Trọng tài quốc tế môn cầu lông Nguyễn Phạm Duy Anh, một trong ba trọng tài của Việt Nam được tham gia điều hành tại Olympic Tokyo 2020 cho biết: "Có tên trong danh sách 24 trọng tài quốc tế tham gia điều hành môn cầu lông tại Olympic Tokyo 2020 là vinh dự và tự hào của tôi. Chắc chắn, khi tham gia công việc ở Olympic năm nay, bản thân tôi sẽ có nhiều trải nghiệm vì đây là lần đầu Thế vận hội diễn ra mà không có khán giả xem trực tiếp tại nơi thi đấu". Ông Duy Anh đã vượt qua cuộc xét chọn từ Liên đoàn Cầu lông quốc tế (BWF) và đạt các tiêu chuẩn cần thiết để đến Tokyo trong tháng 7 này. Trước đây, trọng tài này cũng từng điều hành thi đấu tại Olympic Bắc Kinh năm 2008 ở Trung Quốc. Trong các kỳ Olympic trước đây, thể thao Việt Nam từng có nhiều trọng tài quốc tế góp mặt làm nhiệm vụ như trọng tài Vũ Xuân Thành ở môn taekwondo (tại Olympic năm 2000 và 2012), trọng tài Phạm Anh Tuấn tại môn đấu kiếm (Olympic năm 2008), trọng tài Trương Thế Toàn của môn bóng đá nam (Olympic năm 2004), trọng tài Phan Anh Tuấn môn bóng bàn (Olympic năm 2004), trọng tài Vương Trọng Nghĩa (môn Quyền anh các kỳ Olympic năm 2012 và 2016), trọng tài Bùi Ðình Cường ở môn Thể dục dụng cụ (Olympic năm 2012). Tại Olympic Tokyo 2020 sắp tới, trọng tài Bùi Ðình Cường tiếp tục vượt qua các vòng kiểm tra nghiêm ngặt của Liên đoàn Thể dục quốc tế (FIG) và được chọn mời điều hành tại Thế vận hội.
Các trọng tài điều hành tại Olympic phải là người có chuyên môn và đạt tiêu chuẩn quốc tế theo quy định tại từng Liên đoàn Thể thao quốc tế. Cựu trọng tài môn Quyền anh Vương Trọng Nghĩa từng hai lần tham gia điều hành tại Olympic, chia sẻ: "Việc tuyển chọn trọng tài đi Olympic không dễ dàng và qua khá nhiều bước như kỳ Olympic năm 2016 chẳng hạn, 300 trọng tài có chuyên môn và cấp quốc tế đã được bố trí tham gia điều hành tất cả các giải tiền Olympic để Liên đoàn Quyền anh quốc tế tuyển chọn ra 34 người xuất sắc nhất đến Brazil làm việc. Tôi là một trong 34 cái tên đó. Khi đã có mặt tại Olympic rồi, mình rất tự hào vì mầu cờ sắc áo bởi không phải nền thể thao nào cũng có trọng tài quốc tế được điều hành ở Thế vận hội. Hai lần liên tiếp được điều hành tại đại hội, tôi đều hoàn thành tốt nhiệm vụ". Trong khi đó, cựu trọng tài quốc tế môn taekwondo Ðào Quốc Thắng (hiện là Giám đốc Trung tâm Huấn luyện đào tạo vận động viên cấp cao của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) nhớ lại lần ông được chọn mời làm việc tại Olympic năm 2004 trong vai trò trọng tài điều hành. Ông Thắng kể rằng, để lọt vào danh sách các trọng tài quốc tế được dự Olympic thì ông phải vượt qua các bài kiểm tra thể lực, kiểm tra chuyên môn thực tế tình huống và điều hành đủ số giải quy định trước khi Olympic tranh tài do Liên đoàn Taekwondo quốc tế tổ chức. Thời gian tuyển chọn trọng tài kéo dài ba tháng. Hai kinh nghiệm quý nhất ông Thắng tích lũy cho mình sau trải nghiệm thực tế làm việc tại Olympic là học hỏi cách tổ chức khoa học và sự minh bạch công khai về điều hành chuyên môn từ những nhà quản lý môn võ thuật này trước quốc tế. Trọng tài quốc tế Vũ Xuân Thành ở môn taekwondo (hiện là Phó Vụ trưởng Thể thao thành tích cao 1 thuộc Tổng cục Thể dục - Thể thao) cũng là người được giới chuyên môn quốc tế nể trọng. Tại Olympic năm 2012 tại Anh, ông Thành là trọng tài điều hành và nhận vai trò quan trọng có quyền phủ quyết quyết định của trọng tài chính ngay trên sàn đấu.
Hiện tại, ba trọng tài quốc tế của Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày lên đường làm việc tại Olympic Tokyo 2020. Trọng tài quốc tế Nguyễn Phạm Duy Anh chia sẻ thêm: "Một năm qua cầu lông quốc tế không có nhiều giải đấu vì tác động của dịch Covid-19 cho nên chuẩn bị trực tiếp có mặt điều hành trên sân đấu thì tôi cũng hồi hộp. Tuy nhiên, tôi cố gắng hoàn thành cao nhất chuyên môn để tự hào rằng trọng tài cầu lông Việt Nam không thua kém bất kỳ trọng tài quốc gia nào". Cả ba trọng tài dự Olympic Tokyo 2020 được ban tổ chức Thế vận hội lo toàn bộ kinh phí và không phụ thuộc vào kinh phí của Ðoàn Thể thao Việt Nam.