Những cán bộ “hai vai”

Tại các tỉnh vùng Tây Bắc, việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, hoặc bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ban công tác mặt trận, thông qua quy trình nhân sự “Dân tin-Đảng cử” đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo ở cơ sở.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Trần Công Sử (người đầu tiên từ phải sang), Bí thư Chi bộ thôn Đồng Sâm, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) cùng cán bộ khuyến nông kiểm tra mô hình tằm ươm tơ của người dân trong thôn.
Đồng chí Trần Công Sử (người đầu tiên từ phải sang), Bí thư Chi bộ thôn Đồng Sâm, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) cùng cán bộ khuyến nông kiểm tra mô hình tằm ươm tơ của người dân trong thôn.

Hiệu quả được khẳng định

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái Chu Đình Ngữ đánh giá, để nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở các loại hình tổ chức cơ sở đảng, Tỉnh ủy Yên Bái triển khai những giải pháp quyết liệt, nâng tỷ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên, góp phần bảo đảm vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện của chi bộ đối với hoạt động của thôn, bản, tổ dân phố.

Kết quả đạt được góp phần quan trọng củng cố sức mạnh của tổ chức đảng cấp cơ sở, phát huy sức mạnh của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Yên Bái hiện có 2.736 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, trong đó có 1.356 chi bộ thôn, bản, tổ dân phố.

Thực hiện chủ trương nhất thể hóa bí thư, phó bí thư đồng thời là trưởng thôn, bản, tổ dân phố và trưởng ban công tác mặt trận, có 100 bí thư đồng thời là trưởng thôn, bản, tổ dân phố; 1.155 bí thư đồng thời là trưởng ban công tác mặt trận; phó bí thư kiêm trưởng ban công tác mặt trận là 123 đồng chí.

Tại Tuyên Quang, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ma Thế Hồng cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.733 thôn, bản, tổ dân phố (thôn). Đến nay, có 815 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn; 407 bí thư kiêm trưởng ban công tác mặt trận thôn; 511 thôn không kiêm nhiệm.

Thực tế cho thấy, việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đã góp phần tinh gọn cơ cấu bộ máy từ cơ sở, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến tổ chức thực hiện. Đây cũng là điều kiện để những người kiêm nhiệm “hai vai” nêu cao trách nhiệm, phát huy tối đa năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động trong công việc.

Qua thực tiễn cho thấy, đội ngũ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chi bộ, khẳng định vai trò là hạt nhân lãnh đạo, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội ở cơ sở. Hiệu quả của việc kiêm nhiệm đồng thời hai chức danh giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công việc ở cơ sở bảo đảm trực tiếp và toàn diện, giảm thời gian hội họp. Việc triển khai các nội dung công việc được thuận lợi và nhanh hơn, những vấn đề “nóng” được đưa ra bàn bạc ngay trong cấp ủy, chi bộ từ đó đưa ra hướng giải quyết, xử lý kịp thời, tạo được sự đồng thuận của nhân dân.

Phó Bí thư Huyện ủy Yên Bình (Yên Bái) Nguyễn Dũng Giang đánh giá, khi đồng chí bí thư kiêm trưởng thôn, hoặc kiêm trưởng ban công tác mặt trận sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tinh giản bộ máy, đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống nhanh, hiệu quả; đồng thời phát huy vai trò năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu.

Mặt khác, cán bộ kiêm nhiệm được tăng thêm phụ cấp nên đã tập trung cao hơn vào công việc, ổn định cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó, khi thực hiện mô hình kiêm nhiệm, đòi hỏi cán bộ vừa phải am hiểu công tác đảng, vừa am hiểu công tác đoàn thể và có uy tín trong nhân dân. Ban công tác mặt trận thực hiện chức năng giám sát, trong khi đó bí thư chi bộ cũng là đối tượng chịu sự giám sát nên khi thực hiện nhiệm vụ được giao, cán bộ được bố trí kiêm nhiệm phải hiểu và nắm rõ chức năng nhiệm vụ, để không dẫn đến tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi.

Nhiều gương sáng cần nhân rộng

Từ năm 2017 đến nay, anh Vương Văn Cường làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tân Sơn, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên (Hà Giang). Do khối lượng công việc nhiều, anh Cường luôn xác định phải tận tâm, trách nhiệm trong công việc. Anh Cường cho biết, kiêm nhiệm hai chức danh rất thuận lợi trong công việc, khi mình tiếp thu chủ trương, nghị quyết của Đảng ủy xã về triển khai đến các đồng chí đảng viên trong chi bộ, quần chúng nhân dân được thông suốt, nhanh chóng, không xảy ra tình trạng “tam sao thất bản”.

Chi bộ thôn họp mỗi tháng một lần để bàn bạc, thống nhất, ban hành kết luận thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Mình là bí thư kiêm trưởng thôn đương nhiên nắm rõ chủ trương của cấp ủy, chính quyền xã, nắm được tình hình ở thôn nên việc định hướng thảo luận, ban hành kết luận sát thực tế, dễ triển khai. Nhờ đồng chí Vương Văn Cường có năng lực, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, nên thôn Tân Sơn luôn đi đầu trong các phong trào thi đua của xã. Dù địa bàn rộng, dân số đông, đa số là người dân tộc thiểu số nhưng việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội được thực hiện tốt.

Xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) có 17 thôn, thì 16 thôn có bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Vai trò của họ đã được thể hiện bằng những đổi thay của xã nông thôn mới với những con đường bê-tông trải dài đến từng ngõ xóm; nhà văn hóa thôn khang trang, rộng rãi...

