Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5-3-1925 tại thành phố Vinh (Nghệ An) nhưng quê hương ông lại ở Vĩnh Phúc. Hiện nay ông sống ở quận 1 TP Hồ Chí Minh. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông hoạt động âm nhạc ở Liên khu IV, khi là Trưởng đoàn văn công Ðại đoàn 304, khi ở chi hội văn nghệ Liên khu IV. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông công tác tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam và sau ngày thống nhất đất nước ông vào TP Hồ Chí Minh tiếp tục hoạt động âm nhạc.
Cuộc đời sáng tác của ông gắn liền với hình ảnh của các miền quê đất nước và chân dung những người lao động, đặc biệt là công nông binh và những người phụ nữ nông thôn. Những ca khúc của ông luôn bám sát yêu cầu của chiến đấu và sản xuất, mang tính chất phục vụ kịp thời và đã khéo biến những vấn đề cụ thể của cuộc sống thành những bài hát sinh động, đậm đà hương vị dân gian, giàu chất trữ tình và đồng dao.
Ông viết ca khúc có phong cách riêng, kết hợp sử dụng chất liệu âm nhạc cổ truyền với tài năng nghệ sĩ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến sĩ ta rất thích hát những bài: Mùa hoa nở, Tây Bắc vui giải phóng, Vượt trùng dương...
Sau chiến thắng Ðiện Biên, mọi người đón nhận ca khúc Mẹ yêu con của ông với những ước mơ trong sáng, giản dị của một thế hệ vừa bước ra khỏi cuộc chiến. Ðến nay sau gần nửa thế kỷ bài hát này vẫn còn được công chúng trân trọng yêu thích.
Trong hầu hết các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đều có bóng hình người phụ nữ Việt Nam: trung hậu - đảm đang và hiền dịu. Ở bài Mẹ yêu con (ông viết năm 1955) có những câu "Mẹ thương con có hay chăng - thương từ khi thai nghén trong lòng".
Bóng dáng người mẹ trẻ đã sinh thành nên đứa con hòa quyện vào bóng dáng của bà mẹ Tổ quốc Việt Nam sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Và khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến sĩ ta vô cùng xúc động và được khích lệ tinh thần khi hát bài Tấm áo mẹ vá năm xưa, bởi họ được gặp lại hình bóng những bà mẹ và bóng dáng những hàng tre của miền bắc tiễn người thân lên đường giải phóng miền nam. Ở ca khúc Dáng đứng Bến Tre thì ta lại được thấy người con gái miền nam và hình ảnh cây dừa Ai đứng như bóng dừa - tóc dài bay theo gió... - Ðó còn là quê hương của Ðồng Khởi và hình bóng của chị Ba Ðịnh người Tư lệnh của đội quân tóc dài.
Cứ mỗi lần về với đồng bằng sông Cửu Long không một ai lại quên được câu hát: Lại nhớ tóc ai dài còn mang dáng đứng Bến Tre... Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tâm sự: "Tôi vốn hay viết về phụ nữ, đó là những người phụ nữ lao động ở các miền quê như: Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Em đi làm tín dụng và Tiếng hát bản Mèo ở vùng cao rồi đến người chăn nuôi giỏi của đồng bằng sông Hồng hay những cô nuôi dạy trẻ ở các hợp tác xã. Từ bài Dư âm khi ông mới tuổi ngoài đôi mươi đến khi ông viết những ca khúc gần đây như Về Thuận Hải và đặc biệt là ca khúc Ðất vua Hùng, tất cả đều toát lên tình yêu đất nước, quê hương và yêu cuộc sống.
Nguyễn Văn Tý đã thổi hồn dân ca vào các ca khúc mà ông viết, đó là những giai điệu dân ca các miền quê như Nghệ Tĩnh, quan họ Bắc Ninh, dân ca miền trung và sau nữa là những điệu hò man mác trên những dòng kênh Nam Bộ.
Ông kể lại "Nhớ một lần về dự Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Bến Tre, một ca sĩ hát bài Dáng đứng Bến Tre, đến câu Ôi những cây dừa để lại cho ta bóng quê, Ôi tóc ai dài để lại dáng đứng Bến Tre... Giữa hội trường có mấy đồng chí lau nước mắt. Hôm sau các đồng chí ấy tâm sự cứ nghe đến câu hát đó là thấy lòng mình xúc động. Vì thấy ngọn lửa của tinh thần Đồng Khởi sống mãi, nó để lại cho đời một dáng đứng tự hào cho mãi đến mai sau. Một số ca khúc khác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã viết về quê hương và người con gái Việt Nam như: Vượt trùng dương (1949), Pha mầu luống cầy (1950), Mùa hoa nở, Dư âm (1950), Mẹ yêu con (1955), Tiễn anh lên đường (1964), Bài ca năm tấn (1967), Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (1974), Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (1976), Cô nuôi dạy trẻ, Dáng đứng Bến Tre (1980), Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi... Ông đã được tặng giải nhất cuộc vận động sáng tác về đề tài phụ nữ với ca khúc Tiễn anh lên đường, giải nhất sáng tác về đề tài nông nghiệp Bài ca năm tấn, giải nhất cho sáng tác ngành ngân hàng Em đi làm tín dụng. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã được tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhì cùng một số huy chương khác. Trong năm tác phẩm âm nhạc ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh gồm: Mẹ yêu con, Vượt trùng dương, Bài ca năm tấn, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre thì tất cả các tác phẩm đó đều có hình bóng người phụ nữ nông thôn của các miền quê và nhịp sống lao động trên đồng quê.