Dày tới hơn 700 trang, “Cuồng phong” là câu chuyện một gia tộc bốn thế hệ mà qua đó, hiện lên lịch sử một dân tộc, dữ dội và chói sáng. Thế hệ thứ nhất: Cụ Cả Cồ, người nông dân với lòng yêu nước bản năng, chống cường quyền, khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Thế hệ thứ hai: ông Nghè Nguyễn Đức Nguyên thoát ly giáo lý Khổng Mạnh ngàn đời, khao khát duy tân, dựng xây đất nước độc lập. Thế hệ thứ ba có sự phân chia trận tuyến, một bên vẫn bám vào ngoại bang, tiếp tục quyền lợi thống trị của mình (người anh cả Đức Vĩnh); và một bên là chiến sĩ cách mạng, kháng chiến để giành độc lập thống nhất đất nước (người em Đức Hàm, và mở rộng ra nhân vật liên quan: Vũ Hùng). Thế hệ thứ tư: Đức Trung, mở rộng ra nhân vật liên quan: Viết Thiều, cũng nối tiếp trong dòng chảy kháng chiến đó. Ngày thắng lợi, họ bước vào cuộc sống đời thường, với những khát vọng đời thường của kỷ nguyên “văn minh vật chất” lấn át. Và “bị kịch số phận” đã diễn ra cho những kẻ không có bản lĩnh.
Chọn cách kết cấu “ dọi đèn pha”, “Cuồng phong” được kể lấp loáng nhưng sinh động như một cuốn phim sử thi hoành tráng. Những khoảng sáng cận cảnh xen giữa những vùng mờ nhòe mênh mông của lịch sử được tái hiện qua những trường đoạn mang màu sắc điện ảnh.
Những hiện thực tăm tối và ánh sáng le lói của các phong trào yêu nước đầu thế kỉ. Những khoảng tối tiềm tàng ánh sáng của những thân phận. Những u uẩn của thời cải cách ruộng đất. Số phận của những người phía bên kia chiến tuyến. Những cựa quậy quẫy đạp đau thương của đêm dài trước đổi mới hay mặt trái của cơ chế thị trường. Tất cả đều được tác giả soi rọi để miêu tả và lí giải.
Câu chuyện được viết với một văn phong trong sáng và bay bổng.
Sách do công ty Sách Bách Việt và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 11-2008.