Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023)

Nhớ Sơn Tùng, nhà văn Anh hùng

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Cha già kính yêu của dân tộc đã đi vào văn học nghệ thuật như nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận của hàng trăm tác giả trong nước, ngoài nước. Nhưng thành công và để lại ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ là nhà văn Sơn Tùng (1928-2021) với những trang viết vô giá cho lịch sử và văn học.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Bùi Sơn Định giới thiệu một số bản thảo viết tay, đánh máy các tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà văn Sơn Tùng.
Ông Bùi Sơn Định giới thiệu một số bản thảo viết tay, đánh máy các tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà văn Sơn Tùng.

Các tác phẩm của ông không chỉ là kết tinh từ lòng yêu kính, ngưỡng vọng vô bờ dành cho Bác Hồ, mà còn là kết quả của cả quá trình thu thập, tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu không biết mệt mỏi trong suốt cuộc đời.

Nhà văn Sơn Tùng có tổng cộng 16 đầu sách viết về Bác Hồ. Trong đó, nổi tiếng nhất là tiểu thuyết "Búp sen xanh", cuốn sách nằm lòng của nhiều lớp thiếu niên và thế hệ người dân Việt Nam, đã được tái bản, nối bản hơn 30 lần và dịch thành nhiều thứ tiếng kể từ khi ra mắt lần đầu năm 1982.

Sau "Búp sen xanh", nhà văn Sơn Tùng viết "Bông sen vàng". Cả hai tác phẩm đều tập trung khắc họa thời ấu thơ và tuổi trẻ của Bác nhằm làm rõ quá trình hình thành trí tuệ, nhân cách Hồ Chí Minh. Để rồi tới "Trái tim - Quả đất", hình tượng về bậc danh nhân văn hóa kiệt xuất với tâm hồn đẹp, nhân cách đẹp lan tỏa khắp năm châu tiếp tục được nhà văn Sơn Tùng thể hiện đầy chân thực, sinh động.

Trong mạch nguồn sáng tạo về Bác, cố nhà văn còn ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm tâm huyết như: "Nhớ nguồn", "Kỷ niệm tháng năm", "Mẹ về", "Từ làng Sen", "Hoa râm bụt", "Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh", "Bác ở nơi đây", "Hẹn gặp lại Sài Gòn"... Dù được viết ở nhiều thể loại khác nhau như tiểu thuyết, truyện, ký, kịch bản phim..., nhưng các tác phẩm về Bác của nhà văn Sơn Tùng đều chứa đựng những cứ liệu lịch sử giàu giá trị về quá trình hình thành nhân cách, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với lịch sử thời đại.

Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), một số bản thảo viết tay, đánh máy các tác phẩm về Bác Hồ của nhà văn Sơn Tùng đã được đại diện gia đình cố nhà văn trao lại cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III-Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

Tại Lễ tiếp nhận, những người yêu văn Sơn Tùng đã có dịp gặp lại nét chữ vừa mềm mại, vừa bay bổng của ông. Nhìn những con chữ ngay ngắn, thẳng hàng trên nền giấy vàng sậm cũ kỹ đã nhuốm màu thời gian, hiếm ai có thể tưởng tượng chúng được viết ra bởi bàn tay co quặp của một thương binh nặng đã mất 81% sức khỏe. Thế mới càng thấy khâm phục, ngưỡng mộ sức làm việc, khả năng lao động nghệ thuật của một nhà văn chiến sĩ.

Ông Bùi Sơn Định, con trai nhà văn Sơn Tùng cho biết, "Búp sen xanh" ra mắt năm 1982, nhưng quá trình chuẩn bị tư liệu để viết đã được cha ông bắt đầu từ năm 1948. Ngay trong quãng thời gian hoạt động cách mạng tại quê nhà Nghệ An, chàng thanh niên Sơn Tùng đã có cơ hội gặp được bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Sinh Khiêm là chị và anh ruột Bác Hồ. Nhà văn còn được tiếp xúc với người thân bên ngoại của Bác, cho nên đã tìm hiểu được nhiều tư liệu về những năm tháng tuổi thơ của Bác ở làng Chùa, làng Sen (Nam Đàn), và thời gian Người theo cha mẹ vào Huế (1895).

Sau này, khi là phóng viên chiến trường, ngoài viết tin bài và sáng tác, nhà văn Sơn Tùng vẫn miệt mài ghi chép tài liệu với ý thức chuẩn bị cho các tác phẩm sau này. Cho đến ngày 15/4/1971, khi máy bay Mỹ bắn phá vào căn cứ mới sơ tán của Trung ương Cục miền nam, Sơn Tùng đã bị thương rất nặng do mảnh đạn M79 găm vào người. Ông bị 14 vết thương, ba mảnh trong đầu không lấy ra được và một mảnh ở vai trái. Bàn tay phải co quắp, chỉ có hai ngón cử động được. Mắt phải còn 1/10, phải đưa ra bắc điều trị, là thương binh hạng 1/4, phải có người chăm nuôi suốt đời.

Những thương tật, đau đớn về thể xác vẫn không thể cản nổi bước chân và khao khát được thực hiện những tác phẩm xứng tầm về lãnh tụ. Từ năm 1975, sau khi bắc nam thống nhất một nhà, mang theo những mảnh đạn trên người, trong điều kiện cuộc sống khó khăn, ông cùng vợ là bà Phan Hồng Mai đã bán bớt tư trang và vay mượn thêm để lặn lội nhiều chuyến vào Sài Gòn, Cao Lãnh, Phan Thiết, Huế..., đến những nơi mà một thời Bác Hồ và người thân trong gia đình đã sinh sống, làm việc, tìm gặp những người liên quan để hỏi han, nhặt nhạnh tư liệu, ghi chép lại những câu chuyện về Bác.

