Nhà báo Quang Đạm.
Nhà báo Quang Đạm.

Nhớ cha tôi, nhà báo Quang Đạm

NDO - Thế là cha tôi mất đã tròn 20 năm, từ cái ngày lịch chuyển sang Y2K ấy. Từ lúc thế giới mới thịnh hành chữ @ thời đó, còn bây giờ đã tiến xa hơn rất nhiều với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, với những khát vọng chạy đua tới nền kinh tế số bằng trí tuệ nhân tạo và mọi thứ thông minh, kể cả cái quan trọng nhất là nguồn nhân lực thông minh để sống và làm việc trong các không gian (thành phố) thông minh và bằng hết thẩy mọi thứ gọi là công cụ, thiết bị hay tiện ích thông minh… Cái gì cũng biến đổi, duy hình ảnh cha, cả mẹ tôi nữa luôn bất biến trong tiềm thức và tình cảm của tôi.

Nhớ cha tôi lắm. Tuổi tôi đã nhiều rồi, mỗi khi cha mẹ tôi hiện về trong ký ức, trong các giấc ngủ thì luôn từ những thời xa xưa, lúc tôi đang còn ngây thơ bé dại.

Tôi nhớ sự dịu dàng của cha mẹ tôi với nhau và sự đôn hậu của họ đối với con cháu. Nhớ nếp sống giản dị, không ganh đua, không tỵ nạnh của ông. Mà thực ra, nếu có tỵ nạnh thì cũng chẳng với ai, mà với chính mình cốt tự hoàn thiện hơn thôi. Mẹ tôi cũng thế. Sao hai người đẹp đôi thế. Họ là đôi bạn đời, là đôi đồng chí, là đôi tri kỷ cho đến cuối đời dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Nhớ cha tôi, nhà báo Quang Đạm ảnh 1

Nhà báo Tạ Quang Đạm cùng gia đình.

Nhớ một lần khi mới dọn về căn gác số 6 Đường Thành năm 1958. Khi đó bà nội tôi đang ở cùng bác Bửu, chị Lam ở Đức chưa về. Trong căn phòng kê hai giường. Một giường đôi làm chỗ ngủ cho bố mẹ tôi và em Điền, một giường đơn dành cho tôi. Lạ căn phòng của nhà mới rộng rãi hơn mà tôi không ngủ được nhiều đêm.

Một lần, nghe cha mẹ tôi thì thầm lúc nửa đêm về sáng. Mẹ tôi hỏi cha tôi một bài hát xưa, hình như là một bài vào cuối những năm ba mươi. Bài những người tham gia phong trào Phản đế, rồi Việt Minh thuộc như nằm lòng thời đó mà tôi không biết tên. Bố tôi cất lên khe khẽ và mẹ tôi cũng khẽ hát theo trong đêm. Sau này, tôi không được nghe ai hát hoặc nhắc đến bài hát này, nhưng qua giai điệu và lời ca đơn giản của nó như sự vỡ lòng với tôi về giác ngộ tình yêu Tổ quốc và ý thức người thanh niên trước vận nước một cách trong sáng bắt đầu từ cha mẹ mình.

Người ta thường nói, nhớ đến mức không nói nên lời. Viết ra cũng vậy, vì cứ đặt tay vào bàn phím khi viết bài này là mọi ký ức tốt đẹp về cha tôi cùng tràn về, kèm theo đó là những nỗi ưu tư và nỗi buồn day dứt nhiều năm cuối đời của ông, những sự lo toan thầm kín cho con cháu.

Ký ức thời thơ ấu bao giờ cũng đến với tôi trong sự thanh thoát của tâm hồn, đi về cái thiện bẩm sinh mà mình lớn lên từ đó. Cũng có lúc, các “trục trặc” trong đời cũng dẫn tôi về cội nguồn đó để so mình trong dòng đời từ cái thiện gốc rễ mà “chuẩn lại”, làm mình trong sáng hơn và tốt hơn.

Ngày 11/3/1955 là khởi đầu tôi thực sự được sống cùng cha sau 9 năm kháng chiến. Hôm đó người cậu ruột tôi, cậu Nguyễn Minh Trai, đón anh em tôi từ Thanh Hóa ra Hà Nội. Xích lô đi từ Bến xe Kim Liên về số 71 phố Hàng Trống đã xế chiều hôm đó. Cơm tối xong, cha tôi dắt hai anh em ra bên ngoài, đi theo con dốc phố Bảo Khánh đến Bờ Hồ, ngồi ở một ki-ốt bên kia đường, ngoảnh mặt ra Hồ Gươm chuyện trò, ăn kem và bánh quế.

Cũng nói thêm, đó cũng là ngày đầu tiên tôi được ăn kem. Ông giảng giải cho chúng tôi về tên gọi Hồ Gươm và thú vị nhất là cái tàu điện chạy phía bên kia Hồ với tiếng kêu két két, leng keng trong cái buổi tối tĩnh mịch hôm đó. Ông nói rằng tiếng kêu ken két là do bánh xe tàu cọ sát với đường ray mà có. Tàu điện chạy trên đường sắt.

