Trong đó, dòng tiền đầu tư tập trung chủ yếu ở hai nhóm nông sản và năng lượng, chiếm đến 70% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Đây cũng là 2 nhóm mặt hàng ghi nhận mức biến động mạnh nhất trong ngày hôm qua.
Giá dầu lấy lại động lực tăng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/1, giá dầu quay trở lại với đà tăng sau một phiên giảm điều chỉnh, khi các nhà đầu tư tiếp tục lạc quan về bức tranh nhu cầu tiêu thụ.
Báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) mặc dù cho thấy tồn kho dầu thô thương mại tăng trong tuần qua, nhưng các dữ liệu khác cũng phản ánh nhu cầu có dấu hiệu khởi sắc, đã tiếp tục hỗ trợ cho giá. Dầu WTI tăng 1.02% lên 80,6 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,39% lên 86,16 USD/thùng.
Mở cửa phiên với lực bán nhẹ khi khối lượng giao dịch mỏng và dữ liệu doanh số bán lẻ tiêu cực của Mỹ trước đó ảnh hưởng phần nào tới tâm lý các nhà đầu tư, song giá dầu lấy lại động lực tăng trước kỳ vọng tích cực về nhu cầu. Trong đó, Trung Quốc vẫn đang là điểm sáng chính thúc đẩy lực mua.
Theo các chuyên gia kinh tế của Bloomberg, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện được dự báo sẽ tăng trưởng 5,1% vào năm 2023 và 5% vào năm tới, lần lượt cao hơn các mức 4,8% và 4,9% trong cuộc khảo sát vào tháng trước khi kế hoạch mở cửa trở lại diễn ra sớm hơn so với nhiều dự đoán trước đó.
Các nhà phân tích của JPMorgan cũng đã đưa ra ước tính về tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc đang đà tăng lên mức kỷ lục 16 triệu thùng/ngày. Lĩnh vực hóa dầu tại quốc gia này cũng đầy tiềm năng, khi mới đây nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu của Saudi Arabia, Saudi Aramco đang thảo luận về các khoản đầu tư vào lĩnh vực hóa dầu với các công ty Trung Quốc.
Vào tối qua, báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 13/1 tăng 8,4 triệu thùng, trái ngược với dự đoán giảm của thị trường. Con số này cũng cao hơn so với dữ liệu của Viện dầu khí Mỹ (API) với mức tăng 7,6 triệu thùng, kéo giá dầu giảm nhẹ ngay sau đó. Tồn kho xăng cũng tăng 3,4 triệu thùng, trong khi tồn kho nhiên liệu chưng cất giảm.
Tuy nhiên, báo cáo trong tuần qua cũng phản ánh nhu cầu có dấu hiệu khởi sắc hơn. Nhu cầu dầu thô cho hoạt động lọc dầu tại Mỹ tăng nhẹ so với tuần trước đó, với biên lợi nhuận lọc dầu được giao dịch ở mức cao mới trong 5 tháng trong phiên thứ 4 liên tiếp. Xuất khẩu dầu Mỹ trong tuần trước tăng mạnh 1,7 triệu thùng, đạt 3,8 triệu thùng, cao hơn 400.000 thùng so với mức trung bình 4 tuần và là tín hiệu tích cực đối với giá.
Mặc dù nhu cầu đang là điểm sáng, đặc biệt là trên thị trường Trung Quốc, song về phía nguồn cung, các yếu tố vẫn còn khó đoán định. Bất chấp sự thúc đẩy của một số nước châu Âu nhằm siết chặt doanh thu từ dầu mỏ Nga hơn nữa, chính quyền Biden có xu hướng phản đối bất kỳ động thái nào nhằm hạ thấp giới hạn giá xuất khẩu dầu thô của Nga. Liên minh châu Âu EU đã đồng ý xem xét lại mức trần giá hai tháng một lần, bắt đầu từ giữa tháng Giêng, với mục đích giữ ngưỡng thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường trung bình.
Tuy nhiên, lo ngại giá dầu tăng có thể kéo theo lạm phát, nhất là khi nhu cầu tại Trung Quốc có thể bùng nổ, khiến mức trần giá khó có thể thấp hơn. Mặc dù vậy, giới hạn giá đối với các sản phẩm dầu từ Nga vào đầu tháng 2 tới đây có thể sẽ làm phức tạp hơn dòng chảy thương mại.
Giá nông sản đồng loạt đi xuống
Với việc hoạt động xuất khẩu của Brazil được đẩy mạnh cũng như tình hình thời tiết tại Argentina có dấu hiệu thuận lợi hơn, giá ngô đã tiếp tục suy yếu trong phiên hôm qua. Tuy vậy, đà giảm của giá được hạn chế đáng kể nhờ nhu cầu đối với ngô Mỹ có sự cải thiện.
Trong báo cáo Dầu khí tuần này, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng ethanol của Mỹ trong tuần từ 07/01 tới 13/01 đạt hơn 1 triệu thùng/ngày. Đây là mức sản lượng ethanol cao nhất được ghi nhận trong vòng 4 tuần trở lại đây, sau 3 tuần liên tục số liệu này duy trì ở dưới mức 1 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, tồn kho ethanol của Mỹ kết thúc tuần này đạt 23,4 triệu thùng, giảm 398 nghìn thùng so với tuần trước. Điều này phản ánh nhu cầu tiêu thụ ethanol tại Mỹ trong tuần vừa rồi đã khởi sắc, qua đó giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất ethanol từ ngô. Đây là yếu tố hỗ trợ giá ngô trong phiên hôm qua.
Ngoài ra, theo dữ liệu từ báo cáo Bán hàng hằng ngày (Daily Export Sales) được USDA công bố tối qua, Mỹ đã bán đơn hàng 195.000 tấn ngô niên vụ 22/23 cho Mexico. Việc này cho thấy hoạt động thương mại ngô giữa hai nước vẫn đang diễn ra bình thường dù gần đây đã có một số tranh chấp liên quan tới lệnh cấm nhập khẩu ngô biến đổi gen từ Mỹ của Mexico. Nhu cầu đối với ngô Mỹ cả trong và ngoài nước đã góp phần giúp giá ngô khởi sắc trong phần lớn thời gian của phiên hôm qua. Dù vậy, đứng trước áp lực bán chốt lời mạnh của các nhà đầu tư vào cuối phiên, giá ngô đóng cửa với mức giảm nhẹ 0,59% và ghi nhận phiên suy yếu thứ 2 liên tiếp.
Trong khi đó, lúa mì ghi nhận mức giảm lên tới 1,08% và tiến sát vùng hỗ trợ 730. Một mặt, giá lúa mì tiếp tục chịu sức ép từ đà giảm của giá ngô. Mặt khác, triển vọng nguồn cung từ Nga được mở rộng cũng gây áp lực mạnh lên giá.
Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Bộ Nông nghiệp Nga cho biết, nước này dự kiến sẽ xuất khẩu 55-60 triệu tấn ngũ cốc trong niên vụ 22/23 hiện tại. Thêm vào đó, Bộ cũng không có kế hoạch thay đổi hạn ngạch xuất khẩu ngũ cốc trong giai đoạn nửa cuối niên vụ, hiện đang được đặt ở mức 25,5 triệu tấn, cao hơn nhiều so với mức 11 triệu tấn cùng kỳ niên vụ trước.
Cận kề Tết Nguyên đán, giá heo nội địa vẫn duy trì ổn định
Mặc dù đã có phiên điều chỉnh giảm, nhưng nhìn chung, nông sản thế giới vẫn đang neo ở vùng giá tương đối cao và động lực tăng vẫn còn.
Ghi nhận trong sáng nay tại cảng Cái Lân, giá chào bán ngô Mỹ dao động quanh mức 8.850 - 9.000 đồng/kg đối với kỳ giao 3 tháng đầu năm, giá chào khô đậu tương dao động trong khoảng 15.650-16.050 đồng/kg cho kỳ hạn giao quý I năm nay. Giá nguyên liệu đầu vào ở mức cao, trong khi đó thành phẩm đầu ra ngành chăn nuôi chưa cho thấy những chuyển biến tích cực. Sáng nay, trên thị trường nội địa, giá heo trong nước tiếp tục đi ngang, dao động trong khoảng 51.000-54.000 đồng/kg.