Tết nhất. Tết là nhất. Nhưng cái sự “nhất” ấy sẽ khó bề hiện hữu nếu một ai đó trong số chúng ta không được đón Tết ở nhà, được sum vầy bên người thân. Vì thế dù lớn đến đâu, trưởng thành đến đâu, bất kỳ ai cũng có một phần ký ức chẳng thể nào quên về Tết nhà thêm vào những hoài niệm gia đình luôn theo mỗi người trong cuộc đời?
GS-TS Nguyễn Văn Hiệp: Đúng vậy, mình không tự nhiên từ trên trời rơi xuống mà phải có cội, có nguồn, có tổ, có tông. 50 tuổi rồi nhưng nghe đến Tết là tôi lại quay quắt nhớ về ngày thơ bé. Hồi đó mỗi dịp cận Tết, ba tôi thường bắt con cái quét mạng nhện trong nhà và cọ rửa các bộ lư hương bằng đồng. Bây giờ thì dễ rồi, người ta cứ việc mang ra hàng chà chà một lát là xong. Hồi xưa chúng tôi phải lấy lá dứa dại và tro trấu đánh vài ngày mới sáng. Bù lại ba ngày Tết có vị khách nào đến chơi và khen: “Nhà này có bộ lư hương sáng quá” thì đứa trẻ là tôi rất sung sướng tự hào, vì thấy mình cũng có công giữ cho nhà cửa đàng hoàng sáng sủa. Nhưng vui nhất là trước Tết chừng một, hai tháng, chuẩn bị những gốc tre già để luộc bánh chưng. Chỉ có gốc tre già phơi khô khi bắt lửa mới đượm và cháy lâu. Hơn nữa, như thế thì măng non mới có chỗ mọc chứ lười không bật gốc già, cả bụi tre sẽ trở nên xác xơ, còi cọc.
GS-TS Nguyễn Văn Hiệp.
Ca sĩ Thái Thùy Linh (Một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu nhất năm 2012 do Trung ương Đoàn bình chọn): Ở đại gia đình của tôi, có câu chuyện mà mỗi khi Tết đến hoặc những lúc nhắc về ông ngoại, mẹ lại đem ra kể. Ấy là khi cuộc sống còn khó khăn, ăn chưa no, mặc chưa ấm, ngày Tết ông ngoại bảo mẹ tôi - cô con gái cả cầm một chéo bánh chưng ra chuồng cho trâu ăn. Mẹ tiếc rẻ: phí quá, trâu sao ăn được bánh chưng, đến người cũng Tết mới được ăn mà nhà lại đông con. Ông liền giảng giải rằng, cả năm con trâu làm lụng vất vả, mang lại cơm gạo cho mình, ngày Tết trời lạnh, nó đứng đơn độc ngoài chuồng giá rét. Câu chuyện đó theo suốt trong tâm thức các thành viên gia đình suốt ba thế hệ qua. Cũng vì ảnh hưởng từ ông cho nên mẹ tôi rất tốt tính, nhiệt tình. Hàng xóm thường hay đùa mẹ như “thùng nước gạo” hoặc “lính cứu hỏa” vì gặp việc khó khăn (từ đưa người ốm đi cấp cứu, lên cơ quan công quyền giải quyết việc cho tổ dân phố) họ đều tìm đến mẹ. Mẹ có thời gian dài sống ở Hà Nội rồi mới quay trở lại quê cho nên nhiều kinh nghiệm ứng xử hơn, mọi người hay nhờ vả. Tôi từ mẹ, cũng quen với những việc như thế.
