Mặc dù chỉ số hàng hóa MXV-Index vẫn duy trì được đà tăng nhờ sức mua từ thị trường nông sản. Tuy nhiên, ở diễn biến ngược lại, thị trường năng lượng và kim loại chứng kiến các mức suy yếu ở nhiều mặt hàng quan trọng do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước thềm cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và sức ép từ các yếu tố vĩ mô.
Giá nông sản đồng loạt bật tăng trở lại
Đóng cửa ngày 20/9, cả 3 mặt hàng trong nhóm đậu tương đều đồng loạt tăng mạnh. Giá đậu tương nối tiếp đà tăng từ phiên đầu tuần do lo ngại về triển vọng nguồn cung thắt chặt hơn trong niên vụ 2022-2023.
Cụ thể, theo báo cáo Tiến độ Mùa vụ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), chất lượng đậu tương tại Mỹ trong tuần vừa rồi tiếp tục sụt giảm 1% xuống còn 55% diện tích đạt tốt - tuyệt vời. Điều này sẽ càng củng cố cho việc số liệu năng suất đậu tương Mỹ 2022-2023 bị USDA cắt giảm mạnh trong báo cáo vừa qua sẽ sát với thực tế hơn. Hoạt động thu hoạch đậu tương cũng đã bắt đầu với tiến độ tính đến tuần này đã đạt 3% tổng diện tích dự kiến, thấp hơn kỳ vọng của thị trường và mức trung bình 5% trong vòng 5 năm qua. Những số liệu này là yếu tố chính thúc đẩy đà tăng đối với giá đậu tương.
Lo ngại về nguồn cung không chỉ dừng lại đối với mùa vụ ở Mỹ. Hiệp hội các nhà xuất khẩu ngũ cốc quốc gia Brazil (Acnes) đã hạ dự báo xuất khẩu đậu tương trong tháng 9 của nước này xuống còn 4,1 triệu tấn, từ mức 4,4 triệu tấn trong tuần trước, thấp hơn 550.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm nay, hoạt động xuất khẩu đậu tương của Brazil đã bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc mất mùa tại khu vực gieo trồng phía nam do hạn hán.
Trong khi đó, lúa mì là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của nhóm nông sản, với mức tăng lên tới 7,62%. Giá diễn biến khá ảm đạm trong phiên sáng, nhưng ngay lập tức bật tăng mạnh trong phiên tối và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ giữa tháng 7. Những diễn biến bất ngờ của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là yếu tố chính giúp lý giải cho diễn biến giá lúa mì trong phiên hôm qua.
Hôm qua, những người đứng đầu tại 4 vùng lãnh thổ của Ukraine do Nga chiếm đóng là Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia - tương đương 15% diện tích lãnh thổ Ukraine - đã thông báo sẽ tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý trong khoảng thời gian 23-27/9 về vấn đề sáp nhập vào Nga. Ngay lập tức, việc này đã đẩy căng thẳng giữa Nga với Ukraine và phương Tây lên cực điểm. Bên cạnh đó, thị trường cũng dấy lên một số đồn đoán rằng Nga sẽ không tiếp tục gia hạn thỏa thuận ngũ cốc, sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 11. Những lo ngại về khả năng hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine bị gián đoạn một lần nữa đã hỗ trợ mạnh mẽ cho giá lúa mì.
Giá cà phê khởi sắc sau chuỗi giảm liên tiếp
Sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Cà phê Arabica nối tiếp phiên tăng từ đầu tuần sau khi Conab cắt giảm sản lượng cà phê dự kiến trong năm 2022 tại Brazil. Bông ghi nhận phiên giảm thứ 3 liên tiếp khi đồng Dollar Mỹ vẫn neo ở mức cao trong vòng 20 năm trở lại đây.
Vào tối qua, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil (CONAB), đã đưa ra kết quả trong cuộc khảo sát lần thứ 3 trong năm về chất lượng cà phê tại Brazil. Số liệu trong báo cáo cho thấy, CONAB đã cắt giảm sản lượng cà phê dự kiến của nước xuất khẩu số 1 thế giới từ 53,43 triệu bao loại 60kg trong báo cáo tháng 5 xuống còn 50,38 triệu bao. Đặc biệt cà phê Arabica ghi nhận mức giảm 3,3 triệu bao so với báo cáo trước và 3,1% so với niên vụ trước. Điều này dự kiến sẽ dấy lên tâm lý lo ngại thiếu hụt nguồn cung khi tồn kho đạt chuẩn Arabica trên Sở ICE US cũng đang trên đà giảm sâu và trở về mức thấp nhất trong hơn 23 năm qua. Kết hợp với đồng Real tiếp tục tăng giá trong phiên hôm qua, khiến lực bán từ phía nông dân Brazil suy yếu đi, càng hỗ trợ cho đà tăng của giá. Đóng cửa, giá Arabica tăng gần 2% và Robusta tăng 1,54%.
Giá đường 11 trong phiên hôm qua cũng có sự bật tăng mạnh 2,48%, kết thúc chuỗi 4 phiên giảm giá liên tiếp trước đó. Nguyên nhân cho sự đảo chiều của giá đường 11 đến từ việc Ấn Độ, quốc gia có sản lượng đường lớn thứ 2 thế giới, đang sản xuất nhiều đường tinh luyện hơn đường thô như năm ngoái. Điều này làm giảm lượng cung ứng đường thô trên toàn cầu, đặc biệt khi quốc gia này dự kiến sẽ xuất khẩu đường ít hơn trong năm nay.
Theo sau đà tăng của cà phê và đường là dầu cọ với mức tăng khiêm tốn 1%. Ấn Độ dự kiến có thể nhập khẩu lên đến 2 triệu tấn dầu cọ từ Indonesia trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 11, cho thấy triển vọng về cầu của mặt hàng này trong thời gian tới, từ đó hỗ trợ giá. Tuy nhiên, các số liệu về nguồn cung dầu cọ trong 20 ngày đầu tháng 9 tại Malaysia đang cho thấy sự nới lỏng, có thể sẽ khiến sự khởi sắc trong phiên hôm qua của dầu cọ khó giữ được trong trung và dài hạn.
Ở chiều ngược lại, giá bông giảm gần 3%. Đồng Dollar Mỹ tăng trở lại và neo ở mức cao trong vòng 20 năm trở lại đây, khiến bông Mỹ trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó hạn chế lực mua của mặt hàng này. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết khô ráo, thuận lợi cho việc thu hoạch dự kiến sẽ giúp nguồn cung bông từ Mỹ được bảo đảm, cũng là yếu tố gây áp lực lên giá trong phiên hôm qua.
Xuất khẩu cà phê giảm trong nửa đầu tháng 09
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng 9, nước ta đã xuất khẩu 38 nghìn tấn cà phê, tương đương với kim ngạch 92,9 triệu USD. So cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cà phê giai đoạn 1/9 – 15/9 đã giảm đến 25% về lượng và giảm 10% về giá trị. Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm, xuất khẩu cà phê vẫn tăng 12% về lượng và tăng 38% về giá trị.
Nguyên nhân đến từ việc cà phê trong nước chưa đến vụ mới, tồn kho cũng đã dần cạn kiệt khiến giá cà phê có dấu hiệu đi ngang kể từ 18/9 đến nay. Trong khi đó, giá cà phê thu mua trong nước và xuất khẩu niên vụ vừa qua liên tục tăng mạnh, có thời điểm tiến sát đến mức kỷ lục 50.000 đồng/kg đã thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng cao.
Ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ được thu mua với mức giá ổn định, dao động trong khoảng 46.900 - 47.500 đồng/kg.