"Nhờn"  luật

NDO - Ngày Rằm rủ nhau lên  phủ Tây Hồ. Người xe nườm nượp. Ðời sống kinh tế ngày càng khá giả, người đi chùa chiền ngày càng đông. Trong bao nhiêu thứ dịch vụ ăn theo có dịch vụ... trông xe. Nghề này xem chừng đơn giản mà lại đang phát mạnh, "công cụ hỗ trợ" chỉ có mấy cái cọc và cuộn dây thừng, nhân viên chả phải học hành, đào tạo gì.

Ông bạn lính của tôi năm xưa quanh năm vợ ốm con đau, đồng đội thường xuyên phải 'trợ cấp' đột xuất, hôm rồi bỗng  hào hứng điện thoại hẹn đi uống bia đen. Lý do thật đơn giản, ông mới 'mua' được cái bãi gửi xe. Thế mới lạ, đúng là 'hoàn cảnh có vấn đề'. Hỏi chuyện, ông bạn cười rổn rảng, thì cái công ty đấy, có bãi đất chờ xây dựng gần đấy, họ xin phép được mở điểm trông giữ xe máy, ô-tô, rồi họ 'bán' cho mình. Họ nộp thuế, thu tiền khoán, còn mình thu tiền lời.

A, thì ra trúng tổ con chuồn chuồn. Muốn có lời càng cao càng phải nâng giá thầu, rồi người trông xe tha hồ phát giá, mặc sức 'chặt chém' khách gửi xe. Thế nên khách gửi xe máy bãi Tây Hồ, giá ghi 2.000 đồng nhưng đều phải trả tới 10 nghìn đồng. Cự nự với anh trông xe, anh này nói tỉnh queo, ngày rằm, mồng một, đông khách, vất vả nên phải kéo giá lên một tý. Mà thưa các vị, các vị đi lễ lấy lộc thì cũng phải cho cánh này chút lộc chứ. Vắt cổ chày ra nước thế thì Thánh nào cho lộc (!) Chả hiểu cái điểm trông giữ xe này có phép hay không, bởi 10 quận nội thành Hà Nội có hơn một nghìn điểm trông giữ thì có tới gần 300 điểm chả có giấy tờ nào cho phép. Thành thử khách tha hồ bị chém đẹp, đến đâu cũng phải chấp nhận cái giá gửi xe vô lý như thế. Nhưng phải trả giá cao nhất thường là những người đi chùa, đến các điểm vui chơi, giải trí, nhà ga, bến xe, vào bệnh viện thăm nuôi bệnh nhân. Cô giúp việc nhà tôi bảo: 'Hôm nay em vào bệnh viện bốn lần, phải trả mất 20 nghìn đồng tiền gửi xe máy đấy bác ạ. Sấp sấp mải mải, gửi đâu chỉ có mấy  phút. Xót quá! Ở quê em hai chục nghìn  là đong được mấy ống gạo.  Hay mai bác để em đi bộ'.

Việc kiểm tra các điểm trông giữ ô-tô, xe máy lâu nay vẫn làm. Vẫn phạt đều đều. Thậm chí là cấm hẳn không cho mở dịch vụ. Nhưng xem ra, việc cấm, việc xử phạt không mấy tác dụng. Bởi mức phạt cao nhất cũng chỉ đến hơn 12 triệu đồng. Trong khi đó doanh thu nhiều điểm trông giữ xe lên tới cả trăm triệu đồng một tháng.

Kiểm tra, xử phạt nghiêm được dăm bữa nửa tháng rồi đâu lại vào đấy, cũng là một thứ 'nhờn thuốc' - thuốc chữa bệnh tùy tiện, làm rối trật tự, kỷ cương.  Tăng cao mức xử phạt  là một biện pháp. Nhưng 12 triệu vẫn 'nhờn thuốc' thì phải tăng  đến bao nhiêu?  Câu chuyện này xử lý không khó nếu có sự vào cuộc thật quyết liệt. Vì người ta cho là chuyện nhỏ, nhỏ như cái vé trông xe máy, nên hậu quả mới to như thế. Cần phải gọi đúng tên là 'nhờn' luật!