Những bông hoa trên tuyến lửa 1C

Suốt 10 năm liền trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng thanh niên xung phong đường 1C đã cùng chính quyền, du kích địa phương liên kết bám địa bàn, sẵn sàng hy sinh, bền bỉ vận chuyển hàng chục ngàn tấn vũ khí, phương tiện, dẫn đường cho cán bộ, bộ đội ngược xuôi qua tuyến đường này.
0:00 / 0:00
0:00
Các nữ thanh niên xung phong tuyến đường 1C giao lưu tại chương trình.
Các nữ thanh niên xung phong tuyến đường 1C giao lưu tại chương trình.

Trong buổi giao lưu “Những bông hoa trên tuyến lửa 1C” mới đây do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức, các nữ thanh niên xung phong ngày nào - những nhân chứng sống trên đường 1C - đã kể lại những câu chuyện không thể nào quên của một thời khói lửa. Những năm 1966-1967 cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở khu vực miền Tây Nam Bộ lên cao trào, cả nước tập trung chi viện cho chiến trường miền nam và khu Tây Nam Bộ.

Đường vận chuyển do Đoàn 962 (nay là Lữ đoàn 962, Lữ đoàn 962 cùng với Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân làm nên con đường huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển) đảm trách. Sau một thời gian hoạt động êm xuôi, địch bắt đầu để ý và phong tỏa. Việc vận chuyển chi viện cho Khu 9 bằng đường biển gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, vũ khí và phương tiện chiến tranh chi viện cho miền nam vận chuyển theo đường Hồ Chí Minh trên bộ (đường Trường Sơn) đã về đến miền Đông Nam Bộ.

Việc nối liền đường vận chuyển từ miền đông về tận mũi Cà Mau để tiếp nhận hàng chi viện là một vấn đề cấp thiết; vì vậy, tuyến đường 1C ra đời. Đường 1C nối tiếp đường Hồ Chí Minh trên bộ, từ Tây Ninh, đi trên đất bạn Campuchia, qua biên giới Việt Nam tại Vĩnh Điều (nay thuộc huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang), băng qua rừng tràm Hà Tiên, vượt kênh Tám Ngàn, Mốp Giăng, qua lộ Cái Sắn... về đến Cái Nứa, Ba Đình (huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang).

Bà Lâm Thị Minh Tâm, nữ thanh niên xung phong thành phố Cần Thơ năm xưa cho biết, cung đường đặc biệt mà bà cùng đồng đội đi qua từ lộ Cái Sắn đến kênh xáng Vĩnh Tế. Kênh Vĩnh Tế nằm giữa biên giới Việt Nam-Campuchia, con kênh ác liệt đến mức được các thanh niên xung phong hồi ấy gọi là “kênh Vĩnh Biệt”…

Địa hình nơi đây đi lại rất khó khăn, ở miền nam thì chỉ có hai mùa nhưng ở chiến trường thì có ba mùa: Mùa nước nổi, mùa khô và mùa lỡ nước, lỡ khô. “Mùa nước nổi di chuyển chủ yếu bằng xuồng ba lá-loại xuồng đi rừng vùng Hà Tiên. Mỗi chiếc xuồng mong manh mà chở được từ 400-500 kg hàng.

Bên cạnh xuồng ba lá, còn có xuồng mỏ có hai đầu nhỏ, chở được nhiều hàng hơn (còn gọi là xuồng độc mộc). Mùa khô thì chuyển sang đi đường bộ, còn mùa lỡ nước, lỡ khô thì phải vừa chèo xuồng nhưng khi đến đoạn khô là phải vác xuồng và vác vũ khí lên để đi. Một xuồng thường do hai chị phụ trách, có lúc thì chỉ một người”, bà Lâm Thị Minh Tâm kể lại.

Cũng đến từ thành phố Cần Thơ, bà Nguyễn Xuân Phấn - là con của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị May, chia sẻ: Những khó khăn, gian khổ trải qua khi tham gia thanh niên xung phong vẫn còn in đậm trong trí nhớ của bà dù thời gian đã lùi xa hơn nửa thế kỷ.

Sức mạnh chiến tranh của địch có thể làm tan chảy mọi thứ trên tuyến lửa 1C nhưng với những người con gái thanh niên xung phong nơi đây, điều đó càng khiến họ trở nên mạnh mẽ hơn, vượt qua muôn vàn khó khăn, hiểm nguy bằng tất cả ý chí và lòng quyết tâm bám cung đường để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bà Nguyễn Thị Xuân Phấn bùi ngùi nhớ lại: “Điều kiện thiếu thốn, mọi người phải làm nhiệm vụ liên tục. Con gái tuổi trăng tròn ai cũng tóc dài bóng mượt, vậy mà chỉ trong thời gian ngắn tham gia thanh niên xung phong, chúng tôi không dám chải đầu, vì chải tóc sẽ rụng từng nắm, không dám soi mặt mình dưới nước vì mặt ai cũng xác xơ. Tóc khô cứng, chúng tôi lấy mỡ bò bôi lên cho suôn và dùng băng đạn làm lược chải tóc. Đẹp hay xấu lúc này cũng không còn quan trọng nữa. Thế là chúng tôi quyết định cắt tóc ngắn cho đỡ vướng víu để làm nhiệm vụ”.

Trong buổi giao lưu còn có bà Đoàn Thị Hồng Thắm đến từ Thành phố Hồ Chí Minh. Trông vẻ ngoài bà rất mảnh mai, yếu ớt, nhưng bà từng là Tiểu đội trưởng thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C.

Bà Đoàn Thị Hồng Thắm cho biết, bà nhớ mãi đồng đội Võ Thị Hồng Láng, người con gái của xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Minh Hải (Cà Mau). Trong một chuyến vận chuyển hàng chiến lược từ Campuchia về miền nam bằng đôi vai gầy yếu của mình, khi băng qua đồi cát cách kênh Vĩnh Tế chừng 500m, bà Hồng Thắm và đồng đội bị địch phục kích. “Chúng tôi đã chiến đấu dũng cảm, vượt vòng vây về đến trạm tập trung, kiểm tra lại thì thiếu hai đồng chí, đó là đồng chí Tám Hoa và đồng chí Hồng Láng ở đội Nguyễn Việt Khái 2”- bà Thắm kể.

Đồng chí Tám Hoa đã lấy tro tràm cháy xoa khắp người và ém kỹ vào bụi cây nên địch không phát hiện được. Riêng đồng chí Hồng Láng vì bị thương nặng nên hôn mê và bị địch bắt về đồn Vĩnh Điều bằng xe bò. Địch muốn chị phải sống để khai ra kho đạn dược và nơi đóng quân của Liên đội thanh niên xung phong nhằm dập tắt tuyến đường vận chuyển hàng chiến lược, nơi quyết định vận mệnh của chiến trường miền Tây Nam Bộ.

Địch tra tấn, dụ dỗ, thuyết phục nhưng không mua chuộc được tấm lòng kiên trung của người con gái đất mũi Cà Mau. “Người đồng đội Hồng Láng của tôi đã dũng cảm cắn lưỡi quyên sinh để bảo vệ đồng chí, đồng đội của mình và tuyến đường huyết mạch vào năm 1968”, bà Đoàn Thị Hồng Thắm nhắc lại với giọng rưng rưng.

Theo bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, trong hơn 800 người làm nên huyền thoại đường 1C, có đến hai phần ba là những cô gái tuổi từ 15 đến 20. Trong vị thế của những người làm chủ núi rừng, làm chủ kênh-rạch, làm chủ chiến trường, một đoàn người trẻ măng, phần lớn đều là những cô gái nhưng mảnh mai, lưng tải hàng, vai mang súng, băng đạn và thủ pháo, lựu đạn thắt quanh người, dãi nắng dầm mưa, ngày đêm lội suối, đã tạo thêm những lối mòn trên đất mẹ, hằn sâu vết chân đi vào lịch sử.

Ở nơi được mệnh danh là “Trường Sơn giữa đồng bằng”, nơi “sắt thép cũng phải tan chảy”, những bông hoa trên tuyến lửa 1C đã “đưa” hơn 13 ngàn tấn vũ khí cho chiến trường Tây Nam Bộ, đưa cán bộ, phương tiện về khắp các chiến trường khu 9, khu 8. Những người con gái làm nhiệm vụ trên tuyến đường 1C đã trụ lại và chiến thắng. Cũng trên tuyến lửa ác liệt đó, hơn 400 thanh niên xung phong 1C đã hy sinh và rất nhiều trong số đó chưa tìm thấy hài cốt. Có những đơn vị trong một trận chiến đấu, một chuyến đi hoặc một thời gian hoạt động không còn ai sống sót.

Có thể nói, tuyến đường 1C huyền thoại sẽ luôn là đề tài nghiên cứu trong khoa học quân sự, khoa học về sức mạnh tiềm ẩn của những người phụ nữ Việt Nam chân yếu tay mềm.