Đêm đó tôi mất ngủ, nôn nóng muốn được xem cái đường sắt đó như thế nào. Cũng nói thêm rằng, khi chúng tôi ra Hà Nội, mẹ vẫn còn dạy nốt năm học 1954-1955 ở Thiệu Hóa (Thanh Hóa), còn chị Lam tôi đi cùng bà vào tháng 11 năm trước ra Hà Nội ở cùng gia đình bác Bửu.

Chủ nhật đầu tiên ở Hà Nội, cha tôi chở xe đạp hai anh em lên thăm bà và chị, thăm hai bác Bửu và chơi với các anh chị nhà bác. Gia đình bác tôi lúc đó ở số 2 Hoàng Diệu cùng với bác Hoàng Anh. Trên xe đạp, tôi ngồi trước trên gióng ngang, Điền ngồi sau ôm chặt lấy cha tôi.

Chủ nhật đầu tiên ở Hà Nội, cha tôi chở xe đạp hai anh em lên thăm bà và chị, thăm hai bác Bửu và chơi với các anh chị nhà bác. Gia đình bác tôi lúc đó ở số 2 Hoàng Diệu cùng với bác Hoàng Anh. Trên xe đạp, tôi ngồi trước trên gióng ngang, Điền ngồi sau ôm chặt lấy cha tôi.

Được mấy hôm, cha tôi xin học cho tôi. Tôi còn nhớ chú Lê Vân (chồng cô Dung) cùng làm ở báo dẫn tôi sang Trường Nguyễn Du ở đường Lý Thái Tổ xin cho tôi vào trường. Thời đó xin học dễ lắm và không có phiền hà hay thủ tục phức tạp gì. Thế là tôi vào học lớp Nhì ở đó, với cô Chỉnh, vợ bác Phan Anh là chủ nhiệm, được mấy tháng hết năm học, tôi lên lớp Nhất, tôi không nhớ lớp A, B, C gì nhưng là lớp Nhất mà thầy Sửu chủ nhiệm.

Thầy Sửu trạc tuổi cha tôi, ông là một người thầy “thoáng qua” thời tiểu học ở Hà Nội mà tôi quý. Thương học trò và mô phạm đúng như sau này tôi hiểu là đức tính một ông thầy nội thành “lưu dung” hồi ấy.

Hồi đó, sau giờ tan trường, tôi lại về với cha tôi, ba cha con đến bữa lại quay quần ăn cơm “trung táo” ở bếp tập thể Báo Nhân Dân ngày hai bữa. Cũng hồi đó, tôi đã biết tự hào về uy tín cha tôi trong tòa soạn, thấy sự bận bịu công việc của ông và thấy sự cư xử với nhau chí tình cùng các bác, các chú trong cơ quan báo. Lại một việc nữa ảnh hưởng đến sự trưởng thành của tôi sau này!

Nhớ cha tôi, nhà báo Quang Đạm ảnh 2

Những ngày cuối đời đau yếu của cha tôi, bận công việc tôi không được gần gũi chăm sóc ông nhiều. Mỗi ngày tôi về thăm ông sau giờ làm việc, vẫn thấy cha tôi cười với tôi mà mát lòng, dù biết rằng ông rất cố gắng. Cố gắng đến tận ngày đi.

Rồi một ngày cận kề năm mới 2000, đôi môi khép cứng lại, che hai hàm răng đều tăm tắp của ông, hàng mi nhắm nghiền, cái đài cát-xét Sony vẫn nhẹ nhàng êm dịu những điệu ca ví dặm quê nhà, những điệu hò Huế mà em tôi mở sẵn. Tôi chắc cha tôi biết tôi đến, đang ngồi bên ông, và chắc ông muốn mỉm cười…

Rồi một ngày cận kề năm mới 2000, đôi môi khép cứng lại, che hai hàm răng đều tăm tắp của ông, hàng mi nhắm nghiền, cái đài cát-xét Sony vẫn nhẹ nhàng êm dịu những điệu ca ví dặm quê nhà, những điệu hò Huế mà em tôi mở sẵn. Tôi chắc cha tôi biết tôi đến, đang ngồi bên ông, và chắc ông muốn mỉm cười…

Rồi ngày định mệnh ấy đến trong sự xót thương của con cháu chúng tôi. Ông vào viện nửa ngày và ra đi hẳn. Không biết gì nữa, để lại cõi đời sang năm mới, sang thập kỷ và thiên niên kỷ mới lại cho con cháu, bạn bè và đồng chí một thời của mình.

Cha tôi đã ra đi cùng mẹ, bà, bác tôi và các đồng chí, đồng nghiệp của ông, những người của thế kỷ hai mươi về trước.

Đó là vào ngày 31/12/1999.

back to top