“Trọng tài” VAR: Hữu dụng hay gây tranh cãi?

NDO -

Gần đây, ồn ào sau những trận bóng của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup đều xoay quanh vấn đề VAR. Vốn được ra đời với mục đích giảm thiểu tranh cãi, tuy nhiên, sau khi được áp dụng trong bóng đá, VAR lại mang cái tên không mấy thân thương - "kẻ thù của bóng đá".

Công nghệ VAR được FIFA sử dụng. (Ảnh: FIFA)
Công nghệ VAR được FIFA sử dụng. (Ảnh: FIFA)

VAR (hay còn gọi là Video Assistant Referee) là công nghệ tiên tiến hỗ trợ trọng tài trong suốt trận đấu bóng đá thông qua video quay chậm ở nhiều góc quay khác nhau. Công nghệ VAR được sử dụng lần đầu tiên tại Confederations Cup - Cúp Liên đoàn châu lục trước khi chính thức ra mắt trong vòng chung kết World Cup 2018.

Công nghệ này có đóng góp không nhỏ vào hàng loạt các quyết định của trọng tài trong trận đấu: Xác định bàn thắng và trường hợp dẫn đến bàn thắng, có phạt đền hay không; xác định lỗi và danh tính cầu thủ phạm lỗi để rút thẻ phạt; nhận diện các sai lầm của trọng tài. Chính vì vậy, công nghệ VAR được xem là một cuộc cách mạng thật sự trong thế giới bóng đá. Dù vậy, kể từ khi công nghệ này được áp dụng, nó lại sinh ra hàng loạt những cuộc tranh cãi khác nhau.

VAR ra đời - công bằng hay tranh cãi?

VAR ra đời và được kỳ vọng là sẽ đem lại sự công bằng tuyệt đối cho môn thể thao vua. Thế nhưng, trong cuộc khảo sát tại Premier League (Ngoại hạng Anh) gần đây cho thấy chỉ có 26% cổ động viên ủng hộ việc tiếp tục sử dụng VAR. Tuy nhiên lại có đến 95% cổ động viên cho rằng công nghệ này khiến các trận đấu trở nên nhàm chán và thiếu đi tính hấp dẫn.

Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ của các cuộc tranh cãi xoay quanh VAR. Các trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ ba World Cup khu vực châu Á cũng vấp phải nhiều tranh cãi bởi chính công nghệ này. Các trọng tài sử dụng VAR kiểm tra đi kiểm tra lại bàn thắng của Tiến Linh nhưng lại phớt lờ đi tình huống bị phạm lỗi của Quang Hải trong vòng cấm trong trận đấu với đội tuyển Oman… 

“Công nghệ VAR thực sự mới so với bóng đá Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Về sự thử nghiệm VAR, trên thế giới, người ta đã áp dụng cho các giải đấu lớn như World Cup hay EURO. Tranh luận xảy ra rất nhiều, giữa các vận động viên, giữa đối thủ, giữa trọng tài với khán giả, tất cả đều diễn ra xung quanh các thành tích đạt được. Việc ra đời công nghệ mới giống như “mắt thần” này, nó giúp cho cuộc chơi công bằng hơn. Còn đối với các trọng tài, họ cũng đỡ phải chịu áp lực”, cựu cầu thủ Hồng Sơn chia sẻ. 

Đồng tình với quan điểm của cựu cầu thủ Hồng Sơn, bình luận viên Quý Long cho rằng: “Dù sao trong bóng đá thì những quyết định của trọng tài bên cạnh luật thì còn có đôi chút cảm tính. Khi VAR bị lạm dụng quá nhiều thì nó cũng cần phải công bằng, phải có một quy định cụ thể để tạo ra sự đồng bộ nhất định, như vậy thì những tranh cãi hay ý kiến trái chiều sẽ giảm đi nhiều hơn”.

VAR ra đời với mục đích giảm đi tranh cãi, nhưng những cuộc tranh cãi vẫn nổ ra rất nhiều và thường xuyên. Một câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay: Liệu rằng VAR có đang đạt hiệu quả như sự kỳ vọng ban đầu mà nó sinh ra?

VAR đang dần “giết chết” cảm xúc bóng đá

Bóng đá nói riêng hay các môn thể thao nói chung, sự ăn thua, máu lửa, tranh cãi là gia vị không thể thiếu trong trận đấu, đối với cả giới cầu thủ cũng như người hâm mộ. Bóng đá không thể thiếu những pha chơi bóng tiểu xảo, điều đó tô thêm cho môn thể thao vua này có phần hấp dẫn hơn. Nhưng từ khi VAR được áp dụng, chúng ta dần không còn thấy được những pha “ăn vạ” tinh quái của Neymar hay những pha đánh nguội của “đồ tể” Ramos. VAR đang “lập trình” bóng đá, biến nó thành một trò chơi máy móc, khô khan, công nghệ này đang điều khiển và chi phối cảm xúc của các cầu thủ lẫn người hâm mộ.

Khi còn là cầu thủ, Hồng Sơn chia sẻ, những pha bóng trên sân đều do trọng tài quyết định, không như bây giờ, trọng tài có thể tham khảo VAR để nó trở nên khách quan hơn: “Những cái mới luôn có chiều hướng tích cực, ở bất cứ đâu cũng vậy, một khi đã quen với lối suy nghĩ cũ, lối chơi cũ,… tất cả đang theo một cái guồng rồi nên giờ chỉ cần chệch đi một chút thì đương nhiên là sẽ có người phản đối, có người ủng hộ; đó là xu hướng tất yếu. Do đó, chúng ta cũng nên dựa vào tình huống khách quan để làm sao cho bóng đá mang lại sự công bằng hơn cho các đội bóng, cho các cá nhân và cho khán giả”.

Đồng tình với ý kiến trên, bản thân bình luận viên Quý Long ủng hộ việc sử dụng, áp dụng VAR. Và nêu lên quan điểm rằng: “Tôi muốn là khi mà VAR được áp dụng thì nó cũng cần phải công bằng, tức là nó phải có một cái mặt bằng chung, một cái quy định cụ thể để cho tất cả các giải vô địch quốc gia ở bất cứ đâu trên thế giới. FIFA cần điều chỉnh luật để tần suất sử dụng VAR được đồng bộ hơn. Khi đó thì mọi tranh cãi hay là những ý kiến trái chiều nó sẽ giảm đi nhiều hơn”.

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong bất kỳ lĩnh vực nào, kể cả bóng đá cũng luôn có những lợi ích nhất định. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng và phụ thuộc vào chúng thì thể thao sẽ không còn là “sân chơi” do con người làm chủ, không mang lại được niềm vui và cảm hứng cho con người như mục đích ban đầu nữa. Vì vậy, cần phải có giải pháp để ứng dụng hợp lý công nghệ VAR trong tương lai.