Những bức họa Kiều qua nét vẽ của các danh họa thời Đông Dương

NDO -

40 bức họa Kiều tuyệt đẹp, tất nhiên không phải bản gốc, được trưng bày tại sự kiện “Ai nhớ Tố Như”, không chỉ làm mãn nhãn người xem mà còn cho thấy những cách “hiểu” Kiều khác nhau của các danh họa thời mỹ thuật Đông Dương.

"Vầng trăng ai xẻ làm đôi..." - Tranh của họa sĩ Nguyễn Tường Lân. Ảnh: Vietnamarts.vn
"Vầng trăng ai xẻ làm đôi..." - Tranh của họa sĩ Nguyễn Tường Lân. Ảnh: Vietnamarts.vn

Những bức họa này được giới thiệu trong khuôn khổ trưng bày “Bộ sưu tập Thư và Họa” do MaiHaBooks tổ chức, nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1820-2020). Tại cuộc tọa đàm về sức sống của Truyện Kiều trong khuôn khổ sự kiện này cùng với hai diễn giả là GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Trần Đình Sử, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, chỉ nói riêng về hội họa, họa sĩ Lê Thiết Cương đã chia sẻ những ý kiến thú vị về bộ tranh, cũng như về các tác phẩm minh họa Kiều khác.

kieu_toadam-1604306972044.jpg
 Các diễn giả tại cuộc tọa đàm (từ trái sang): PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, họa sĩ Lê Thiết Cương, GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Trần Đình Sử, nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn.

Đây là lần đầu tiên công chúng Hà Nội được chiêm ngưỡng tác phẩm của những tên tuổi lớn cùng vẽ về Kiều, được in từ cuốn “Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du” do NXB Quảng Trị ấn hành năm 1942. Tác giả của những bức vẽ Kiều này đều là những tên tuổi lớn, những cây đại thụ của mỹ thuật thời kỳ Đông Dương, như các họa sĩ Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Đỗ Cung, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm…

Những bức họa Kiều qua nét vẽ của các danh họa thời Đông Dương -0
  Tranh của họa sĩ Lê Phổ. Ảnh: Internet.

Nhà nghiên cứu văn học Mai Anh Tuấn cho biết, tập “Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du” này do soạn giả Đào Duy Anh biên soạn, có sự tham gia của 11 họa sĩ Đông Dương thời điểm đó. Điều này cho thấy một lần nữa Truyện Kiều không chỉ được tiếp nhận ở góc độ văn chương mà còn qua lăng kính của các họa sĩ, cho chúng ta thấy trọn vẹn hơn những giá trị không chỉ ở văn chương, chữ nghĩa của Truyện Kiều”. 

Những bức họa Kiều qua nét vẽ của các danh họa thời Đông Dương -0
 Tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Ảnh: Internet.

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã tạo nguồn cảm hứng lớn đến như thế nào khi tất cả thế hệ họa sĩ lớn của Việt Nam, những họa sĩ hàng đầu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam khóa Đông Dương, cho đến nay…, trong đó có cả anh, cũng đều có những tác phẩm hoặc phụ bản, hoặc minh họa vẽ Truyện Kiều. 

Những bức họa Kiều qua nét vẽ của các danh họa thời Đông Dương -0
  Tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Ảnh: Internet.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, cái hay ở đây là, trong hội họa nói chung, họa sĩ có thể sáng tác theo bất kỳ cảm hứng nào, nhưng riêng với tranh Kiều, thì cảm hứng, cách tiếp nhận cũng như năng lực sáng tạo phải tinh tường hơn những người khác. Và minh họa đó phải gắn bó với nội dung của câu Kiều mà tác giả lựa chọn để vẽ và viết bên dưới bức tranh. Minh họa đó còn phải mang đậm cá tính, phong cách của họa sĩ. Và có thể thấy những tiêu chuẩn đó thể hiện ở toàn bộ những bức tranh được trưng bày tại triển lãm này. 

Những bức họa Kiều qua nét vẽ của các danh họa thời Đông Dương -0
 Tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ.
Những bức họa Kiều qua nét vẽ của các danh họa thời Đông Dương -0
  Tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Ảnh: Internet.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng phát hiện ra một điều thú vị là rất nhiều họa sĩ, trong đó có cả những họa sĩ tên tuổi, đều vẽ Kiều ôm đàn tì bà. Trong truyện là cô Kiều ôm cây đàn nguyệt của Trung Quốc, cần ngắn và có bốn dây. Chỉ một số họa sĩ vẽ đúng cây đàn nguyệt bốn dây khi vẽ Kiều, trong đó có họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, người chuyên vẽ múa cổ, các con giáp và Kiều. Họa sĩ kể, anh có sưu tầm được một cuốn sách song ngữ Việt – Pháp in năm 1979, trong đó in năm bức minh họa Kiều đen trắng rất đẹp của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, thì những bức đó đều vẽ Kiều chơi đàn nguyệt.

Những bức họa Kiều qua nét vẽ của các danh họa thời Đông Dương -0
 Tranh của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung.

Nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn cho rằng, trong nhiều ấn phẩm văn chương, các tác phẩm minh họa Kiều chưa bao giờ là những sáng tác mang tính chất đi kèm, mà là một sự tiếp nhận đầy sáng tạo. Khi vẽ một tác phẩm Kiều với những câu trích dẫn, không có nghĩa là họa sĩ kể lại câu chuyện, mà đó là một sự tiếp nhận có tính sáng tạo. Vì thế, vượt ra khỏi khuôn khổ của một ấn phẩm họa Kiều hoặc tác phẩm văn chương, thì Kiều hoàn toàn đủ sức để trở thành một tác phẩm sáng tạo độc lập. Chính vì thế trong giới sưu tầm Kiều và sưu tầm hội hoa, các tác phẩm về Kiều luôn được giới sưu tầm quan tâm.

Những bức họa Kiều qua nét vẽ của các danh họa thời Đông Dương -0
 Tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, những bản minh họa Kiều đẹp, suy cho cùng, chính là một sự phiên dịch của Truyện Kiều. Chính vì thế, có những sáng tác về Kiều, tuy khác lạ, nhưng không nên mô tả cô Kiều không đẹp. Anh kể: “Tôi từng thấy những bức minh họa Kiều trong một ấn phẩm, như cho cô Kiều mặc áo kimono, như vậy là sáng tạo quá mức cần thiết. Hoặc vẽ cô Kiều vừa béo vừa lùn. Có thế đó là những bức tranh đẹp nhưng để là một bức vẽ Kiều thì không nên như vậy”. 

Những bức họa Kiều qua nét vẽ của các danh họa thời Đông Dương -0
 Tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu. Ảnh: Internet
Những bức họa Kiều qua nét vẽ của các danh họa thời Đông Dương -0
 Tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ. Ảnh: Internet.

Họa sĩ cho rằng, chính vì thế, tranh vẽ Kiều chính là văn bản thứ hai, bằng hội họa, bên cạnh các văn bản bằng thi ca. Ở triển lãm này, các bậc thầy của hội hoa Việt Nam đều đi theo những câu gợi ý cho tạo hình, tạo bố cục và tạo màu. Tranh vẽ Kiều là một sự phiên dịch của Kiều từ ngôn ngữ thi ca sang ngôn ngữ hội họa.