Nhức nhối nạn trộm cắp điện

Ngành điện lực khu vực phía nam mặc dù đã tốn không ít công lao, kinh phí để tuyên truyền, giáo dục, thậm chí dùng nhiều hình thức chế tài để xử lý đối với khách hàng vi phạm, nhưng nạn trộm cắp điện vẫn diễn ra với lượng điện năng thất thoát lớn. Vì vậy, cần phải có nhiều giải pháp căn cơ hơn để giải quyết vấn nạn nhức nhối này.

Nhân viên điện lực kiểm tra tình trạng thất thoát điện năng.
Nhân viên điện lực kiểm tra tình trạng thất thoát điện năng.

Đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cho biết, trong tháng 9-2015, qua kiểm tra 161.066 lượt khách hàng sử dụng điện tại 21 tỉnh, thành phố miền nam do EVN SPC quản lý, đã phát hiện 104 vụ vi phạm trộm cắp điện với sản lượng điện bị bồi thường 369.410 kW giờ, giá trị tương đương hơn một tỷ đồng. Các công ty thành viên của EVN SPC đã xử lý 107 vụ, điện năng bồi thường 383.799 kW giờ, giá trị tương ứng hơn 1,1 tỷ đồng.

Trong chín tháng của năm nay, EVN SPC kiểm tra 1.487.199 lượt khách hàng sử dụng điện, đã phát hiện 948 vụ trộm cắp điện, sản lượng điện bồi thường là 3.093.070 kW giờ, quy ra tiền hơn 8,9 tỷ đồng. EVN SPC đã xử lý 912 vụ vi phạm, mức điện năng bồi thường 2.759.096 kW giờ, giá trị hơn 7,8 tỷ đồng. Theo nhìn nhận của EVN SPC, so với cùng kỳ năm 2014, tình trạng trộm cắp điện năm 2015 có giảm nhưng vẫn diễn ra phức tạp, mặc dù ngành điện lực đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có nhiều biện pháp xử lý mạnh về kinh tế, đồng thời chuyển cho cơ quan công an để xử lý theo pháp luật.

Địa phương để xảy ra tình trạng trộm cắp điện nhiều nhất là tỉnh Đồng Nai với 327 vụ; Kiên Giang (73 vụ); Vũng Tàu (71 vụ); Cần Thơ (64 vụ); Hậu Giang (62 vụ); Cà Mau (49 vụ). Riêng Bình Thuận không phát hiện vụ trộm cắp điện nào từ đầu năm đến nay.

Hành vi trộm cắp điện chủ yếu là tác động trước công-tơ (311 vụ), tác động trực tiếp vào công-tơ (501 vụ) và tác động gián tiếp vào công-tơ (136 vụ). Đơn cử, Công ty Điện lực thành phố Cần Thơ đã phát hiện khách hàng Nguyễn Thị Kim Thơ trộm cắp 12.441 kW giờ điện bằng cách khoan lỗ công-tơ. Công ty Điện lực Đồng Nai phát hiện khách hàng Lê Văn Đồng đã phá chì kiểm định tác động vào công-tơ làm sai lệch hệ thống đo đếm, sau đó niêm lại bằng chì giả, làm thất thoát 9.776 kW giờ điện.

TP Hồ Chí Minh là nơi có mức điện năng tiêu thụ lớn vào hàng đầu cả nước và nạn trộm cắp điện vẫn tiếp tục xảy ra. Theo Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, hành vi trộm cắp điện xảy ra gần đây trên địa bàn thành phố chủ yếu vẫn là tác động trực tiếp hoặc gián tiếp vào công-tơ để thay đổi chỉ số điện năng đã sử dụng. Mặc dù ngành điện đã tốn nhiều công sức, kinh phí để tuyên truyền, kết hợp kiểm tra và xử lý nặng đối với các trường hợp vi phạm, nhưng một số khách hàng vì cái lợi trước mắt vẫn cố tình vi phạm.

Để hạn chế, ngăn chặn nạn trộm cắp điện, các đơn vị thành viên thuộc EVN SPC đã tăng cường công tác tuyên truyền, thay đổi phương thức kiểm tra, giám sát khách hàng sử dụng điện và kết hợp với các cơ quan chức năng áp dụng những hình thức xử lý nghiêm minh đối với hành vi trộm cắp điện. Ngoài tăng cường kiểm tra hiệu suất trạm công cộng có tổn thất cao; kiểm tra chỉ số tiêu thụ điện năng hằng tháng bất thường từ chương trình quản lý khách hàng (CMIS), thay công-tơ cơ bằng công-tơ điện tử…, các công ty thành viên đều thực hiện quy chế phối hợp chính quyền địa phương, đoàn thể để tuyên truyền đến người dân các văn bản pháp luật liên quan các hành vi cấm trong hoạt động điện lực.

Theo Thông tư liên tịch số 27 giữa Bộ Công an, Bộ Công thương, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hàn h, từ ngày 5-10-2015, các vụ trộm cắp điện nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 138 Bộ luật Hình sự.

Từ đầu năm 2015, Công ty Điện lực Đồng Nai đã “đặt hàng” người dân tố cáo hành vi trộm cắp điện sẽ được công ty khen thưởng, mức tiền thưởng từ một đến hai tri ệu đồng và cam kết giữ kín danh tính người tố cáo. Tuy nhiên, đây chỉ là một biện pháp mang tính tạm thời, sâu xa và dài hơi hơn trong kế hoạch loại trừ hành vi trộm cắp điện phải là việc tuyên truyền sâu rộng đến với khách hàng nhằm giúp họ nhận thức thật đúng đắn việc mua, bán điện; đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm…