Trưng bày “Chắp cánh ước mơ” gồm ba phần: Ký ức mùa khai trường, Biến nhà tù thành trường học cách mạng và Xây đắp những ước mơ.
Từ những ngày tháng sôi nổi học tập, diệt giặc dốt của toàn dân những ngày đầu mới độc lập, những “ngôi trường” trong chiến tranh là những lao tù, trở thành nơi rèn luyện, học tập của các chiến sĩ cách mạng cho những lớp học “chắp cánh ước mơ” ngày nay ở vùng cao, vùng sâu, ngoài hải đảo, trong bệnh viện…
Trưng bày giới thiệu tới công chúng những tài liệu, hiện vật của các chiến sĩ cách mạng từng học tập trong tù và trong quá trình đấu tranh cách mạng sau khi được trả tự do như: Sách của đồng chí Trần Hữu Thỏa (Nguyễn Tiến Hà) sử dụng để dạy học trong thời gian bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò, năm 1951 - 1952; Bi đông của đồng chí Nguyễn Văn Chiển, thầy giáo lớp học trên cát tại Trại giam Phú Quốc được cấp sau khi trao trả ở bãi Nhan Biều bên bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, ngày 26-3-1973; Thẻ số tù - Nhà tù Trung ương Hà Nội (Nhà tù Hỏa Lò) cấp cho đồng chí Dương Tự Minh, học sinh kháng chiến bị thực dân Pháp bắt, giam trong Nhà tù Hỏa Lò, năm 1952 - 1953…
Qua những câu chuyện được thể hiện, thế hệ trẻ ngày nay sẽ phần nào hiểu được sự hy sinh của thế hệ cha anh, những người luôn khát khao học tập, kiên cường chiến đấu để bảo vệ và dựng xây đất nước cũng như dành sự trân trọng, biết ơn công lao của các thầy cô giáo - những người mài ngọc cho đời và tiếp thêm động lực, niềm tin về tương lai cho biết bao thế hệ học sinh.