Những cơ hội và thách thức từ AEC

Sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay sẽ tác động nhiều mặt tới nước ta. Đối với Hà Nội - một trong hai đầu tàu kinh tế lớn của cả nước, sự hình thành AEC mang đến cả cơ hội lẫn thách thức, đòi hỏi Thủ đô chủ động hội nhập vào quá trình này.

May giày xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV giày Thượng Đình. Ảnh: QUỲNH ANH
May giày xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV giày Thượng Đình. Ảnh: QUỲNH ANH

Với mục tiêu tạo dựng một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao, phát triển đồng đều, thực hiện có hiệu quả Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu, AEC sẽ ưu tiên sáu yếu tố chủ chốt là: chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống thuế và thương mại điện tử; từng bước xóa bỏ hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan; chấp thuận các tiêu chuẩn và kinh nghiệm sản xuất, phân phối quốc tế tối ưu nhất. Đồng thời, AEC xác định 12 lĩnh vực ưu tiên đẩy nhanh liên kết, đó là: Hàng nông sản; ô-tô; điện tử; nghề cá; các sản phẩm từ cao-su; dệt may; các sản phẩm từ gỗ; vận tải hàng không; thương mại điện tử ASEAN; chăm sóc sức khỏe; du lịch và logistics. AEC sẽ hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) bằng cách giành lợi thế trong tiếp cận thông tin, tài chính, kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực và công nghệ. AEC cũng cho phép sự tự do di chuyển lao động có tay nghề qua biên giới các nước thành viên, nhất là trong tám ngành nghề được thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương nội khối, gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch.

ASEAN hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ ba và là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 40 tỷ USD. Thị trường ASEAN cũng chiếm khoảng 20 đến 25% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Hà Nội và đạt khoảng 10 tỷ USD năm 2014.

Khi AEC hình thành, xuất khẩu của Việt Nam và Hà Nội sang thị trường ASEAN sẽ tiếp tục hưởng ưu đãi thuế quan với tổng số hơn 99% dòng thuế của ASEAN +6 là 0% theo ATIGA. Việc AEC đẩy nhanh tự do hóa thuế quan, xóa bỏ hàng rào phi thuế, cải thiện yêu cầu về quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thương mại, đơn giản và hiện đại hóa thủ tục hải quan, hài hòa tiêu chuẩn và chứng nhận và áp dụng các biện pháp kiểm dịch vệ sinh động thực vật phù hợp… giúp các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội nói riêng, có cơ hội tiếp cận thị trường và môi trường kinh doanh minh bạch, giảm thiểu chi phí giao dịch quốc tế, hạ giá thành, cải thiện chất lượng và khả năng cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; phát triển thương mại điện tử và mở rộng thị phần với các thành viên ASEAN, cũng như có thêm cơ hội xuất khẩu các hàng hóa trên các thị trường đối tác tham gia FTA với ASEAN như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản...

Hà Nội với vai trò trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… sẽ có những cơ hội lớn để khai thác những lợi thế của mình về xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao; xuất khẩu lao động cả phổ thông và qua đào tạo; tăng thu hút nguồn lực về vốn, công nghệ, quản trị doanh nghiệp, chất xám cho phát triển du lịch, y tế, giáo dục; phát triển và hiện đại hóa thị trường tài chính; phát triển thị trường bất động sản, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn… Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp chủ động nắm bắt cơ hội tham gia AEC, như: Tái lập Sở Du lịch Hà Nội; thành lập hai khu công nghiệp phụ trợ và công nghiệp thông tin - phần mềm; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Hà Nội sẽ đối diện với nhiều áp lực mạnh mẽ hơn về cạnh tranh thị trường, đa dạng hóa mẫu mã, xây dựng và quảng bá thương hiệu; nhất là đòi hỏi ngày càng gay gắt hơn về năng lực đổi mới công nghệ, giảm giá thành, tiếp cận các tiêu chuẩn kỹ thuật chung của khu vực, cũng như khả năng vượt qua hàng rào kỹ thuật ngày càng cao của các nước thành viên AEC và các thị trường xuất khẩu khác. Thực tế cho thấy, cả chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức; bảo đảm tính đồng bộ, hài hòa của các mục tiêu, loại công cụ chính sách và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng hữu quan... Duy trì các trang web và đường dây nóng thông tin hội nhập sống động, cập nhật, thiết thực và thuận tiện. Kiện toàn các đơn vị chức năng tổng hợp và nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tư vấn lãnh đạo các cấp. Xây dựng, quảng bá thương hiệu và nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các ngành, sản phẩm chủ lực. Tiếp tục hình thành các khu công nghiệp và khu công nghệ cao mới để thu hút mạnh FDI chất lượng cao. Tăng cường đào tạo nhân lực lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp và lao động xuất khẩu chuyên môn thuộc tám lĩnh vực tự do di chuyển lao động và 12 lĩnh vực khuyến khích liên kết trong AEC...

Đặc biệt, cần nghiên cứu xây dựng một số trung tâm thương mại của Hà Nội tại các thị trường trọng điểm ASEAN; tăng cường thông tin, tuyên truyền, dự báo, phản biện và chủ động các phương án và giải pháp phòng ngừa rủi ro; đề cao sự minh bạch chính sách và sự đồng thuận trong xã hội, nhất là giảm thiểu các chấn động tài chính và bất động sản, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và ổn định chính trị trên địa bàn và cả nước.

Có thể bạn quan tâm