Nhớ nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh, tác giả ca khúc Mười chín Tháng Tám

Năm 2023 kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Ðỗ Xuân Oanh (1923-2023) và 78 năm ra đời ca khúc Mười chín Tháng Tám mang âm hưởng hào hùng của những ngày Tổng khởi nghĩa năm 1945. Báo Nhân Dân xin giới thiệu tóm lược bài viết về người nhạc sĩ tài hoa, một người cộng sản kiên trung và cũng là một nhà ngoại giao nhân dân xuất sắc của nữ đồng chí MERLE RATNER, đảng viên Ðảng Cộng sản Mỹ, người đã dành trọn tình cảm của mình với đất nước và nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là người bạn, người đồng chí gắn bó lâu năm với nhạc sĩ Ðỗ Xuân Oanh (trong ảnh).
0:00 / 0:00
0:00
Nhớ nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh, tác giả ca khúc Mười chín Tháng Tám

Tôi gặp Xuân Oanh trong dịp lần đầu đến thăm Việt Nam vào khoảng cuối năm 1985 đến đầu năm 1986. Trước đó, từ năm 1968, tôi tích cực hoạt động trong phong trào tại Mỹ phản đối cuộc chiến tranh chống Việt Nam và sau đó là phong trào đòi chấm dứt lệnh cấm vận của Mỹ áp đặt lên Việt Nam, và từ sau ngày giải phóng năm 1975 tiếp tục góp phần vun đắp tình đoàn kết nhân dân với đất nước này.

Chuyến thăm đầu tiên đó mang cho tôi một sự xúc động lớn lao! Ðược tận mắt chứng kiến chiến thắng của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ, cũng như chiến thắng thực dân Pháp trước đó, minh chứng cho bản lĩnh, sức sáng tạo, sự tận tụy và lòng kiên trung của những người cách mạng và của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Ngay trong chuyến thăm đó, tôi được mời đến Hội Việt Mỹ, gặp người đứng đầu Hội là Ðỗ Xuân Oanh. Ông dành cho chúng tôi tình cảm ấm áp và nhiệt thành đến nỗi, lập tức chúng tôi cảm thấy như được trở về mái ấm của mình. Ông kể cho chúng tôi về công việc của Hội Việt Mỹ, về công việc của ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nhằm xây dựng tình đoàn kết nhân dân giữa hai dân tộc Mỹ và Việt Nam.

Thời đó, nhân dân Việt Nam vẫn còn vật lộn với hậu quả tàn phá nặng nề của chiến tranh, đất nước còn rất nghèo. Hội Việt Mỹ nằm tại một tòa nhà cũ ở Hà Nội nhưng ngân sách cho bộ máy, phương tiện và hoạt động thì rất hạn hẹp. Vậy mà Xuân Oanh đã xây dựng được một tổ chức với đội ngũ nhân viên tuy ít nhưng rất tâm huyết. Cùng nhau, họ đã làm được một số lượng công việc ngoại giao nhân dân khổng lồ trong hoàn cảnh đời sống của chính họ còn hết sức khó khăn.

Xuân Oanh tham gia cách mạng trên nhiều phương diện. Xuất thân trong một gia đình nghèo, khi còn trẻ ông làm việc trong mỏ than, sau đó gia nhập Việt Minh, tham gia Cách mạng Tháng Tám và lên chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ðan xen trong suốt cuộc đời của Xuân Oanh là công việc ngoại giao nhân dân. Ông đã đảm nhận nhiều vai trò lãnh đạo như người lãnh đạo Hội Việt Mỹ, Ủy ban Hòa bình Việt Nam và nhiều vai trò khác.

Xuân Oanh hiểu biết sâu sắc không chỉ về Việt Nam mà còn về nước Mỹ và thế giới. Ông hiểu rõ chính trị và văn hóa Mỹ, kể cả âm nhạc. Ông hiểu biết những cách diễn đạt thông tục của Mỹ, sự hài hước và thẳng thắn mà người Mỹ thường thể hiện. Nhờ đó, ông có thể hiểu được khách quốc tế, lựa chọn cách giao tiếp tốt nhất cũng như giải thích những điều họ cần biết về Việt Nam. Hầu hết bạn bè quốc tế đều yêu quý Xuân Oanh, nhận xét ông là người trung thực, gần gũi và cởi mở.

