Như dòng Mê Công cuộn chảy về biển lớn

Chuyên cơ chở Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu thăm chính thức Campuchia và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 40, 41 và các Hội nghị cấp cao liên quan hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Phnom Penh trong tiết trời trong xanh, nắng rực rỡ cuối năm. Thủ đô của đất nước Chùa Tháp dịp này khang trang, sạch sẽ, tràn ngập sắc màu của cờ hoa, biểu ngữ, rộn ràng chào đón Đoàn Việt Nam cũng như sự kiện quốc tế quan trọng này.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân thủ đô Phnom Penh vẫy cờ, hoa đón chào Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam. Ảnh: VGP
Người dân thủ đô Phnom Penh vẫy cờ, hoa đón chào Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam. Ảnh: VGP

Chung dòng nước Mê Công

Việt Nam và Campuchia có quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó, quân và dân hai nước đã kề vai sát cánh trong công cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc, lật đổ chế độ diệt chủng, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Trong một thế giới đầy biến động, phức tạp như hiện nay, nhất là trải qua giai đoạn đại dịch Covid-19, hai nước càng cần phải tăng cường gắn kết vượt qua khó khăn, thách thức.

Trong chuyến thăm chính thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm, hội kiến, tiếp xúc với tất cả các lãnh đạo chủ chốt của Campuchia. Các lãnh đạo phía bạn đều đánh giá rất cao chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính đúng dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Độc lập của Campuchia có ý nghĩa hết sức to lớn, góp phần củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam dành cho Campuchia trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2022 và Đại hội đồng AIPA 43.

Như dòng Mê Công cuộn chảy về biển lớn ảnh 1

Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Campuchia. Ảnh: VGP

Tại hội đàm với Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen, trong không khí hữu nghị, chân thành, tin cậy, hai Thủ tướng khẳng định quyết tâm củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước, đưa hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, coi đó là yêu cầu khách quan tất yếu. Một trong những vấn đề hai bên ưu tiên bàn thảo là tăng cường kết nối hai nền kinh tế, bổ trợ thế mạnh của nhau, nâng cao sức chống chịu trước những biến động khó lường từ bên ngoài.

Hiện nay, trên đất bạn, có những mô hình đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam thành công như mạng viễn thông Metfone của Tập đoàn Viettel, Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh, Thagrico… Những doanh nghiệp Việt Nam nói chung làm ăn thuận lợi, hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, nộp ngân sách, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, làm tốt công tác an sinh xã hội, được Chính phủ hai nước đánh giá rất cao.

Tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam-Campuchia 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, cùng uống chung dòng nước sông Mê Công, Việt Nam và Campuchia có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác toàn diện, trong đó hợp tác đầu tư, thương mại không ngừng phát triển, đạt nhiều dấu ấn quan trọng.

Thủ tướng đề xuất hai nước cần tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Campuchia để nâng cao năng lực nội tại nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ở mỗi nước. Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ, quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia là tài sản vô giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước. Mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm gìn giữ, vun đắp cho mối quan hệ này “đơm hoa kết trái”.

Về phần mình, Thủ tướng Hun Sen bày tỏ, dù tình hình thế giới và khu vực biến đổi nhanh chóng, khó lường, nhưng mối quan hệ hai nước Việt Nam-Campuchia không bao giờ thay đổi, luôn tốt đẹp, bổ trợ lẫn nhau. Hai nước cần tăng cường hợp tác bằng cách phát triển cả cơ sở hạ tầng cứng và mềm, thúc đẩy dòng chảy thương mại, đầu tư.

Thông điệp của hai nhà lãnh đạo được khán phòng vỗ tay không ngớt, nhiệt liệt hưởng ứng. Điều đáng trân trọng là mặc dù đang tất bật chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN nhưng Thủ tướng Hun Sen, Phó Thủ tướng Men Sam An cùng nhiều quan chức vẫn đến dự Hội nghị, cho thấy Campuchia rất coi trọng và ưu tiên mối quan hệ với Việt Nam.

Trong các cuộc gặp, tiếp xúc, lãnh đạo phía bạn luôn bày tỏ sự trân trọng, tri ân sự giúp đỡ của Việt Nam không quản ngại hy sinh, gian khó, nhân dân Việt Nam đã đưa những người con của mình sang giải phóng Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng và có được thành tựu như ngày hôm nay.