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cây Đa 2 Chu Văn Minh cho biết, anh đã từng làm Chủ tịch UBND xã Ninh Lai, khi hưởng chế độ hưu trí lại được người dân tín nhiệm, nên tiếp tục gánh vác hai công việc. Xã Ninh Lai nằm ngay chân núi Tam Đảo, diện tích hơn 2.400ha thì có tới 1.700ha là đất rừng sản xuất và rừng đặc dụng, nên nhiều đối tượng lợi dụng khai thác rừng và săn bắn động vật rừng trái pháp luật. Thôn Cây Đa 2 cũng nằm trong tình trạng đó.

Bí thư, Trưởng thôn Chu Văn Minh đã phân công các đảng viên và tự mình phối hợp với cán bộ kiểm lâm tuần tra, dành nhiều thời gian để tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật về bảo vệ rừng và phát triển rừng, cho nên nhiều năm trở lại đây, thôn và xã Ninh Lai không phát hiện trường hợp nào xâm phạm lợi ích rừng.

Anh Hà Ngọc Chính, Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Cửa Ngòi, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái là người được dân tin yêu bầu làm trưởng thôn liên tục nhiều năm cho biết, ngoài tính gương mẫu đi đầu trong công việc, còn phải chăm lo đến lợi ích thiết thực từng hộ dân trong thôn.

Nghị quyết Chi bộ Cửa Ngòi năm 2020 phấn đấu xóa sáu hộ nghèo còn lại trong thôn, anh Chính đã vận dụng khéo Đề án phát triển kinh tế của thành phố, cùng tham gia thẩm định vốn vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội, trực tiếp đến từng hộ trao đổi cách đầu tư chăn nuôi có hiệu quả nhất… do vậy các hộ Đào Thị Đức, Đoàn Thị Thức, Đỗ Công Sỹ… là những hộ được giúp đỡ sau một năm đã thoát nghèo.

Được thành phố Yên Bái đầu tư 3km đường trục chính, Trưởng thôn Chính vận động người dân trồng hoa hai bên đường, xây dựng đèn đường, lắp camera an ninh, dân đóng góp 210 triệu đồng xây dựng cổng chào thôn, xây dựng hội trường đa năng có sức chứa 200 người, góp sức xây dựng thôn nông thôn mới văn hóa kiểu mẫu, không có người nghiện ma túy.

Tại xã biên giới Minh Tân, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đã thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm trưởng thôn ở 13/14 thôn. Đồng chí Trần Hữu Hiếu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Minh Tân cho biết: Qua 5 năm thực hiện chủ trương nhất thể hóa các chức danh ở thôn, bản đã cho thấy ưu điểm là bộ máy ở thôn được tinh gọn, trước kia mỗi thôn có hơn chục người đảm nhiệm các chức danh thì nay mỗi thôn có 7 người để đảm nhiệm 12 chức danh cán bộ thôn, bản.

Giảm người làm nhưng công việc được triển khai nhanh và thông suốt, toàn diện hơn. Bên cạnh đó, do được nhận phụ cấp hai chức danh cho nên tinh thần, trách nhiệm của các đồng chí bí thư kiêm trưởng thôn cao hơn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Nhất thể hóa trong điều kiện mới

Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Vị Xuyên (Hà Giang) Nguyễn Văn Vượng cho biết, việc hợp nhất bí thư kiêm trưởng thôn có ưu điểm là đồng nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ nên hiệu quả công việc cao hơn. Tuy nhiên, cái khó là không phải thôn, bản nào cũng tìm được người có đủ năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm để kiêm nhiệm hai chức danh này.

Một thực tế, hầu hết cán bộ thôn đều sống dựa vào nghề nông hoặc đi làm thêm bên ngoài vì phụ cấp thấp, kể cả hợp nhất bí thư kiêm trưởng thôn thì thu nhập mới được gần ba triệu đồng. Do đó, nhiều cán bộ không đồng ý kiêm nhiệm vì công việc quá nhiều, trách nhiệm cao, mà thu nhập không đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Từ những khó khăn trên, không đặt nặng hay bắt buộc phải thực hiện kiêm nhiệm bí thư kiêm trưởng thôn mà thực hiện linh hoạt, thôn, bản nào chọn được người có đủ năng lực, trình độ, trách nhiệm và sự tín nhiệm của người dân thì thực hiện. Tiếp tục duy trì thực hiện tinh giản bộ máy cán bộ thôn, bản thông qua hợp nhất một số chức danh như bí thư kiêm trưởng ban công tác mặt trận; trưởng thôn kiêm cán bộ thú y, nông nghiệp hoặc hợp nhất các chức danh đoàn thể…

Bí thư Huyện ủy Sơn Dương (Tuyên Quang) Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Dương sẽ tiếp tục chỉ đạo các đảng bộ xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương nhất thể hóa bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận; đồng thời chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự dự kiến, kết hợp nhân sự đại hội các chi bộ trực thuộc đảng ủy nhiệm kỳ 2022-2025.

Ngoài ra, chú trọng việc lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận tại cơ sở, nhất là cán bộ trẻ, vừa có trình độ, năng lực, có uy tín để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Với cách làm “thấu lý, đạt tình, công minh, phù hợp” ở từng địa bàn, việc “lấy dân làm gốc” sẽ thu được kết quả tốt, nhất là ở vùng “phên dậu” của Tổ quốc.