Nhìn lại 2021 - Những chuyển hướng chiến lược

NDO -

Chiều 4/1, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Nhìn lại 2021-Những chuyển hướng chiến lược" nhằm phân tích, đánh giá về những chính sách mang tính chuyển hướng chiến lược trong phòng, chống dịch Covid-19, nhất là Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, các dấu ấn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm qua, đặc biệt là suy nghĩ và nhận định về triển vọng năm 2022 cũng như các năm tiếp theo.

Tọa đàm "Nhìn lại 2021 - Những chuyển hướng chiến lược". (Ảnh: VGP).
Tọa đàm "Nhìn lại 2021 - Những chuyển hướng chiến lược". (Ảnh: VGP).

Tham dự Tọa đàm có các vị khách mời: TS Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ; Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành, nhất là đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 tại Việt Nam với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, buộc chúng ta phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận gần 1,7 triệu ca mắc Covid-19; hơn 31.000 người tử vong. Do nhiều địa phương trọng điểm phải giãn cách xã hội, nền kinh tế bị “ngấm đòn Covid-19”, GDP năm 2021 chỉ đạt 2,58%, mức tăng thấp nhất trong thập kỷ qua.

Với quan điểm nhất quán là đặt sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, Chính phủ đã ban hành một loạt quyết sách chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch như: Chiến lược vaccine; tiếp cận toàn dân, lấy xã phường làm pháo đài; điều động lực lượng quân đội, công an vào hỗ trợ các tỉnh phía nam; từ chính sách “không Covid-19” chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế… từ đầu tháng 10/2021 chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từng bước mở cửa trở lại. Nhờ đó, kinh tế đất nước từ mức tăng trưởng âm trong quý III (-6,02%) đã khởi sắc trong quý IV (+5,22%) với nhiều điểm sáng. Tăng trưởng năm 2021 ước chỉ đạt 2,58% nhưng theo đánh giá của Tổng cục Thống kê thì đây vẫn là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh.

Tại Tọa đàm, các khách mời đã chi sẻ ý kiến, phân tích, đánh giá về những chính sách mang tính chuyển hướng chiến lược trong phòng, chống dịch Covid-19, nhất là Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, các dấu ấn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm qua:

TS Nguyễn Sỹ Dũng: Dù hiện nay tỷ lệ F0 tăng nhưng hoàn toàn có thể nói chắc chắn rồi chúng ta sẽ khống chế được dịch bệnh. Bởi vì không có chuyện cơ sở y tế của chúng ta quá tải, không có chuyện hoảng loạn trong dân chúng, kinh tế hoạt động bình thường, giao lưu hàng hoá bình thường… Chúng ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng khi chuyển hướng chiến lược, để phục hồi nền kinh tế phát triển tiếp. Nhìn lại chúng ta thấy trong năm 2020, chúng ta đã làm rất tốt việc chống dịch nhưng năm 2021, biến chủng Delta đã làm thay đổi tất cả. Có nhiều ý kiến cho rằng, tình thế thay đổi nhưng chúng ta chậm thay đổi, ví dụ chúng ta vẫn sử dụng những biện pháp cứng nhắc khi dịch đã bùng phát ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, dồn F1, F0 vào các khu cách ly tập trung dẫn đến quá tải trong hệ thống điều trị ở tất cả các tuyến… Chiến lược xét nghiệm rộng và nhiều cũng còn có những ý kiến băn khoăn về hiệu quả, cân đối giữa hiệu quả và chi phí...

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta là một bệnh truyền nhiễm mới nổi, chúng ta vừa nghiên cứu vừa đưa những giải pháp, biện pháp phù hợp, hiệu quả cho đất nước ta. Với tinh thần như vậy, mỗi giai đoạn chúng ta nghiên cứu, kể cả kinh nghiệm của các nước và thực tế công tác phòng, chống dịch của chúng ta, để đưa ra những giải pháp phù hợp cao nhất. Ngay từ đầu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chiến lược với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Căn cứ vào tình hình thực tế, Chính phủ điều chỉnh phương thức chống dịch phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, nhất là ở đợt dịch lần thứ tư. Chúng ta đã lấy mỗi xã phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ. Tôi cho rằng đây là điều chỉnh đúng thời điểm, phù hợp với thực tiễn. Kết quả, với những biện pháp phù hợp ở từng giai đoạn, từng địa phương, chúng ta khẳng định rằng Việt Nam cơ bản khống chế được dịch với biến chủng Delta.

Cùng với đó, chúng ta đưa ra những giải pháp theo tình hình đất nước và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tham khảo kinh nghiệm của các nước. Khi xuất hiện biến chủng Delta, chúng ta tiếp tục nghiên cứu và phân loại, điều chỉnh hợp lý từ sớm, từ xa để giảm thiểu từ bệnh nhân nhẹ sang bệnh nhân nặng, giảm thiểu tỉ lệ tử vong. Chúng ta tổ chức phân tầng điều chỉnh, tiếp nhận điều trị bệnh nhân từ nhẹ đến nặng dưới sự hỗ trợ của chuyên môn phân tầng. Chúng ta đã huy động được sự tham gia của lực lượng y tế ở tất cả các tầng, chúng ta thiết lập các trạm y tế lưu động, công lập, tư nhân, hỗ trợ từ xa cho người nhiễm… giảm tỷ lệ lây nhiễm, giảm tỷ lệ chuyển từ bệnh nhân nhẹ sang nặng.

TS Nguyễn Sỹ Dũng: Giai đoạn đầu chúng ta chống dịch theo phương châm Zero Covid, đó là mô thức chống dịch giúp chúng ta thành công trong năm 2020. Có ý kiến cho rằng, chúng ta dùng mô thức cũ trong tình hình mới không hiệu quả, cứng nhắc, tạo những hệ lụy. Tôi thấy ý kiến đó chúng ta cần nói đi nói lại ở chỗ, ta dùng cái đó khi chúng ta là nước tiêm chủng ít nhất. Nếu chúng ta đưa ra phương châm sức khỏe người dân là trên hết, là quý giá nhất thì chúng ta phải có những biện pháp cực kỳ mạnh để không lây lan và không ảnh hưởng sức khỏe người dân. Nếu tiêm đầy đủ, phủ rộng rồi thì có thể hành xử theo cách khác. Khi dịch bùng phát thì thực tế chúng ta mới có những lô đầu tiên về, lúc đó mới bắt bầu khởi động chiến dịch vaccine, ngoại giao vaccine và tất cả. Và khi có vaccine để tiêm, chúng ta là một trong những nước tiêm vaccine nhanh và nhiều nhất thế giới. Rõ ràng, chuyển hướng chiến lược đã mang lại thành công.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Chúng tôi khẳng định, thời điểm chuyển chiến lược là hết sức phù hợp. Như chúng tôi phân tích, đây là bệnh truyền nhiễm mới nổi, ngay cả WHO cũng khuyến cáo chúng ta vừa làm vừa nghiên cứu, vừa đưa ra giải pháp phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, bệnh truyền nhiễm do virus thì biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả nhất là tiêm vaccine. Ngay từ đầu, khi dịch Covid-19 bùng phát, các nước trên thế giới và Việt Nam đã và đang rất tích cực nghiên cứu, tìm tòi đưa ra vaccine phòng, chống dịch. Trong quá trình chúng ta tìm tòi như vậy, để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng, giảm thiểu khả năng lây nhiễm, khả năng chuyển từ bệnh nhân nhẹ sang bệnh nhân nặng, chúng ta sử dụng chiến lược Zero Covid. Tôi cho rằng, thời điểm đó chúng ta sử dụng chiến lược này là hoàn toàn phù hợp.

Đến khi chúng ta tổ chức tiêm vaccine với độ bao phủ cao nhất, chúng ta cũng đồng thời bắt đầu chuyển hướng, ý thức của người dân bắt đầu nâng lên. Theo dự báo của WHO, trong năm 2021-2022, chúng ta chưa thể kiểm soát được hết tình hình dịch có nguy cơ bùng phát. Thực tế đã xuất hiện chủng mới Omicron. Nhưng chúng ta đã bao phủ vaccine đạt tỷ lệ mũi 1 cho người trưởng thành hơn 99%, mũi 2 cho người trưởng thành trên 90%. Như vậy, độ bao phủ vaccine của chúng ta bảo đảm đạt miễn dịch cộng đồng.

Tôi cho rằng, đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển hướng từ Zero Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt là đúng với tình hình phòng, chống dịch của chúng ta. Đến nay, chiến lược này là phù hợp và đang mang lại hiệu quả cho cả hai lĩnh vực vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ: không có giải pháp chung, đồng nhất chống dịch cho tất cả các nước hay tại một nước cũng không có giải pháp chung cho các tỉnh mà phải tùy thuộc điều kiện của từng nơi. Chính vì vậy, nhìn lại công tác phòng, chống dịch xuyên suốt của nước ta, có 3 điểm nổi bật:

Một là, chúng ta cũng học hỏi kinh nghiệm chống dịch từ các nước, đặc biệt là các giải pháp phổ biến. Để chống dịch, quan trọng là phải có vaccine và thuốc điều trị.

Thứ hai là, chúng ta phải dựa vào các đặc điểm, điều kiện rất đặc thù, cụ thể. Chúng ta cũng có một số lợi thế trong công tác phòng, chống dịch, ví dụ như hệ thống chính trị của chúng ta bảo đảm sự chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất trên toàn quốc; tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái đã giúp chúng ta có những giải pháp dựa vào cộng đồng rất tốt.

Thứ ba, chúng tôi cho rằng rất quan trọng là, đại dịch này chưa có tiền lệ và các giải pháp đưa ra là để thử nghiệm, có sự điều chỉnh linh hoạt.

Có thể nói rằng, đến nay suốt gần 2 năm chống dịch, chúng ta có thể rút ra nguyên tắc hết sức quan trọng về phòng, chống dịch Covid-19, đó là: Y tế là trụ cột; kinh tế là cơ sở; ổn định an ninh, xã hội là trọng yếu, thường xuyên; công nghệ, dữ liệu là vấn đề then chốt; vaccine, thuốc điều trị, ý thức cộng đồng là tiên quyết và sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất. Có thể nói công thức phòng, chống dịch của chúng ta có 6 nguyên tắc này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ khái quát lại và đã đưa ra trong một số hội nghị.

Đây là ý rất quan trọng để khẳng định rằng, chúng ta chuyển trạng thái có chậm không. Thời điểm chúng ta có quyết định sống chung với dịch bệnh, đó là khi chúng ta có đủ nguồn vaccine, có đủ điều kiện về dịch tễ để chúng ta tự tin bước vào giai đoạn bình thường mới vừa sản xuất, vừa chống dịch, vừa bảo đảm sức khỏe của người dân. Chúng tôi cho rằng, đây là phương án vừa kịp thời, vừa đúng lúc.

Trung tướng Ngô Minh Tiến: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam diễn biến phức tạp, biến chủng Delta lây lan rất nhanh và sâu trong cộng đồng, đặc biệt là số ca tử vong ngày càng tăng nhanh. Đối với TP Hồ Chí Minh với hơn 10 triệu dân và các tỉnh phía nam, quả là khó khăn, cho nên các địa phương phía nam có đề nghị Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, áp dụng các biện pháp theo luật định nhằm kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Theo tôi đây là đề nghị hết sức cân não, không chỉ cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ mà còn cho các cơ quan, bộ, ngành, chức năng.

Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ nhận thấy có mấy vấn đề cần phải quan tâm, sau nhiều lần họp và làm việc trực tiếp với các địa phương, nhất là các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước về công tác phòng, chống dịch và thực tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, cụ thể:

Thứ nhất, nếu áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam thì sẽ rất khó khăn cho công tác kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, bởi với thành phố đông dân như thế, không có lực lượng nào bảo đảm được việc giãn cách xã hội, phường giãn cách phường, nhà giãn cách nhà.

