Nữ hoạ sĩ Trịnh Thị Nhã kể, bà học vẽ từ thủa nhỏ. Trịnh Thị Nhã thừa hưởng tố chất từ cha mẹ đều là những người tài hoa: cha của bà là hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc, từng tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, là hoạ sĩ vẽ tranh phong cảnh hàng đầu của Việt Nam; mẹ là hoạ sĩ Nguyễn Thị Khang, nổi tiếng về tranh lụa.
Được nuôi dưỡng trong một không gian đầy âm thanh và màu sắc, các anh chị em của hoạ sĩ Trịnh Thị Nhã sau này đều trở thành những hoạ gia tên tuổi như Trịnh Lữ, Trịnh Tú, Trịnh Hữu Trí, hay thành nghệ sĩ đàn piano như Trịnh Thị Ánh, Trịnh Thị Nhân, Trịnh Ngọc Anh. Đặc biệt tiếng đàn của người chị gái Trịnh Thị Nhàn trong gia đình bà chính là nguyên mẫu của “Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”, câu thơ từ bài thơ “Em ơi Hà Nội phố” của nhà thơ Phan Vũ được chuyển thành giai điệu ngọt ngào trong bài hát cùng tên của nhạc sĩ Phú Quang.
Hoạ sĩ Trịnh Thị Nhã học vẽ từ người mẹ, và phong cách vẽ tranh phấn của bà cũng một phần ảnh hưởng từ mẹ. Bà cầm cọ, cầm phấn màu trở lại từ cách đây 15 năm, khi thời gian đã “dài rộng” hơn. 20 năm cầm phấn viết bảng với những con số, phép tính hay công thức của môn Toán, Lý không làm cho tình yêu với những sắc màu trong người phụ nữ này nhạt phai.
Chủ đề yêu thích của bà là hoa, là quả, là những thứ rất đỗi gần gũi thân quen trong cuộc sống hàng ngày. Cảm giác như quả doi, quả na kia vừa được xách về từ gánh hàng rong ngoài phố, hay bó hoa lys, hoa cúc... kia vừa rong ruổi trên chiếc xe bán hoa đâu đó ta vẫn gặp trên đường.
Những bức tranh trong triển lãm, với sắc màu rực rỡ tươi tắn dịu dàng đầy nữ tính, nhưng cũng phảng phất chất cổ điển của hội hoạ châu Âu. Thế nhưng khi hỏi bà, rằng bà có hoài cổ không, thì bà cười và bảo, “Không, mình không hoài cổ đâu, mình thực tại lắm đấy chứ, mình thích cái mới”.
Trịnh Thị Nhã rất cầu kỳ trong việc chọn phấn vẽ. Phấn bà chọn phải là loại phấn của Hà Lan hay Pháp, hai quốc gia có truyền thống khá lâu đời về tranh vẽ phấn. Phấn ở đây màu sắc tươi sáng rực rỡ, giữ màu bền. Đây cũng là loại phấn khá hiếm và khó tìm hiện nay.
Khi được hỏi có phải chọn tranh phấn vì nó liên quan đến nghề dạy học bà đã theo đuổi 20 năm, Trịnh Thị Nhã chỉ cười. Bà bảo chọn dòng tranh này vì yêu thích màu sắc tươi và nhã của nó, rất khác biệt so với những dòng tranh khác, và cũng một phần do ảnh hưởng từ người mẹ, hoạ sĩ Nguyễn Thị Khang, vốn có thế mạnh về tranh lụa và tranh phấn.
Trịnh Thị Nhã kể, bà vẽ tranh khá nhanh, bức lâu nhất cũng chỉ mất vỏn vẹn bốn tiếng đồng hồ. Trong số tranh của bà, những bức vẽ từ cách đây hai, ba năm được bà yêu thích hơn cả, chẳng hạn bức “Hoa báo xuân”, vẽ từ năm 2007 nhưng bây giờ mới đem “khoe” với mọi người.
Nữ hoạ sĩ cho biết, bà vẽ nhanh, bởi trong thiên nhiên, những mẫu vật không “ở lâu” với ta, sáng chúng mang một sắc thái khác, chiều đã lại đổi màu. Có những mẫu vật bà đã có ý định vẽ từ lâu rồi, chỉ việc đặt chúng ra trên giấy khi có dịp. Cũng có những mẫu vật, bà vẽ bằng cả những hình dung từ trong ký ức.
Những bức tranh trong triển lãm này, phần lớn đều vẽ trong năm 2010. Trước đó, ngoài hoa và tĩnh vật, bà cũng đi một số nơi, vẽ phong cảnh và chân dung, một vài bức hoạ hiện nay đã nằm trong một số bộ sưu tập cá nhân.
Có thể, thời gian tới ngoài đề tài hoa quả, tĩnh vật, bà sẽ thử sức sang chân dung, phong cảnh...- “Tôi muốn vẽ chân dung một vài người bạn, mà trước đây chưa có thời gian, cũng chưa có duyên để vẽ. Bây giờ với tôi, thời gian đủ “dài rộng” để làm những gì mình yêu thích”.
Và đó cũng là lý do để triển lãm “Cho một ngày dài rộng” có thể sẽ là khởi đầu của những khám phá mới trên con đường tìm kiếm cái đẹp của nữ hoạ sĩ