70 năm Báo Nhân Dân ra số đầu:

Những câu chuyện nghề của phóng viên thường trú

Những câu chuyện nghề của phóng viên thường trú
Những câu chuyện nghề của phóng viên thường trú -0
 

Trong lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của tờ báo Đảng, nhiều thế hệ phóng viên thường trú (PVTT), mỗi người một sở trường, một phong cách, một giọng văn và một “vùng đất” tác nghiệp, đã nối tiếp nhau cùng làm nên giá trị chung của tờ báo. NDĐT xin giới thiệu những tâm sự về nghề của những nhà báo đã và đang làm việc và cống hiến cho Báo Nhân Dân ở khắp mọi miền của Tổ quốc.

Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0
 Nhà báo Minh Thư tác nghiệp ở Mường Lống, Nghệ An, nơi được mệnh danh là Sa Pa của miền trung.
Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0

Từ một phóng viên báo Đảng địa phương được nhận quyết định về Báo Nhân Dân, đảm trách thường trú tại Nghệ Tĩnh. Như đang dòng sông nhỏ bơi ra biển lớn choáng ngợp, ngày đầu không khỏi lo lắng.

Nghệ An và Hà Tĩnh là một trong những tỉnh địa bàn rộng lớn, đông dân nhất nước và một trong những “đô hội” của báo chí với nhiều sự kiện diễn ra. Nhớ lại những ngày đầu viết tin, viết bài chưa quen, được các anh, chị ở các phòng ban chuyên môn chân tình chỉ bảo, nhắc nhở, uốn nắn để không bỏ sót tin, cho hợp “guồng”, dùng từ ngữ cho hợp “gu” của báo Đảng, chính xác, “không đính chính”... Với lòng yêu nghề, không ngại gian khổ, chịu khó học hỏi, tôi đã sớm hòa nhập vào “cộng đồng Nhân Dân”. Từ đây, tôi đã học và rèn luyện theo văn phong và cách đưa tin, tiếp cận đề tài hợp “gu” của Nhân Dân và viết được một số bài gây dấu ấn trên các ấn phẩm, hoàn thành sứ mệnh của một phóng viên thường trú.

Mười ba năm chưa phải là nhiều, với số lượng tin, bài cũng chỉ mới ở mức khiêm tốn, nhưng tôi thấy mình thực sự lớn lên và trưởng thành trong đạo đức, phong cách của người làm báo cách mạng.

Nhân kỷ niệm 70 năm Báo Nhân Dân ra số đầu, trước hết biết ơn thế hệ đi trước đã có công xây dựng và hy vọng thế hệ mới sẽ kế thừa tiếp tục rèn luyện về mọi mặt, đưa Báo Nhân Dân phát triển lên tầm cao mới, nâng cao tính thuyết phục, hấp dẫn của báo Đảng bằng thông tin phong phú, chân thực và kịp thời. Tin rằng thời gian tới, Báo Nhân Dân không ngừng đổi mới nội dung, phương thức chuyển, hình thức trình bày, phát huy sức mạnh tổng hợp của một cơ quan báo chí đa phương tiện, vừa đảm bảo tính định hướng, vừa nâng cao tính hấp dẫn của báo Đảng. Mong rằng các nhân tố mới, sáng kiến, cách làm hay, sáng tạo tiếp tục được Báo Nhân Dân phát hiện, nhân rộng…

Vỏn vẹn 13 năm làm Báo Nhân Dân, chỉ chiếm một phần tư trong quãng thời gian làm nghề viết báo. Đây cũng là quãng thời gian vẻ vang đáng nhớ, tự hào nhất của tôi. Và hôm nay, tôi luôn nhớ về gốc đa cổ thụ sum suê tỏa bóng ở 71 Hàng Trống như ngôi nhà thân thương trong ngày truyền thống vẻ vang 70 năm.

Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0
Nhà báo Dương Hồng Lâm trong một lần tác nghiệp tại Cảng cá Phan Thiết (Bình Thuận). Ảnh: HỮU TRI.
 
Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0

Năm 2003, tôi được tiếp nhận về Báo Nhân Dân, lúc đó tôi là Phó trưởng phòng Biên tập của Đài Phát thanh-Truyền hình Bình Thuận. Kể ra cũng là cơ duyên, cũng là vinh dự lớn của bản thân và gia đình tôi.

Sau những ngày “lâng lâng” ban đầu là sự lo lắng phải làm thế nào cho xứng là người của Báo Nhân Dân. Sinh ra và lớn lên ở miền nam, khi đã tìm hiểu, có dịp giao tiếp, tôi luôn dành sự kính trọng đối với Báo Nhân Dân, cán bộ Báo Nhân Dân.

Những ngày đầu làm PVTT, xa tòa soạn, một mình “tác chiến” độc lập, thú thật tôi cũng rất lúng túng. Việc bày việc, nghề dạy nghề. Ngoài nghiên cứu kỹ tài liệu, văn bản, tôi tự học ngay từ những tin, bài của chính mình… sau khi gửi về tòa soạn được biên tập, đăng tải. Cách học này giúp tôi nhớ rất lâu, hiểu rất kỹ vấn đề cần đề cập, diễn đạt để lần sau không còn bị sửa nữa.

