“Ăn sáng chưa? Rồi thì ngồi xuống đây làm chén trà với tôi. Trà Thái Nguyên đấy!”, trên môi nở nụ cười hiền hậu, Đại tá Nguyễn Quang Hùng, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không-Không quân ân cần nói.
Ông không giống với hình dung ban đầu của chúng tôi về một người lính, một Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đã cùng đồng đội bắn rơi 21 máy bay Mỹ, trong đó có 3 chiếc B-52. Ngoài đời trông ông hồn hậu, giản dị như một người thầy giáo, nhưng quan sát kỹ, đôi mắt của ông luôn ánh lên nét nghiêm nghị, từng trải của người lính có 40 năm phục vụ trong quân ngũ. Bằng chất giọng trầm ấm, ông kể cho chúng tôi, lớp hậu sinh nghe về một thời hào hùng của bộ đội tên lửa, lực lượng đã lập nhiều chiến công thần kỳ trong kháng chiến chống Mỹ.
Năm 1963, anh thanh niên Nguyễn Quang Hùng nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, anh được phân công vào bộ đội tên lửa. Ngày ấy, các chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam trực tiếp đào tạo các anh. Để đáp ứng nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ, tổng thời gian đào tạo chỉ khoảng 2 tháng là bước vào chiến đấu.
Cuộc đời của một người lính chiến đấu luôn có những dấu mốc đáng nhớ. Với Đại tá Nguyễn Quang Hùng, trong số hơn 100 trận đánh trực tiếp tham gia, có 3 trận khiến ông thường nhớ lại với lòng tự hào. Trận đầu tiên diễn ra vào ngày 5/11/1965 tại Ninh Bình, khi ấy ông tròn 21 tuổi và mới là trắc thủ cự ly của Tiểu đoàn 62 thuộc Trung đoàn 236, Sư đoàn phòng không 361.
Hôm ấy, Tiểu đoàn 62 được giao nhiệm vụ “đón lõng” đội hình gồm 4 máy bay cường kích Thần sấm F-105. Đội hình của chúng tuy không đông, nhưng sức mạnh của không quân Mỹ thì không thể xem thường. Khi 4 con “quái vật” đen ngòm bay tầm thấp lọt vào trận địa, những quả tên lửa lao vút lên trời. Và một điều hy hữu đã xảy ra, theo lời Đại tá Hùng: “Ngay quả đầu tiên, tên lửa của ta đã “xuyên táo”, tiêu diệt tại chỗ 2 chiếc Thần sấm”. Quá hoảng loạn, 2 chiếc còn lại vội vã quay đầu bỏ chạy, trận tập kích của không quân Mỹ đã bị đánh bại. “Một trận đánh vừa hiệu quả, vừa đẹp mắt”, Đại tá Hùng tự hào nói.
Trận thứ hai diễn ra trên bầu trời Hà Nội, ngày 6/11/1967, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Lúc đó, ông Hùng đã là sĩ quan điều khiển tên lửa. Trận địa của Tiểu đoàn 62 ở khu vực làng Nhật Tân, được giao nhiệm vụ chặn đánh đội hình gồm 16 chiếc F-105 vào oanh tạc thủ đô Hà Nội. Hôm ấy, tuy chỉ có duy nhất một chiếc máy bay địch bị bắn rơi nhưng đó là máy bay Mỹ thứ 2.500 rơi trên bầu trời miền bắc. Đây là một cột mốc vô cùng đặc biệt.
“Sau khi trận đánh kết thúc, đơn vị chúng tôi đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Mảnh xác chiếc F-105 thứ 2.500 đã được đồng chí Trần Duy Hưng, khi ấy là Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội gửi tặng cho nhân dân Liên Xô. Sự kiện này được nhiều báo đài đưa tin và đấy cũng là lần đầu tiên, Tiểu đoàn 62 được… lên báo”, ông Hùng mỉm cười nhớ lại.
