Nhớ thương chiếu cói Kim Sơn

Nhu cầu vẫn có, thị trường vẫn còn, tại sao người làm chiếu Kim Sơn ngày càng ít đi? Tôi đã băn khoăn với câu hỏi này trong một ngày về huyện ven biển Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Bà Đinh Thị Hoa văng sợi cho ông Đỗ Văn Dũng dệt chiếu.
Bà Đinh Thị Hoa văng sợi cho ông Đỗ Văn Dũng dệt chiếu.

Vẫn một lòng với nghề chiếu

Ðường vào huyện Kim Sơn nay đã đẹp hơn nhiều. Những con đường lổn nhổn trước đây, giờ đều được bê-tông hóa và rất sạch sẽ. Tuy nhiên, nếu như trước đây, chỉ đi tới đầu huyện đã thấy người người làm chiếu, nhà nhà làm các sản phẩm thủ công từ cói thì hiện nay, tìm mỏi mắt cũng chỉ thấy một số nhà kinh doanh những mặt hàng này. Lặn lội hỏi thăm mãi, tôi mới tìm gặp được ông Ðỗ Văn Dũng, "người duy nhất" còn làm chiếu ở xóm 4, xã Thượng Kiệm.

Gặp khách ngay ngoài cổng nhà, ông Dũng hồ hởi trò chuyện nhưng tay chân thì vẫn thoăn thoắt thu gom những bó cói đã được phơi khô bên đường. Thấy tôi ngạc nhiên vì có một mình ông làm, ông Dũng cho biết ở xã này, chỉ mỗi nhà ông còn dệt chiếu và trong nhà ông, cũng chỉ có ông và vợ còn theo công việc này.

Dẫn tôi vào nhà, điều đập ngay vào mắt tôi là đâu đâu cũng thấy chiếu và cói. Cói phơi ở ngoài sân, để rải rác trên sàn, chiếu dựng ở góc nhà. Có lẽ, ngoại trừ một gian nhà ở và căn bếp thì các phòng khác và sân phơi đều là nơi để nguyên liệu chiếu và làm chiếu. Bà Ðinh Thị Hoa, vợ ông Dũng cho biết, gia đình bà làm tất cả các loại chiếu: từ chiếu đậu, chiếu in, chiếu ô cờ, chiếu hoa lê đến cả chiếu cải sòi (chiếu hoa), loại chiếu đẹp nhất và phức tạp nhất thường được mua dùng vào dịp lễ vu quy. Bà Hoa cho hay, để làm nên những chiếc chiếu bền, đẹp phải qua bảy công đoạn: phơi cói, ngâm cói, giãi cói, ruộm (nhuộm) cói rồi lại tiếp tục phơi sau đó mới tới mắc đay và giật chiếu. Nghe vậy nhưng thực tế dệt chiếu hết sức vất vả, đòi hỏi nhiều công và phụ thuộc rất lớn vào thời tiết.

Ông Dũng tâm sự, những người làm chiếu nơi khác thường mua cói về rồi dệt luôn và dệt rất thưa nhưng gia đình ông thì không làm vậy. Cói mua về hãy còn xanh, ông đem phơi cho trắng cói. Vào mùa hè, thời tiết đẹp, cói phơi cũng cần phải tới chục nắng. Còn nếu vào mùa đông, trời âm u, ông phải mất đến 20 ngày.

Sau đó, cói được ngâm xuống ao trước nhà trong bốn hoặc năm tiếng, rồi lại đem giãi khô khoảng chục ngày nữa. Nếu cói không được làm qua những công đoạn này rất dễ bị mốc xanh khi thời tiết nóng ẩm. Nếu đã được phơi và ngâm, cói chỉ xuất hiện mốc trắng, hoặc cần thiết thì nên giặt chiếu bằng phèn chua để bảo đảm không bị mốc.

