Và giờ đây, khi Chính phủ quyết định giãn cách 19 tỉnh, thành phố phía nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh thêm 14 ngày nữa kể từ 0 giờ ngày 19/7, quyết tâm tiếp tục hỗ trợ người nghèo của họ càng cao hơn.
Đúng ngày 9/7, ngày TP Hồ Chí Minh bắt đầu giãn cách theo Chỉ thị 16, ông chủ của công ty Mekong Nam Á Nguyễn Thanh Thản đã có một quyết định táo bạo: Dừng các hoạt động kinh doanh của công ty, nhưng chuyển nhân lực là nhân viên công ty, vật lực là bốn chiếc xe ô-tô, cùng hàng trăm triệu đồng để cứu giúp những người nghèo khổ, cơ nhỡ đang mắc kẹt vì dịch bệnh.
Đồng hành cùng với anh là vợ chồng chủ quán cơm niêu Ngô Đồng, một số cán bộ, phóng viên Tạp chí Tòa án nhân dân và sự ủng hộ của rất nhiều tấm lòng vàng đã gửi gạo, rau, thực phẩm đến quán.
Gần 10 ngày qua, họ đã huy động được hơn 400 triệu đồng, trong đó anh Thản đóng góp 200 triệu đồng, để duy trì nấu mỗi ngày 1.000 suất cơm cho những người thiếu bữa. Riêng anh Nguyễn Thanh Thản còn bỏ ra hơn 100 triệu đồng nữa để mua nhu yếu phẩm cần thiết tiếp tế cho những người thiếu thốn trong khu cách ly.
“Cứ chỗ nào gọi hoặc nhắn tin Facebook thì tôi đi xác minh thông tin, thấy đúng là họ đang khó khăn là tôi cho triển khai hỗ trợ thôi, có lúc rau củ quả, thịt, mì, đồ hộp... Ban ngày chúng tôi đi hỗ trợ, buổi chiều tối thì phát cơm từ thiện”, anh Nguyễn Thanh Thản tâm sự. Công việc của anh giờ đây còn bận bịu hơn cả những lúc công ty còn hoạt động.
Cái kết có hậu của người đàn ông nghèo đập vỡ kính xe từ thiện
Trong hành trình rong ruổi phát cơm cho người cơ nhỡ gần 10 ngày qua đến khắp mọi nơi trong thành phố, những người tình nguyện trên bốn chiếc xe của Mekong Nam Á đã ghi nhận nhiều chuyện vui buồn đáng nhớ.
Trong đó, có một chuyện khiến mấy ngày qua ông chủ Mekong Nam Á vẫn còn trăn trở. Đó là chiều 14/7, khi nhóm tình nguyện viên dừng xe ở ngã tư Bảy Hiền, phường 7, quận Tân Bình để phát cơm từ thiện. Họ đã tặng cho những người lang thang ở góc phố này mỗi người một suất cơm. Nhưng một người đàn ông khắc khổ, ăn mặc rách rưới đã cố gắng xin thêm một suất nữa song không được chấp nhận nên đã dùng gạch ném vỡ kính ô-tô.
Đó là ông N.T.D, quê ở Bình Phước lên TP Hồ Chí Minh kiếm sống. Khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát, ông bị mất việc, không có tiền thuê nhà và cũng không thể về quê, ông đã lang thang khắp nơi để xin ăn.
Khi gặp đoàn thiện nguyện phát cơm, ông đã được cho một suất, ông đứng lại xin thêm suất nữa nhưng không được. Những người trong đoàn thiện nguyện giải thích với ông rằng còn rất nhiều người cần phần cơm này. Nhưng ông N.T.D đã tức giận lấy gạch ném vỡ kính ô-tô của Mekong Nam Á.
Ngay sau đó, ông đã được công an phường 7, quận Tân Bình mời lên làm việc. Tại cơ quan công an, ông N.T.D đã khai bản thân nhận thức kém, lại do bức xúc kéo dài do không có công việc ở thời điểm dịch bệnh, do đó đã có hành động nông nổi. Bản thân ông N.T.D cũng đã nhận thức được sai phạm của mình.
Sau khi biết hoàn cảnh của ông, anh Nguyễn Thanh Thản đã chủ động xin cơ quan công an xử phạt ở mức cảnh cáo với ông N.T.D, đồng thời tặng ông một ít tiền để ông có thể đi qua được những ngày tháng khó khăn của mùa dịch.
“Lúc nghe thấy nhân viên gọi báo xe bị đập vỡ cửa kính, tôi giận lắm. Nhưng khi đến gặp thấy hoàn cảnh của ông thật tội nghiệp nên thôi, giúp được gì thì giúp chứ làm khó nhau làm chi, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn như hiện nay”, anh Nguyễn Thanh Thản kể lại.
Mấy ngày qua, chiếc xe bị vỡ kính vẫn chưa có thời gian nào ngừng nghỉ hoạt động, mà mùa dịch cũng không có chỗ để thay, nên anh Thản tạm thời cho dán keo để chạy tạm. Vì việc thiện nguyện giờ đây vẫn đang gấp rút và cần thiết hơn việc “dưỡng thương” cho chiếc xe.
“Tôi hy vọng ông N.T.D bước qua được đại dịch một cách bình an. Và nếu ông ấy vẫn sống trên những tuyến đường mà xe chúng tôi đi qua, thì ông vẫn sẽ được tiếp tục nhận được những suất cơm ấm nóng từ đoàn thiện nguyện của chúng tôi”, anh Thản nhân từ nói.
