Nhớ về nhà báo, nhà trí thức cách mạng Quang Đạm

NDO -

NDĐT - Viết về cố nhà báo Quang Đạm, cố Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Hoàng Tùng đã viết: “Anh là một nhà trí thức cách mạng, một người cộng sản trung thành, tận tụy, gương mẫu, người đời quý mến anh”.

Các đại biểu xem phim tài liệu về cố nhà báo Quang Đạm tại buổi tọa đàm.
Các đại biểu xem phim tài liệu về cố nhà báo Quang Đạm tại buổi tọa đàm.

Sáng 19-12, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Quang Đạm - Nhà báo, nhà trí thức cách mạng”. Đây là một trong những hoạt động nghiệp vụ quan trọng để tưởng niệm nhà báo, nhà trí thức cách mạng Quang Đạm (1-9-1913 – 31-12-1999), một trong những “cây đại thụ” thuộc thế hệ đầu của Báo Nhân Dân, một dịch giả nổi tiếng trong làng dịch thuật Việt Nam.

Chủ trì buổi tọa đàm gồm các đồng chí: Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Phạm Song Hà, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chính trị - Xã hội Báo Nhân Dân, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân.

Tham dự buổi tọa đàm có nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Cùng tham dự còn có nhiều đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Báo Nhân Dân, Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, nhiều nhà báo uy tín và đông đảo nhà báo, hội viên. Đặc biệt, Tọa đàm còn có sự tham dự của người thân, gia đình cố nhà báo Quang Đạm.

Nhớ về nhà báo, nhà trí thức cách mạng Quang Đạm ảnh 1

Nhà báo lão thành Phan Quang phát biểu tham luận tại Tọa đàm.

“Người của thế kỷ XX”

Cố nhà báo Quang Đạm (tên thật là Tạ Quang Đệ), là một trong những cây đại thụ đầu tiên của Báo Nhân Dân – Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông cũng là một dịch giả có tên tuổi trong làng dịch thuật Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học truyền thống, với tư chất thông minh và sự kiên trì rèn luyện, học tập, ông đã tự trang bị cho mình vốn hiểu biết sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị đến văn hóa, xã hội, pháp luật.

Đặc biệt, đến với báo chí qua sự dìu dắt của Tổng Bí thư Trường Chinh, ông đã sớm bộc lộ khả năng thiên phú với những bài báo đầy trí tuệ và tính chiến đấu.

Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, thông qua việc tổ chức cuộc Tọa đàm, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân mong muốn tạo diễn đàn để các nhân chứng, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau có cơ hội gặp gỡ, trao đổi những câu chuyện, những nhận định và tư liệu về nhân vật, về lịch sử báo chí Việt Nam; tổ chức các hình thức, hoạt động tri ân và tưởng niệm các bậc nhà báo tiền bối có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng thời, Tọa đàm cũng sẽ góp phần vào việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng các nhà báo trẻ, thông qua việc học tập tấm gương và kinh nghiệm của các nhà báo tiền bối.

Phát biểu tham luận tại tọa đàm, nhà báo lão thành Phan Quang bồi hồi nhớ lại: “Vào tháng cuối năm 1999, nhận được tin nhà báo Quang Đạm giã từ cõi thế, tại bài báo vĩnh biệt anh, tôi gọi anh là “người của thế kỷ XX”, một thế kỷ đầy kỳ tích của nhân loại và đương nhiên của nước Việt Nam từ trong máu lửa "rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Tại lời vĩnh biệt ông Quang Đạm, nhà báo Hồng Hà, cố Tổng biên tập Báo Nhân Dân viết: “Nhà báo, học giả, nhà lý luận Quang Đạm là người có công lớn với Báo Nhân Dân”.

Cố nhà báo Quang Đạm bước vào nghề báo bằng báo liếp, những bài viết nghiệp dư dán lên tấm liếp tre cho các cán bộ trong cơ quan cùng đọc. Bài của cố nhà báo Quang Đạm xuất sắc hơn cả. Ngày 11-3-1953, Báo Nhân Dân ra số đầu tại Việt Bắc, Bộ Chính trị chỉ định Ban Biên tập trong đó có cố nhà báo Quang Đạm, bên cạnh những nhân vật như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh...

