Tiểu thuyết Thiên mệnh của nhà văn Nguyễn Trọng Tân, là tiểu thuyết lịch sử, lấy bối cảnh và phản ánh, dựng lại xã hội phong kiến Việt Nam thời kỳ suy vi cuối triều Hậu Lê. Lột tả được một giai đoạn lịch sử đau đáu suốt 15 năm từ 1774 - 1789 của dân tộc với bao cuộc càn khôn ròng rã. Với 42 chương cùng vĩ thanh, như dòng lân tinh sóng sánh để tác giả có thể giải mã được một vị anh hùng dân tộc gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ bảy của nhà văn Nguyễn Trọng Tân, sau các cuốn “Quyền lực xám”, “Thư về quá khứ”, “Đa đoan cõi tạm”...
Tôi đã bị cuốn hút vào những chương đầu tiên của cuốn tiểu thuyết Thiên mệnh của nhà văn Nguyễn Trọng Tân và được đắm chìm trong ngôn ngữ văn chương lịch sử. Ở một góc độ nào đó, từ những chương đoạn của cuốn tiểu thuyết này, tôi đã may mắn được ngược dòng lịch sử hàng trăm năm qua để gặp, hình dung lại những nhân vật lịch sử mang dấu ấn đậm nét với rạch ròi “công - tội”. Và hình ảnh đậm nét cũng là nhân vật mà tác giả đã dày công xây dựng là Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ với với tài năng, tâm đức và khí chất anh hùng hào sảng, bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Lịch sử khắc ghi Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ là nhà chính trị tài ba, thiên tài quân sự... Người có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn lao và cũng là ánh sáng của lịch sử dân tộc Việt Nam thời phong kiến đen tối và loạn lạc. Thời mà các cứ liệu lịch sử với công trạng từng nhân vật hầu như đã lạc thất và ít được lưu truyền.
Xâu chuỗi trong toàn bộ tác phẩm, ngoài từng nhân vật với các lát cắt tính cách, người đọc nhớ nhiều hơn Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nhớ hình ảnh một cánh hoa đào phớt hồng trong rét Bắc với mối tình nặng sâu của Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân.
Lần tìm trong sử sách và thẩm thấu thêm những công lao to lớn của Anh hùng Nguyễn Huệ qua tiểu thuyết Thiên mệnh, hiểu thêm được khí chất người anh hùng áo vải nhân nghĩa vẹn toàn. Một Thiên mệnh ẩn chứa nhiều vỉa từ lịch sử, hàm chứa các giá trị văn tính - nhân tính mà nếu chỉ đọc lướt qua, nếu chỉ trải nghiệm bằng cảm nhận bình thường, hẳn sẽ khó để đi tận cùng tiểu thuyết lịch sử Thiên mệnh.
Trong con người của Anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ, hàm chứa nhiều hơn sự tinh tế, sắc gọn và quyết đoán để có thể trong tích tắc thay đổi cả cục diện. Và cũng chính trong con người anh hùng bình dị đó là một người chồng, người cha với khát khao được chở che cho vợ, con như bao người bình thường khác.
Để lột tả hết những điều này, chỉ có sự tinh nhuyễn của nhà văn trong cách xâu chuỗi sử liệu, sắp đặt tuyến nhân vật để thể hiện trên từng trang viết.
Tác giả đã dày công phục dựng lại công trạng của nhiều nhân vật lịch sử lúc bấy giờ để làm toát lên giá trị nhân văn của toàn bộ tác phẩm. Trong máu lửa chiến tranh cát cứ, trong nỗi đau tột cùng của nhiều trận giao tranh phân chia địa giới hành chính lúc bấy giờ. Vì soi vào thực tiễn, bất cứ thời nào, giai đoạn lịch sử nào, thì ý nghĩa của hai chữ trung - hiếu vẫn cần được thấu soi, phản chiếu. Tiểu thuyết lịch sử nhưng không phải là ghi chép lại lịch sử một cách đơn thuần, mà thực sự đây là cuốn sách cuốn hút người đọc. Khi văn học, tiểu thuyết lịch sử được xem là một cách trải nghiệm, tiếp cận công bằng.
Xa lộ cảm xúc khi xây dựng một cuốn tiểu thuyết về lịch sử, là cách để phục dựng lại một giai đoạn lịch sử đầy bi ai và oanh liệt. Tác giả khẳng định rằng “Số phận, võ công và thiên tài Quang Trung - Nguyễn Huệ như ánh xạ bi hùng vang vọng trong tâm khảm bao thế hệ, vọng vào tác phẩm của tôi. Nhưng Thiên mệnh không mang trong nó sứ mệnh của một thông điệp lịch sử”, nhưng, đọc kỹ tiểu thuyết này, sẽ nhìn thấu một lớp ánh xạ mà nếu bằng sự phớt lờ, thì sẽ không bao giờ được gặp. Đó là cái cúi đầu trước lịch sử của dân tộc, một giai đoạn và cũng là vết thương của đất nước này, của dải đất miền Trung - nơi mà, mỗi một tấc đất, một ngọn cỏ, cành cây, một giọt nước, đã và đang mang trong mình “vị trí, sứ mệnh yết hầu”!
Nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã phải cân nhắc rất nhiều trước trang viết khi nhiều đêm thức trắng để khát quát lại, sắp xếp lại tuyến nhân vật trong tiểu thuyết Thiên mệnh, để luận bàn về tính cách nhân vật, giải mã lịch sử và phân ranh công trạng. Điều khó nhất là việc khắc họa, chắp bút viết về “những mẫu hình lý tưởng” trong sử sách nước nhà.
Sự khôn khéo của tác giả khi mô tả, dựng lại một giai đoạn lịch sử vẫn mà đã phân ranh được công trạng từng người cho đất nước trong một giai đoạn lịch sử và trong cả mấy trăm năm đất nước vá lành vết thương chia cắt. Sự khôn khéo của tác giả là cách miêu tả, lột tả, khắc họa số phận từng nhân vật, giúp độc giả tự tái hiện lịch sử dân tộc Việt Nam trong giai đoạn 1774 - 1789. Từng phân đoạn, phân chương, từng tuyến nhân vật có mối quan hệ mật thiết trong bàn tròn chiến trận và đời thường. Trên nỗi đau mà mỗi nhân vật phải trải qua, giữa thiện và ác; giữa âm mưu và dối trá, giữa mất và còn…
Người đọc có thể hình dung lại cả một thời kỳ lịch sử đẫm máu và nước mắt. Ở đó có hàng trăm nghìn cuộc đấu khẩu, đấu trí, về cách sử dụng người tài của Nguyễn Huệ để có thể vượt qua tất cả. Cảm nhận được những khoảng lặng bình yên hiếm hoi trên trận mạc và những phút giây hạnh phúc mong manh, rất ngắn của mỗi nhân vật chiến trận và sau chiến trận. Mà xuyên suốt tác phẩm là hình ảnh người Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ - vị “Thiên mệnh” duy nhất của một giai đoạn lịch sử dân tộc Việt Nam. Lịch sử mãi mãi là lịch sử, nhưng công trạng Quang Trung - Nguyễn Huệ đã không thể có bút giấy nào ghi hết, tả hết. Nhưng, với tiểu thuyết Thiên mệnh, lịch sử lại thêm một lần hồi sinh bằng dòng chảy văn học - sử liệu.
Bằng cách tiếp cận, dựa vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau, có những câu tác giả trích dẫn nguyên văn từ nguồn, với tiêu chí duy nhất là không làm sai lạc lịch sử hoặc méo mó nhân vật của thời đại đó, nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã cố gắng đi đến đích cuối cùng là giải mã một phần giai đoạn lịch sử đặc biệt này với cuộc đời Anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ, như một chấm đỏ xuyên suốt lịch sử dân tộc Việt Nam.
Trước khi tôi được đọc trọn vẹn tiểu thuyết Thiên mệnh, nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã trao đổi và nhắn với tôi nhiều về cuốn sách đặc biệt này. Ông đã chừng như dốc cạn sức lực để hoàn tất tác phẩm mà vẫn không thể tin khi tác phẩm đã như một sinh linh hiển hiện.
Ông nói với tôi rằng, ông đã thật sự xúc động khi hoàn thành tác phẩm bằng tất cả đam mê chữ nghĩa trong đớn đau và hứng khởi. Và thật bất ngờ khi chắp bút để viết những dòng đầu tiên đến khi hoàn thành những trang bản thảo cuối cùng - thì chừng như ông đã được Thiên mệnh Quang Trung - Nguyễn Huệ phù trợ.
Và tôi tin điều tác giả nói là đúng. Bởi trong tâm khảm của người viết, luôn đau đớn khi sinh thành được một tác phẩm văn học, và đây lại là tiểu thuyết lịch sử không “đi lại lối mòn” của những tác phẩm trước đây trên văn đàn Việt Nam của các nhà văn khác đã viết.
Tiếp nối mạch nguồn ấy, nhà văn Nguyễn Trọng Tân hoàn thiện tác phẩm này không phải để truyền thông điệp lịch sử, mà là cách để nhà văn vượt qua mọi bức tường, mọi lằn ranh của lịch sử và hiện thực, để soi chiếu bằng tác phẩm văn học chính trực.