Kinh nghiệm làm báo nói, báo hình đã giúp tôi rất nhiều khi làm báo viết. Một trong những yêu cầu gần như bắt buộc của cách thể hiện ở báo nói, báo hình là phải có tiếng động (âm thanh, lời nói, hình ảnh) từ hiện trường; mà muốn có được, thì phóng viên phải có mặt tại hiện trường. Có lẽ do quen với cách tác nghiệp như vậy mà tôi luôn coi trọng việc phải có mặt tại nơi diễn ra sự kiện, sự việc; phải chạm tận mặt, sờ tận tay, phải hỏi được người trong cuộc…

Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in chuyến đi Trường Sa, chuyện trò với những người lính trẻ. Vẫn nhớ diết da những chuyến đi “chống hạn” xuống gặp bà con nông dân ở Bình Thuận, Ninh Thuận. Nhớ lắm những chuyến ra đảo Phú Quý (Bình Thuận) cùng khề khà, lai rai và hỏi chuyện bà con ngư dân cực kỳ thiện nghệ ngoài đó. Và nhớ, nhớ rất nhiều những lần cùng đồng nghiệp lên Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên… (Bình Dương) để gặp gỡ, trao đổi, tâm tình với những tỷ phú nông dân… Giờ nghiệm lại, những chuyến đi như vậy đã giúp tôi thu “lãi” rất nhiều. Với tôi, thực tiễn sinh động từ cuộc sống, những cuộc gặp gỡ, trò chuyện…, chính là người thầy không sách vở của mình.

18 năm gắn bó với Báo Nhân Dân, là đàn cháu, đàn em của các vị tiền bối, của các thế hệ nhà báo đáng kính lớp trước, tôi cảm thấy rất tự hào, vinh dự. Nếu được trở lại với buổi sáng gần 20 năm trước và nếu được nghe câu hỏi “Có về Báo Nhân Dân không?” thì câu trả lời của tôi vẫn là “Có”!.

Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0
Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0
 Nhà báo Quốc Hồng (đứng giữa) lên vùng cao Ý Tý, Lào Cai tìm hiểu thực tế đồng bào dân tộc Hà Nhì trồng cây sâm đất thay thế cây ngô, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Với tôi, được làm PVTT Báo Nhân Dân tại tỉnh miền núi, địa đầu biên giới Lào Cai là một vinh dự, tự hào gắn với trách nhiệm cụ thể. Lúc nào cũng nhắc nhở mình đang được đứng trong đội ngũ những người làm báo Đảng, tờ báo có truyền thống vẻ vang 70 năm trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. 

Bản thân luôn tự dặn mình cố gắng tích cực bám nắm cơ sở, tìm hiểu thực tiễn cuộc sống... Không nhớ hết những vất vả, gian  khổ, thậm chí nguy hiểm khi trèo đèo, lội suối, cắt rừng để có mặt tại hiện trường thật nhanh, kịp ghi nhận thực tế, chụp những tấm ảnh, quay những hình ảnh nóng hổi, chân thật về lũ quét ở bản người Dao Tùng Chỉn; sạt lở đất ở Phìn Ngan; lũ ống ở Bản Khoang; dập lửa cứu rừng đêm 30 Tết ở đỉnh Hoàng Liên, trên độ cao hàng ngàn mét; bão tuyết phủ trắng hoa màu và hạ gục gia súc của người dân ở các bản làng vùng cao Sa Pa… Trước những khó khăn và hiểm nguy như dịch Covid-19, thay vì ngần ngại, chúng tôi thật tự hào khi có mặt ở những thời khắc khó khăn của đất nước, sát cánh bên những người lính biên phòng căng mình chống dịch. Những dòng tin, những hình ảnh được bạn đọc đón nhận là nguồn động viên cổ vũ chúng tôi vượt khó, khắc phục hạn chế thậm chí là khuyết điểm để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó cũng là niềm vui vô bờ bến của chúng tôi, người làm báo Đảng thường trú tại địa phương.

Tôi luôn suy nghĩ, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”  Luôn tự dặn mình phải không ngừng học tập, luôn học tập và noi theo gương Bác Hồ về phong cách và đạo đức làm báo. Làm một phóng viên thường trú tại địa phương, một mình một địa bàn, mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề; phải có tấm lòng trong sáng, không để tiêu cực chi phối, không bị tình cảm cá nhân lấn át công việc chung… 

Nhìn lại chặng đường 70 năm vẻ vang của Báo Nhân Dân, chúng tôi càng tự hào và nỗ lực phấn đấu rèn giũa đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để xứng đáng là người làm báo Đảng, tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0
Nhà báo Thành Châu (ngoài cùng bên phải) phỏng vấn gương người Mông làm ăn giỏi ở bản Chang Lơng trên độ cao 1.500 mét so với mực nước biển. 
Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0

Gần chục năm quân ngũ, cũng ngần ấy năm được đọc báo Nhân Dân và QĐND vào các giờ sinh hoạt đơn vị. Lúc đó, đối với báo Đảng, các chuyên mục xã luận, bình luận quốc tế, chuyện làm ăn, cùng các trang an ninh quốc phòng được cánh sĩ quan chúng tôi yêu thích và chọn đọc đầu tiên. Sau này, tôi được tuyển vào làm phóng viên báo Hà Tĩnh – báo Đảng địa phương. 

