"Nhịp cầu" văn hóa - thông tin đến bà con dân tộc thiểu số Lào Cai

Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Chính phủ đã được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai hiệu quả. Trong đó, Lào Cai là tỉnh điển hình đưa văn hóa, thông tin về cơ sở, góp phần xây dựng khối đoàn kết dân tộc, bài trừ các hủ tục lạc hậu, nâng cao đời sống, văn hóa cho người dân.

Múa Sinh tiền trong Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông ở huyện Bắc Hà (Lào Cai).
Múa Sinh tiền trong Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông ở huyện Bắc Hà (Lào Cai).

Trước kia, để vào thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương phải mất mấy giờ đồng hồ vì đường vào thôn khúc khuỷu toàn ổ trâu, ổ bò, mưa một tí là lầy lội, khó đi. Từ khi huyện phát động phong trào toàn dân tham gia làm đường giao thông nông thôn, các tuyến đường vào thôn, bản được bê-tông hóa, xe máy, ô-tô chở hàng đến tận bản, hàng hóa giữa các vùng được thông thương, cho nên đời sống của người dân được nâng cao. Ngoài ra, đội thông tin, chiếu bóng của tỉnh, huyện về lắp đặt hệ thống phát thanh cho thôn, cung cấp thông tin hằng ngày cho bà con. Người dân trong thôn phấn khởi khi được tiếp nhận kịp thời các thông tin thời sự, chính sách của Ðảng, Nhà nước gắn với lợi ích của chính người dân.

Trưởng thôn Cốc Phương Thào Thắng cho biết, trước kia, bà con chúng tôi không có điều kiện để tiếp cận thông tin, nhất là những thông tin liên quan đời sống, văn hóa. Muốn tìm hiểu, người dân trong bản phải ra tận UBND xã hỏi cán bộ. Từ khi được lắp đặt hệ thống loa truyền thanh, ngoài kịp thời được biết đến tình hình thời sự trong và ngoài nước, đồng bào vùng sâu, vùng xa chúng tôi còn được nghe những thông tin về tình hình phát triển của huyện, xã và các chủ trương, chính sách của Trung ương đến với người dân một cách thiết thực nhất.

Ðến nay, chương trình đưa văn hóa, thông tin về cơ sở đã được các huyện miền núi Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương của Lào Cai triển khai hiệu quả như xây dựng nhà văn hóa, điểm bưu điện - văn hóa xã và tủ sách pháp luật cộng đồng. Ngoài ra, tỉnh còn nghiên cứu, bảo tồn, giới thiệu văn hóa văn nghệ dân gian, văn hóa phi vật thể; duy trì và phát triển nghề thủ công truyền thống, khôi phục các làn điệu dân ca, dân vũ, các loại nhạc cụ, trang phục truyền thống và dụng cụ lao động sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng dân tộc. Ngoài việc đưa văn hóa, thông tin về cơ sở ở Lào Cai, ngành văn hóa tỉnh còn quan tâm đến một số vấn đề cần khảo sát, nghiên cứu, bảo tồn các di sản của từng tộc người trên các làng, bản. Căn cứ vào tính chất, loại hình, giá trị của các di sản văn hóa để từ đó đề xuất phương án bảo tồn cho phù hợp điều kiện thực tế và tập trung tổ chức xây dựng làng, bản văn hóa làm mẫu rồi nhân rộng mô hình đến vùng sâu, vùng xa, miền núi cao.

Thực tế ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa tỉnh Lào Cai hiện nay, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại và là một trong những yếu tố kìm hãm sự phát triển đời sống của bà con. Tình trạng lãng phí trong các ngày lễ hội còn kéo dài, nhất là trong đám cưới, đám tang, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống mang tính phổ biến. Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Bát Xát Bùi Thị Tuyết cho biết: Ðưa văn hóa, thông tin lên vùng cao là công việc cần thiết của các cấp, các ngành trong tỉnh, tạo cơ hội giúp bà con dân bản tiếp thụ văn hóa mới, bỏ dần những tập tục lạc hậu. Trong các chương trình chiếu phim của các đội chiếu bóng lưu động đã lồng ghép các phóng sự về vệ sinh môi trường, phòng, chống tệ nạn xã hội, các điển hình tiên tiến. Ngoài ra, còn lồng ghép tuyên truyền bằng tiếng dân tộc để tuyên truyền những phong tục, tập quán lạc hậu không cần thiết để giúp đồng bào dân tộc thiểu số hiểu và từ bỏ dần.

Chúng tôi về xã vùng cao Bản Phố, huyện Bắc Hà gặp Trưởng thôn Bản Phố 23 Giảng Seo Sẩu, ông chia sẻ, cán bộ tỉnh, huyện về tổ chức chiếu bóng phục vụ dân bản, ngoài việc đưa ánh sáng văn hóa về cho đồng bào, cán bộ còn hướng dẫn cho dân bản kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt. Dân bản chúng tôi vui và phấn khởi lắm. Ðến nay, người dân Bản Phố đã biết cách canh tác mùa vụ hợp lý, chăn nuôi gia súc, gia cầm để kinh doanh cho nên cuộc sống của đồng bào khấm khá hơn trước nhiều rồi. Ðồng bào không đi vào rừng phát nương làm rẫy nữa. Muốn tìm tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi thì vào điểm bưu điện - văn hóa xã tìm tài liệu để học hỏi về tự áp dụng làm kinh tế gia đình, tiện lắm, không phải đi đâu xa nữa.

Tỉnh Lào Cai đã xây dựng đề án đưa thiết chế văn hóa đi vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số và gắn với thực hiện Quyết định số 449/QÐ-TTg ngày 12-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai Nguyễn Thị Tố Uyên cho biết: Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở. Mặc dù hạ tầng cơ sở còn thiếu, nguồn lực còn hạn chế, nhưng ngành văn hóa, thông tin và du lịch tỉnh vẫn khắc phục những khó khăn để phục vụ đồng bào sao cho hiệu quả nhất. Bên cạnh công tác tuyên truyền qua chiếu bóng, còn được kết hợp thông qua nhiều hình thức khác nhau như biểu diễn văn nghệ quần chúng phục vụ trực tiếp cho bà con, tuyên truyền trực quan bằng pa-nô, áp-phích, băng-rôn, khẩu hiệu, bảng tin, nhất là tuyên truyền bằng hình thức truyền thanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Thời gian qua, việc đầu tư nâng cấp hệ thống đài truyền thanh và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ đài truyền thanh thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã phần nào đáp ứng được mong mỏi của nhân dân và chính quyền địa phương. Chương trình mục tiêu đưa văn hóa, thông tin về cơ sở của tỉnh Lào Cai trong thời gian qua đã góp phần nâng cao dân trí, tạo môi trường văn hóa mới cho đồng bào các dân tộc.