Lối sống bình dị, nghĩa tình

Nhớ về cố nhà báo Quang Đạm, nhà báo Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân hồi tưởng, năm 1968, khi ông được về nhận công tác tại Báo Nhân Dân, thì cố nhà báo Quang Đạm đang đảm trách cương vị Thư ký Tòa soạn. Nhà báo Hồng Vinh bồi hồi, khi đó, nhiều đồng nghiệp đã mừng cho ông, vì được làm việc ở một tờ báo có nhiều nhà báo gạo cội - niềm tự hào của giới báo chí cách mạng Việt Nam, như: Hoàng Tùng, Thép Mới, Quang Đạm, Trần Kiên, Nguyễn Thành Lê, Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ, Phan Quang, Nguyễn Hữu Chỉnh…

Nhớ về nhà báo, nhà trí thức cách mạng Quang Đạm ảnh 2

Nhà báo Hồng Vinh hồi tưởng về cố nhà báo Quang Đạm.

“Anh em khẳng định rằng, dưới bóng những “cây đa cổ thụ” ấy, chắc chắn tôi sẽ được trưởng thành và phát triển nhanh”, nhà báo Hồng Vinh nhớ lại.

Nhắc đến cố nhà báo Quang Đạm, bên cạnh kiến thức uyên bác, nhà báo Hồng Vinh còn nhớ đến “cây từ điển sống” Quang Đạm với lối sống bình dị, nghĩa tình.

“Không chỉ chúng tôi ở Ban Khoa giáo, mà nhiều người ở Báo Nhân Dân đều có nhận xét rằng, trong đời chưa lần nào gặp bác Quang Đạm cáu gắt, to tiếng, mắng mỏ ai. Những người mắc khuyết điểm đều được bác ôn tồn góp ý thân ái và gợi mở cách sửa chữa”, nhà báo Hồng Vinh hồi tưởng.

Là người mẫu mực về thời gian làm việc từ khi còn công tác cho đến lúc nghỉ hưu, cố nhà báo Quang Đạm vẫn duy trì lịch làm việc khoa học như ngày còn đương nhiệm.

Điều đáng nói là ngày ấy, do xe ô-tô của cơ quan (Báo Nhân Dân) còn ít, bác Quang Đạm đã tự nguyện đi chiếc xe đạp công mang biển số PU067, được cơ quan cấp cho Thư ký Tòa soạn từ năm 1958. Bàn làm việc ở cơ quan luôn được cố nhà báo Quang Đạm xếp gọn gàng tài liệu, bài vở cần duyệt, do vậy chưa bao giờ có hiện tượng “quên bài” hoặc “mất bài” của cán bộ, phóng viên.

Buổi tọa đàm cũng đã nhận được nhiều phát biểu tham luận của các nhà báo có uy tín như: Trần Bá Lạn, Hải Đường, Đặng Minh Phương, Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Khắc Thuyết, Nguyễn Uyển, Nguyễn Văn Dững, Xuân Lương, Giáo sư Sử học Chương Thâu…

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, nhà báo Thuận Hữu khái quát nội dung các tham luận thành ba nhóm chủ đề chính: Nhà báo Quang Đạm với những đóng góp cho sự phát triển của Báo Nhân Dân, nơi ông cống hiến trọn đời làm báo của mình; Nhà báo Quang Đạm với đồng nghiệp, bạn bè, người thân và gia đình; Nhà báo, học giả Quang Đạm với những đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhớ về nhà báo, nhà trí thức cách mạng Quang Đạm ảnh 3

Nhà báo Thuận Hữu phát biểu kết luận Tọa đàm.

Nhà báo Thuận Hữu khẳng định, cuộc Tọa đàm đã thật sự là diễn đàn để các nhân chứng, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau gặp gỡ, trao đổi và tưởng nhớ nhà báo, nhà trí thức cách mạng Quang Đạm, một trong những cây đại thụ đầu tiên của Báo Nhân Dân, một dịch giả nổi tiếng của Việt Nam. Đồng thời, Tọa đàm cũng là nơi trao đổi, học tập kinh nghiệm, những bài học nghiệp vụ và đạo đức người làm báo cách mạng, thông qua cuộc đời làm báo xuất sắc của nhà báo Quang Đạm, người đã có nhiều đóng góp to lớn với Báo Nhân Dân.

Đối với Hội Nhà báo Việt Nam, Tọa đàm còn là một hoạt động thiết thực triển khai việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tài liệu hiện vật lịch sử về truyền thống báo chí, về các nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, đóng góp tư liệu, tài liệu cho việc xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam.