Tại đây, cũng đã diễn ra Tọa đàm “Di sản văn thơ Nguyễn Phan Hách với miền quê Kinh Bắc” nhằm tôn vinh người đã dựng nên bức tranh về miền Kinh Bắc với biểu tượng mang tên “Dòng sông Quan họ”.
Vẽ cho ra bức chân dung của nhà thơ
Nguyễn Phan Hách - đó là một thách thức. Bởi ở ông hội tụ đủ tài hoa của một hồn thơ tinh tế, lãng mạn và sâu lắng; một tiểu thuyết gia “gây bão”; một người sáng tác ca khúc “có nghề” và một nhà quản lý “có tầm”. Trong khi đó, hình ảnh của ông giữa đời thường lại vẫn mang dáng dấp của một người quê hiền lành, chân chất, giản dị, luôn trách nhiệm, tận tụy trong từng công việc nhỏ.
Nhà văn Nguyễn Phan Hách giới thiệu “cuốn tiểu thuyết của đời mình”
Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã để lại những tác phẩm có giá trị ở nhiều thể loại khác nhau. Có thể nói, khối lượng tác phẩm của ông là một tài nguyên quý giá không phải chỉ với quê hương Kinh Bắc của ông mà còn với cả nền văn học đương đại.
Các nhà văn, nhà thơ tham dự Tọa đàm. |
Bạn đọc yêu thơ văn của ông - mỗi người sẽ tìm đến kho “tài nguyên” ấy để lưu giữ trong tâm trí mình một bức chân dung riêng về người nghệ sĩ mà mình yêu mến. Giống như bao thế hệ đã từng say mê những câu ca về làng quan họ từ thuở ấu thơ, rồi lớn lên lại chuyền tay nhau “Hoa sữa” và rưng rưng khi chạm đến bài thơ “Tiếng Việt mến yêu!”.
Về miền Kinh Bắc nghe câu ca quan họ
Buổi Tọa đàm về Di sản văn thơ nhân kỷ niệm 80 năm Ngày sinh của ông, Nhà thơ Nguyễn Phan Hách có thể được ví như một bữa tiệc của nghệ thuật. Đó là nơi thi ca được âm nhạc chắp cánh. Hơn thế, đó còn là nơi những tâm hồn nghệ sĩ, tâm hồn của những người yêu nghệ thuật, thi ca, cùng lấy tấm chân tình tưởng nhớ làm sợi dây kết nối giữa những người đang ở thế giới hiện tiền với người đã nhẹ bước về cõi người hiền.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ cảm nghĩ tại Tọa đàm. |
Tại buổi Tọa đàm, nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ cảm nghĩ: “Quê hương nhà thơ Nguyễn Phan Hách cùng con cháu của ông đã long trọng tổ chức một sự kiện thật đặc biệt để tưởng nhớ ông. Nếu nhắc tên hầu khắp các nhà thơ, nhà văn - những cây đại thụ trong văn học nước nhà những thập niên gần đây, hiếm có nhà thơ, nhà văn nào có được sự vinh danh kịp thời, sự ghi nhận đáng tự hào đến thế!” - Điều này ai cũng có thể cảm nhận được.
Tuy nhiên tôi còn có thêm một niềm tin chắc chắn rằng, mọi câu chuyện xảy ra đều có nguyên cớ, mà đôi khi, nguyên cớ ấy không hẳn được tạo ra bởi sự sắp đặt hữu ý của con người. Tôi đã từng được dự các cuộc tọa đàm trang trọng và xúc động về các nhà thơ, nhà văn đã về cõi các bậc tiên hiền. Song chưa khi nào tôi cảm nhận sâu sắc đến thế về sự hiện hữu, sự giao cảm kỳ lạ đến mức tin rằng phải có đủ nhân duyên thì ta mới có được sự gặp gỡ kỳ biệt trong cuộc đời này!
Không biết có phải tại trời mưa như thể những hạt mưa xuân đang kéo trời với đất xuống gần nhau hơn? Hay tại bóng dáng ngôi nhà cổ xưa trong không gian hữu tình của miền quê Kinh Bắc khiến gợi trong tôi sự xóa nhòa ranh giới của những thứ hữu hình.
Mà tôi thấy, nhà thơ Nguyễn Phan Hách - ông hiện hữu trong tiếng cười hào sảng, đôi mắt ánh lên nét cười hóm hỉnh, ôm trọn niềm vui, chung ly rượu ấm với thân bằng, bạn hữu. Nên tôi càng tin, chính ông - có thể cả đất trời đã sắp đặt cuộc gặp gỡ kỳ duyên này - để những ai yêu mến ông được về tận vùng quê Kinh Bắc mà nghe câu ca quan họ, để thấm, để hiểu hơn về đất và người miền quan họ.
Nhắc thêm về một chữ duyên, tôi hằng tin, những gì đẹp đẽ đã được gieo vào tâm trí mỗi người từ những ngày thơ ấu - đó sẽ là những dòng ký ức đi theo ta trong suốt cuộc đời. Mẹ tôi vốn là một cô giáo dạy văn của quê hương Hưng Yên nhưng phải nói mẹ đã mang một góc Kinh Bắc gieo vào tâm trí non nớt của tôi từ những ngày tôi còn thơ bé. Mẹ yêu các làm điệu dân ca và hát quan họ cũng ngọt ngào như người làng quan họ vậy!
Tuổi thơ, tôi đã tha thiết được đi xa từ những câu hát ru của mẹ. Có một bài hát thuở ấy từng gợi trong tôi bao hình ảnh về một làng quê thơ mộng với con sông Cầu ngang lưng làng Quan họ, có Mùa hát hội, có Loan, có Phượng, có Đình hồ Bán Nguyệt… là những điều gì đó đẹp đẽ vô ngần. Phải đến khi lớn lên, đi học, tôi mới biết bài hát ấy là ca khúc được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc từ bài thơ của nhà thơ Nguyễn Phan Hách. Tâm hồn của họ - hai nghệ sĩ tài hoa đã cùng góp dựng nên một góc đồ sộ của đất và hồn quê miền Quan họ.
Nhà thơ Nguyễn Phan Hách - ông là một nghệ sĩ đã mang làng quan họ của ông đi xa không chỉ trên mọi miền quê Việt Nam mà còn đi theo người Việt đến nhiều nơi trên thế giới! Và rồi ca khúc của ông lại mang bao tâm hồn người Việt tìm về miền quan họ. Hồn ông luôn ở cùng hồn quê quan họ. Ông mãi mãi sống trong lòng quê hương xứ sở quan họ của nước Việt mình!
Hỏi có mối nhân duyên nào đẹp hơn thế?