Những "cánh bồ câu" nối tình quân dân nơi đầu sóng

10 năm qua, Hành trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc" đã đưa hàng nghìn bạn trẻ đến với huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và nhiều đảo lớn nhỏ nơi biên cương Tổ quốc. Mỗi hành trình là một nhịp cầu đong đầy cảm xúc, góp phần tăng cường tình quân dân, bồi đắp tinh thần dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước của thanh niên, sinh viên Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu cùng cán bộ, chiến sĩ tại cột mốc chủ quyền đảo Thổ Châu, một công trình do Trung ương Ðoàn, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam xây dựng.
Các đại biểu cùng cán bộ, chiến sĩ tại cột mốc chủ quyền đảo Thổ Châu, một công trình do Trung ương Ðoàn, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam xây dựng.

Vượt sóng Biển Đông

"Thân gửi các anh bộ đội ở đảo Thổ Châu. Em là một sinh viên tại Trường đại học Hoa Sen, Thành phố Hồ Chí Minh. Em đã nghe rất nhiều về cuộc sống và công việc của các anh ở đảo. Em hiểu rằng, các anh đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của quê hương. Cuộc sống của các anh có thể khó khăn, xa gia đình, thiếu thốn, nhưng các anh vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tinh thần dũng cảm, kiên cường của các anh đã truyền cảm hứng cho em rất nhiều…"; những dòng thư trên là tâm tình của Huỳnh Gia Ðiềm, nữ đại biểu đến từ thành phố mang tên Bác.

Ðến với xã đảo Thổ Châu (thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh đã mang theo hơn 100 lá thư tay gửi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 152 trên đảo, do các bạn trẻ viết hưởng ứng Cuộc vận động "Sinh viên Thành phố Bác gửi trọn tin yêu đến các chiến sĩ nơi đầu sóng".

Những "cánh én" chan chứa tình cảm từ đất liền ấy đã được trao tận tay các "anh bộ đội Cụ Hồ" thông qua loạt hoạt động trong khuôn khổ Hành trình.

Nhận lá thư còn vương vị mặn sóng biển, binh nhất Nguyễn Quốc Tuấn, Ðại đội 2 (Tiểu đoàn Bộ binh 1, Trung đoàn 152) cho biết: "Ðể bảo đảm công tác huấn luyện, chúng tôi chỉ được sử dụng điện thoại để gọi về nhà vào cuối tuần, thời gian tương tác với gia đình không được thường xuyên cho nên đôi lúc cũng nhớ nhà, nhớ mọi thứ từ đất liền. Những bức thư tay mà các đại biểu trao gửi là món quà tinh thần đặc biệt, góp phần nâng cao tinh thần, giúp chúng tôi thêm vững tay súng, tiếp tục sẵn sàng vượt mọi thử thách để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao".

Do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức từ ngày 8 đến 11/8 tại xã Thổ Châu, Hành trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc" năm 2024 có 200 đại biểu, là những cán bộ Ðoàn, Hội Sinh viên tiêu biểu, sinh viên ưu tú từ khắp mọi miền Tổ quốc. Trong số này, có không ít bạn trẻ chưa hề biết đến lịch sử chiến đấu chống lại nạn diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary của quân và dân Thổ Châu năm 1975. Vì vậy, ban tổ chức hành trình đã thiết kế một buổi tọa đàm chuyên đề về nội dung nêu trên ngay khi các đại biểu đặt chân lên đảo.

Phạm Quang Việt Hoàng, Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Ngân hàng cho biết: "Buổi tọa đàm giúp tôi và các đại biểu hiểu rõ hơn về những sự kiện lịch sử diễn ra tại đây. Ðó là những bài học thực tế mà tôi may mắn có được khi tham gia Hành trình".

Buổi tọa đàm giúp tôi và các đại biểu hiểu rõ hơn về những sự kiện lịch sử diễn ra tại đây. Ðó là những bài học thực tế mà tôi may mắn có được khi tham gia Hành trình.

Phạm Quang Việt Hoàng, Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Ngân hàng

Gồm hàng loạt hoạt động phong phú như tọa đàm về lịch sử chiến đấu anh dũng của quân, dân xã đảo Thổ Châu; giao lưu, trao công trình sinh viên tặng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân địa phương; chương trình nghệ thuật "Khát vọng sinh viên Việt Nam"…, Hành trình không chỉ giúp hiểu sâu hơn về vai trò, trách nhiệm của mình đối với đất nước, mà còn thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc trong mỗi đại biểu, để từ đó phấn đấu rèn luyện, học tập, trở thành "Sinh viên 5 tốt" và lan tỏa giá trị hình mẫu "Sinh viên 5 tốt" trong cộng đồng.