Bữa tối ăn no sẽ giúp người nghèo ngủ ngon hơn
Là một người sinh ra và lớn lên ở thành phố mang tên Bác, anh Thản yêu và thông thạo từng góc phố nơi đây. Và anh hiểu rõ hơn ai hết khi lệnh giãn cách được ban bố, các cửa ngõ vào thành phố bị phong tỏa, thì cũng đồng nghĩa với việc sẽ nhiều người bị kẹt lại, hầu hết trong số đó là những người lao động nghèo khổ.
Khi được hỏi về những đối tượng được nhóm thiện nguyện giúp đỡ trong những ngày giãn cách, anh Thản cho biết: “Họ là những người mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo, nay không còn đường sống vì bị cấm bán. Họ không biết phải làm gì, về quê cũng không được mà ở lại TP Hồ Chí Minh cũng không xong vì cũng không có tiền”.
“Họ còn là những chú chạy xe ôm truyền thống, thường ngày đã bị cạnh tranh bởi xe ôm công nghệ nên kiếm sống chật vật. Nay bị cấm chạy lại càng khốn khó hơn, đành dắt xe ra nằm ngủ ngoài đường vì không còn thuê nổi phòng trọ, hoặc không dám về nhà...
Rồi những người lượm ve chai cũng thế, họ làm lụng vất vả cả ngày mà không đủ tiền ăn ba bữa lẫn trả tiền phòng trọ, do bây giờ đồ đồng nát không ai thu mua nữa, mà nếu có mua thì cũng với mức giá rẻ mạt.
Khi giãn cách, công nhân và những người làm thuê cho các hàng quán thất nghiệp rất nhiều, Nhiều bạn còn trẻ mà không có tiền về quê do bị nợ lương hoặc có chỗ không còn khả năng chi trả lương, hoặc có trường hợp không có xe khách để về, cũng bị mắc kẹt lại đây…
Cả những người ở các địa phương lên thành phố chăm bệnh nhân trong bệnh viện, giờ cũng kẹt lại và phải trông chờ vào những bữa ăn thiện nguyện…”
Theo anh Thản, những đối tượng này thường không nằm trong danh sách nhận được sự hỗ trợ dịch Covid-19 của Nhà nước. Vì thế, anh Thản cùng nhóm của mình muốn giúp đỡ càng nhiều người trong số họ càng tốt.
Có một bữa ăn no trước khi ngả lưng ra ngủ sẽ giúp cho những người cơ nhỡ ngủ ngon hơn, vơi bớt những mệt nhọc, khó khăn mỗi ngày, anh Thản nghĩ. Và cứ buổi chiều, bốn chiếc xe lại tỏa đi bốn hướng để phát cơm, vì nếu không thế sẽ không kịp bữa ăn tối cho họ. Nhóm tình nguyện đi phát cơm tận tay những người nghèo khổ, chúc họ ngon miệng và bình an đi qua mùa dịch.
Những ngày này, dịch bùng phát mạnh hơn, để phòng dịch, nhóm đã tự trang bị những bộ quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang và kính chắn giọt bắn để phòng dịch. Đêm vắng tanh, chỉ còn tiếng ô-tô của nhóm đi qua những con phố để tìm những người đang đứt bữa, có hôm 23 giờ đêm họ mới về đến nhà.
Dịch càng kéo dài thì càng phải tiếp tục duy trì bếp cơm
Quán cơm niêu Ngô Đồng những ngày này vẫn tấp nập từ sáng đến chiều vì rất nhiều người biết đến việc làm thiện nguyện của họ nên đến ủng hộ bằng nhiều cách. Hàng tạ gạo cùng nhiều nguồn nguyên liệu thực phẩm được các nhà hảo tâm mang đến quán. Nhiều nhân viên của công ty Mekong Nam Á cũng chuyển từ trụ sở công ty đến quán cơm làm việc, nấu nướng phụ giúp chủ quán để kịp thời có được 1.000 suất cơm mỗi ngày phục vụ người cơ nhỡ.
Hiện tại, thực đơn mỗi bữa ăn đều được đổi món để người nghèo đủ sức chống chọi được với dịch bệnh. Nhưng điều làm nhóm thiện nguyện lo nhất là nguyên liệu ngày càng khan hiếm, nhất là thiếu rau củ quả do hàng hóa từ các nơi không về thành phố được. Anh Thản kể, hôm trước, nhóm tưởng sẽ được nhận 500kg rau củ quả từ xe thiện nguyện các địa phương chở đến, nhưng vì xe phải đi qua các chốt kiểm dịch, rau về chậm mất một ngày, héo úa đến rầu người.
TP Hồ Chí Minh đã giãn cách theo Chỉ thị 16 được 9 ngày, nhưng với tình hình dịch bệnh chưa suy giảm, ngày 17/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công văn số 969/TTg-KGVX để thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 tại 19 địa phương. Cùng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện, sẽ bổ sung thêm 16 tỉnh, thành phố phía nam khác bắt đầu giãn cách từ 0 giờ ngày 19/7.
Nguồn lực của nhóm đã đủ để mua nguyên liệu nấu mỗi ngày 1.000 suất cơm cho người cơ nhỡ trong 20 ngày nữa. “Và nếu lúc đó dịch chưa thể chấm dứt, tôi vẫn sẽ tiếp tục bơm tiền để giúp đỡ những người cơ nhỡ”, anh Thản hứa.
“Cho đến khi nào không còn giãn cách nữa, mọi người quay lại cuộc sống bình thường thì mình cũng bắt tay lại công việc”, anh Thản tâm sự với phóng viên Báo Nhân Dân.