Ngày 28/1/1941 (mồng hai Tết Tân Tỵ), sau 30 năm xa Tổ quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam-Trung Quốc về đến bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Giây phút thiêng liêng đó, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng vinh dự và tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón Bác trở về. Và từ đây, mảnh đất biên cương này đã chứng kiến biết bao sự kiện quan trọng gắn liền với tên tuổi và hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với vận mệnh quốc gia, dân tộc.
Tình cảm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng không chỉ thể hiện trong những năm tháng hoạt động ở đây mà suốt cả cuộc đời của Người. Nhân dân Cao Bằng vốn giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, từ ngày Bác về, truyền thống ấy được khơi dậy mạnh mẽ. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn đề cao, phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, khát vọng xây dựng quê hương với một ý chí quyết tâm, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm, kỷ cương, nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, xây dựng quê hương Cao Bằng phát triển.
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ 19 của Đảng bộ tỉnh, Cao Bằng đã có những điểm phát triển ấn tượng. Có 2 chỉ tiêu đạt, 9 chỉ tiêu đạt hơn 70% và có khả năng đạt Nghị quyết Đại hội vào năm 2025. Việc thực hiện các chương trình trọng tâm, nội dung đột phá, nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy đạt kết quả tích cực, nhất là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị.
Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,46%, trong đó nông, lâm, ngư nghiệp đạt 3,35%; công nghiệp, xây dựng đạt 5,17%; dịch vụ đạt 6,22%. GRDP bình quân đầu người đạt 44,04 triệu đồng, bằng 73,4% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn đạt 12,54%/năm. Các đơn vị đã hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động 2 nhà máy thủy điện Bạch Đằng, Bình Long với tổng công suất lắp máy 11 MW; đưa vào sản xuất dự án khai thác lộ thiên khoáng sản niken-đồng, góp phần tạo đà bứt phá cho phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, đóng góp giá trị sản xuất gần 1.000 tỷ đồng/năm.
Tỉnh đã hoàn thành và triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đến năm 2040. Từ năm 2021 đến nay đã thực hiện cấp mới 9 dự án trong khu kinh tế cửa khẩu với tổng vốn đăng ký hơn 437 tỷ đồng; lũy kế đến nay, có 64 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký 9.639 tỷ đồng, có 43 dự án hoàn thành đi vào hoạt động.
Năm 2023, tỉnh có 12/18 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, xây dựng đảng đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó nhiều chỉ tiêu đạt cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua địa bàn đạt 738,350 triệu USD, bằng 115,7% kế hoạch. Lượng khách đến tham quan du lịch Cao Bằng đạt 1.900 nghìn lượt người, đạt 146% kế hoạch, doanh thu đạt 1.334 tỷ đồng, đạt 148,2% kế hoạch; so với năm 2022, lượng khách bằng 172,3% và doanh thu bằng 214%. Đây là kết quả bước đầu của kế hoạch thực hiện các nội dung đột phá phát triển du lịch-dịch vụ bền vững, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.
Tỉnh đã tổ chức công bố Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần tạo hành lang vững chắc, mở rộng tầm nhìn và khát vọng để Cao Bằng khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, xanh, bền vững và toàn diện trong thời kỳ mới. Tỉnh có nhiều cố gắng trong huy động các nguồn lực tập trung đầu tư khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, đã khởi công Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng); xây dựng một số công trình, dự án trọng điểm; tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của tỉnh.
Đảng bộ, chính quyền tỉnh triển khai nhiều giải pháp phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 4,11%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội.
