Nhắc lại hai khái niệm "vùng" và "chấm" nêu trên là bởi trong khi chúng ta nghiêm túc áp dụng và tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2, cũng rất cần chú trọng đến vấn đề an sinh xã hội, sinh kế và tâm lý người dân.
Theo Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19, có bốn mức độ nguy cơ được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch tương ứng với các mầu sắc: mầu xanh là mức bình thường mới; mầu vàng là mức nguy cơ; mầu cam là mức nguy cơ cao và mầu đỏ là mức nguy cơ rất cao.
Không khó để chúng ta dễ dàng bắt gặp những tấm biển có ghi dòng chữ "vùng xanh" hay "khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao" được đặt ở đầu các con ngõ, ngách, các lối dẫn vào khu dân cư… Ở đây, việc phân vùng giúp các địa phương nắm bắt chính xác tình hình, đánh giá và dự báo nguy cơ theo bốn mức. Đồng thời chủ động tấn công và phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm và nhanh chóng ổn định tình hình, qua đó đưa ra các giải pháp tương ứng với từng mức độ nguy cơ, áp dụng ở phạm vi phù hợp kết quả điều tra dịch tễ, không nhất thiết phải toàn bộ đơn vị hành chính.
Rõ ràng, cách làm này sẽ bảo đảm kiểm dịch hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất việc gây khó khăn cho người dân, không quá tải ở nhiều khâu. Ngoài ra còn bảo đảm sức khỏe, tâm lý người dân, giải quyết được vấn đề an sinh xã hội và sinh kế của họ, cũng như bảo vệ được hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi xem vùng xanh là vùng an toàn, không có dịch, thì cũng cần hiểu sự an toàn ở đây không có nghĩa là ai cũng có thể ra vào vùng xanh tự do trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Thậm chí, những người không nằm trong vùng xanh muốn vào vùng xanh còn phải chịu sự kiểm dịch nghiêm ngặt. Cũng không có nghĩa, đã là vùng xanh thì không có những chấm cam.
Chính vì vậy, cũng cần quan tâm đến tâm lý, nhu cầu cuộc sống của người dân, nhất là công nhân, người lao động, khi thời gian giãn cách xã hội kéo dài. Chính phủ, các đoàn thể xã hội, cộng đồng doanh nghiệp đã có những chính sách, hành động hỗ trợ kịp thời như phát tiền cho người dân, hỗ trợ lương thực, y tế, thế nhưng, ngay chính tại vùng xanh, nếu chỉ chú trọng phòng, chống dịch mà bỏ qua nhu cầu, tâm lý người dân, cả hai mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh và bảo đảm an sinh xã hội sẽ khó đạt được. Chưa kể, một số người nghèo, các hộ dân khó khăn không được quan tâm kịp thời thì dù sống ở vùng xanh họ sẽ phải tìm mọi cách bươn chải, mưu sinh, chấp nhận đối mặt với nguy cơ lây nhiễm và làm lây lan bệnh khi rời khỏi nhà. Ngoài việc sức khỏe có thể bị ảnh hưởng, họ sẽ làm ảnh hưởng đến nỗ lực phòng, chống dịch chung của cộng đồng chung quanh và rộng hơn là khu dân cư, thậm chí là cả địa phương.
Những ngày vừa qua, chúng ta vẫn thường xuyên nhận thấy những chấm cam trên ứng dụng Zalo Connect với những yêu cầu về trợ giúp lương thực, nhu yếu phẩm, vật dụng y tế hay chỉ đơn giản là tư vấn sức khỏe hằng ngày (chấm xanh là những trường hợp đã nhận được trợ giúp từ cộng đồng). Việc làm sao để ngày càng xuất hiện càng ít chấm cam sẽ cho thấy sự quan tâm kịp thời, sâu sát và đầy đủ từ chính quyền địa phương và xã hội với người dân, ngược lại nếu vẫn còn nhiều chấm cam có nghĩa trách nhiệm của chúng ta đối với đồng bào là chưa đủ.
Thế nên, đặt ra các mức độ nguy cơ không chỉ nhằm bảo đảm sức khỏe người dân mà còn là vấn đề an sinh xã hội và sinh kế của người dân, để không còn tiếp tục xuất hiện chấm cam… và không xuất hiện những chấm đỏ trong vùng xanh. Chưa kể, việc chăm lo tốt đời sống người dân ở mỗi địa bàn cũng là cách giúp mở rộng thêm vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ, để sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.