Trong quá trình sáng tác, vết thương của ông liên tục tái phát khiến những cơn co giật thường xuyên kéo tới. Những mảnh đạn trong người chốc chốc lại cựa quậy khiến vết thương rỉ máu. Ngay trong những tháng tập trung viết "Búp sen xanh", ông đã bị xuất huyết dạ dày hai lần. Nhưng hễ cứ bớt đau, nhà văn Sơn Tùng lại cầm bút. "Cha tôi đã viết về Bác bằng tất cả "tâm" và "tuệ". Tâm là cái tâm yêu Bác, là chất men để viết về Bác, và tuệ là trí tuệ để có thể hiểu và viết về vĩ nhân", ông Bùi Sơn Định chia sẻ. Đó là lý do viết tới nhiều đoạn, chính nhà văn Sơn Tùng cũng không thể cầm được nước mắt vì thương và đồng cảm với Người.

Theo lời kể của con trai nhà văn, quãng thời gian đầu sau khi bị thương, ông đã phải viết bằng tay trái vì tay phải thương tật nặng. Nhưng sau một lần theo đồng chí Vũ Kỳ tới thăm nơi ở của Bác (khoảng năm 1975 sau khi ra cuốn "Nhớ nguồn"), chứng kiến cuộc sống rất đỗi giản dị, đời thường của một con người vĩ đại, trong ông đã trỗi dậy quyết tâm phải viết được trở lại bằng tay phải. Vậy là sau đó, cứ mỗi khi viết, nhà văn Sơn Tùng lại dùng dây chun cố định bút vào vị trí giữa ngón cái và ngón trỏ ở bàn tay phải để luyện viết. Và không chỉ luyện để viết được, ông còn luyện sao cho chữ phải đẹp. Mãi hơn 10 năm sau, ông mới không phải dùng đến dây chun buộc bút...

Với những bạn văn từng được nhà văn Sơn Tùng tặng sách, hẳn không còn xa lạ với chữ ký đặc biệt của ông. Đó là hình một cây tùng đứng hiên ngang trên núi, nhưng cũng là hình nén hương vòng thắp cho những người đã hy sinh. Dáng núi cách điệu theo hình chữ M còn gợi nhắc đến tên vợ ông, bà Phan Hồng Mai, người đã cùng ông xây nên một cuộc đời đẹp, một tình yêu đẹp và những trang sách đẹp.

Con trai nhà văn chia sẻ, sinh thời, nhà văn Sơn Tùng vẫn thường nói ông họ Bùi nhưng lập nghiệp ở họ Phan. Ông rất biết ơn vợ bởi nếu không có bà, ông không thể có được những trang văn giàu tâm huyết đến thế. Bà không chỉ là người lo cho ông từng miếng ăn, giấc ngủ, cùng ông đi tìm tư liệu ở nhiều nơi mà còn giúp ông gánh vác gia đình.

Thế nên, sau khi viết "Búp sen xanh", nhà văn Sơn Tùng đã viết vào sổ tay những dòng chữ thấm đẫm xúc cảm, ân tình: "Hỡi các bạn, đọc văn tôi xin hãy đọc chầm chậm, thật chầm chậm và lắng nghe, sẽ nghe được những tiếng nhỏ giọt rơi trên trang sách. Tiếng nhỏ giọt ấy không chỉ là giọt nước mắt của người viết mà còn có cả tiếng nhỏ giọt của một người phụ nữ, một người mẹ nuôi con bằng sữa, nuôi chồng bằng máu trái tim mình"...

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, ngày 14/7/2011, nhà văn Sơn Tùng đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động theo Quyết định số 1083- QĐ/CTN.

Cùng với những bản thảo viết tay, đánh máy các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình cố nhà văn Sơn Tùng còn gửi bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III những hiện vật gắn với cuộc đời sáng tác của nhà văn như máy đánh chữ, đài radio, đồng hồ đeo tay, hộp đựng bút, bản khắc dấu, danh hiệu Anh hùng Lao động, huân chương, huy chương, kỷ niệm chương...

Ông Bùi Sơn Định cho hay, gia đình định giữ lại những tư liệu, hiện vật về cha mình để làm nhà lưu niệm gia đình, nhưng điều kiện bảo quản không cho phép cho nên muốn gửi cơ quan lưu trữ quốc gia để những nét chữ, trang văn của nhà văn Sơn Tùng có thể đồng hành lâu dài cùng bạn đọc nhiều thế hệ. Đây cũng là địa chỉ mà sinh thời nhà văn từng tin tưởng gửi gắm một số "đứa con tinh thần" của mình.

Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III khẳng định: Những tư liệu chân thực, sinh động, đa dạng cùng những tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những đóng góp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là nguồn thông tin tin cậy, quý giá về các chặng đường lịch sử của dân tộc ở những góc nhìn chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa, góp phần làm phong phú hơn thành phần Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam. Nhà văn Sơn Tùng không chỉ là một thương binh nặng có công với nước mà còn là tấm gương về nhân cách và sự nỗ lực phi thường trong lao động.

Bà Trần Việt Hoa cho biết thời gian tới, Trung tâm sẽ chỉnh lý, sắp xếp khoa học và phát huy có hiệu quả giá trị của các tài liệu này, đưa tài liệu đến với công chúng, phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước.