Nhìn đa chiều về lãi suất

NDO -

Duy trì mặt bằng lãi suất thấp hiện tại để chia sẻ áp lực lạm phát hay đảo chiều chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế là câu hỏi đang đặt ra cấp bách trong thời điểm hiện nay. Diễn đàn Phát triển thị trường vốn: Cơ hội trong kỷ nguyên mới, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức sáng 30-3, đã cung gấp góc nhìn toàn cảnh về thị trường vốn cũng như giải pháp huy động vốn hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Toàn cảnh Diễn đàn phát triển thị trường vốn.
Toàn cảnh Diễn đàn phát triển thị trường vốn.

Quy mô tín dụng bằng 146% GDP

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế T.Ư cho rằng, từ cuối tháng 4-2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện hàng loạt biện pháp hỗ trợ như: Nới lỏng tiền tệ, liên tục hạ các lãi suất điều hành, tăng mua ngoại tệ; ban hành các chính sách hỗ trợ các ngân hàng thương mại, DN và người dân giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ..., qua đó góp phần giảm áp lực chi phí cho DN trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Nhờ các yếu tố trên, tăng trưởng tín dụng bắt đầu tăng trở lại. Cụ thể, đến cuối quý I-2020, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,31% nhưng cuối quý II-2020 đã tăng dần lên 3,65% và đến cuối năm 2020 tăng lên 12,13%.

Mức tăng tín dụng cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế (4,2% theo GDP danh nghĩa), một phần là do các khoản cho vay trong năm được phép gia hạn, giãn nợ theo các chương trình hỗ trợ của NHNN, do đó các khoản này chưa quay lại hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, khoảng cách tốc độ tăng trưởng tín dụng và GDP danh nghĩa lên đến gần tám điểm phần trăm cho thấy, dường như tín dụng chưa thực sự đi vào nền kinh tế và hiệu quả tín dụng đối với nền kinh tế là đang kém đi (trong những năm gần đây, tốc độ tăng tín dụng chỉ cao hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa khoảng 3%).

Một đặc điểm đáng lưu ý của thị trường tiền tệ năm 2020 là mặc dù lãi suất huy động giảm liên tục, nhưng huy động vốn vẫn liên tục tăng và tăng vượt tốc độ tăng tín dụng khoảng hơn hai điểm phần trăm. Điều này một mặt giúp cho các ngân hàng thương mại tăng thanh khoản và giảm chi phí vốn huy động, mặt khác cũng làm cho tốc độ tăng tổng các phương tiện thanh toán tăng nhanh, trong khi tổng cầu vẫn suy yếu.

“Lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng ở Việt Nam vẫn đang ở mức cao so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như: Trung Quốc, Thái Lan…, làm giảm năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam. Đồng thời, tạo rào cản phát triển cho các thị trường vốn khác. Hiện, Việt Nam có đủ điều kiện (dòng vốn ngoại tệ thặng dư liên tục, áp lực lạm phát thấp, vốn nước ngoài đổ vào trong nước tăng nhanh, …) để có thể thực hiện chính sách tiền tệ lãi suất thấp mà không quá quan ngại đến các yếu tố vĩ mô khác”, ông Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.

Ở góc nhìn của một chuyên gia kinh tế độc lập, TS Cấn Văn Lực lại cho rằng, phép so sánh mặt bằng lãi suất của Việt Nam với một số nước trong khu vực là hơi khập khiễng, vì phải so sánh lãi suất cho vay thực đã cấn trừ lạm phát và một số yếu tố khác.

TS Cấn Văn Lực chỉ ra bốn nguyên nhân khiến lãi suất của Việt Nam cao. Một là, lạm phát của Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới. Hai là, rủi ro nền kinh tế và rủi ro của DN Việt Nam rất cao vì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB trong khi Indonesia đã được đánh giá mức BBB, Trung Quốc đã gần lên mức A. Rủi ro cao thì lãi suất phải cao, và đây là lý do quan trọng nhất khiến mặt bằng lãi suất Việt Nam cao.

Ba là, chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra của một số nước trong khu vực ở mức hơn 3%, nhưng tại Việt Nam chỉ khoảng 2,6%. Và cuối cùng, lãi suất đầu vào khó giảm xuống vì người gửi tiết kiệm luôn kỳ vọng lãi suất cao, nếu điều chỉnh giảm sẽ khiến dòng tiền dịch chuyển.

“Tôi không cho rằng thời điểm này nên giảm lãi suất. Cần có cái nhìn khách quan hơn đầy đủ hơn về vấn đề này. Tín dụng năm 2020 vẫn tăng trưởng 12% đến 13% cho thấy đã ở mức hợp lý. Nếu tiếp tục giảm lãi suất, dòng tiền sẽ dịch chuyển kênh đầu tư, gây áp lực lên lạm phát. Năm 202, giá dầu thô dự báo tăng 30%, là yếu tố tác động lớn đến lạm phát rồi”, TS Cấn Văn Lực phân tích.

Theo vị chuyên gia, quy mô dư nợ tín dụng/GDP vào thời điểm cuối năm 2020 đã ở mức 146% GDP, là mức cao so với mức độ phát triển của nền tài chính.

Còn theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, năm 2021 nên cố gắng không đảo chiều chính sách tiền tệ, tức không tăng lãi suất. Hiện, một số ngân hàng đang rục rịch tăng lãi suất trước chiều tăng lạm phát nhằm giữ tiền gửi và chuẩn bị nguồn vốn cho vay khi hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh trở lại. Nhưng theo TS Võ Trí Thành, mặt bằng lãi suất như hiện nay đã là nỗ lực cho năm 2021 ngay cả khi đà phục hồi diễn ra nhanh hơn.

Đa dạng các hình thức huy động bổ sung vốn

Theo các diễn giả, hiện nay, nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế khá lớn, lãi suất huy động của ngân hàng giảm, lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm sâu là điều kiện rất thuận lợi để phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong bối cảnh mới.

Tuy nhiên, do quá trình phục hồi của nền kinh tế còn nhiều yếu tố bất định nên lực đẩy trên thị trường vẫn còn yếu. Trong giai đoạn tới, TTCK cần tiếp tục tập trung các giải pháp nhằm mục tiêu chính là phát triển theo chiều sâu, nâng cao sức chịu đựng của thị trường trước các yếu tố bên ngoài để tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước.

Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần có các giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy các DN niêm yết trên sàn để đa dạng hóa nguồn cung và ngành nghề trên thị trường, giảm áp lực huy động vốn qua kênh ngân hàng.

Về giải pháp thực hiện, trước tiên cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường; triển khai Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho DN khởi nghiệp sáng tạo và hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ; ban hành danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trên cơ sở đó phải quản lý đầu tư nước ngoài ngay tại thời điểm thành lập…

Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, TTCK thời gian qua đã có những bước phát triển lớn, phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cần phải có nhiều nỗ lực để đạt được những mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam trên danh sách các thị trường mới nổi (Emerging Markets) trước năm 2025.

Việc nâng hạng TTCK không phải là câu chuyện và nỗ lực của riêng ngành chứng khoán hay cơ quan quản lý TTCK. Động lực nâng hạng thị trường, chính là các DN đại chúng. Chỉ khi DN minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin; quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), phát triển bền vững, sẽ là hạt nhân để phát triển nội lực TTCK, là cái gốc của nâng hạng.