Trận chiến thứ ba ghi dấu lần đầu tiên trên cương vị chỉ huy tiểu đoàn, ông đã cùng đồng đội bắn rơi một chiếc B-52 trên bầu trời Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ngày 12/7/1972, Tiểu đoàn 62 của ông nhận nhiệm vụ ngăn chặn 1 tốp 3 chiếc B-52 đánh vào không phận thành cổ Quảng Trị. Dù nhiễu dày đặc, nhưng ông Hùng chỉ huy đồng đội kiên trì sử dụng “phương pháp 3 điểm” - một sáng kiến của ông, cho tên lửa bám chặt theo dải nhiễu của chiếc B-52 bay ở giữa. Vào thời điểm quyết định, 3 quả tên lửa vút lên, chiếc “pháo đài bay” đi giữa đội hình nổ tan tành, lửa thắp sáng rực cả một vùng trời đêm. Chiến công này đã góp phần ngăn cho không cho một quả bom nào rơi xuống Thành cổ Quảng Trị trong đêm hôm đó.
Đang sôi nổi nhớ lại những ký ức hào hùng, giọng Đại tá Nguyễn Quang Hùng chợt lặng đi. “Những ngày này 49 năm trước, không quân Mỹ mở đợt tập kích chiến lược 12 ngày đêm (18/12-30/12/1972) đánh vào thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước”. Thời gian đó, ông cùng Trung đoàn 236 vẫn ở Quảng Trị để bảo vệ vùng giải phóng. Ông nhớ lại: “Nghe tin B-52 ném bom Hà Nội, cả người tôi nóng bừng, tim như bị bóp nghẹt. Ở Quảng Trị, Trung đoàn 236 đã bắn rơi 9 chiếc B-52. Với kinh nghiệm đánh B-52, chúng tôi khao khát được ra chiến đấu để bảo vệ thủ đô yêu dấu. Trong 12 ngày đêm ấy, có những đêm, tất cả cán bộ, chiến sĩ không một ai ngủ nổi”.
Chiến tranh kết thúc, từ một người lính, một người chỉ huy trên chiến trường, Đại tá Nguyễn Quang Hùng trở thành cán bộ chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân, làm Phó Tham mưu trưởng quân chủng. Tháng 8/2015, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, một phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp không biết mệt mỏi của người lính.
Nói về cuộc đời quân ngũ của mình, Đại tá Hùng nhắc đến một từ: viên mãn. Như bất cứ một thanh niên nào khi tổ quốc bị xâm lăng, ông đã chiến đấu bảo vệ tổ quốc, lập nên những chiến công đáng nhớ, và được gặp gỡ, gắn bó với những người đồng đội thân thiết. Và quân đội cũng đã cho ông cơ hội gặp người bạn đời của mình, một nữ quân nhân nay mang quân hàm Thượng tá, từng có thời kỳ phụ trách ngành dược của Quân chủng Phòng không-Không quân cho đến lúc nghỉ hưu.
Tuy cũng đã nghỉ hưu nhưng Đại tá Nguyễn Quang Hùng những muốn truyền lại kiến thức, kinh nghiệm trong 40 năm binh nghiệp của mình cho các thế hệ sau. Hồi ức “Chuyện của tôi” do ông viết đã ra đời cuối tháng 11/2021. Đây có thể coi là một cuốn tư liệu lịch sử và cẩm nang về chiến đấu dành riêng cho bộ đội tên lửa, bởi mọi sự kiện, số liệu, lối đánh, kỹ năng tiêu diệt máy bay địch đều được tác giả miêu tả đầy đủ, chi tiết. Đáng chú ý, trong cuốn hồi ký có phần phụ lục ghi lại tất cả các trận đánh thắng của Trung đoàn 236 trên mọi miền tổ quốc. Đây là tài liệu quan trọng mà cá nhân ông có ý thức ghi chép, giữ gìn trong suốt thời gian chiến đấu.
“Tôi xuất thân là anh lính trơn, không phải người có tài văn chương, nhưng tôi viết cuốn sách này với mong muốn các thế hệ mai sau không quên dân tộc mình đã từng chiến đấu oanh liệt như thế nào, dù kẻ địch có là cường quốc số một thế giới chăng nữa”, ông Hùng chia sẻ.
“Phương pháp 3 điểm” của bộ đội tên lửa được sử dụng trong điều kiện máy bay địch gây nhiễu rất mạnh. Để thực hiện phương pháp này, trắc thủ phải dẫn tên lửa bằng tay sao cho “ba điểm” là đài radar, tên lửa, máy bay địch luôn ở trên một đường thẳng. Điều này đòi hỏi trắc thủ không chỉ giỏi tính toán mà tay và mắt cũng phải cực kỳ khéo léo, tinh tường.