“Tầm sư học đạo”, tôi may mắn được làm quen và được các bác, các anh phóng viên Báo Nhân Dân thường trú ở khu vực hướng dẫn cách viết tin, bài cộng tác với báo. Sau những lần thử thách, tôi được nhận làm cộng tác viên “không chính thức” cho các PVTT. 

Nhớ như in, lần đầu gửi bản thảo viết tay “Làng biển Xuân Hội bên bờ sóng gió” cho anh Sĩ Đại. Hồi hộp chờ đợi chờ bài được đăng cứ y như hồi nhỏ chờ mẹ đi chợ về. Hồi đó, thông tin liên lạc khó khăn nên suốt ngày tôi cứ tự hỏi, liệu bài có đăng được không? Khoảng 10 ngày sau, tôi nhận được báo biếu, run run khi phong bì mở ra. Tôi không tin vào mắt mắt mình, cả bài báo gần 2.000 từ đăng tràn hơn 1/4 trang kinh tế.

Sau nhiều năm cộng tác, tháng 2-2007, tôi chính thức được gia nhập “gia đình” Báo Nhân Dân – 71 Hàng Trống. Không thể tả hết niềm vui, khi được ra gốc đa Hàng Trống, nhận quyết định về Báo Nhân Dân. Tôi nhớ như in lời dặn dò của bác Tổng Biên tập Đinh Thế Huynh lúc đó: “Gia nhập “gia đình” Báo Nhân Dân, em hãy cố gắng làm thật tốt nhé!”, và xem đó là “kim chỉ nam” trong công việc hằng ngày của mình. 

Về Báo Nhân Dân, tôi được phân công thường trú tại địa bàn hai tỉnh: Hà Tĩnh và Quảng Bình. Dù nhà ở Vinh, con còn nhỏ, nhưng tôi vẫn cố gắng sắp xếp thời gian bám địa bàn Quảng Bình – nơi cách nhà hơn 200 km. Địa bàn hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình tuy không lớn nhưng trải dài “khúc ruột miền trung”, lại có những thời điểm thường xảy ra các vấn đề thời sự, lũ lụt, thiên tai, tai nạn thảm khốc… buộc phóng viên thường trú phải thường xuyên có mặt để phản ánh kịp thời, như vụ “Nhà thờ Tam Tòa”; “Chìm đò Quảng Hải sáng 30 Tết Nguyên đán làm hàng chục người chết”; “Đại công trình phá rừng”… ở Quảng Bình; Mưa lũ lịch sử “nhấn chìm” nhiều địa phương hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình” hay vụ “Formosa xả thải ra môi trường” ở Hà Tĩnh,… 

Giữa năm 2010, tôi bàn giao địa bàn Quảng Bình lại cho phóng viên Hương Giang. Đầu năm 2017, bàn giao địa bàn Hà Tĩnh cho phóng viên Ngô Tuấn để về thường trú tại Nghệ An. 

Nghệ An có dân số hơn ba triệu người; trong đó có gần nửa triệu người là các dân tộc thiểu số; là một tỉnh rộng nhất nước, có 85% diện tích đồi núi; nơi có bốn huyện miền núi 30a và đặc biệt khó khăn; nơi có gần 500 km đường biên với nước bạn Lào… nên việc đi lại, tác nghiệp của phóng viên gặp không ít khó khăn. Nếu từ Vinh lên đến Mường Xén – huyện lỵ của huyện biên giới 30a Kỳ Sơn bình thường phải đi mất sáu, bảy giờ đồng hồ; chưa kể, đến các xã biên giới phải mất nhiều giờ đồng hồ nữa với bao cung đường đèo, dốc quanh co nguy hiểm. Khó khăn là vậy nhưng sau hơn bốn năm về Nghệ An công tác, tôi cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; luôn bám địa bàn để có tin bài phản ánh kịp thời. 

Nhân kỷ niệm 70 năm Báo Nhân Dân ra số đầu, tôi càng tự hào là phóng viên của “gia đình” báo Đảng. Niềm tự hào đó càng buộc tôi phải cố gắng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên bám cơ sở, tiếp tục tìm tòi cái mới và trau dồi nghiệp vụ để có bài viết phản ánh thực tế cuộc sống sinh động hơn nữa. 

Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0
Phóng viên Mạnh Hảo tác nghiệp trong ngày Bệnh viện Dã chiến số 1 đi vào hoạt động tại TP Hồ Chí Minh. 
Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0

Tôi về Báo Nhân Dân đã gần mười năm. Công việc làm báo ở một môi trường mới cho tôi những chuyến đi thú vị và nhiều cảm xúc. 

Khi trở thành phóng viên tại CQTT TP Hồ Chí Minh, một môi trường sôi động bậc nhất đã cho tôi những điều thú vị để khám phá, đam mê với nghề. Nhất là trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, tôi đã học và cảm nhận được nhiều điều không chỉ có ích trong công việc mà còn trong cuộc sống hằng ngày. 

Hơn một năm qua, những phóng viên phụ trách mảng y tế như chúng tôi đều phải căng mình làm việc, bất kể thời gian. Nhớ lại giai đoạn đầu khi dịch bùng phát, mỗi ngày đều phải cập nhật thông tin mới nhất, luôn bám sát các cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố. Những cuộc họp bất thường, hay kéo dài đến 7, 8 giờ tối đã trở nên bình thường đối với chúng tôi. Ngoài số liệu báo cáo, mỗi phóng viên đều có thể cảm nhận được mức độ phức tạp của tình hình dịch bệnh qua ánh mắt, qua sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo ngành y.  Ngày nào không có lịch họp giao ban, dù “thất nghiệp” nhưng ai nấy đều cảm thấy nhẹ lòng khi biết tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế.

Vào tháng 3-2020, khi chung cư Hòa Bình, phường 14, quận 10 bị phong tỏa vì phát hiện có trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, Mặt trận Tổ quốc của quận đã vào cuộc nhanh chóng để giúp người dân. Chúng tôi không thể nào quên hình ảnh chị Chủ tịch Mặt trận phường 14 chạy trong đêm tìm mua đủ 1.000 ổ bánh cho bà con có bữa ăn sáng trong ngày đầu cách ly. Những bữa cơm trưa, cơm chiều được cung cấp mỗi ngày đã giúp cho người dân cảm thấy được chia sẻ, quan tâm mà vững lòng hơn. Hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thịt Quýt (quận Gò Vấp) hơn 90 tuổi, nhưng vẫn cặm cụi bên chiến máy may để may từng chiếc khẩu trang cho người nghèo phòng, chống dịch khiến chúng tôi ấn tượng mãi. 

Chúng tôi nhớ chuyến đi thực tế ở Sư đoàn bộ binh 317 (Quân khu 7) vào thời điểm nơi này có hơn 200 công dân từ nước ngoài về đang được cách ly. Một trong những khâu vất vả của đơn vị là công tác hậu cần, chăm lo bữa ăn cho người được cách ly tại đơn vị. Từ 3 giờ sáng, tất cả đã dậy và bắt tay vào công việc. Xong bữa ăn sáng, các chiến sĩ tiếp tục chuẩn bị tiếp bữa ăn trưa, ăn chiều, với gần 1.000 suất ăn. Chúng tôi thật sự xúc động khi nhìn hình ảnh những chiến sĩ trẻ trong Sư đoàn 317 chăm chút làm từng món quà gửi tặng cho các công dân khi hết thời gian cách ly, trở về với gia đình. Những món quà “cây nhà lá vườn” dù không có có nhiều giá trị vật chất nhưng chất chứa biết bao tình cảm quân dân trong khó khăn gian khổ.

Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 vẫn còn phía trước. Những người phóng viên phụ trách mảng y tế của Báo Nhân Dân vẫn luôn sẵn sàng để tiếp tục gửi đến bạn đọc không chỉ những tin tức mới luôn được cập nhật, mà còn những câu chuyện đậm tính nhân văn. Những bài viết mang vẻ đẹp của tình người, nghĩa đồng bào cũng chính là những đóng góp bé nhỏ của đội ngũ phóng viên Báo Nhân Dân trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid-19 này.

Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0
Nhà báo Ninh Nguyễn về đến đảo Thổ Chu (Kiên Giang).
Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0

Trong những chuyến đi công tác dài ngày, có lẽ chuyến đi theo ghe đánh cá 23 ngày ở vùng biển Nam Côn Sơn khiến tôi vỡ lẽ ra nhiều điều về ngư dân, nghề cá đồng thời cũng là chuyến đi giúp tôi quý trọng cuộc sống giản dị mỗi ngày. 

Trong năm ngày lênh đênh trên biển với tàu đánh cá, bạn sẽ hiểu hết được công việc, từng mẻ lưới kéo lên trong đêm hay ngày. Trong 10 ngày, bạn có thời gian để trò chuyện sâu hơn với từng thuyền viên đánh cá, lược lại những gì bạn chưa thấm nhuần bởi công việc của họ, có thời gian quan sát biển khơi. 

Nhưng, trong 15 ngày, bạn có cảm giác như bị “cầm tù” vì ngày nào bạn cũng chỉ thấy mặt nước, bước đi bước lại trên một con thuyền. Và những ngày tiếp theo bạn sẽ rơi vào trạng thái chán nản bởi đó không phải công việc của bạn, thu nhập của bạn, đam mê của bạn và bạn không thể ra khỏi đó trừ khi chủ tàu đánh cá giúp bạn điện đàm với các chủ tàu khác qua sóng đài duyên hải giúp bạn sang một con thuyền khác để về đảo hoặc đất liền.

Lịch trình chuyến đi của tôi không dài, không ngắn nhưng đủ độ thấm thía. Để có được chuyến đi này, tôi phải nhờ vào sự quen biết, gửi gắm để lên một chiếc ghe đánh cá khởi hành từ Phước Tỉnh, Vũng Tàu, chạy hai ngày hai đêm ra vùng đánh cá. 

Đó là năm 2016. Người đưa tôi ra khơi là Thắng. Thắng quê Nam Định làm rể ở Vũng Tàu. Cả hai đều đi nhờ ghe. Ghe của Thắng đang đánh cá ngoài khơi từ mồng sáu Tết. Mỗi chuyến đi của họ ròng rã khoảng ba tháng trời. Thắng vào bờ vì lý do sức khỏe. Tạm thời ổn định, ra viện, chờ ngày tái khám nên cậu lại ra khơi theo tàu.

Thắng nói với tôi: “Đi nhờ nên anh phải cẩn thận. Khi nào lên ghe của tôi, anh sẽ được thoải mái”. Thắng đưa cho tôi một cái bao tải, nhét toàn bộ ba lô, máy ảnh, giày... vào đó, đi đôi dép tổ ong rồi bước chân lên ghe như một “công nhân” mới theo chủ đánh cá khơi xa.

Hành trình trên biển, không sóng điện thoại, không internet nên không có gì đọc cả. Như những ngư dân, tôi phải đánh răng, rửa mặt, tắm nước mặn rồi mặc quần áo chứ không được tắm tráng như cách chúng ta tắm biển khi ở bờ. Và quần áo bẩn sẽ được giặt bằng nước biển, phơi khô rồi mặc. Chuyện vệ sinh cá nhân trên ghe cũng phải tập làm quen- cái này rất khủng khiếp trong những ngày đầu.

Mọi người đều vui buồn với những mẻ lưới, sơ chế hải sản, tắm gội rồi ngủ nghỉ. Với tôi, mỗi ngày như dài hơn. Tôi như đang xòe bàn tay ra để đếm từng ngày. Những thèm muốn hằng ngày, như buổi sáng ra cà phê gặp bạn bè, trưa hẹn nhau đi ăn, hoặc tối rủ nhau giải trí trong rạp chiếu phim... đều trở nên xa xỉ. Ở đây, tôi như một chú “cẩu” trên thuyền, chồn chân khó tả. Thêm vào đó, tiếng máy nổ của ghe rền 24/24 mỗi ngày không lúc nào ngừng.

Đêm, ngoài khơi, như một cái làng thưa dân số. Thuyền lưới cá thu, thuyền câu mực... xa mờ. Mười ngày trôi qua, tôi bắt đầu thèm tắm một lần thỏa thích bằng nước ngọt, thèm ngủ trên giường êm ái, thèm ăn một cốc chè thật ngọt bên lề đường. Những gì thường nhật tôi có thì bây giờ tôi như bị “li dị” ra khỏi cộng đồng không được lựa chọn. Tất cả âm ỉ, gặm nhấm bên trong, tẩm mặn từ quần áo đến sợi tóc của mình bên ngoài. 

Và rồi, tôi muốn phát điên lên. Tôi mở những giấc mơ không lành về gia đình, người thân trong giấc ngủ hoảng loạn. Thắng nối máy đài duyên hải cho tôi gọi về nhà... Thắng hướng dẫn tôi tỉ mỉ khi mình nói thì nhấn nút, khi mình nghe thì thả ra nhưng thao tác của tôi nó rất vụng về, rồi kết thúc, rồi tôi òa khóc. Thắng vấn an tôi: “Yên tâm. Yên tâm nào... Anh biết đấy, hai tháng qua, ghe đánh được rất ít cá. Khi tôi ra, anh ra, những mẻ lưới mới nặng hơn. Anh biết đấy, không có thu nhập lấy chi tôi trả lương, trả thưởng cho mọi người. Phía sau mỗi người đánh cá là gia đình họ và... tôi”! 

Và rồi Thắng xin một cái ghe khác, ghe lưới cá thu. Ghe cá thu không ở lâu ngoài khơi nên cho có thể về sau hai tuần. Thực tế, ngoài khơi xa không có tàu dịch vụ cung cấp nhu yếu phẩm và mua hải sản như chúng ta suy nghĩ. Nó hoàn toàn khác với những thông tin chúng ta đọc và biết.

Với tôi, ngày nhìn đám mây mà tưởng tượng về làng. Đêm, nằm trên biển mà tưởng tượng cánh đồng lúa xuân êm ả. Rồi Thắng cũng đã liên lạc được ghe lưới cá thu cho tôi qua vì ghe đó sẽ cập đảo. Thắng vẫn căn dặn tôi, anh cẩn thận vì mỗi nghề nghiệp luôn có những nỗi niềm riêng... Khi ghe lưới cá thu gần cập đảo thì họ lại không lên đảo mà dừng lơ lửng ngoài khơi, chờ bán sản phẩm và quay đầu đi tiếp. Tôi được chuyển sang ghe câu mực, về đảo Thổ Chu.

Tôi về đến đảo trong một buổi sáng sớm, đặt những bước chân đầu tiên lên mặt đất rộng dài, trong niềm mong mỏi mấy chục ngày qua. Tôi cho phép mình nghỉ ngơi một chút. Ăn nhẹ, tắm nước ngọt xong tôi lên giường nằm ngủ trong căn nhà nghỉ trọ tuềnh toàng. Và khi giấc ngủ đến, tôi bắt đầu say sóng. Mắt tôi cứ lờ mờ nhìn thấy cảnh cửa phòng đâm sầm vào mặt mình, trần nhà lúc kéo lên cao, lúc tụt xuống thấp, tất cả ngả nghiêng chao đảo. Cảm giác say bờ thực sự rất khó tả.