Nhịp cầu nối tình quân dân

Ban tổ chức đã khéo léo lồng ghép nhiều nội dung phù hợp với tâm tư, suy nghĩ và tình cảm của các bạn trẻ vào chuỗi hoạt động của Hành trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc". Tiêu biểu như buổi sinh hoạt thiếu nhi với sự có mặt của toàn bộ đại biểu và những "công dân nhí" của đảo.

Trên sân Trường tiểu học và trung học cơ sở Thổ Châu, thiếu nhi địa phương cùng các anh, chị sinh viên cất vang tiếng hát ca ngợi quê hương, đất nước tươi đẹp, hào hứng tham gia những trò chơi tập thể như nặn đất sét, tô tượng, kéo co, vẽ tranh… Dịp này, ban tổ chức trao 60 suất học bổng tặng các em học sinh có thành tích học tập tốt, thiếu nhi hoàn cảnh khó khăn trên đảo.

Cô Hoàng Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Thổ Châu cho biết: "Ðiều kiện cơ sở vật chất trên đảo khiến các em nhỏ không có nhiều cơ hội trải nghiệm những trò chơi như bạn bè đồng trang lứa trong đất liền. Vào mùa hè, các em thường chỉ chạy nhảy, nô đùa hoặc tắm biển cùng nhau. Tôi thật sự xúc động khi được biết toàn bộ đại biểu của Hành trình đều mang theo những món quà từ khắp mọi miền Tổ quốc để tặng các em.

Cũng để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc khó quên trong các đại biểu là Giải chạy VUG Running (nội dung thuộc Giải thể thao sinh viên Việt Nam-VUG). 200 thành viên đoàn hành trình đã cùng một số cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã đảo Thổ Châu sải những bước chạy đầy ý nghĩa, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Trên cung đường chạy gần 1,5 km, các bạn trẻ không chỉ được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, mà còn cảm nhận rõ nét đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương trên hòn đảo nằm ở cực tây-nam của Tổ quốc.

Ngay sau đó, 200 đại biểu chia thành nhiều nhóm nhỏ, tranh tài qua những phần thi team-building gắn chặt với các nội dung của phong trào "Sinh viên 5 tốt".

"Tôi tự hào vì đất nước ta nơi nào cũng là cảnh đẹp, càng thấy ấm áp hơn bởi những gương mặt kiên cường, rắn rỏi của các anh lính đảo, sự nồng hậu của bà con nhân dân và nụ cười trong veo của thiếu nhi địa phương. Dù thời gian trên đảo không lâu, nhưng chúng tôi đã có cơ hội tham gia rất nhiều hoạt động ý nghĩa như cùng các chiến sĩ tăng gia sản xuất, hỗ trợ người dân dọn dẹp cảnh quan bờ biển, tổ chức trò chơi cho thiếu nhi… Từ đó, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm của người trẻ trong tôi đã dâng trào mạnh mẽ", đại biểu Nguyễn Yến Linh, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ sau khi kết thúc đường chạy.

Tôi tự hào vì đất nước ta nơi nào cũng là cảnh đẹp, càng thấy ấm áp hơn bởi những gương mặt kiên cường, rắn rỏi của các anh lính đảo, sự nồng hậu của bà con nhân dân và nụ cười trong veo của thiếu nhi địa phương.

Nguyễn Yến Linh, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Thăng Long (Hà Nội)

Sau khi gặp gỡ những người con ưu tú của đất nước đang sinh sống trên đảo, các thành viên trong đoàn hành trình đã được hiểu thêm về những khó khăn, vất vả cùng tinh thần bất khuất, kiên cường của quân dân Thổ Châu.

Trước tình cảm nồng hậu của các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo, đoàn đại biểu đã tổ chức một chương trình giao lưu văn nghệ đặc biệt với chủ đề "Khát vọng sinh viên Việt Nam". Trong ánh sáng của ngọn lửa trại chương trình, không ít hạ sĩ quan, chiến sĩ đã kết nối, trao đổi liên lạc, thậm chí gửi gắm đại biểu cùng quê mang đồ lưu niệm, thư tay về gia đình.

Ðồng chí Ngô Văn Cương, Bí thư Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn đại biểu cho biết: "Xã đảo Thổ Châu là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh. Góp sức bảo vệ vững chắc và phát huy tiềm năng to lớn của biển, đảo nói chung, đảo Thổ Châu nói riêng không chỉ là vinh dự của thanh niên, sinh viên hôm nay, mà còn là trách nhiệm của các thế hệ sau này. 10 năm qua, Hành trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc" đã đưa hàng nghìn đại biểu trẻ đến với quần đảo Trường Sa và nhiều đảo thanh niên, tiền tiêu như Phú Quý, Côn Ðảo, Cô Tô, Lý Sơn, Cù Lao Xanh… Mỗi hành trình là một nhịp cầu nối tình quân dân, đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt của cán bộ hội, sinh viên ưu tú, góp sức trẻ tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc".