Những chuyển biến trong công tác thi hành án dân sự

Năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã có những chuyển biến rõ rệt. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vừa qua đạt kết quả cao.
0:00 / 0:00
0:00
Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La tuyên truyền pháp luật tại bản Tà Xùa.
Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La tuyên truyền pháp luật tại bản Tà Xùa.

Bộ Tư pháp đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW ngày 3/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 6/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác lĩnh vực này.

Thu hồi tài sản các vụ án về tham nhũng, kinh tế

Đồng chí Nguyễn Quang Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự cho biết: Bên cạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm đối với hành vi tham nhũng thì việc thu hồi tài sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng".

Từ thực tiễn chỉ đạo công tác thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua trong hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự, có thể thấy rõ bước chuyển quan trọng nhất là nhận thức.

Ở Bộ Tư pháp, công tác thi hành án dân sự, thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế luôn là nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bộ Tư pháp cũng đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xây dựng báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí qua công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế của Hệ thống thi hành án dân sự giai đoạn 2016-2021 phục vụ Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV.

Công tác thi hành án dân sự góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Năm 2022, Bộ Tư pháp cũng tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, chủ trì nhiều cuộc họp để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành án dân sự; phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhằm giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành các vụ việc phức tạp, các vụ việc thi hành án trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi.

Quyết liệt thi hành án tín dụng, ngân hàng

Mặc dù hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế của nước ta, nhất là hệ thống các ngân hàng thương mại, tuy nhiên, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của lãnh đạo Bộ Tư pháp và sự nỗ lực của toàn hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự, công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng năm 2022 đã có nhiều khởi sắc, kết quả thi hành án lĩnh vực này tăng cả về việc và tiền so với năm 2021, tỷ lệ thi hành xong đạt và vượt chỉ tiêu được giao.

Ngay từ đầu năm, xác định thi hành án tín dụng, ngân hàng là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ của cả hệ thống, góp phần vào nhiệm vụ chung về phục hồi kinh tế-xã hội của Chính phủ, các cơ quan thi hành án dân sự đã rà soát, tổng hợp các vụ việc tín dụng ngân hàng có tài sản ở nhiều nơi để kịp thời áp dụng quy định ủy thác xử lý tài sản theo quy định mới của Luật Thi hành án dân sự; tổ chức các buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng và các tổ chức tín dụng để tháo gỡ vướng mắc.

Các cơ quan thi hành án dân sự chủ động phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố trực tiếp kiểm tra, xác minh làm rõ giá trị tài sản, thống nhất biện pháp tổ chức thi hành dứt điểm đối với những vụ án lớn, khó khăn, phức tạp; tổ chức đối thoại với các tổ chức tín dụng; kiểm tra, rà soát, kịp thời tổ chức thi hành theo đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, ngành đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường phối hợp cơ quan thi hành án dân sự giải quyết các vướng mắc, Tổng cục thi hành án dân sự đã rà soát, theo dõi, chỉ đạo các vụ việc có điều kiện thi hành, giá trị từ 20 tỷ đồng trở lên và ba năm chưa thi hành xong đối với 28 tỉnh, thành phố và thực hiện linh hoạt mở rộng loại việc có điều kiện thi hành và trên một năm chưa thi hành xong đối với các tỉnh, thành phố có các vụ việc giá trị nhỏ; tổng hợp, báo cáo tham mưu hướng giải quyết đối với các vụ việc án tín dụng ngân hàng liên quan khoản vay theo chính sách của Nhà nước; phối hợp các bộ, ngành, cơ quan hữu quan, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng để kiểm tra, chỉ đạo tại một số địa phương có lượng việc và tiền phải thi hành án lớn, trong đó tập trung tại một số Ngân hàng như Agribank, Vietcombank, Gpbank,…

Tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, 100% các cục thi hành án dân sự đã chủ động kiện toàn và ban hành kế hoạch công tác của tổ công tác chỉ đạo, xử lý các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Với những giải pháp nêu trên, mặc dù điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn nhưng các cơ quan thi hành án dân sự đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để kết quả thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng tăng cả về việc và tiền so với năm 2021.

Các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện nghiêm trách nhiệm chức năng theo dõi thi hành án hành chính theo quy định của Luật Thi hành án hành chính đối với 403 bản án hành chính đã có quyết định buộc thi hành án của tòa án, đã tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 327 vụ việc; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 77 vụ việc người phải thi hành án chậm thi hành án; đăng tải công khai lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử thi hành án dân sự và theo dõi đối với 370 quyết định buộc thi hành án hành chính của tòa án.

Năm 2022, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đã thi hành xong 429 bản án, quyết định; đang tiếp tục thi hành 563 bản án, quyết định, trong đó chủ yếu là các bản án, quyết định phát sinh trong năm 2021 và năm 2022.

(Nguồn: Tổng cục Thi hành án dân sự)