Lòng nhiệt thành cách mạng của Ðỗ Xuân Oanh thể hiện ở nhiều mặt, nhưng rõ nhất có lẽ là ở bài hát Mười chín Tháng Tám, khơi dậy khí thế tranh đấu hào hùng của nhân dân Việt Nam và trở thành bài ca được phổ cập rộng rãi và được mọi người yêu thích. Xuân Oanh nói ông "nung nấu ý tưởng viết một ca khúc cách mạng trong ngày Tổng khởi nghĩa.

Ông từng kể: "Bài hát đến với tâm trí khi tôi đang đi biểu tình trong đoàn quân cách mạng. Làm được câu nào tôi hát lên và mọi người lặp lại, khi đoàn quân đến Nhà hát Lớn Hà Nội thì tôi đã hoàn thành bài hát và nó có giai điệu quân hành". Bài hát nổi tiếng đó xuất hiện một cách tự nhiên như thế khi Xuân Oanh tham gia cuộc đấu tranh của quần chúng, bày tỏ cảm xúc của mọi người và thúc giục nhân dân đấu tranh.

Xuân Oanh nói rằng, ông không ngờ bài hát của mình lại nổi tiếng nhanh như vậy, nhưng lý giải rằng nó là cảm xúc của những người dân lầm than lần đầu tiên giành được độc lập và tự do sau gần một thế kỷ dưới ách thống trị của thực dân.

Ðỗ Xuân Oanh đã làm giàu thêm những đóng góp của mình cho cách mạng Việt Nam bằng hoạt động của một nhà văn hóa nhân dân, trong đó có âm nhạc. Cũng như với những đóng góp khác, Xuân Oanh khiêm tốn về vai trò nhạc sĩ, của người làm công tác văn hóa.

Mặc dù viết nhiều ca khúc chính luận lẫn cá nhân, trong đó có nhiều ca khúc về tình yêu và đoạt nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật, nhưng Xuân Oanh ít quan tâm đến danh lợi. Tôi nhớ có lần đến nhà ông ở Hà Nội để chúc mừng ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, ông chỉ mỉm cười, không muốn nói nhiều về giải thưởng.

Xuân Oanh đã sử dụng rất nhiều, rất nhiều tài năng của mình không phải để tự tôn mình mà để góp phần vào cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đem lại niềm vui cho quần chúng.

Xuân Oanh chia sẻ với tôi nhiều bài hát, nhưng ông có chút ngại ngùng khi tự hát cho tôi nghe. Những năm sau này, mỗi lần khi đến thăm ông, tôi luôn đề nghị ông hát một trong những nhạc phẩm của mình cho tôi nghe, và ông luôn hoãn binh là sẽ "hát sau".

Cuối cùng, vào một lần mời tôi dùng bữa tối do tự tay mình nấu, ông đã làm tôi ngạc nhiên khi hát một trong những nhạc phẩm của mình! Tuy không còn nhớ tên hay lời bài hát, nhưng tôi nhớ đó là một bài hát đầy cảm xúc về tình yêu và hy vọng cho tương lai. Bữa ăn ông nấu cũng rất tuyệt vời, nhưng điều tôi nhớ là món kem ông tự làm cho tôi và công sức bỏ ra để làm một bữa tiệc để cùng nhau quây quần.

Căn nhà của Xuân Oanh bé nhỏ và khiêm nhường giữa lòng Hà Nội, một ốc đảo của âm nhạc, trò chuyện đầm ấm. Ở thời kỳ sau chiến tranh, mọi người còn chưa có điện thoại ở nhà, thông lệ đến thăm là không báo trước, đến thì gõ cửa. Tôi nhớ ít nhất có một dịp Xuân Oanh đã ngạc nhiên khi gặp tôi, nhưng ông rất vui và tiếp đón tôi đầy thân tình…

Nhiều lần gặp khó khăn, tôi đã tìm đến ông để được an ủi. Ông luôn chăm chú lắng nghe, khi có thể thì cho tôi lời khuyên và thường là mang tính chất triết lý. Mỗi khi rời nhà ông, tôi luôn có cảm giác ông tin rằng tôi có khả năng giải quyết được mọi việc, thậm chí ngay cả việc tôi cần nhận thức được những sai lầm của chính mình.

Tính cách và tư duy của Xuân Oanh là một yếu tố tạo nên sự hoàn mỹ trong ông và cũng là một món quà cho bạn bè của ông. Xuân Oanh luôn tốt bụng và rộng lượng, đồng thời có đầu óc phê phán và khả năng đấu tranh trước những khác biệt. Ông đã nghiên cứu nghiêm túc về nhiều vấn đề, nghiên cứu về nước Mỹ và có hiểu biết sâu rộng về con người, văn hóa, chính trị, giai cấp và các lĩnh vực xã hội cũng như chính phủ của Mỹ. Mỗi khi chuyện trò, ông biết mình đang nói về điều gì và có thể thảo luận, bàn bạc để có thể thống nhất, thậm chí làm sáng tỏ và tìm ra giải pháp cho bất đồng.

Xuân Oanh cũng là một người rất khiêm tốn, tiếp nhận sự chỉ trích, phàn nàn một cách chân tình, nhẹ nhàng và hiệu quả. Tôi nhớ rằng, đôi lần ông cho tôi những lời khuyên, mang lại cho tôi sự tin tưởng bằng tình cảm chân thành của một người bạn, một người cộng sản cùng chí hướng.

Tôi đã không thể gặp được Xuân Oanh trước khi ông qua đời, bởi tôi không tới được Việt Nam khi ông mang trọng bệnh, và khi tôi có thể đến được thì ông đã quá yếu để có thể gặp bạn bè.

Tôi hồi tưởng về những lần được cùng trò chuyện với Xuân Oanh, cùng nghe một vài bản nhạc... và tôi sẽ luôn nhớ đến tấm lòng nhân hậu, sự tinh anh, tinh thần cách mạng, tình đoàn kết và tình bạn của ông. Tôi sẽ luôn cố gắng noi theo gương ông và thực hành những điều ông đã dạy tôi về tư cách một người đồng chí, một người cộng sản, một người theo chủ nghĩa quốc tế và một người tốt.

Tôi cũng có hai món quà quý của Xuân Oanh. Hai bức tranh ông vẽ tô điểm cho căn nhà của chúng tôi, một bức vẽ cô gái với cây đàn ghi-ta, treo ở đầu giường, và một bức vẽ cô gái với cây đàn tỳ bà, treo ở hành lang. Mỗi ngày trôi qua trong căn nhà của mình, tôi đều nghĩ đến niềm vui sống mà Xuân Oanh đã mang đến cho tôi và cho biết bao người khác.

Tôi hoàn tất bài viết này như một sự tưởng nhớ về đồng chí Ðỗ Xuân Oanh, tưởng nhớ một con người mẫu mực, một người bạn, người đồng chí đã gắn bó lâu năm. Ở Mỹ, có một câu nói mà chúng tôi học được từ cuộc cách mạng ở Cuba: Khi có người đồng chí thân yêu, quý trọng ra đi, một người sẽ gọi tên và tất cả đồng thanh đáp: "Có tôi!".

Và tôi sẽ kết thúc bài viết này bằng gọi tên người đồng chí thân yêu: "Ðỗ Xuân Oanh!" để mọi người sẽ cùng hô vang: "Có tôi đây!" như một cách tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa, người Cộng sản Việt Nam kiên trung ■

Nữ đồng chí Merle Ratner sinh năm 1957, là đồng Chủ tịch của tổ chức Vận động Cứu trợ và Trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (CCDS) tại Mỹ, là thành viên của Ban Giám đốc Diễn đàn Brecht của Ðại học Mác-xít New York và hiện làm việc cho một tổ chức quốc tế bảo vệ quyền lao động. Cùng với Giám mục Gumbleton, đồng Chủ tịch CCDS, bà được trao tặng danh hiệu "Vì Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" tại Hà Nội năm 2013... Khi tròn 16 tuổi, Merle Ratner đã phất cao cờ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên tượng Nữ thần Tự do tại New York trong phong trào chống chiến tranh Mỹ xâm lược Việt Nam. Có thể nói, bà đã dành trọn cả cuộc đời mình hoạt động rất tích cực trong các phong trào chống chiến tranh, chống đế quốc và chống phát-xít, bảo vệ hòa bình thế giới.