Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người thì hai người đều thành công. Những điều căn dặn ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng ngẫm càng thấy sâu sắc.
Biết rõ cán bộ, mới cất nhắc đúng người, đúng việc
Để ai cũng có thể phát huy tốt sở trường, năng lực của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, khi bố trí, cất nhắc cán bộ cần xem xét cho kỹ, cho đúng; xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Biết rõ ràng cán bộ mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực.
Biết rõ cán bộ, đánh giá đúng cán bộ không phải việc dễ, bởi trong cuộc sống muôn màu, mọi cái luôn biến hóa, thay đổi và với con người cũng vậy. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một cán bộ khi trước có sai lầm nhưng không phải vì thế mà sai lầm mãi; có cán bộ chưa mắc sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm. Có những cán bộ khi phong trào lên thì làm việc hăng hái để đạt bằng được mục đích cá nhân, nhưng lúc gặp khó khăn thì hoang mang, dao động, thậm chí thoái hóa, biến chất. Vì thế, khi xem xét cán bộ, nhất là trước lúc bổ nhiệm, cất nhắc, cần nhận xét một cách toàn diện và rõ ràng, như Người đã chỉ rõ: “Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ.
Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào. Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không. Phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay”. Song, Người cũng lưu ý không đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau, như thế khác nào “mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông”. Theo Người phải có gan cất nhắc cán bộ và việc cất nhắc cán bộ phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, ai hay khoe công việc, a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, công kích người khác, tâng bốc mình, những người như thế có làm được việc cũng không phải là cán bộ tốt. Ngược lại, người ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm, không ham việc dễ, không tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, dù gặp hoàn cảnh thế nào cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt. Trong xem xét cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng cả hai mặt đức và tài, trong đó đức là gốc, nhưng tài cũng rất quan trọng và phải “khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”. Về khuôn khổ để lựa chọn cán bộ, Người chỉ rõ, phải chọn những người trung thành, hăng hái trong công việc, trong đấu tranh, liên hệ mật thiết và luôn chú ý đến lợi ích của quần chúng; những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo,...
Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách
Khi giao việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng bàn trước với cán bộ. Theo Người có năm cách để rèn luyện cán bộ, đó là thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ; luôn tìm cách cho họ học thêm lý luận và cách làm việc, làm cho tư tưởng và năng lực của họ ngày càng tiến bộ; thường xuyên kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm; khi họ sai lầm thì dùng cách “thuyết phục” giúp cho họ sửa chữa; phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc. Những câu nói của Người chứa đựng sâu sắc quan điểm, tư tưởng và mối quan hệ giữa các khâu trong công tác cán bộ, vừa khuyến khích cán bộ rèn luyện trong thực tế, vừa chú ý nâng cao trình độ lý luận và chuyên môn, vừa giúp cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, vừa chăm lo điều kiện mọi mặt cho cán bộ yên tâm công tác. Đó cũng là tình thương yêu cán bộ của Người, nhưng không phải vỗ về, nuông chiều, mà là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm; giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn trong sinh hoạt, ngày thường thì dễ chịu, khi đau ốm được chăm nom,...
Thương yêu cán bộ, nhưng Người cũng rất nghiêm khắc với sai phạm của cán bộ, “xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”. Năm 1950, Người rất đau lòng và đã chỉ đạo xét xử vụ Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và đồng bọn can tội: “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến” và bác đơn xin tha tội chết của bị cáo này.
Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đây là một chân lý và cũng đã cảnh báo những sai lầm trong công tác cán bộ mà chúng ta thường vấp phải, nhất là khi cất nhắc, đề bạt. Người gọi đó là những chứng bệnh, như ham dùng bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài; ham dùng những kẻ nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực; ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình,…
Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh dự của người lãnh đạo. Việc cất nhắc cán bộ cũng không nên làm như “giã gạo”, nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhấc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời. Mục đích của khéo dùng cán bộ, cố để thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ.
Xác định công tác cán bộ là khâu then chốt trong nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết quan trọng về công tác này. Mỗi nghị quyết đều kế thừa thành tựu, kinh nghiệm của giai đoạn trước, thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Dù đã có nhiều đổi mới, nhưng công tác cán bộ còn nhiều việc phải làm. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, hơn 60 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao, cán bộ trẻ, cán bộ từng được đánh giá cao. Đây là bài học đau xót.
Vừa qua, Hội nghị T.Ư bảy, khóa XII đã ban hành Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đây là dịp mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nhận thức và thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ về công tác cán bộ, nhất là năm khâu đột phá mà Nghị quyết nêu trên đã nêu. Cụ thể như đổi mới đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; Kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời; chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền,...
“Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy”. Có đội ngũ cán bộ tốt, không những thuận lợi cho việc đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành; đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng, mà đó còn là “chất keo” gắn kết giữa ý Đảng với lòng dân. Như thế việc khó đến mấy cũng thành công.