Rồi khi mọi điều đã ổn với tôi, một tình thương với những ngư dân từ đâu đó cứ ùa về. Tôi lại nhớ họ, nhớ biển...

Chuyến đi cũng cho tôi cảm xúc viết ký sự năm kỳ “Khơi Nam Côn Sơn” và đoạt Giải khuyến khích Giải báo chí quốc gia năm 2016.

Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0
Nhà báo Đông Huyền trong chuyến tác nghiệp vùng lũ miền núi Quảng Ngãi.
Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0

Vừa đón Tết Tân Sửu xong, tôi nhận được từ đồng nghiệp trên miền núi cao Trà Bồng là hình ảnh hàng trăm người gánh võng vượt qua những con dốc, đường đá sỏi bùn lầy. Những hình ảnh là câu chuyện thương cảm, cả làng gồng gánh võng vượt đường rừng cứu người trên vùng núi heo hút Trà Thọ (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi).

Có thể nhiều phương tiện khác để đi đường rừng, núi cao nhưng tôi và đồng nghiệp quyết định lên vùng núi heo hút bằng xe máy. Với tôi, khó nhọc cũng là cách cảm thấu hơn cơ cực của góc trời xa xôi. Qua những đường núi gồng gềnh đầy đất đá, hố sâu chực té ngã, chúng tôi gặp được bà con làng bản. Chuyện về tre cấp cứu, người kịp thời, người không may mắn, chuyện vui buồn từng phận người làm tôi day dứt. Bài viết “Gánh người bệnh trốn tử thần” được sự phản hồi trân trọng của chính quyền địa phương với kế hoạch hỗ trợ, cải thiện hơn nữa đời sống ở thôn Tre heo hút. 

Đấy là một trong nhiều duyên cớ tôi được đi, được thấy để viết về phận con người. 

Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0
 

Gần sáu năm về cơ quan Báo Nhân Dân tôi được trải nghiệm, dày dạn hơn. Xuất thân từ báo hình, về mái nhà Báo Nhân Dân – cơ quan đa phương tiện - tôi có cơ hội được thể hiện bài viết, tác phẩm báo chí của mình trên nhiều phương diện như báo in, điện tử, truyền hình. Trên những nẻo đường đi qua, điều tôi đau đáu là phận người, thân phận con người ở tận cùng ngõ hẹp. Phận người ẩn chứa ở ánh nhìn, đáy mắt mà khi đủ sự trải nghiệm sẽ được thấy. 

Với tôi, hành trình nghề báo là những nẻo đường tận sâu, gắn phận người nhỏ nhoi, đôi khi cô độc. Tuổi nghề còn non trẻ, tôi muốn trải nghiệm để cảm thấu nhiều hơn nữa. Lên núi cao, về vùng biển sâu tôi hiểu rõ thêm gánh nặng, trách nhiệm của người cầm bút, nghề mà tôi đã may mắn chọn được hành trình cuộc sống này.

Những bài viết, tác phẩm truyền hình về chuyện những học sinh lớp 5 ngồi bàn ghế lớp Một, chuyện của những ngư dân can trường xa khơi hay làng biển Lý Sơn cô đơn, cả làng chạy trốn núi vùi, chị Diệp làng chài tiếp sức ngư dân hay chuyện buồn ở làng Vui… là những tác phẩm chất chứa tâm tư của tôi với những phận người vùng cao đá núi hay bờ biển sạt bồi. 

Tôi may mắn vì mình chọn đúng nghề và được về mái nhà chung Báo Nhân Dân.  Sự đam mê, trải nghiệm cho tôi nhiều điều quý giá của cuộc sống, giúp tôi cân bằng được chính mình trong mọi nghịch cảnh. Đi nhiều, trải nhiều trách nhiệm người làm báo nặng hơn, với từng dòng chữ, bài viết, hình ảnh.

Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0
Nhà báo Nguyễn Thị Anh Đào. 
Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0

Tôi nhớ như in, ngày 20-9-2008, phóng sự đầu tiên của tôi được đăng trang trọng trên trang nhất Báo Nhân Dân - “Qua miền sông nước Tiền Giang”. Bài phóng sự này như một cơ duyên, để sáu tháng sau đó, ngày 1-5-2009, tôi chính thức được tuyển chọn về làm việc tại Cơ quan Thường trực Báo Nhân Dân tại Đà Nẵng. Và lúc bấy giờ, tôi là nữ phóng viên thường trú duy nhất của Báo Nhân Dân trên cả nước.

Tôi là lớp phóng viên trẻ kế cận, thừa hưởng những thành quả của rất nhiều thế hệ phóng viên gạo cội của Báo Nhân Dân. Đặc biệt là những thế hệ cán bộ, phóng viên thường trú trưởng thành từ Cơ quan Thường trực báo Nhân Dân tại Đà Nẵng. Truyền thống đó, luôn là niềm tự hào, là sợi dây kết nối vững chắc và cũng là tấm lá chắn giúp tôi vững vàng trong tác nghiệp. Sống và viết, bằng cả niềm say mê nghề và luôn muốn khám phá những vùng đất, con người mới, để làm sinh động hơn trang viết của mình.

12 năm sống và làm việc tại TP Đà Nẵng, cũng là khoảng thời gian có nhiều cột mốc đáng nhớ đối với thành phố. Đây cũng là giai đoạn chuyển tiếp lịch sử của thành phố này với nhiều thăng trầm. Tôi hiểu được nhiều hơn sự xáo trộn, thay đổi cả về đời sống vật chất, tinh thần đối với người dân và cả hệ thống chính trị thành phố. Có những thời điểm, Đà Nẵng trải qua những cơn đau, như đại phẫu thuật chính mình. Là người cầm bút, có lúc vì thông tin nóng buộc phải đưa tin, viết bài theo dòng thời sự, nhưng có lúc, lòng tôi quặn đau khi phải viết và phải đưa tin nhiều sự việc ngoài mong muốn. Xã hội, vẫn là cuộc đấu tranh không ngưng nghỉ giữa cái cũ và cái mới, cái tốt và cái xấu. Nên, có những khoảng lặng tôi lùi lại phía sau như một sự đồng hành với thành phố mà tôi đã chọn mưu sinh, gắn bó. 

Tôi yêu biển và yêu những gương mặt ngư dân miền trung mà tôi đã may mắn được gặp, được san sẻ những niềm vui, hay nỗi buồn của nghề biển cả. Hạnh phúc có đôi khi giản dị đến bất ngờ. Là đi qua vùng đất nào đó, thăm lại nhân vật nào đó mà mình đã từng tiếp cận, tác nghiệp, phỏng vấn, viết bài mà họ nhớ tên. Hạnh phúc, đôi khi là một tin nhắn rất thật từ những người ngư dân, trong những thời khắc họ gặp khó khăn, và không ít lần là nỗi buồn vì nghề biển. Là khi những tin, bài, phóng sự, ảnh… của mình được bạn đọc nhớ, nhắc và lưu giữ làm kỷ niệm. Tôi đã có nhiều ngày lang thang trên những làng chài Đà Nẵng. Có nhiều ngày tìm về những vùng biển, làng biển, làng chài Đà Nẵng, dọc từ làng biển Nam Ô, Xuân Hà, Mân Thái đến biển Non Nước, Tân Trà… gặp ngư dân, dù họ còn theo nghề biển hay đã gác biển, gác mái chèo lên bờ, vẫn đau đáu một niềm yêu biển và tự hào về biển. Trong những lần ngồi trước biển với bình minh sóng non, hay những chiều vãn nắng, hay ngày mưa, tôi vẫn rất thương những gương mặt rám nắng của ngư dân vùng biển. Đó là niềm vui của những lần tàu cá cập bến đầy thủy hải sản, hay những mẻ lưới kéo lên trên cát trắng trong ánh sáng bình minh sớm mai trên biển. Thanh âm biển, là một góc sống của các làng chài ven biển. Là tầng sâu nhất, bình dị nhất trong hành trình phát triển hiện đại của Đà Nẵng hôm nay.

Mỗi một cột mốc thời gian, đều tôi những trải nghiệm và kinh nghiệm quý. Mỗi mảnh đất, đều có những tầng sâu, nghề viết, cần lắm những tầng sâu như thế. Viết từ thành phố biển, tôi nghĩ nhiều về đội ngũ phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại các địa phương, họ cũng như tôi trong hành trình này, luôn đặt mình vào vị trí đồng hành, song hành, tiến bước.

Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0
 Nhà báo Việt Tiến trong một chuyến tác nghiệp trên biển Phú Quốc.
Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0

Tôi còn nhớ, bài báo đầu tiên của tôi được đăng trên trang 3 Báo Nhân Dân là vào ngày 22-5-2001 với tựa đề “Vượt khó Hòa Hưng”. Bài báo đó là động lực để tôi từ yêu thích sang đam mê viết báo. Nhưng mãi đến năm 2009, cuộc đời làm báo của tôi bước sang trang mới khi chính thức nhận quyết định về Báo Nhân Dân, làm một phóng viên thường trú tại Cần Thơ. 

Còn nhớ, lúc tôi mới về Báo Nhân Dân, nhiều địa bàn do Cơ quan Thường trực Cần Thơ quản lý tại đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu PVTT. Để thực hiện một số đề tài thời sự, cơ quan đã thành lập “tổ cơ động” tác nghiệp tại những địa bàn khuyết phóng viên. Tổ vừa thành lập, tôi được phân công cùng anh Ngọc Quân sang An Giang viết bài về dịch bệnh sốt xuất huyết ở huyện biên giới An Phú. Nhận nhiệm vụ tôi hơi lo lắng. Lúc bấy giờ, tôi nhỏ tuổi nhất, còn anh Ngọc Quân cao tuổi nhất cơ quan. Anh có tiếng khó tính. Tôi và anh đi từ TP Cần Thơ sang TP Long Xuyên và đi một mạch ra sát biên với Campuchia. Sau khi quan sát thực tế, phỏng vấn người dân và làm việc với chính quyền địa phương, chúng tôi quay lại TP Xong Xuyên làm việc với ngành y tế tỉnh An Giang. Việc xong dù đã trễ, nhưng anh Quân quyết định về Cần Thơ; anh phân công tôi viết bài, anh sẽ đọc lại trước khi gửi ra tòa soạn. Đêm đó, tôi thức tận hai giờ sáng viết cho xong bài báo. Sáng ra, tôi chuyển email bài cho anh Quân xem. Do tình hình dịch bệnh đang nóng, nên bài viết được đăng trang 8 vào ngày hôm sau. Qua chuyến công tác đó, tôi đã học hỏi thêm về phong cách tác nghiệp, cách làm việc từ anh Ngọc Quân, hiểu thêm về cách dùng từ ngữ, văn phong của Báo Nhân Dân.