Tỉnh chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; có nhiều nỗ lực trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xây dựng và phê duyệt kế hoạch vốn danh mục dự án đầu tư, hỗ trợ sản xuất giai đoạn 2021-2025 của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng số vốn 2.815,606 tỷ đồng. Quan tâm thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát; từ năm 2021 đến nay đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 5.800/16.049 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách với kinh phí 221,268 tỷ đồng. An sinh, phúc lợi xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Quốc phòng-an ninh được củng cố, tăng cường; bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ biên giới quốc gia; hoàn thành mục tiêu xóa bỏ hoạt động của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình và ảnh hưởng của Đạo chữ thập vải đỏ trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng, đi vào chiều sâu; tỉnh đẩy mạnh các sự kiện quảng bá, giới thiệu tuyên truyền thế mạnh của Cao Bằng với các địa phương trong và ngoài nước.
Nhiều hoạt động đã được tổ chức thành công như vận hành thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc); công bố tuyến du lịch trải nghiệm Công viên địa chất “Một thời hoa lửa”; hội nghị “Giới thiệu Cao Bằng” và ngày hội du lịch non nước Cao Bằng tại Hà Nội. Tỉnh phối hợp với phía Trung Quốc tổ chức công bố nâng cấp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam)-Long Bang (Trung Quốc) lên cửa khẩu quốc tế, bao gồm cả lối thông quan Nà Đoỏng-Nà Ráy; phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến Chương trình gặp gỡ đầu Xuân năm 2023 và Hội nghị lần thứ 14 Ủy ban công tác liên hợp giữa các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc); góp phần xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc đúng với đường lối đối ngoại của Đảng ta và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.
Công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền được nâng lên. Công tác quy hoạch các chức danh chủ chốt cấp tỉnh nhiệm kỳ mới bảo đảm cơ cấu, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, là một trong những tỉnh hoàn thành công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ mới sớm nhất cả nước.
Việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng trong toàn đảng bộ được chỉ đạo đồng bộ, triển khai quyết liệt; trực tiếp biên soạn và xuất bản các cuốn tài liệu học tập chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với tình hình thực tế, gắn với thực hiện các nội dung trọng tâm, đột phá của tỉnh. Công tác nội chính, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được tăng cường; xuất bản cuốn tài liệu “Tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực”. Công tác dân vận chính quyền được hệ thống chính trị các cấp chú trọng. Hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội có nhiều đổi mới, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.
Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là thời điểm tỉnh Cao Bằng phải “tăng tốc, bứt phá” để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Các cấp ủy, chính quyền tập trung triển khai đúng tiến độ, đạt kết quả cao 3 chương trình trọng tâm, là: (1) Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực ở nông thôn nhằm khắc phục điểm nghẽn, nút thắt về chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025; (2) Xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược; (3) Phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025). Tỉnh cũng tiếp tục ưu tiên các giải pháp thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá để phát triển bền vững, là (1) Phát triển du lịch-dịch vụ bền vững giai đoạn 2021-2025; (2) Phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến giai đoạn 2021-2025; (3) Phát triển kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó quan tâm chăm lo các vấn đề văn hóa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững chủ quyền, lãnh thổ biên giới quốc gia. Chú trọng công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tỉnh ủy yêu cầu mỗi Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu công tác nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò nêu gương; quan tâm đổi mới phương thức, cách làm; nghiên cứu, xây dựng các phương án, kịch bản điều hành, chương trình, kế hoạch thực hiện. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm chính đối với từng mục tiêu nhiệm vụ gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao, góp phần làm chuyển biến tình hình và có kết quả rõ ràng, cụ thể.
Hướng tới kỷ niệm 525 năm thành lập tỉnh Cao Bằng (1499-2024), phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng và sức mạnh đoàn kết các dân tộc, Đảng bộ Cao Bằng không ngừng vận dụng và cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương; lãnh đạo nhân dân các dân tộc đạt thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Trong hành trình vượt khó, niềm tự hào được thay mặt nhân dân cả nước đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo Cách mạng Việt Nam là nền tảng tinh thần vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tiếp tục vững bước đi lên trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Cao Bằng đang hướng tới mục tiêu năng động, phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với niềm tin mà Bác Hồ kính yêu đã dành cho Cao Bằng.