Nghệ sĩ violon Bùi Trị Điền: Không chỉ ngày Tết, nhà tôi lúc nào cũng ấm cúng, vui nhộn dù gia đình có hơi đặc biệt một chút. Tôi là con trai duy nhất trong số bốn chị em, ông bà nội ngoại rất gia giáo, thậm chí cổ hủ. Thế nhưng tôi lại lấy vợ nước ngoài. Cô ấy người Nga, hiện là nghệ sĩ piano của Nhà hát Nhạc vũ kịch. Mẹ tôi là nghệ sĩ piano Thái Thị Sâm. Trước khi về định cư ở Việt Nam, chúng tôi đã có thời gian sống cùng mẹ tại Pháp. Hai người phụ nữ của tôi không chỉ là mẹ chồng - nàng dâu, mà còn là đồng nghiệp và cũng gần như là bạn. Mẹ đã từng rất ngại khi chứng kiến con dâu cần mẫn ngồi giặt đồ cho mình bằng tay không. Vợ tôi vô cùng chiều mẹ chồng, ngược lại mẹ cũng chăm sóc con dâu chu đáo, tâm lý và để ý, quan tâm tới từng chi tiết nhỏ. Mẹ vẫn thường bảo: bà phục con dâu, một nghệ sĩ Nga nổi tiếng mà khéo léo tề gia nội trợ, nuôi dạy con và chăm sóc chồng chu đáo. Cả mẹ và vợ tôi đều không dùng người giúp việc để được tự tay chăm con, có sự quan tâm tốt nhất cho con. Tôi không ăn được món Nga, vợ tôi học nấu món Việt. Cô ấy nấu ăn rất khéo và từng đoạt giải nhất trong hội thi nấu ăn dành cho Việt kiều với món nem truyền thống.
GS-TS Lê Thị Quý: Tôi cũng may mắn vì được về làm dâu một gia đình trí thức. Tốt nghiệp đại học tôi kết hôn, rồi sống chung với bố mẹ chồng và các anh chị em nhà chồng. Điều kiện sống thời đó eo hẹp, cả gia đình có căn phòng chừng 30 m2 nhưng vẫn ấm cúng, hòa thuận. Bố mẹ chồng tôi thoáng tính, biết cảm thông và không khắt khe, áp đặt con cái cho nên tôi hòa nhập rất nhanh. Cả cụ ông cụ bà đều khuyến khích tôi học lên cao, động viên tôi phấn đấu sự nghiệp. Được các cụ ủng hộ, tôi mới dám gửi con lại nhà để đi nghiên cứu sinh. Tôi học ở Liên Xô, chồng tôi học ở Bun-ga-ri, cũng gần như cùng một thời kỳ cho nên việc con cái chúng tôi giao phó hết cho các cụ. Cụ bà chăm sóc cháu nội tận tâm và có phương pháp, cụ rèn cháu học, kiểm tra bài vở vô cùng cẩn thận, chu đáo. Tôi đã học được ở bố mẹ chồng cách tạo cơ hội bình đẳng cho mọi thành viên trong gia đình. Chồng tôi là con trai trưởng của GS Vũ Khiêu nhưng khi chúng tôi chỉ sinh có một cậu con trai, các cụ cũng không can thiệp. Khuynh hướng của gia đình luôn là tự do, tất nhiên không phải tự do vô lối mà trong khuôn khổ văn hóa. Có lẽ nhờ có sự tự vệ, khả năng phòng vệ cao cho nên các thành viên trong đại gia đình không bị ảnh hưởng bởi những cái xấu, cái xấu cứ chạm vào là bật ra ngay.
Tranh: ĐÀO HẢI PHONG
Gia đình quả là có sức mạnh mềm như thành trì đầu tiên bảo vệ mỗi cá nhân trước cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội. Thế nhưng những năm gần đây, nhiều tiếng nói bi quan vẫn cất lên về thực trạng văn hóa gia đình, nền tảng gia đình, rường cột gia đình đang có nguy cơ lung lay, trốc rễ?
GS-TS Nguyễn Văn Hiệp: Mất gốc, ai cũng lo nỗi lo mất gốc. Con người có bản năng tự do sáng tạo nhưng vẫn phải gắn với gốc rễ của mình. Tôi thì không bi quan nhưng cũng không lạc quan tếu. Trước đây, ông cụ tôi có lúc quá nghiêm khắc, tôi rất sợ. Đến tầm này lại mong muốn được quay ngược thời gian để hưởng những cái nghiêm khắc ấy. Hằng năm tôi vẫn cố gắng đưa con cái về thăm quê, tuy vậy chúng cũng không cảm được. Các cháu ngoan ngoãn ngồi nói chuyện với ông bà một lát cho phải đạo rồi về phòng mở laptop chat chít với bạn bè khắp thế giới... Dẫu có thế cũng vẫn phải cho về, cho các cháu chạm vào quê hương bản quán. Truyền thống gia đình, nếp nhà, gia phong phải được giữ gìn phát huy thông qua những cái rất cụ thể. Bao nhiêu năm đi nhiều nơi, đến nhiều vùng miền trên trái đất tôi đã nghiệm ra: Gia đình, cội nguồn... đấy là hạnh phúc. Hạnh phúc là gì, đơn giản là được trở lại những ngày thơ bé trong vòng tay gia đình. Trong xã hội nhiều xô bồ này thì những hình ảnh từ quá khứ, từ mái ấm càng tiếp thêm sức mạnh, giúp mỗi cá nhân tự tin đứng vững được trước sóng gió cuộc đời. Như câu thơ của nhà thơ Phùng Quán: “Tôi vịn câu thơ đứng dậy”, tôi đã luôn vịn vào gia đình, vào quê hương để sống và vượt qua những trái ngang, nghịch cảnh.
GS-TS Lê Thị Quý: Tôi cũng đồng tình rằng không nên lo lắng bi quan về câu chuyện nền tảng gia đình đang khủng hoảng dù thực tế có thể là đúng, là điều ai cũng nhìn thấy. Có chân lý thế này: Cơ sở kinh tế - xã hội tác động đến gia đình, gia đình phát triển ảnh hưởng đến xã hội và ngược lại. Mối quan hệ biện chứng đó đang đi tới thời kỳ có những bước chuyển lớn. Chúng ta từng đánh đổ tư tưởng nho giáo cổ hủ, đánh đổ phong kiến lạc hậu nhưng lại chưa xây dựng được chuẩn mực gia đình phù hợp với thời đại mới. Nôm na là bỏ cái cũ mà chưa xây kịp cái mới cho mọi người theo. Vậy nên, nếu nói nền tảng gia đình khủng hoảng cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Chuẩn mực gia đình mới có sự kế thừa mặt tích cực của nho giáo, tiếp thu tinh hoa của thế giới và đề cao truyền thống dân tộc. Đó chính là: Cha mẹ nhân từ con cái hiếu thảo; Dạy con bằng tấm gương chứ không phải lý thuyết suông, không thể muốn con trở thành người trung thực mà ra đường cha mẹ lại lọc lừa, tranh giành chụp giật. Những đạo lý chân truyền: Anh em như thể chân tay, thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn... cũng cần được khôi phục lại, cộng với đề cao giá trị nhân-nghĩa-lễ-trí-tín, công dung ngôn hạnh ở cả hai giới mà không phân biệt nam hay nữ, bởi đơn giản đã là con người ai chả cần có lòng nhân, cần giữ chữ tín...
Nghệ sĩ violon Bùi Trị Điền: Tôi không rành rẽ lắm những vấn đề lý luận nhưng từ thực tiễn, tôi thấy đúng là phải dạy con bằng tấm gương, và cha mẹ chính là tấm gương tiêu biểu nhất. Bố mẹ tôi dạy con phải biết nghĩ đến người khác, thương người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Các cụ luôn thực hiện điều đó như lời răn cho con cái. Hồi bé, đi sơ tán, mọi người thấy tôi nhỏ cho nên dành ghế trên ô-tô cho ngồi. Lúc đó, mới năm tuổi, tôi đã biết trả lời: Con không ngồi, để nhường cho các cô giáo là phụ nữ, là con trai phải nhường chứ ạ. Đấy chính là điều mẹ tôi đã luôn rèn cặp, nhắc nhở tôi hằng ngày. Ở nhà tôi, tất cả những điều bố mẹ nói với con đều phải thực hiện triệt để nghiêm túc. Vì thế cả bốn chị em tôi đều rất ngoan ngoãn, biết vâng lời. Trong thưởng phạt, phải kiên quyết, công minh; khi con ngoan, thưởng xứng đáng. Khi phạt, phải cực kỳ nghiêm khắc. Phương pháp ấy hiện nay tôi đang áp dụng với con gái. Hằng ngày, cháu phải tập đàn năm đến sáu tiếng nhưng vẫn tự nguyện giúp mẹ việc nhà. Cả hai vợ chồng tôi đều rất bận rộn nhưng vẫn tự làm việc nhà vì muốn con gái có ý thức và biết yêu công việc chân tay. Cũng may, trong quan điểm dạy con, dù đến từ hai nền văn hóa khác nhau nhưng chúng tôi vẫn có cùng suy nghĩ, cách giáo dục đều tương đồng, hòa hợp với nhau.
Ca sĩ Thái Thùy Linh: Tôi cũng thường soi vào mẹ để định hướng hành động cho mình. Với tôi, giúp người khác đã thành bản năng, nhìn người bị nạn, quá khó khăn trong khi mình có thể giúp được thì làm ngay, không suy nghĩ gì nhiều. Thí dụ, có lần vừa đi diễn về, mặc bộ vest mầu trắng, thấy một em bé bị xe quệt phải, theo phản xạ, tôi bế bé lên để đi cấp cứu. Vẫy xe nhưng không ai dừng lại, tôi quyết định đưa em lên xe máy, đưa đến bệnh viện mới thấy máu của em ướt đầm ống tay áo mình. Sau đó, có người nhắc lần sau phải cẩn thận vì nhỡ đâu có thể bị lây nhiễm. Nghĩ lại thì thấy nếu có tái diễn tình huống đó, tôi cũng không làm khác được. Trong công tác tình nguyện, kể cả lòng thiện cũng cần đầu óc phân tích và tỉnh táo. Trường hợp đó có thật sự cần sự giúp đỡ của mình không, sự giúp đỡ sẽ mang lại hiệu quả như thế nào? Tuy nhiên, đôi khi tôi cũng phá lệ, như có lần một em bé ở Điện Biên bị tắc mạch máu. Hai bố con em xuống Hà Nội mà trong người chỉ còn hai triệu rưỡi, không đủ chi phí trong khi nếu chậm trễ, có thể nguy hiểm tới tính mạng, nhưng mổ thì rất đơn giản. Những trường hợp như thế tôi giúp ngay không suy nghĩ. Và kết quả, số tiền bạn bè tôi, các nhà hảo tâm dành cho bố con em còn nhiều hơn số tiền em cần để phẫu thuật.
Trong ấm ngoài êm, trong nhà có yên vui hạnh phúc thì xã hội mới bền vững, hanh thông... Những điều không nói ra mà ai cũng biết ấy vẫn luôn có giá trị, thậm chí càng có giá trị hơn trong thực tại cuộc sống đang có nhiều áp lực giáng xuống mỗi cá nhân, mỗi số phận. Vậy bảo vệ nếp nhà của mình, giữ sự ấm êm cho gia đình mình thế nào là ưu tiên của không ít người?
GS-TS Nguyễn Văn Hiệp: Tôi nghĩ là chúng ta nên bớt hô khẩu hiệu đi để hướng vào những cái cụ thể. Tết tôi cũng hướng dẫn con cái quét mạng nhện dù nhà cửa thời này có bị mạng nhện nữa đâu. Tôi thấy ở Pháp họ không nói giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng lại luôn ưu tiên cho nhà giáo. Thí dụ, giảng viên đi thăm các viện bảo tàng luôn được miễn phí. Tôi nghe nói thế nên phô-tô tờ quyết định bổ nhiệm tôi làm giáo sư đại học ở Paris tới Bảo tàng Louvre và quả thực được mời vào cửa không mất tiền. Họ đơn giản nghĩ giáo viên càng biết nhiều học sinh, sinh viên càng có lợi. Con mình cũng thế, tôi nắn con từ việc nhỏ bé nhất, thực tế nhất như động viên các cháu tham gia làm sạch nhà cửa đón Tết, để chúng hiểu triết lý “đói cho sạch, rách cho thơm”, nghèo cách mấy ngày Tết cũng không được lúi xùi mà cha tôi vẫn dạy. Tôi thường nói với các con là ba mong muốn các con có sức khỏe và học giỏi. Nếu học không giỏi cũng không sao, nhưng phải làm người trung thực. Sức khỏe và trung thực, đấy là ước vọng của tôi dành cho con cái. Điều đó cũng tương tự như bố vợ tôi, GS Trần Đình Hượu từng dặn dò: Con đừng viết cái gì ra để sau này phải ân hận.
GS-TS Lê Thị Quý: Xã hội bây giờ quả thật có nhiều vấn đề bức xúc hơn, đáng quan ngại hơn. Cả xã hội gần như không có chữ tín. Những tiêu cực đó đập vào gia đình, tạo nên nhiều hệ lụy. Vậy muốn gì thì muốn, trước hết chúng ta phải cùng chung tay xây dựng một xã hội trong sáng hơn, xã hội mà ở đó đồng tiền không phải là nhất, đồng tiền chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích sống. Bây giờ mình đang loạn vì không có chuẩn mực, nên mới cần hơn hết là xây dựng chuẩn mực cho gia đình. Ở ta các gia đình trẻ ly hôn đang nhiều, lấy nhau cho bằng được rồi cũng bỏ nhau cho bằng được. Họ cứ nghĩ thế là văn minh mà không biết đang bắt cả xã hội phải trả giá. Các nước phương Tây, kể cả nước Mỹ đã phải trả giá về sự buông bỏ gia đình và chúng ta đi sau, càng không nên dấn vào vết xe đổ ấy.
Ca sĩ Thái Thùy Linh: Tôi chỉ nghĩ đơn giản là gắng tạo cho con gái mình thói quen biết nghĩ đến người khác, đặt mình vào địa vị của người khác. Con gái tôi từ bé đã được rèn luyện tự lập. Vì thế, với những chuyến công tác liên miên của mẹ, bé cảm thấy rất nhẹ nhàng. Tôi thường cho cháu đi cùng trong những cuộc thiện nguyện, hầu hết các cuộc “Mang âm nhạc đến bệnh viện” tại Hà Nội, Sài Gòn và một lần ở Bắc Giang, tôi đã cho cháu đi theo. Tuy còn nhỏ, nhưng tôi đã cho cháu xem rất nhiều hình ảnh thiếu thốn của các bạn. Con gái tôi ngay lúc ngọng nghịu đã nói như câu cửa miệng: “Mẹ đi lên miền núi mang áo ấm cho các bạn nghèo”. Cháu đã tạo thành phản xạ như nhìn thấy hòm tiền từ thiện là ra xin tiền để bỏ vào; xem ti-vi, thấy bạn nghèo hay cảnh bão lũ thì theo dõi rất chăm chú. Cháu nhận thức được vấn đề, dù lúc khởi đầu có thể chỉ nói theo như con vẹt. Lý do vì cháu thấy mọi ưu tiên, mọi việc làm của mẹ đều dành cho các bạn nghèo miền núi.
Nghệ sĩ violon Bùi Trị Điền: Xã hội có thế nào thì gia đình luôn là bức bình phong tốt nhất che chắn gió độc, ngăn chặn ảnh hưởng xấu. Giống cha mẹ mình, tôi luôn bảo đảm việc giáo dục rất nghiêm khắc với các con. Dù vậy, các con vẫn hết mực thương yêu mình vì chúng cảm nhận rõ tình yêu lớn lao mà bố mẹ dành cho. Từ mẹ tôi, giờ đến tôi đều xác định dạy con sống thực tế, không a dua vì những lý do sành điệu hay thói bầy đàn. Giá trị thực của bản thân không phụ thuộc vào những thứ hào nhoáng bên ngoài, nó nằm trong những điều mình có thể làm, và làm được cho bản thân mình cùng những người chung quanh, mẹ tôi đã dạy tôi điều đó và đến lượt mình, tôi lại muốn truyền đạt cho con cái tôi.
Chúng ta từng đánh đổ tư tưởng nho giáo cổ hủ, đánh đổ phong kiến lạc hậu nhưng lại chưa xây dựng được chuẩn mực gia đình phù hợp với thời đại mới.
“Kể cả không ai lên tiếng, mẹ thấy người gặp nạn, người bị xe tông là xăng xái giúp. Tôi từ mẹ, cũng quen với những việc như thế”.