Đề xuất nêu trên do Liên danh tư vấn Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cùng Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) đưa ra trong nghiên cứu hỗ trợ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh về phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn.
Bà Nguyễn Thu Trà, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, ý tưởng trên xuất phát từ thực tế trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu không gian xanh và kết nối đi bộ hai bờ Quận 1 - Thủ Thiêm. Điều này gây trở ngại và giảm tính cân bằng trong quá trình đô thị hóa hai bờ sông, nhất là bán đảo Thủ Thiêm. Nếu thành phố xây thêm một hoặc hai cầu cho người đi bộ và xe đạp bắc ngang sông Sài Gòn đoạn qua trung tâm sẽ tác động tích cực kết nối không gian hai bờ.
Tuy nhiên, dòng sông ở khu vực này lại khá rộng, chừng 250 m - khoảng cách lớn hơn so với sông Singapore, gấp đôi sông Seine (Pháp), nơi đã quy hoạch bài bản. Do vậy, giải pháp đưa ra là những cây cầu này sẽ nối xuống một số đảo vườn xây trên mặt sông, tạo ra những điểm “dừng chân”, chuyển tiếp từ Quận 1 trước khi đến Thủ Thiêm. Đảo vườn có thể xây cố định hoặc nổi ở gần bờ - nơi dòng chảy chậm hơn. Các đảo sẽ tạo ra một loại rào cây tự nhiên, không bị ảnh hưởng bởi tàu thuyền đi lại. Trên đảo, thành phố có thể tổ chức các hoạt động giải trí như quán nhạc, cà-phê, nhà hàng nổi... Điều này sẽ giúp tăng trải nghiệm cho người dân, du khách, tạo nên điểm du lịch, giải trí hấp dẫn. Khi thiết kế hài hòa, những đảo này không chỉ hình thành không gian sống đẹp, phù hợp nhu cầu hiện đại mà còn bảo đảm sự cân bằng về không gian ở khu vực…
Sau khi ý tưởng của Liên danh tư vấn được công bố đã nhận được nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia đô thị. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, ý tưởng xây đảo vườn nổi trên sông Sài Gòn là không phù hợp. Theo ông Sơn, dù sông Sài Gòn rộng hơn sông Seine (Pháp) nhưng hai bên bờ sông Seine không có nhà cao tầng. Các tòa nhà dọc sông tại Paris chỉ giới hạn cao khoảng 5 - 6 tầng nên bên dưới lòng sông có thể làm các công trình tăng không gian xanh.
Còn với sông Sài Gòn, nhất là tại khu vực trung tâm nơi tư vấn đề xuất xây vườn nổi, dọc đôi bờ đều là các tòa nhà thấp nhất cũng trên dưới 20 tầng, gần đó có tòa Bitexco cao tới 60 tầng. Với tương quan đôi bờ như vậy, mặt sông sẽ trở nên không quá rộng và cần có không gian dưới nước đủ lớn để những tòa nhà cao tầng soi bóng xuống, mới bảo đảm không gian đô thị đẹp. Chưa kể, các công trình này chắc chắn sẽ tác động ảnh hưởng môi trường, tác động tới dòng chảy và hạn chế giao thông thủy.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Kinh tế tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng khẳng định, ý tưởng xây đảo nổi trên sông là không hợp lý vì sẽ gây cản trở dòng chảy của sông Sài Gòn. Nếu triển khai, thành phố không chỉ đánh đổi môi trường mà còn đánh đổi cả hệ sinh thái tự nhiên, phá vỡ cảnh quan và mỹ quan đô thị. Cũng theo ông Thuận, chúng ta đang đối mặt những ảnh hưởng biến đổi khí hậu khó lường. Vì vậy thành phố cũng phải thuận theo quy luật tự nhiên để phát triển, nhằm tránh những hậu quả do chúng ta tạo nên, nhưng rất khó để khắc phục.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh), xây đảo nổi tại khu vực lòng sông sẽ trở thành nguồn ô nhiễm mới bởi những phát thải do việc kinh doanh, buôn bán, du lịch của con người. Đó là chưa kể, những đảo nổi này sẽ thu hẹp lòng sông, khiến việc lưu thông đường thủy bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt biến đổi khí hậu, do đó không nên tác động thêm vào dòng chảy để dẫn đến nguy cơ sạt lở hai bên bờ.
Về đề xuất đơn vị tư vấn muốn gắn các vườn đảo nổi với khoảng 3 - 4 cây cầu đi bộ bắc qua sông, các chuyên gia đô thị cho rằng, đoạn sông Sài Gòn chảy qua trung tâm chỉ cần một cây cầu đi bộ là đủ. Nếu làm nhiều cầu đi bộ chưa chắc đã sử dụng hết công năng mà còn phát sinh các giải pháp về bãi giữ xe cho du khách. Giải pháp tốt nhất để phát huy tiềm năng sông nước cho khu vực trung tâm thành phố là bên kia cầu đi bộ phía Thủ Thiêm (đã được quy hoạch và chuẩn bị xây dựng) cũng hình thành một tuyến phố đi bộ kéo dài dọc bờ sông. Với không gian liên thông như vậy thì giá trị sông Sài Gòn càng được nâng tầm mà không tốn quá nhiều chi phí đầu tư.
Trước nhiều ý kiến trái chiều về ý tưởng của nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở sẽ lắng nghe mọi góp ý, hiến kế của các nhà khoa học để có giải pháp vừa phát triển được kinh tế ven sông vừa giữ được cảnh quan môi trường cho thành phố. Các đề xuất mới sẽ được Sở tiếp nhận, nghiên cứu nghiêm túc, thẩm định kỹ lưỡng để tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố lựa chọn, tính toán hài hòa trong tổng thể phát triển của thành phố.