Những bài học cuộc sống qua thiên nhiên trong tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng

NDO -

NDĐT – Khởi nghiệp với nghề kỹ thuật thông tin và sau đó là một phóng viên chuyên viết về mảng khoa học kỹ thuật, nhưng cuối cùng Vũ Hùng lại trở thành nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi. Không chỉ vậy, thiên nhiên trong các tác phẩm của ông được miêu tả vô cùng tinh tế và luôn chứa đựng những bài học cuộc sống.

Nhà văn Vũ Hùng rưng rưng khi nghe các đồng nghiệp nhắc lại kỷ niệm xưa.
Nhà văn Vũ Hùng rưng rưng khi nghe các đồng nghiệp nhắc lại kỷ niệm xưa.

Sau 25 năm sinh sống ở Pháp và làm công việc hoàn toàn không liên quan đến viết văn, nhà văn đã trở về Việt Nam và có cuộc gặp gỡ với bạn đọc và các bạn văn, phần lớn là những đồng nghiệp và các bạn văn chương trước đây.

Nhà văn Viết Linh từng viết về ông: “Cuộc đời nhiều khi tạo nên những bất ngờ: Vũ Hùng đã trở thành nhà văn không hề được chuẩn bị trước.

Cái gì làm nên điều đó?

Trước hết phải nói tới kinh nghiệm sống của anh. Anh đã đi lại rất nhiều nơi, trên rừng dưới biển. Anh đã sống nhiều năm trên Trường Sơn, cả ở phía Đông lẫn phía Tây, trong những làng săn, giữa những bầy voi, gần gũi với những người đi kiếm trầm hương, với các thợ săn, các quản tượng … Anh đã tích lũy được những hiểu biết phong phú về phong tục của nhiều dân tộc, về tập tính của nhiều loài thú và những cách ứng xử của chúng.

Tất cả tạo cho anh một vốn sống dồi dào, cái cơ sở quan trọng của người viết văn”.

Số lượng tác phẩm của Vũ Hùng viết rất dồi dào, tính từ năm 1960, trong khoảng 30 năm cầm bút, ông viết được 40 tác phẩm, hầu hết dành cho thiếu nhi. Những tác phẩm của ông được đúc kết từ chính cuộc sống thực của mình, và đặc biệt, những năm tháng ở Lào, ở Trường Sơn đã cho ông những trang viết về thiên nhiên vô cùng sinh động và tinh tế.

Nhà văn kể lại: “Hồi còn đi bộ đội, tôi có nuôi một con culi. Con culi này rất khôn, biết được nguy hiểm và an toàn, nó cũng biết ai yêu mình thật lòng và nó dành tình cảm cho người đó. Con culi sau này đã trở thành nhân vật trong truyện “Con culi của tôi. Con vật có những bí ẩn mà con người không thể biết được”.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang chia sẻ: “Tôi là một trong những độc giả từ thủa nhỏ của chú Vũ Hùng. Ông đã cho tôi và những đứa trẻ thời đó biết được rất nhiều điều về thiên nhiên kỳ thú”.

Nhà văn Hà Phạm Phú, một trong những đồng nghiệp của ông từ thời làm việc ở báo Quân đội Nhân dân kể lại rằng: “Cuốn sách đầu tiên của Vũ Hùng mà tôi được đọc là “Mùa săn chim”, và tôi đã có ấn tượng rất mạnh mẽ. Cách viết về thiên nhiên, về con vật trong các tác phẩm của ông rất tinh tế và luôn có những bài học sâu sắc”. Nhà văn Hà Phạm Phú lấy thí dụ, một câu chuyện mô tả một người thợ rừng dùng gậy đánh con trâu để thúc giục nó kéo gỗ qua bãi lầy, nhà văn đã góp ý để sửa lại thành người thợ dùng khúc gỗ bẩy bánh xe lên cho con trâu dễ kéo. Và nhà văn Vũ Hùng nói: “Nhà văn phải biết dạy cho người ta về lòng nhân ái”. Chính vì thế, văn chương của ông đã đem lại cho các thế hệ bạn đọc tình yêu đối với thiên nhiên, đất nước, và bồi đắp tính nhân văn, tình yêu thương con người.

