Những bước tiến mới trong quan hệ Việt Nam-Liên hợp quốc

Hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc trong suốt 45 năm qua đạt nhiều kết quả tốt đẹp, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam trong từng giai đoạn, vừa tăng cường vai trò, tiếng nói và dấu ấn đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc. Những kết quả này tạo nền tảng vững chắc, góp phần hỗ trợ tích cực công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và nâng cao vai trò của Liên hợp quốc trong thời kỳ mới.
0:00 / 0:00
0:00
Các bác sĩ quân y Việt Nam giương cao hai lá cờ của Liên hợp quốc và Việt Nam tại sân bay quốc tế Juba, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. (Ảnh: TTXVN)
Các bác sĩ quân y Việt Nam giương cao hai lá cờ của Liên hợp quốc và Việt Nam tại sân bay quốc tế Juba, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. (Ảnh: TTXVN)

Trong giai đoạn hợp tác mới, hai bên đã hoàn thành Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017-2021, tập trung vào mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Việt Nam đã thông qua các chương trình quốc gia hợp tác với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) giai đoạn 2022-2026 và Khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững Việt Nam-Liên hợp quốc giai đoạn 2022-2026. Chương trình hợp tác mới tập trung trong bốn lĩnh vực ưu tiên, gồm phát triển xã hội bao trùm; chống chịu với biến đổi khí hậu, thiên tai và bảo vệ bền vững môi trường; chia sẻ thịnh vượng thông qua chuyển đổi kinh tế; quản trị và tiếp cận công lý.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 32 từng nhận định: Việc Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc là bước tiến quan trọng củng cố hòa bình và an ninh trên thế giới. Nhận định đó còn nguyên giá trị, thể hiện qua nỗ lực của Việt Nam trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tăng cường tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng và xây dựng, cùng tìm kiếm giải pháp lâu dài cho những vấn đề quốc tế. Việt Nam tích cực tham gia thương lượng và ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân 2018 và là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước.

Việt Nam đã cử 493 lượt sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục gìn giữ hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc; triển khai bốn lượt bệnh viện dã chiến số 2 tại Phái bộ ở Nam Sudan và một đội công binh tại Phái bộ ở Abyei; là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân.

Việt Nam hoàn thành xuất sắc cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, trực tiếp đóng góp vào các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và khu vực. Việc Việt Nam vừa trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 khẳng định sự ghi nhận của bạn bè quốc tế đối với nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy bảo vệ quyền con người.

Việt Nam cũng đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan Liên hợp quốc như thành viên Hội đồng khai thác Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các cơ quan điều hành và chuyên môn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC)...

Trong công cuộc chống đại dịch Covid-19, Việt Nam đóng góp cho Quỹ ứng phó Covid-19 của Liên hợp quốc và cơ chế chia sẻ vắc-xin toàn cầu COVAX, trở thành điểm tiếp nhận và điều trị bệnh nhân theo cơ chế MEDEVAC của Liên hợp quốc. Việt Nam đã đóng góp 500.000 USD cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi chiến sự tại Ukraine, thông qua Quỹ ứng phó khẩn cấp trung tâm (CERF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), UNICEF.

Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia, đóng góp nhằm thúc đẩy các chương trình nghị sự chung của cộng đồng quốc tế cũng như tăng cường nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho các thách thức toàn cầu. Cùng các nước thành viên Liên hợp quốc, Việt Nam thúc đẩy triển khai nhiều tiến trình quan trọng đã được Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề xuất trong báo cáo mang tên "Chương trình nghị sự chung của chúng ta" và tầm nhìn toàn diện về hợp tác toàn cầu. Việt Nam đánh giá cao báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, xem các nội dung kêu gọi trong báo cáo là điều kiện tiên quyết để thế giới đẩy mạnh thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, bao gồm các SDG và cam kết về khí hậu, cũng như tìm ra các giải pháp cho những thách thức chung.

Ngay trước chuyến thăm chính thức Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (1977-2022), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng, chuyến thăm thể hiện thông điệp mạnh mẽ về sự coi trọng của Liên hợp quốc đối với quan hệ đối tác Việt Nam-Liên hợp quốc trong 45 năm qua, khẳng định Việt Nam là một trong những thành viên không thể thiếu, đã, đang và sẽ có những đóng góp ý nghĩa cho công việc chung của Liên hợp quốc trong giải quyết các thách thức toàn cầu, vì hòa bình và phát triển.