Nhận công tác chủ nhiệm một lớp có nhiều học sinh bị coi là cá biệt, cô Nguyễn Thúy Quỳnh, giáo viên Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai) trăn trở rất nhiều khi thấy học sinh lặp lại cùng một lỗi sai dù đã làm kiểm điểm hay kỷ luật nhiều lần. Lựa chọn đột phá của cô Quỳnh để giải quyết vấn đề này là sử dụng hợp đồng hành vi thay cho bản kiểm điểm theo mẫu, vốn đem lại ít hiệu quả. “Giải pháp phù hợp quy trình giải quyết các vấn đề trong cuộc sống chứ không chỉ trong dạy và học. Tôi thật sự kỳ vọng với hình thức này, giáo viên sẽ giáo dục học sinh hiệu quả, nhất là việc tập trung khắc phục những hành vi sai phạm có tính hệ thống hoặc có tính nghiêm trọng” - cô Quỳnh chia sẻ.
Lê Thanh Thảo, học sinh lớp cô Quỳnh làm giáo viên chủ nhiệm cho biết, em thấy bản hợp đồng hành vi như một bản kế hoạch để mình sửa chữa lỗi sai của mình theo cách tự nhìn nhận, đánh giá, tự đưa ra phương pháp thay đổi cũng như hình thức kỷ luật hay phần thưởng. Thảo chia sẻ, em cảm nhận rõ sự tôn trọng, khích lệ từ cô giáo. Từ đó, Thảo đã nhận thấy lỗi sai của mình và có động lực để thay đổi.
Trong bản hợp đồng hành vi, cô Quỳnh đã đưa vào bốn nội dung chính. Đầu tiên, học sinh nhìn nhận, đánh giá hành vi của mình, đánh giá hậu quả của hành vi. Từ đó đề xuất cải thiện hành vi, thay vì cam kết đơn thuần thì chuyển sang những điều khoản cụ thể trong hợp đồng. Trong bản hợp đồng này, giáo viên sẽ đưa ra khung giới hạn thời gian thực hiện để các con tập trung cải thiện hành vi của mình. Phần thưởng hay hình thức kỷ luật sẽ do học sinh đề xuất.
Nói về một học trò đặc biệt T.K.N, cô Quỳnh chia sẻ, em học sinh này thường xuyên nói chuyện trong giờ học, không chép bài, ảnh hưởng không khí học tập của cả lớp. Cô Quỳnh tìm hiểu thì em N đưa ra nguyên nhân là do hay soạn thiếu sách vở và đồ dùng học tập, cho nên không thực hiện được nội dung thầy, cô giáo yêu cầu. Sau khi thảo luận, T.K.N cam kết sẽ mang đầy đủ sách vở, không mang đồ chơi đến trường. Cùng với đó, cô tặng cho T.K.N một phần thưởng trở thành thành viên của đội STEM của lớp để em được tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo của mình. “Em học sinh này không thành công ngay từ những hợp đồng đầu tiên mà cần một học kỳ để khắc phục. Cũng từ đó, em đã tiến bộ và đã giúp lớp giành được giải thưởng trong hoạt động STEM của nhà trường” - cô Quỳnh cho biết.
Tâm sự về một trong những vấn đề hay vấp phải của học sinh hiện nay là học thụ động, lười chuẩn bị, không biết cách tự học, tự tìm hiểu bài giảng trước khi đến lớp, dẫn tới không nắm được nội dung môn học khi học trực tuyến, thiếu sự tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh, cô Trần Thu Thủy, giáo viên Trường THCS Thượng Thanh (quận Long Biên) đã áp dụng một sáng kiến rất hiệu quả để thay đổi tình trạng này. “Để định hướng cho học sinh chuẩn bị bài mới trước khi đến lớp, luyện tập - vận dụng kiến thức đã học làm các dạng bài tập, ôn tập kiến thức trước những bài kiểm tra và thậm chí là có thể kiểm tra, đánh giá học sinh và đặc biệt là tổ chức các hoạt động học tập, tương tác cho học sinh trong một giờ học trực tuyến, tôi đã sử dụng nhiều phần mềm, ứng dụng công nghệ khác nhau. Trong đó, sáng kiến kinh nghiệm mang đến cho bản thân tôi và học sinh những hiệu quả rõ rệt là phiếu bài tập bằng Google forms” - cô Thủy cho biết.
Theo cô Thủy, việc chuẩn bị bài mới môn Ngữ văn trên phiếu học tập Google forms giúp học sinh phát huy được tính chủ động, tích cực trong học tập, rèn được thói quen tự học, ý thức chuẩn bị bài mới trước khi đến lớp. Các em dễ dàng truy cập vào một khối lượng lớn thông tin và kiến thức có sẵn, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Với phiếu bài tập, học sinh có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, có được nguồn tư liệu ôn tập kiến thức môn Ngữ văn cụ thể, chi tiết, dễ nhớ. Điều này thể hiện trên thực tế, học sinh đã chủ động truy cập lại phiếu học tập hướng dẫn chuẩn bị bài mới khi ôn tập kiểm tra định kỳ.
Với giáo viên, việc triển khai phiếu bài tập cho học sinh giúp giáo viên thực hiện được vai trò định hướng trong quá trình dạy học. “Làm tốt công tác đầu tư cho tiết dạy giúp tôi luôn chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức, hướng dẫn học sinh tự khai thác và chiếm lĩnh tri thức. Tôi cũng dễ dàng nắm bắt được những nội dung khó trong bài học khiến học sinh bị lúng túng hoặc chưa hiểu bài để lưu ý khi dạy học trực tiếp trên lớp. Các phiếu học tập được lưu lâu dài nên tôi có cơ sở để đánh giá tình hình học tập của học sinh một cách khách quan, toàn diện và chính xác hơn” - Cô Thủy chia sẻ.