Bà Lê Thị Dắt, nguyên Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng nhận xét: “Ở Việt Nam, không ai viết về voi hơn nhà văn Vũ Hùng. Trong chuỗi tác phẩm viết cho độc giả nhí, ông quan tâm nhiều nhất đến loài vật này. Ông có những quan sát rất tinh tế: khi hai con voi đánh nhau, một con đã rũ vòi nhận thua, con kia không bao giờ truy đuổi. Ban đêm, khi bầy voi nằm ngủ, con nhỏ và yếu thường nằm bên trong, những con to khỏe nằm ngoài cùng để bảo vệ cả bầy. Bao trùm lên tất cả là những bài học dạy các em nhỏ biết yêu thiên nhiên, yêu cỏ cây và yêu đất nước”.

Cùng quan điểm như vậy, nhà văn Lê Phương Liên nhận xét: “Cuốn “Sống giữa bầy voi” thể hiện tiêu biểu cho cách viết của nhà văn Vũ Hùng. Ông để cho nhân vật của mình có cái nhìn trẻ em trong một môi trường người lớn, có cái gì đó khác với người lớn và đôi khi đối chọi lại với người lớn. Cách kể chuyện của ông lại dẫn dắt rất bình dị, không có sự đối lập nào, nhưng rất hấp dẫn và liên kết toàn bộ câu chuyện. Điều này khiến các độc giả nhí có thể học văn tốt hơn”.

Còn nhà thơ Văn Chinh cho rằng, thiên nhiên qua ngòi bút của nhà văn Vũ Hùng, dẫu ở những nơi rất quen thuộc với độc giả, cũng mang vẻ lung linh kỳ thú, thí dụ như cách nhà văn mô tả khu vực Láng nơi ông sinh ra và lớn lên. Ngay cả trong truyện dịch, cách viết của ông cũng thể hiện như vậy, như tập truyện từng được nhiều thế hệ độc giả yêu thích là “Jody và con hươu non”.

12 trong số hơn 30 tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng đã được Nhà xuất bản Kim Đồng ký hợp đồng xuất bản. Ông Nguyễn Huy Thắng, nguyên Phó Giám đốc NXb Kim Đồng cho biết, việc bộ sách vắng bóng lâu năm của nhà văn Vũ Hùng được bạn đọc đón nhận nhiệt tình là một tín hiệu đáng mừng trong tình trạng hiện nay các sáng tác cho thiếu nhi, đặc biệt là mảng sách viết về nhiên còn hạn chế. Những tác phẩm của ông được xuất bản vào lúc này không chỉ làm phong phú cho mảng sách văn học thiếu nhi, mà còn góp phần giáo dục tính nhân văn, tình yêu quê hương đất nước, và đặc biệt là hình thành nhân cách cho các em.

Nhà văn Vũ Hùng sinh 1931, quê tại làng Láng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ông nhập ngũ năm 1950, từng học tại các trường Thủy quân Việt Nam, trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Làm Đài trưởng Đài vô tuyến điện của Trung đoàn Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung Lào. Phóng viên báo Quân đội Nhân dân, biên tập viên NXB Ngoại văn, NXB Văn học. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Văn hóa. Từ 1989 ông định cư tại Pháp và tháng 5-2014 về nước sống những năm cuối đời. Nhà văn nhiều lần định về thăm mộ bố mẹ nhưng chưa đi được vì bệnh tim.

Từ 1960 đến 1989, ông in 40 đầu sách tại nhiều NXB trong nước. Nhiều tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc… Cuốn sách đầu tay, “Mùa săn trên núi”, do NXB Kim Đồng ấn hành năm 1960. “Sao Sao” (1982) và “Sống giữa bầy voi” (1986) từng đoạt giải Văn học thiếu nhi.