Ðến khâu ruộm chiếu cũng không hề dễ dàng. Ðể chiếc chiếu có mầu đẹp, người làm chiếu phải có rất nhiều kinh nghiệm trong việc canh nhiệt độ sôi thích hợp để nhúng cói cho tới thời gian ruộm cói. Thông thường, cói chỉ ruộm trong khoảng vài phút, nếu quá thời gian sẽ làm cói bị thâm.

Vất vả tiếp nữa là khâu dệt chiếu hay còn gọi là giật chiếu. Nếu ở các công đoạn khác, người làm chiếu có thể làm một mình thì riêng khâu dệt chiếu luôn phải làm hai người. Ban đầu, bà Hoa mắc đay vào chiếc go, kiểu như khung cửi dệt. Mỗi loại chiếu là một loại go và cũng tùy theo kích thước chiếu sẽ có hơn 10 cái go. Trên go có những răng đục lỗ cho sợi đay xuyên qua. Sau khi mắc đay xong, ông Dũng là người giật chiếu, còn bà Hoa văng sợi. Ðể có được chiếc chiếu chất lượng thì công đoạn này rất quan trọng, người có kinh nghiệm sẽ giật chiếu chắc, dày và đều hoa. Nếu như chiếu đậu, thường được gọi là chiếu trắng, chỉ cần dệt chắc và dày thì chiếu ô cờ, chiếu hoa lê, nhất là chiếu cải sòi thì người làm chiếu phải cẩn thận tới từng sợi cói, vì chỉ cần lệch mầu một sợi cói là chiếc chiếu sẽ không còn đẹp nữa.

Với kinh nghiệm 30 năm làm nghề, ông Dũng tự hào khẳng định, trước đây người ta thường nhớ nhiều tới chiếu Nga Sơn của Thanh Hóa, nhưng đẹp và bền là phải nói tới chiếu Kim Sơn. Ông Dũng cho biết thêm, phần lớn cói ở đây đều nhập từ Nga Sơn nhưng phải nhập cói vụ mùa, không nhập cói vụ chiêm. Nếu như cói vụ mùa bền và dai thì cói vụ chiêm lại giòn, hay gãy. Vì thế cứ vào vụ mùa, ông mua hàng tấn cói để tích trữ. Nghề làm chiếu thì làm quanh năm, song thời gian làm chiếu thích hợp nhất lại chỉ vào mùa xuân và mùa thu. Vào thời điểm này, cói giật dai và chắc. Còn vào mùa hè thì cói giòn, giật hay gãy mà mùa đông trời ẩm cói cũng dễ đứt.

Nhu cầu vẫn lớn

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại chiếu như: chiếu trúc, chiếu tre, chiếu nhựa... nhưng chiếu cói vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều hộ gia đình. Với tôn chỉ chất lượng phải đặt lên hàng đầu, cho nên chiếu Kim Sơn nổi tiếng khắp khu vực miền bắc. Vì thế, tuy vất vả nhưng những nhà dệt chiếu như ông Dũng hay gia đình ông Hoàng Văn Chí ở thị trấn Phát Diệm, đều không phải lo khâu tiêu thụ sản phẩm.

Ông Chí, nay đã 75 tuổi, làm chiếu theo truyền thống gia đình từ thời cha ông trước đây cho biết, chiếu làm ra đến đâu bán hết đến đấy cho nên ông chưa bao giờ phải lo chuyện đầu ra. Vấn đề chỉ là ông không có sức khỏe để dệt chiếu hằng ngày. Ðược biết, ông Chí mới bị tai biến nhưng yêu nghề, nhớ nghề, vì thế cứ vài ngày ông lại trải go ra dệt, mệt lại nghỉ vài ngày rồi tiếp tục dệt. Vợ ông trước đây chỉ đan cói thủ công mỹ nghệ nhưng từ ngày xây dựng gia đình với ông và được ông chỉ bảo cũng chuyển sang dệt chiếu để kịp cho các đơn hàng.

Ông Dũng và bà Hoa cũng cho biết, có ngày họ phải dệt chiếu cả tối cho kịp hàng khách đặt. Khách hàng ở khắp các tỉnh, thành phố, chỉ cần gọi điện đặt hàng, khi chiếu làm xong, vợ chồng ông mang chiếu ra bến xe gửi rồi nhà xe nhận tiền về cho họ. Ngoài ra, cũng có rất nhiều đại lý trong huyện, tỉnh đặt hàng, vì thế, họ làm không lúc nào ngơi tay. Thế nhưng, dệt chiếu mất khá nhiều thời gian. Trung bình với chiếu đậu, chiếu in thì phải mất bốn tiếng mới hoàn thành một chiếc, còn với chiếu cải sòi là sáu tiếng. Do vậy, một ngày vợ chồng ông Dũng chỉ dệt được một lá rưỡi đến hai lá chiếu. Nếu đơn hàng nhiều, họ phải làm liên tục, thậm chí có lúc tới 9 giờ tối mới nghỉ.

Ông Dũng kể, nghề chiếu tuy là nghề phụ nhưng lại được coi là nghề chính và mang lại thu nhập chủ yếu cho gia đình. Nhà ông vẫn làm ruộng, nhưng làm ruộng hiện giờ cũng không vất vả và mất nhiều thời gian. Do đó, công việc còn lại trong ngày là làm chiếu. Hiện, giá một đôi chiếu khoảng một triệu đồng, trong đó chi phí cho nguyên liệu chỉ mất 200 nghìn đồng. Với thu nhập ổn định như vậy cho nên bao năm qua, gia đình ông Dũng, ông Chí vẫn một lòng với nghề chiếu.

Còn được bao lâu...

Ðiều làm tôi băn khoăn là chiếu Kim Sơn không thiếu đầu ra nhưng người làm chiếu lại ngày một thưa thớt dần. Nguy cơ làng nghề mai một, thậm chí mất hẳn, là thấy rõ. Ông Chí cho biết, ông có ba người con nhưng hiện không có ai thích thú theo nghề. Hai người con gái đầu chuyển sang kinh doanh, người con trai út làm việc tại một doanh nghiệp, do vậy chỉ còn vợ chồng ông duy trì nghề chiếu.

Bên gia đình ông Dũng, tình hình cũng tương tự. Các con của ông đều đi làm xa. Con gái là quản lý một doanh nghiệp ở Hà Nội, con trai làm cho doanh nghiệp may với mức lương chỉ khoảng tám triệu đồng/tháng, nhưng tất cả đều không mặn mà với nghề chiếu.

Ðược biết, có một số gia đình làm chiếu ở Kim Sơn trước đây nay muốn theo lại nghề chiếu nhưng vì đất đai đã chia cho các con xây dựng nhà cửa để lập gia đình, họ không còn chỗ để làm chiếu. Tuy nhiên, thực tế thì cũng chẳng mấy ai tiếc cho cái nghề của cha ông.

Thị trường rộng lớn là thế, công việc ổn định là vậy, song người làm chiếu ở Kim Sơn ngày càng giảm dần, chủ yếu chỉ còn những người già và trung niên. Họ cứ làm mà không rõ, nghề truyền thống rồi sẽ đi về đâu. Khi xã hội đã thêm những lựa chọn chiếu nhựa, chiếu tre, chiếu trúc; hàng ngoại nhập tràn lan theo thị hiếu và guồng quay lợi nhuận, thì hàng Việt với những làng nghề truyền thống bao đời, nếu thiếu một định hướng bảo tồn và phát triển cả về văn hóa và thương mại, sẽ dần mai một. Hình ảnh Kim Sơn vào mùa nắng, khắp mọi nẻo đường đâu đâu cũng thấy chiếu, làn cói, hộp cói phơi với đủ mọi mầu sắc và những con đường làng trải đầy chiếu hoa, chiếu đậu, tiếc thay, đã lùi sâu vào quá khứ.