đến nay đã đạt gần 2 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt trên 800 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với cùng kỳ.
Dự kiến năm 2023, Tây Ninh sẽ đón 5 triệu lượt khách du lịch đến với Tây Ninh, doanh thu du lịch ước đạt 1.800 tỷ đồng. Ðồng chí Nguyễn Thanh Ngọc mong muốn năm nay ngành du lịch Tây Ninh tiếp tục tạo sự đột phá mạnh mẽ; khắc phục những hạn chế phát sinh trong quá trình điều tiết giao thông, bảo đảm an ninh trật tự, mua bán hàng hóa, góp phần tạo mỹ quan tổng thể cho du lịch Tây Ninh để địa phương thực sự là “điểm đến ấn tượng” trong lòng du khách gần xa.