Thứ hai, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là nhu yếu phẩm cho người dân.

Thứ ba, hệ thống y tế của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam không đủ sức để bảo đảm phân tầng điều trị và giải quyết các vấn đề về xét nghiệm và chữa trị cho các bệnh nhân theo phân tầng điều trị như hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tôi thấy đề nghị của các địa phương cũng có lý do của họ. Bên cạnh đó, nếu như áp dụng các biện pháp khẩn cấp để kiểm soát dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm của người dân lúc bấy giờ. Chưa kể đến tác động xấu đến dư luận của khu vực và quốc tế. Theo tôi, nếu ta ban bố tình trạng khẩn cấp thì các thế lực thù địch sẽ lợi dụng xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch.

Trên cơ sở cân nhắc và phân tích các yếu tố, sự tham mưu của Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng, bám sát vào mục tiêu đặt ra, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng đã ra quyết định rất kịp thời, sáng suốt, quyết đoán, tức là sử dụng một lực lượng có lựa chọn, chủ yếu là y tế, quân đội, công an để chi viện cho các tỉnh phía nam tham gia phòng, chống dịch. Với tinh thần chống dịch như chống giặc, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành, chức năng, nòng cốt là Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã điều động một lực lượng, phương tiện lớn chưa từng có kể từ sau chiến tranh.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tất cả các lực lượng đều hăng hái lên đường chi viện cho miền nam với tinh thần “Tất cả vì miền nam ruột thịt”. Đây chính là quyết định có tính bước ngoặt để sau đó chúng ta trong một thời gian ngắn (3 tháng, nhiều nơi trên thế giới phải mất 6 đến 9 tháng) đã kiểm soát, ổn định tình hình dịch bệnh.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 có ý nghĩa rất quan trọng cả trong chống dịch và phát triển kinh tế. Có thể nói, Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. Trong thời gian cả năm 2020 và 2021, từ đợt dịch đầu tiên đến đợt dịch thứ 3, thứ 4 bùng phát, những chiến lược chống dịch mà Chính phủ đưa ra phù hợp và hiệu quả với từng giai đoạn chống dịch. Vậy thì thời điểm Nghị quyết 128 mà Chính phủ đưa ra đã chín muồi chưa? Tôi cho rằng, Nghị quyết 128 ra đời rất phù hợp, không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn vì phụ thuộc vào mức độ tiêm chủng, mức độ bao phủ vaccine trên toàn quốc. Với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ thì việc tiêm vaccine cho nhân dân chính là đưa cho nhân dân vũ khí chống giặc. Bên cạnh đó, Nghị quyết 128 cũng không nên muộn hơn bởi quyết sách này của Chính phủ đã đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân khi họ phải trải qua quãng thời gian rất dài giãn cách xã hội do đợt dịch lần thứ 4 bùng phát. Về kinh tế, tôi cho rằng Nghị quyết 128 có ý nghĩa then chốt trong việc đảo chiều kết quả kinh tế năm 2021. Nhờ có Nghị quyết 128 chúng ta mới có sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay.

Chúng ta thấy rằng, ngay từ năm 2020 và năm 2021, rất nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài đã đề cập đến mô hình phục hồi theo hình chữ V hay hình chữ U để mô tả khả năng một nền kinh tế có thể quay lại sau khi chịu tác động của dịch Covid-19. Phải nói rằng, nhờ việc ban hành Nghị quyết 128, qua rà soát về số liệu GDP theo quý của năm 2021, có thể thấy rằng diễn biến từ quý II, III và IV, mô hình phục hồi đúng là hình chữ V. Chúng ta có thể thấy được mức giảm của quý III rất sâu, hơn -6% nhưng đến quý IV đã phục hồi trở lại hơn 5,22%. Mô hình phục hồi này cũng cho thấy sức bật của nền kinh tế nước ta rất khả quan, chỉ cần có điều kiện cụ thể để các hoạt động kinh tế quay trở lại là lập tức sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Rà soát qua mấy động lực tăng trưởng kinh tế…