Nhớ về những khoảnh khắc tháng 10 lịch sử

65 năm đã qua nhưng với những người lính, người dân được chứng kiến giờ phút lịch sử khi đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô, cảm xúc vẫn đặc biệt như ngày nào, bởi từ đây, Thủ đô Hà Nội và đất nước ta đã bước sang một trang mới đầy tự hào.

Các cựu chiến binh xem triển lãm "Hà Nội - Mùa thu năm ấy". Ảnh: QUANG THÁI
Các cựu chiến binh xem triển lãm "Hà Nội - Mùa thu năm ấy". Ảnh: QUANG THÁI

9 giờ 30 phút ngày 10-10-1954, đoàn cơ giới và pháo binh, cùng chỉ huy "tiếp quản Hà Nội" do Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, xuất phát từ sân bay Bạch Mai, qua Bờ Hồ, đi đường Hàng Ðào, Hàng Ngang, qua chợ Ðồng Xuân, lên Hàng Giấy, vườn hoa Hàng Ðậu… vào Thành cổ Hà Nội bằng Cửa Bắc, trong sự chào đón hân hoan của hàng chục nghìn người dân với cờ hoa phấp phới và những nụ cười rạng rỡ. 15 giờ ngày 10-10-1954, lễ chào cờ lịch sử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức diễn ra tại sân Cột Cờ. Lá cờ được kéo lên tại Cột cờ Hà Nội trong niềm vui chiến thắng, cảm xúc dâng trào.

Trung tướng Phạm Hồng Cư nhớ lại: "Chiều hôm đó, trời thu Hà Nội xanh ngắt. Trên sân vận động Măng-gianh (sau này gọi là sân Cột Cờ), các đơn vị tham dự lễ chào cờ tập hợp thành khối vuông nghiêm chỉnh. Chung quanh sân vận động, người dân các khu phố kéo đến đông nghịt, đứng vòng trong vòng ngoài, chật ních cả đường Hoàng Diệu và đường Cột Cờ (nay là đường Ðiện Biên Phủ). Ai cũng muốn có mặt tại lễ chào cờ lịch sử hôm đó".

Trong hồi ức của ông Nguyễn Thanh Hùng, đó là những khoảnh khắc không bao giờ quên. Ông Hùng kể, cả đêm trước khi biết tin, ông háo hức không ngủ được và sáng tinh mơ đã dậy để cùng các bạn tham gia đón đoàn quân trở về ngày 10-10. "Khoảng 15 giờ, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài. Cả biển người hướng về Cột Cờ thành Hoàng Diệu, mọi người kính cẩn nhìn lên lá quốc kỳ đang tung bay trên cột cờ cao ngất. Tiếng nhạc vừa dứt, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ bước ra trước máy phóng thanh trân trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô", ông Hùng bồi hồi nhớ lại.

Còn với cựu tù Hỏa Lò Lê Văn Ba, đó là những cảm xúc thật đặc biệt. "Khi đó tôi 20 tuổi và ở trong đoàn người chào đón Ðoàn quân Giải phóng từ chiến khu Việt Bắc trở về. Trước đó không lâu, tôi vẫn bị giặc Pháp truy lùng gắt gao do trốn khỏi Nhà tù Hỏa Lò. Ðón chờ ngày giải phóng, tôi được giao nhiệm vụ tổ chức in mầu Báo Tiền phong số đặc biệt để phát cho mọi người. Tôi tham gia biên tập, in báo, vừa làm vừa phải bí mật, thậm chí in mỗi nơi một phần rồi ghép lại với nhau. Tổng số cũng được vài trăm tờ để phát cho các tầng lớp nhân dân. Cảm giác rất vui sướng, giống như mọi người được thoát kiếp nô lệ, nhưng tôi vui hơn vì được giải phóng lần thứ hai và từ nay không còn phải lẩn trốn mà tự do đi khắp phố phường". Cả chiều hôm ấy, ông Ba cứ đi dọc theo những con phố rợp bóng cây, dưới những ngôi nhà mái ngói xô nghiêng vốn quen thuộc mà thấy lòng nao nao, bâng khuâng đến lạ kỳ.

Đã 65 năm qua, ông Nguyễn Văn Thùy vẫn nhớ như in cảm giác vỡ òa sung sướng cùng đồng đội khi thấy cả rừng người với cờ hoa rợp trời đang chờ đón mình khi tiến vào thành phố. "Ngày 10-10, tôi cùng đoàn quân tiếp quản vào Thủ đô theo hướng Ngã Tư Vọng. Chúng tôi hết sức phấn khởi khi chiến thắng trở về và được người dân chào đón hồ hởi. Tôi còn nhớ khi đó anh em chúng tôi khiêm tốn bước xuống xe, chưa nhìn thấy người trong gia đình đâu nhưng tất cả người dân đều vồn vã, tay bắt mặt mừng khiến mình cảm thấy thân quen như ruột thịt, thấy chung quanh thật hạnh phúc, tràn ngập yêu thương. Chúng ta đã thật sự độc lập, tự do rồi", ông Thùy kể và chúng tôi thấy rõ ánh mắt đầy hân hoan của ông ngày nào.

"Bớt may mắn" hơn một chút, chiến sĩ Nguyễn Ðức Minh thuộc đơn vị đặc biệt tham gia tiếp quản Thủ đô đến tối 10-10 mới về tới Nhà tù Hỏa Lò, nơi đã từng giam cầm mình. Trước đó, Sư đoàn 350 đã về chốt giữ và gác vòng ngoài, còn vòng trong là anh em Công an Hà Nội. Trong số đó có mình chiến sĩ Minh là cựu tù Hỏa Lò. Cảm xúc thật khó tả khi được trở lại "chốn xưa". Vì thế, "đêm đó tôi đã không ngủ được, tôi được bố trí nằm ở đúng phòng tên giám thị trước đây ở. Hồi tôi bị giam ở Hỏa Lò, không bao giờ nghĩ có lúc mình lại ở đây. Tôi cứ đứng đó nhìn xuống chỗ tôi và các đồng đội bị giam trước đây, bao kỷ niệm ùa về, nước mắt trào ra".

Ông Minh bày tỏ: Ðược chứng kiến những giờ phút lịch sử 10-10-1954, chứng kiến bao nỗi thăng trầm cho đến ngày Thủ đô được giải phóng, tôi càng tin tưởng sự lãnh đạo của Ðảng, của Bác Hồ để có ngày hôm nay, ngẩng cao đầu làm dân của một nước độc lập. Càng mừng hơn khi thấy đất nước ngày càng phát triển, Thủ đô cũng được xây dựng ngày càng văn minh, hiện đại hơn.