12 năm qua với tôi là cả một chặng đường học tập để cố gắng hoàn thiện mình. Báo Nhân Dân là một trường học lớn, ở đó có những người đồng chí, người anh, người chị, người em luôn một lòng sắt son với Đảng. Ở nơi đó có những đồng nghiệp "thâm hậu" về nghề, luôn mở lòng hào hiệp, dang rộng vòng tay dìu dắt, nâng đỡ những đứa em...

Với một PVTT của Báo Nhân Dân làm việc trong thời đại đa phương tiện vừa viết cho các ấn phẩm báo in, còn phải chụp ảnh, quay phim hoàn thiện cho tác phẩm báo điện tử, truyền hình thì phải rất cố gắng mới hoàn thành nhiệm vụ. Nên những chuyện vui tôi thu nạp để làm động lực cho cuộc sống, công việc; còn những chuyện buồn tôi nhanh chóng lướt qua và xác định luôn trong tâm thế hướng về phía trước.

Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0
Những câu chuyện nghề của Phóng viên thường trú -0
Nhà báo Quốc Dũng tác nghiệp bằng flycam. 

Hơn 10 năm được học tập, rèn luyện và làm việc dưới “mái nhà” Báo Nhân Dân đã giúp cho những phóng viên trẻ như tôi có cơ hội trưởng thành trong nghề nghiệp.

Dẫu đã hơn 10 năm, nhưng cứ đến những ngày tháng ba âm lịch lòng tôi lại khấp khởi, bồi hồi. Cảm xúc dâng trào như cái ngày đầu tiên tôi được đặt chân đến “gốc Đa” cổ thụ ở phố Hàng Trống, giữa lòng thủ đô ngàn năm văn hiến. 

Đó là tháng 11-2011, tôi được chuyển công tác từ Báo Người Lao Động về làm PVTT Báo Nhân Dân tại tỉnh Vĩnh Long. Cuối năm đó, tôi được triệu tập ra tòa soạn tham dự Hội nghị PVTT Báo Nhân Dân (lúc ấy công tác tổng kết hoạt động PVTT tổ chức trước Tết Nguyên đán). Lần đầu tiên đặt chân lên máy bay. Lần đầu tiên được đến thủ đô, được cuốc bộ quanh Hồ Gươm ngắm tháp Rùa nằm ngay sau lưng trụ sở Báo Nhân Dân. Trong lòng tôi chỉ có một cảm xúc: biết ơn, lúc bấy giờ! 

Biết ơn Ban Biên tập đã cho một phóng viên trẻ như tôi cơ hội được đứng chân trong ở một tờ báo Đảng Trung ương. Biết ơn những vì được học tập, rèn luyện và làm nghề trong một môi trường chuyên nghiệp và nghiêm túc. Biết ơn vì đã cho tôi được vinh dự đứng trong hàng ngũ của những người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Biết ơn vì có những người truyền lửa. Biết ơn vì đã cho tôi cơ hội được “cháy” hết mình với đam mê, được góp chút sức mọn cùng tập thể những người làm Báo Nhân Dân phụng sự bạn đọc mỗi ngày qua con chữ.

Biết ơn vì có những người lãnh đạo, người chú, người anh, chị, đồng nghiệp luôn bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người yếu thế, bảo vệ công lý và chính nghĩa. Biết ơn vì những tuyến bài đấu tranh với cái xấu, cái sai, với tham những – lãng phí, tiêu cực ở Báo Nhân Dân không có vùng cấm; đã làm thì phải theo đuổi tới cùng sự việc. Tuy nhiên, một điểm khác biệt của những người làm báo Đảng là “chống nhưng phải xây”, viết về những vấn đề tiêu cực, gai góc phải làm đúng quy trình, báo cáo lãnh đạo, Ban Biên tập để có những những chỉ đạo, phân công phù hợp và hiệu quả.

Có một sự khác biệt lớn là đối với những bài viết mang tính vấn đề, tiêu cực của Báo Nhân Dân rất được cấp ủy, chính quyền địa phương đồng tình, ủng hộ. Bởi, những vấn đề, vụ việc trước khi đăng Báo Nhân Dân phải bảo đảm các tiêu chí: Khách quan, sự thật, chính xác và xây dựng.

70 năm Báo Nhân Dân ra số đầu, bản thân tôi không ngừng học tập, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu học tập theo tấm gương của những thế hệ tiền bối làm Báo Nhân Dân, để xứng đáng đứng dưới lá cờ của Đảng, với niềm tin yêu của bạn đọc, của nhân dân.

NHÓM PHÓNG VIÊN