Như dòng Mê Công cuộn chảy về biển lớn ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ kiều bào tại Campuchia. Ảnh: VGP

Nói chuyện với cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, bà con cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia, Thủ tướng chia sẻ, khi đến chào Hoàng Thái hậu Norodom Monineath Sihanouk, Hoàng Thái hậu đã xúc động nhắc lại kỷ niệm tốt đẹp về Việt Nam và nhất là ấn tượng không bao giờ phai về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Trong buổi đến chào Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Thủ tướng bày tỏ chân thành: Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng những tình cảm sâu sắc và sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu mà cố Quốc vương Norodom Sihanouk, Quốc vương Norodom Sihamoni, cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Campuchia dành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Về phần mình, Quốc vương cho biết, lúc sinh thời, cố Quốc vương Norodom Sihanouk luôn căn dặn phải cố gắng duy trì tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Trong hội đàm hay tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Campuchia, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn dành thời gian bày tỏ mong muốn phía Campuchia tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người gốc Việt sinh sống, làm việc ổn định và hợp pháp tại Campuchia, hòa nhập và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của sở tại, góp phần gắn kết và thắt chặt quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai dân tộc. Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ, Tổ quốc luôn trong trái tim bà con, bà con luôn trong tim của Đảng, Nhà nước.

Cùng nhau vượt qua thách thức

Kết thúc chuyến thăm chính thức Campuchia thành công hết sức tốt đẹp, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị cấp cao liên quan. Các sự kiện này được nước Chủ nhà tổ chức tại khách sạn Sokha, tọa lạc ở mũi đất - nơi hợp lưu sông Tonle Sap và sông Mê Công. Để bảo đảm an ninh, an toàn cho các sự kiện, Campuchia đã huy động hơn 10 nghìn cảnh sát, nhân viên an ninh với đủ loại xe thiết giáp, xe đặc chủng, tàu thuyền, trang bị vũ khí, khí tài hiện đại…

Chuyến thăm chính thức Campuchia, tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 40, 41 và các Hội nghị cấp cao liên quan của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công hết sức tốt đẹp, mở ra một chương mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam và Campuchia, khối ASEAN cũng như với các đối tác lớn, góp phần tạo nên dòng chảy mạnh mẽ về kinh tế, thương mại và đầu tư.

Tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 40 và 41, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen nhấn mạnh, ASEAN cần dành ưu tiên cao nhất cho duy trì đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm để cùng nhau vượt qua thách thức, xây dựng cộng đồng tự cường cho tất cả người dân - đúng theo tinh thần của năm ASEAN:

“ASEAN hành động - Cùng nhau vượt qua thách thức”. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham gia tất cả các chương trình nghị sự với khoảng 30 Hội nghị cấp cao, sự kiện và tiếp xúc song phương trên tinh thần trách nhiệm cao, có nhiều đóng góp, sáng kiến giá trị, góp phần quan trọng vào thành công chung của kỳ Hội nghị cấp cao, được các nhà lãnh đạo đánh giá rất cao. Điều này càng khẳng định Việt Nam luôn là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 41, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bật thông điệp: Để nâng cao hơn nữa hiệu quả triển khai quan hệ đối ngoại, ASEAN cần tăng cường phối hợp với các đối tác trong nỗ lực chung đóng góp cho hòa bình, an ninh và phát triển, củng cố gắn bó chiến lược nội khối để các đối tác thực sự tôn trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cam kết hợp tác lâu dài với ASEAN thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Như dòng Mê Công cuộn chảy về biển lớn ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham gia tất cả các chương trình nghị sự với khoảng 30 Hội nghị cấp cao, sự kiện và tiếp xúc song phương. Ảnh: VGP

Thủ tướng đề nghị các bên cần tiếp tục phát huy tinh thần đối thoại thẳng thắn, hợp tác chân thành, láng giềng hữu nghị, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, góp phần tạo dựng cạnh tranh lành mạnh, dựa trên luật lệ, giảm thiểu mâu thuẫn, ngăn ngừa xung đột.

Các nhà lãnh đạo nhất trí rằng, cần tập trung ưu tiên các nỗ lực phục hồi toàn diện, phát triển xanh và bền vững, tiếp tục phối hợp ứng phó hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh; tiếp tục thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, hỗ trợ tiếp cận thị trường, đóng góp đẩy mạnh liên kết kinh tế, tự do hoá thương mại khu vực. Các đối tác tái khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, tham gia và đóng góp tích cực trong các cơ chế do ASEAN chủ trì, định hình cấu trúc khu vực mở, bao trùm, minh bạch và đề cao luật pháp quốc tế.

Điểm nổi bật trong trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế tại các hội nghị, các lãnh đạo ASEAN và đối tác nhấn mạnh các nước cần đề cao trách nhiệm và chia sẻ lợi ích chung trong nỗ lực duy trì và bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực; kiên trì lập trường nguyên tắc về Biển Đông, ASEAN đề nghị các đối tác tiếp tục ủng hộ nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, hướng tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Chuyến thăm chính thức Campuchia, tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 40, 41 và các Hội nghị cấp cao liên quan của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công hết sức tốt đẹp, mở ra một chương mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam và Campuchia, khối ASEAN cũng như với các đối tác lớn, góp phần tạo nên dòng chảy mạnh mẽ về kinh tế, thương mại và đầu tư, thể hiện khát vọng hợp tác, chung tay vượt qua mọi khó khăn, thách thức, như dòng Mê Công mãi cuộn chảy về biển lớn, bồi đắp phù sa cho tình hữu nghị, hợp tác phát triển vì sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng.